“Những người lính trẻ thấy bất công rành
rành trước mặt như vậy, bị bóc lột như vậy thì tự họ cũng nhận ra được bản chất
bất công của chế độ. Không cần một thế lực thù địch nào phải “nói xấu”, “bôi nhọ”
chế độ với họ. Những bất công đó chính là chất xúc tác khiến quá trình “tự diễn
biến, tự chuyển hóa” trong quân đội cũng như trong thanh niên, diễn ra nhanh
hơn bao giờ hết.”
Liệu còn ai “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”?
Trung Nguyễn
Những
người lính này nghĩ gì về chủ trương “quân đội làm kinh tế”? Nguồn: QĐND VN
Hiện nay đang rộ lên tranh luận dữ dội về chuyện
quân đội có nên làm kinh tế hay không. Về phía người dân, trí thức thì hầu như
đồng tình với quan điểm quân đội nên chấm dứt làm kinh tế mà tập trung vào nhiệm
vụ tập luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên vẫn còn những tướng lãnh,
quan chức cao cấp nhân danh những điều có vẻ cao đẹp hay tưởng chừng có lý để bảo
vệ cho những công ty quân đội được tiếp tục hoạt động.
Từng là một người lính, có bố cũng là một cựu chiến
binh, bạn bè, họ hàng cũng có một số người theo nghiệp lính, tôi chỉ muốn kể ra
vài câu chuyện mà tôi thấy để các lãnh đạo đảng cộng sản có thêm thông tin để
ra quyết định đúng. Vì e rằng họ ở cao và xa quá, bản thân chỉ nhận được những
báo cáo màu hồng của cấp dưới mà không nghe được sự thật.
Sĩ quan con ông cháu cha
Tôi từng chứng
kiến một sĩ quan trẻ có bố là Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ quốc phòng mỗi ngày
đến đơn vị là lái một chiếc xe ô tô hạng sang khác nhau, với đủ các hiệu như
Mercedes, BMW, Audi, Lexus… Hỏi ra mới biết là viên tướng này được cấp rất nhiều
đất quốc phòng, ngoài ra còn kinh doanh bên ngoài. Lính ở đơn vị cũng bị huy động
để làm bảo vệ cho các cơ sở kinh doanh đó.
Một người lính
chịu trách nhiệm phục vụ riêng cho tay sĩ quan trẻ đó (trong quân đội gọi là
“le le”), có lần kể tôi nghe là trong chiếc điện thoại Mobiado của hắn toàn số
điện thoại của các người mẫu, diễn viên, ca sĩ trẻ đẹp.
Tôi biết các sĩ
quan khác rất ác cảm đối với viên sĩ quan trẻ đó. Họ có thể rất nỗ lực phấn đấu
nhưng chắc chắn không bao giờ có thể thăng tiến nhanh bằng một sĩ quan con ông
cháu cha, dù bất tài, ăn chơi giỏi hơn bắn súng. Ngoài ra, với đồng lương của một
sĩ quan, họ nuôi gia đình rất vất vả, lại chịu thiệt thòi ở trong doanh trại
24/24, bao giờ họ có thể sắm được một chiếc ô tô chứ đừng nói gì một chiếc siêu
xe?
Một chính trị
viên đại đội từng tâm sự với tôi rằng, nếu Bộ Quốc phòng chấp nhận tất cả đơn
xin ra khỏi ngành của đơn vị, cả đơn vị chỉ còn lại 10 sĩ quan là con ông cháu
cha. Những sĩ quan con em dân thường đều không muốn tiếp tục cống hiến trong
quân đội.
Nước sông công lính
Người thân ở quê
tôi miền Trung cũng kể tôi nghe về những tháng ngày họ phải đi nghĩa vụ quân sự.
Anh em bộ đội toàn bị bắt phải đi lao động như phụ hồ, trồng trọt hoa màu,…
theo thỏa thuận giữa chỉ huy đơn vị và doanh nghiệp ngoài quân đội. Lính không
hề nhận được tiền công, dĩ nhiên, chỉ huy là người nhận hết.
Những đơn vị
quân đội rất hay lợi dụng sức lao động không công của lính để phục vụ cho các
công ty quân đội. Ví dụ như lính có thể đi kéo cáp điện thoại, xây các công
trình không công cho Viettel. Thử hỏi có doanh nghiệp dân doanh nào có được lực
lượng lao động hùng hậu và miễn phí như thế để có cái gọi là “cạnh tranh bình đẳng” hay “kinh tế thị trường”? Chưa kể đến chuyện
Viettel sử dụng đất quốc phòng cũng là “xài
chùa”.
Cần biết là lính
đi nghĩa vụ đa số là con nhà nghèo vì không có tiền để chạy. Bố mẹ nhà giàu có
con ăn chơi, hút chích muốn con đi bộ đội cũng phải bỏ tiền ra chạy. Nói chung
thì đằng nào các sĩ quan phụ trách tuyển lính cũng được lợi.
Những người lính
trẻ thấy bất công rành rành trước mặt như vậy, bị bóc lột như vậy thì tự họ
cũng nhận ra được bản chất bất công của chế độ. Không cần một thế lực thù địch
nào phải “nói xấu”, “bôi nhọ” chế độ với họ. Những bất công đó chính là chất
xúc tác khiến quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong quân đội cũng như
trong thanh niên, diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.
Làm lính hay sĩ quan gì cũng đều phải “chạy”
Một bạn tốt nghiệp
Trung cấp an ninh quân đội tâm sự với tôi rằng, bạn phải chạy để được ở lại Sài
Gòn, nếu không thì sẽ bị điều đi vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên.
Một bác hàng xóm
của tôi cũng kể là bác ấy phải chạy cả trăm triệu để con bác ấy được nhận vào
làm sĩ quan chuyên nghiệp.
Bạn của bố tôi,
đang mang hàm đại tá, cũng kể với bố tôi là bác ấy được ra giá cho chức thiếu
tướng là 20 tỷ đồng.
Khi sao, vạch được
định giá bằng tiền chứ không phải bằng tài năng, cống hiến thì liệu sĩ quan cấp
dưới có còn phục sĩ quan cấp trên nữa không, hay chỉ còn sự khinh bỉ nhưng vẫn
giả bộ phục tùng? Điều này cực kỳ nguy hiểm vì kỷ luật là sức mạnh của quân đội.
Khi cấp dưới khinh thường cấp trên thì khi có biến, cấp dưới cũng sẽ vứt bỏ tấm
mặt nạ phục tùng của mình.
Một hệ thống như
vậy sẽ khuyến khích các sĩ quan biết chạy chọt, biết lợi dụng chức quyền để kiếm
chác, và sẽ làm nản lòng những người tâm huyết, tài năng.
Tham nhũng
Trong một lần xe
quân sự chở lính đi ra trường bắn ở xa doanh trại để tập luyện, tôi chứng kiến sĩ
quan lái xe dừng xe giữa đường hút xăng ra để bán cho một cây xăng ven đường.
Tham nhũng vặt là vậy.
Một anh bạn tôi
là doanh nhân trong ngành vải. Anh này kể cho tôi nghe rằng các công ty quân đội
nhập khẩu vải về mà không phải đóng thuế vì khai là hàng phục vụ cho nhu cầu quốc
phòng. Sau đó thì số hàng hóa đó được bán lại cho các công ty khác với giá rẻ
hơn rất nhiều và đưa ra thị trường. Thật sự làm kinh doanh trong công ty quân đội
có thể kiếm lời rất dễ dàng với những thủ thuật trốn thuế như vậy. Đó là tham
nhũng lớn.
Vẽ dự án
Một người bạn
tôi là sĩ quan kỹ thuật của quân đội. Bạn cũng ngao ngán kể
tôi nghe về chuyện vẽ các dự án kỹ thuật trong quân đội. Ví dụ như tiền xin rót
về dự án là 10 tỷ, tiền phải lại quả cho các sếp duyệt dự án là 5 tỷ. Tiền các sĩ
quan trong tổ dự án kỹ thuật chia nhau cũng khoảng 3 tỷ. Còn lại là tiền thực sự
để làm dự án thì không bao nhiêu, không đủ để làm bất cứ thứ gì ra hồn nhưng
cũng giả bộ nghiệm thu, và rồi cũng lại quả cho các sĩ quan nghiệm thu. Tất cả
thành một đường dây khép kín để moi tiền của Bộ quốc phòng, tức là tiền thuế của
dân. Trong khi năng lực quốc phòng, sản xuất vũ khí không hề có tiến bộ gì.
Hỏi và suy ngẫm
Những người lính phải ngày đêm tập luyện trên thao
trường hay phải ở doanh trại 24/24 với đồng lương còm nhìn sang những “người
lính làm kinh tế” với thời gian làm việc nhàn hơn, lương cao hơn và có nhiều cơ
hội kiếm tiền hơn, và hệ quả là lên cấp, lên chức nhanh hơn với suy nghĩ gì? Họ
sẽ đặt câu hỏi, liệu có công bằng hay không giữa lính chiến đấu và lính kiếm tiền?
Vậy khi giặc đến, thì những người lính chiến đấu đó
liệu có “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nữa hay không? Liệu họ có chiến đấu
và chết cho một chế độ bất công hay không?
Câu trả lời xin dành cho các lãnh đạo của đảng cộng
sản cầm quyền, cho các tướng lãnh trong quân đội.
© Copyright Tiếng Dân