Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng
(ngày 12.07.2017)
Biển Đông : Hải Quân Mỹ – Việt diễn tập tại
cảng Cam Ranh
Chiến hạm Mỹ, USS Coronado (LCS 4) tại Biển Đông. Ảnh chụp hồi tháng 2/2017.U.S. Navy/MC2 Amy M. Ressler
Theo trang mạng stripes.com ngày 05/07/2017, sau khi
vào gần vùng đảo có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung cộng và Đài Loan
tại Biển Đông, tàu chiến Mỹ đã tới quân cảng Cam Ranh để tiến hành
các cuộc thao dượt với Hải Quân Việt Nam. Được biết, đây là Hoạt động Hợp tác Hải quân lần thứ tám giữa
Hoa Kỳ và Việt Nam.
Hải Quân Mỹ cho biết, hai chiến hạm USS Coronado
và USNS Salvor cập cảng Cam Ranh, bắt đầu các hoạt động diễn tập
khuôn khổ hoạt động hợp tác thường niên. Trong 5 ngày, Hải Quân hai
nước sẽ tiến hành các bài tập như tiếp liệu, cứu hộ và xử lý các
tình huống va chạm bất thường trên biển. Qua các bài tập trên, đôi bên
sẽ trao đổi với nhau về kỹ năng kiểm soát các tai nạn, sự cố và
luật lệ trên biển.
Trong thông cáo, Don Gabrielson, tư lệnh Task Force
73, đơn vị hậu cần tác chiến của Hải Quân Mỹ tại Tây Thái Bình
Dương, tuyên bố Hoa Kỳ đánh giá cao quan hệ đối tác toàn diện với
Việt Nam và mong muốn thắt chặt mối quan hệ đó qua các hoạt động
giao lưu Hải Quân giữa hai nước kiểu như thế này.
Hoạt động diễn tập giữa Hải Quân Mỹ- Việt đã
trở nên thường niên từ năm 2010, nhưng đây là lần đầu tiên quân cảng Cam
Ranh được lấy làm căn cứ cho các hoạt động diễn tập. Năm ngoái cuộc
thao dượt diễn ra ở cách bờ biển phía bắc Đà Nẵng 300 hải lý.
Trang
tin stripes.com nhắc lại, trong chuyến thăm vịnh Cam Ranh hồi năm 2012,
bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khi đó là Leon Panetta đã ngỏ ý muốn Hải
Quân Mỹ có thể vào cảng Cam Ranh, một vị trí được ông đánh giá như
là « bộ phận mấu chốt » trong quan hệ Mỹ-Việt.
Cuộc
diễn tập Hải Quân Mỹ-Việt lần này diễn ra trong bối cảnh hôm Chủ
Nhật (02/07/2017) vừa qua, chiến hạm mang tên lửa Mỹ USS Stethem đã đi
vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, trong quần đảo Hoàng Sa
hiện Trung cộng đang chiếm của Việt Nam từ ba chục năm nay. Bắc Kinh coi
đó là hành động « khiêu khích », « xâm phạm chủ
quyền lãnh thổ và đe dọa an ninh của Trung cộng ».
(Theo RFI)
Một số hình ảnh về
tàu tác chiến ven bờ USS Coronado (LCS 4) và tàu cứu hộ thuộc lớp Safeguard
USNS Salvor (T-ARS-52) trong chuyến thăm tới Cảng Quốc tế Cam Ranh trong khuôn
khổ Hoạt động Giao lưu Hải quân (NEA) Việt Nam 2017.
USS Coronado dài
127 m, rộng 32 m, giãn nước đầy tải 3.100 tấn. Tàu được trang bị hai động cơ
tuabin khí General Electric LM2500, cho tốc độ tối đa 87 km/h và tầm hoạt động
8.000 km. Thủy thủ đoàn gồm 40 người và có thể tăng lên 75 người tùy theo yêu cầu
nhiệm vụ.
Tàu được thế kế để
đối phó với các mối đe dọa trên vùng biển gần bờ, thực hiện nhiệm vụ quét mìn,
chống ngầm và chống tàu mặt nước.
USNS Salvor
dài 78 m, giãn nước đầy tải 3.300 tấn, cho tốc độ đố tối đa 28 km/h.
Tàu Salvor được thiết kế phù hợp với các hoạt động cứu nạn và cứu hộ
trên biển, toàn thế giới.
Báo cáo về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung cộng
Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm
chìm được kéo về đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày 29/05/2014.REUTERS/Stringer
Kể từ năm 1995 đến nay, Trung cộng đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh
cá trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông đối với cả ngư dân Trung cộng lẫn ngoại
quốc. Lệnh cấm năm 2017 kéo dài từ 01/05 vừa qua, cho đến tháng Tám.
Theo báo cáo của cơ quan (AMTI) này thì lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm của
Trung cộng tại những vùng biển quanh Hoa Lục mà Trung cộng cho là thuộc chủ quyền
của họ gồm Biển Đông, Hoa Đông, Hoàng Hải/Bột Hải. Tại khu vực Biển Đông, lệnh
này áp dụng cho khu vực trên vĩ tuyến 12 bao gồm Bãi cạn Scaborough, Quần đảo
Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ.
Cho đến nay, có rất ít báo cáo về các sự kiện liên quan đến việc Bắc
Kinh thực thi lệnh này, nhưng trong bản báo cáo công bố ngày 07/07/2017, cơ
quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á - AMTI cho rằng cần phải theo dõi sát
sao tình hình vì Trung cộng thường có biện pháp thô bạo để áp đặt lệnh cấm đơn
phương của họ.
Truyền thông quốc tế nhận định lệnh cấm năm nay nghiêm nhặt hơn những
năm trước, không chỉ về thời gian dài hơn mà Bắc Kinh còn mở rộng các hoạt động
liên quan.
Mỗi khi Trung cộng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại những vùng biển
như vừa nêu đều gây ra phản ứng từ các lân bang và dẫn đến căng thẳng giữa lực
lượng chấp pháp của các nước trong khu vực với tàu thuyền đánh cá.
Sau khi điểm lại các sự việc xảy ra từ năm 2012 đến năm 2017, bản báo
cáo đã kết luận rằng lệnh cấm của Trung cộng năm nào cũng « làm bùng
lên nỗi tức giận giữa Bắc Kinh với các láng giềng, tạo nên tình trạng căng thẳng
giữa việc thực thi pháp luật khu vực và các đội tàu đánh cá ».
Các sự kiện, đôi khi dữ dội, là một vấn đề quanh năm giữa ngư dân Trung
cộng và các nước láng giềng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan xuống đến Đông Nam
Á, thế nhưng lệnh cấm đánh bắt cá tạo ra một tác động đặc biệt. Đó là khi lệnh
cấm được ban ra, hầu hết các tàu đánh cá nhỏ và vừa của Trung cộng quay về bến;
trong lúc đó nhiều tàu lớn khác chuyển hướng xuống khu vực nam vĩ tuyến 12 dẫn
đến tình trạng gia tăng những vụ va chạm với tuần duyên các nước láng giềng Trung
cộng tại những khu vực như quần đảo Trường Sa và ngoài khơi Nam Dương.
Tác động đáng chú ý nhất là tình trạng tăng cao những vụ va chạm giữa lực
lượng tuần duyên Trung cộng và ngư dân Việt Nam tại khu vực quanh quần đảo
Hoàng Sa.
Về phía Việt Nam, chính quyền Hà Nội lên án lệnh cấm đánh bắt cá của Trung
cộng là vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa cũng như vi phạm
Hiệp định Đánh bắt chung tại Vịnh Bắc Bộ mà hai phía ký kết năm 2000.
Trung cộng lâu nay cũng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đối với Bãi cạn
Scaborough nhưng bị Tòa Trọng tài Thường Trực PCA vào tháng 7 năm 2016 tuyên là
phi pháp. Theo PCA thì ngư dân Trung cộng, Phi Luật Tân, và Việt Nam đều có quyền
khai thác hải sản tại khu vực bãi cạn này.
Đối với Phi Luật
Tân, trước khi lệnh cấm đánh bắt có hiệu lực vào tháng Năm vừa qua, đã có tin
là ngày 27/05, một tàu công vụ của Trung cộng đã bắn cảnh báo vào các ngư dân
Phi để đưa họ ra khỏi khu vực Cụm Sinh Tồn (tên quốc tế là Union Banks), một
ngư trường truyền thống của ngư dân Phi Luật Tân nằm gần một rạn san hô do Trung
cộng kiểm soát.
Vì vậy nên AMTI cảnh
báo cần phải thận trọng theo dõi việc Trung cộng thực thi lệnh cấm đánh cá trên
Biển Đông năm nay.
Trọng Nghĩa (RFI)
Biển Đông : Việt Nam tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ
Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh (T) và
ngoại trưởng Ấn Sushma Swaraj trước cuộc trao đổi tại New Delhi, ngày
4/07/2017.PRAKASH SINGH / AFP
Nhân cuộc họp thường
niên giữa ASEAN với Ấn Độ, mang tên Đối thoại New Delhi, vào tuần trước, trang
mạng The Interpreter của Viện Lowy, một viện nghiên cứu của Úc, đã có bài viết
về việc Việt Nam đang tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ trên Biển Đông, vào lúc mà tranh
chấp chủ quyền ở vùng biển này có vẻ đang khiến quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh căng thẳng
trở lại.
The Interpreter nhắc
lại tuyên bố của bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh tại Đối thoại New Delhi
ngày 04/07/2017 rằng Việt Nam “hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục là một đối tác
trong nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh chiến lược và tự do hàng hải ở Biển Đông trên
cơ sở luật pháp quốc tế và các công ước”. Ông Phạm Bình Minh còn bày tỏ tin
tưởng rằng “ ASEAN sẽ hưởng lợi từ kinh nghiệm của Ấn Độ, giải quyết
các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.”
Theo The
Interpreter, việc Hà Nội kêu gọi New Delhi đóng vai trò quan trọng hơn ở Đông
Nam Á và Biển Đông là điều không hoàn toàn bất ngờ. Đây không phải là lần đầu
tiên Việt Nam kêu gọi hậu thuẫn từ một quốc gia không có những lợi ích trực tiếp
trong khu vực. Cách đây vài tháng, Hà Nội đã ra một lời kêu gọi tương tự đến
Hàn Quốc, tuy nước này chưa phải là một “đối tác chiến lược” của
Việt Nam.
Vài ngày sau tuyên
bố nói trên của ông Phạm Bình Minh, Việt Nam đã triển hạn thêm 2 năm cho công
ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thăm dò tại một lô dầu khí của Việt Nam nằm trong
một khu vực tranh chấp chủ quyền với Trung cộng. Công ty dầu khí này đã ký hợp
đồng thăm dò dầu khí ở lô 128 từ năm 2006. Đến năm 2012, ONGC Videsh đã rút khỏi
khu vực đó. Họ khẳng định đây là một quyết định mang tính thương mại, nhưng nhiều
người ở Việt Nam lúc ấy tin rằng quyết định đó là do áp lực của Trung cộng.
The Interpreter nhắc
lại rằng trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Narendra Modi vào năm ngoái, Việt
Nam đã tuyên bố Ấn Độ là “đối tác chiến lược toàn diện”, mức cao nhất
trong quan hệ giữa Việt Nam với nước ngoài.
Các chuyên gia về
chính sách đối ngoại của Ấn Độ cho rằng các quan hệ đối tác của Ấn Độ với các
Đông Á như Việt Nam có thể giúp trì hoãn việc Trung cộng triển khai sức mạnh hải
quân sang vùng Ấn Độ Dương. Quan hệ đối tác với Ấn Độ cũng rất quan trọng đối với
Việt Nam, vì Hà Nội xem các hoạt động hải quân của những cường quốc như Ấn Độ
và Hoa Kỳ là rất cần thiết trước mối đe dọa Trung cộng.
Việt Nam vẫn hoan
nghênh mọi hành động cụ thể hoặc những tuyên bố về bảo đảm tự do hàng hải ở Biển
Đông, vì những hành động hoặc tuyên bố này có thể giúp ngăn chận Trung cộng có
những hành động xâm lấn hoặc những hành động khác như vụ giàn khoan 981 năm
2014. Vào lúc đó, Trung cộng đã đặt giàn khoan này ngay trong vùng đặc quyền
kinh tế Việt Nam, gây ra khủng hoảng giữa hai nước và khiến dư luận Việt Nam phẫn
nộ, dẫn đến nhiều vụ biểu tình dữ dội phản đối Bắc Kinh.
Hiện nay, Trung cộng
vẫn tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, nhưng hợp tác hàng hải và những
hỗ trợ tài chính từ những cường quốc như Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ giúp Việt
Nam ít ra bảo vệ được những vị trí của mình ở vùng biển này.
Thanh Phương (RFI)
CSVN dựa Ấn Độ để giảm bớt lệ thuộc Trung Cộng
Theo tạp chí thương
mại Hoa Kỳ, Forbes, Trung Cộng và CSVN hồi năm qua đã thương lượng với thái độ
ôn hoà về triển vọng hợp tác lâu dài, bất chấp sự xung đột vì tranh giành chủ
quyền tại Biển Đông kéo dài nhiều thập niên.
Trung Cộng cần hoà
giải vì một phán quyết của toà án trọng tài quốc tế hồi tháng 7 năm ngoái bác bỏ
tuyên bố chủ quyền của họ tại hầu hết Biển Đông rộng 3.5 triệu cây số vuông mà
Việt Nam cũng đang sử dụng. Phía Việt Nam muốn thương lượng vì đang lệ thuộc nặng
nề nền kinh tế Trung Cộng, quốc gia xuất khẩu hàng hoá hàng đầu cho Việt Nam
trong nhiều năm.
Giới lãnh đạo CSVN
không dám chắc rằng tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ giúp quân đội mình phát
triển như chính phủ tiền nhiệm Obama đã làm.
Tuy nhiên, nay thì
Việt Nam chuyển sang thắt chặt bang giao với Ấn Độ bằng việc cho phép công ty dầu
Ấn Độ tiếp tục khai thác và thăm dò mỏ dầu tại Biển Đông.
Thủ tướng CSVN hy vọng
trị giá giao thương giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ lên đến 15 tỉ Mỹ kim vào năm 2020.
Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Cộng đã lên đến 95.8 tỉ Mỹ kim vào
năm 2015 nghiêng về phía Trung Cộng.
Theo Forbes, dựa
vào Ấn Độ được coi là chính sách ngoại giao đúng của Việt Nam. Vì Ấn Độ có lực
lượng quân đội mạnh thứ 4 thế giới, có thể giúp Việt Nam chế ngự ảnh hưởng của
Trung Cộng.
Ấn Độ đề nghị bán
vũ khí và huấn luyện cho thuỷ thủ Việt Nam, ngoài việc bán chiến hạm tuần tiễu.
Theo SBTN
Tập trận Mỹ – Ấn – Nhật lớn nhất từ trước tới nay
Ngày 10/7, nhóm tàu chiến của Mỹ do hàng không mẫu hạm
USS Nimitz dẫn đầu đã bắt đầu các cuộc tập trận hải quân với Ấn Độ và Nhật Bản.
Hải quân Mỹ nói các cuộc tập trận sẽ giúp ba nước đương đầu với các mối đe dọa
hàng hải trong khu vực châu Á Thái Bình Dương
Theo tin Reuters, cuộc tập trận thường niên mang tên
Malabar đang diễn ra ở ngoài khơi bờ biển Ấn Độ. Đây là cuộc tập trận lớn nhất
kể từ khi Ấn Độ và Hoa Kỳ bắt đầu tập trận từ năm 1992. Nhật Bản sau đó được
mời tham gia.
Các giới chức quân đội Mỹ cho biết tham gia các cuộc
tập trận ngoài hàng không mẫu hạm USS Nimitz, còn có hàng không mẫu hạm
Vikramaditya của Ấn Độ và tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản. Cuộc tập
trận chung có mục đích giúp duy trì cán cân lực lượng ở khu vực châu Á - Thái
Bình Dương chống lại sức mạnh ngày càng tăng của một nước Trung cộng đang trỗi
dậy.
Cả ba nước đều quan ngại về yêu sách chủ quyền của Trung
cộng đối với hầu hết Biển Đông, và rộng hơn, sự hiện diện quân sự ngày càng quy
mô của Bắc Kinh trong khu vực.
Các cuộc tập trận hàng hải diễn ra giữa lúc Ấn Độ và Trung
cộng đang rơi vào bế tắc trong vụ tranh chấp biên giới trên đất liền trên dãy
Hy Mã Lạp Sơn. Đây là vùng cao nguyên tiếp giáp với Trung cộng, kế cận bang
Sikkim nhiều núi non của Ấn Độ, đã làm căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc
khu vực.
Trong một thông báo, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ
cho biết cuộc tập trận sẽ giúp ba nước hoạt động với nhau và Bộ Tư Lệnh đang
học cách phối hợp với hải quân Ấn Độ.
Ấn Độ và Hoa Kỳ từng ở hai bên đối nghịch trong cuộc
chiến tranh lạnh kéo dài nhiều thập kỷ. Nhưng trong những năm gần đây, hai nước
đã trở thành đối tác quốc phòng quan trọng của nhau.
Trước đây, Trung cộng chỉ trích các cuộc tập trận này
là gây bất ổn cho khu vực.
Hải quân Ấn cho hay cuộc tập trận tập trung vào các
hoạt động của hàng không mẫu hạm và cách săn tàu ngầm.
Vài ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận Malabar, truyền thông cho biết
trong hai tháng vừa rồi, hải quân Hoa Kỳ đã phát hiện hơn một chục tàu quân sự Trung
cộng, kể cả tàu ngầm, ở Ấn Độ Dương.
VOA Tiếng Việt
Phán quyết về Biển
Đông giúp lộ rõ chiến lược của Trung cộng
Theo The Philippine Star, nhân dịp
tròn một năm Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về tranh chấp Biển
Đông giữa Phi Luật Tân và Trung cộng (12/7/2016), chuyên gia về chính sách đối
ngoại và an ninh khu vực thuộc Viện Stratbase Albert Del Rosario, giáo sư
Renato Cruz De Castro cho rằng phán quyết này đã làm xói mòn sự biện minh pháp
lý đơn độc của Trung cộng.
Theo tác
giả, tranh chấp biển giữa Phi Luật Tân và Trung cộng cũng như phán quyết của
Tòa Trọng tài có thể được ai đó xem như là một phần của cuộc cạnh tranh nước
lớn giữa Trung cộng và Mỹ ở khu vực Đông Á.
Tuy nhiên,
bằng việc làm rõ những quyền lợi hàng hải của Biển Đông, tuyên bố chủ quyền
biển mang tính bành trướng của Bắc Kinh đã bị phơi bày trước dư luận và đánh
giá của cộng đồng quốc tế về tính hợp pháp và sự hiểu biết (về pháp luật của Trung
cộng).
Điều này đã
có tác dụng trong việc làm suy yếu tính hợp pháp của Trung cộng trong việc thay
đổi hiện trạng thực tế và làm hé lộ ý định chiến lược biển 4 gọng kìm của Bắc
Kinh, đó là: Làm xói mòn ưu thế vượt trội của sức mạnh Mỹ ở khu vực; làm suy
yếu sự tin cậy của các cam kết an ninh của Washington ở Đông Á; gieo bất đồng
giữa các nước ASEAN và các đối tác khu vực; gây sức ép đối với các quốc gia khu
vực quan tâm để chấp nhận “các lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh.
Hồi tháng
Tư, Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cũng ra thông cáo
chung kêu gọi thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, vô hiệu hóa những
tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung cộng trên Biển Đông.
Trong thông
cáo, các Ngoại trưởng G7 nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ về việc xây dựng các tiền
đồn quân sự mới tại các vùng biển tranh chấp cũng như việc đe dọa dùng vũ lực
trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
G7 xem phán
quyết hôm 12/7/2016 của Tòa Trọng tài theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển
là căn cứ hữu ích cho các nỗ lực sau này để giải quyết tranh chấp Biển Đông một
cách ôn hòa.
theo Vietnam+