Khoảng 1 ngàn người dân thuộc giáo xứ Cồn
Nâm, thuộc địa bàn xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào ngày 3
tháng 7 cùng nhau lên trụ sở Ủy ban Nhân dân xã yêu cầu bồi thường vì bị tác động
bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên. Courtesy Xuân Diện Blog
Khoảng 1 ngàn người dân thuộc giáo xứ Cồn Nâm, thuộc
địa bàn xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào ngày 3 tháng 7 cùng
nhau lên trụ sở Ủy ban Nhân dân xã yêu cầu bồi thường vì bị tác động bởi thảm họa
môi trường do Formosa gây nên.
Lịnh mục Trương Văn Thực, quản xứ Cồn Nâm, vào chiều
ngày 3 tháng 7 cho biết lại lý do những giáo dân sống ở 5 thôn tại xã Quảng
Minh phải đi đòi hỏi quyền lợi:
“Theo quyết định 1880 của chính phủ với
7 hạng mục được đền bù thì tại địa phương này có nhóm ‘mò cua, bắt ốc’ (được bồi
thường). Chúng tôi cũng nằm trong vùng chịu tác động trực tiếp bởi thảm họa môi
trường Formosa nên người dân ai cũng được bồi thường.
(Theo như tôi biết) ngoài Hà Tĩnh người
ta nhận được đền bù 35 triệu 500 ngàn; một số nơi được 17 triệu 400 ngàn… Ở đây
có 4 người được đền bù 8 triệu 230 ngàn hay 270 ngàn gì đó; tuy nhiên chỉ mới
có 4 gia đình được.”
Theo vị linh mục này thì 4 gia đình nhận được bồi
thường nằm trong số dân ở 5 thôn thuộc địa bàn xã Quảng Minh. Tổng số giáo dân
trong giáo xứ chừng 4.000 người.
Kết quả cuộc đi đòi hỏi quyền lợi trong ngày 3 tháng
7 của chừng 1.000 giáo dân xứ Cồn Nâm vẫn không có kết quả gì khi cán bộ chức
năng của xã cố tình đùn đẩy trách nhiệm không trả lời những yêu cầu của người
dân:
“Bà con ký yêu cầu đòi bồi thường thông
qua thôn; nhưng xã vẫn cứ lấp liếm. Chúng tôi muốn nghe câu trả lời từ họ;
nhưng họ cứ chối bỏ cách này, cách khác. Họ không trả lời thẳng thắn vấn đề đó;
cứ bảo là trên chưa phê duyệt. Chúng tôi muốn có câu trả lời trực tiếp thì họ cứ
đi vòng vo.”
Quảng Bình là một trong 4 địa phương chịu tác động
trực tiếp bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh xả
hóa chất độc hại trực tiếp ra biển gây nên.
Nhà máy Formosa thừa nhận hoạt động xả thải, công
khai xin lỗi trên truyền hình và bồi thường 500 triệu đô la.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, người đứng đầu ban khắc
phục hậu quả của thảm họa môi trường Formosa trong cuộc họp vào tháng 6 vừa qua
ra chỉ thị đến cuối tháng 6 công tác bồi thường phải hoàn tất.
Liên quan đến môi trường biển miền Trung, trong cuộc
họp Chính phủ với các địa phương vào chiều ngày 3 tháng 7, ông Nguyễn Xuân Phúc
nêu câu hỏi biển miền Trung an toàn hay chưa; thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
cho rằng qua giám sát tại những vùng liên quan thì hải sản tầng thượng, tầng
trung đã an toàn.
Đối với hải sản tầng đáy thì thứ trưởng Trương Quốc
Cường nói rằng Bộ Y tế thực hiện giám sát từ tháng 6 năm ngoái cho đến tháng 3
năm nay; kết quả được ông Trương Quốc Cường báo cáo là các chỉ số hóa chất ô
nhiễm liên tục giảm, và không còn độc hại.
Ông Trương Quốc Cường nói rằng Bộ Y Tế đã phối hợp với
các chuyên gia quốc tế thống nhất lấy mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung với 3
nơi khác gồm Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, và Khánh Hòa để đối chứng. Kết quả
trong tháng 6 vừa qua được nói là các mẫu giống nhau.
Một số nhà khoa học trong nước yêu cầu cơ quan chức
năng cần minh bạch tất cả những kết quả giám sát để những ai cần đều có thể tiếp
cận.