(Tháng
10.1970, Không quân VNCH bay cứu đồng bào nạn lụt miền Trung)
KQ Trần Văn Ngọc
Cũng đâu vào khoảng thời gian tháng Chín,
tháng Mười năm 1970, miền Trung gặp thảm cảnh bão lụt, mưa triền miên bất tận. Nước
mênh mông khắp chốn, mực nước dâng lên ở mức độ kinh hoàng. Nước lũ trên nguồn
tuôn xuống đồng bằng, trong vòng một tiếng đồng hồ mực nước dâng lên cả thước.
Mưa nặng hạt, trần mây 200 bộ, tầm nhìn xa từ nửa dặm đến một dặm. Ngoài tám
phi hành đoàn có tên trên bảng Phi Vụ Lệnh, tất cả các nhân viên phi hành đều tự
động tập trung tại phi đoàn ngóng chờ tin tức và sẵn sàng.
Vì là ngày nghỉ tôi đến quán “Thượng Sĩ Đúng” ăn
sáng ghi sổ trước khi đến Phi Đoàn; ngày mưa trời xấu, nhất là túi không tiền
thì không nơi nào vui bằng ở Phi Đoàn. Cũng như các anh em khác, tôi đến phi
đoàn vào khoảng tám giờ (08:00) sáng. Thật là ngạc nhiên khi thấy mọi người tập
trung gần như đầy đủ, mặc dù chẳng có ai ra lệnh. Ngoài trời mưa vẫn rơi nặng hạt,
trời âm u. Hoạt động duy nhất của phi trường vẫn là những chuyến bay bên phía
Tây của phi trường thuộc các phi đoàn F-4 của Hải Quân cũng như của Thủy Quân Lục
Chiến Hoa Kỳ. Trong phi đoàn anh em chúng tôi chia nhau tụ tập đánh Bida, đánh
Cờ Tướng, đánh Domino, đánh Tứ Sắc, đánh Sập Sám hay sôi nổi kể cho nhau nghe
những trắc trở của các phi vụ đã trải qua. Không khí ồn ào, náo nhiệt thật hỗn
độn nhưng cũng thật vui nhộn. Trong giới phi hành tại Vùng I, chúng tôi đều
truyền nhau câu nói "Mây phủ Sơn Trà, về nhà đánh bạc" (1), với thời
tiết này thì bay bổng cái gì cơ chứ.
Khoảng đâu vào lúc mười giờ (10:00), tôi từ phòng nghỉ bước qua phòng Hành Quân thì anh Hạ Sĩ Quan trực trao cho tôi điện thoại nói là của Đại tá Nguyễn-Đức-Khánh, Tư Lệnh Không Đoàn 41-CT.
- Tôi đâu phải là Sĩ Quan Trực.
- Đại Tá muốn nói chuyện với Trung úy.
Chết mẹ! chuyện gì đấy? Tôi nghe điện thoại.
- Trung úy Ngọc tôi nghe.
Và nhận được câu hỏi thật nhẹ nhàng:
- Dân bị lụt khổ quá, bên Quân Đoàn họ đã nhờ "First Marine", trang bị CH-53 Black Stalion, nhưng bị từ chối vì thời tiết quá xấu. Quân Đoàn cũng yêu cầu bên "Black Cat", xử dụng UH-1 cũng như chúng tôi, cũng bị từ chối với cùng một lý do; thế liệu mình có thể làm được gì không Ngọc?".
Đúng là cung cách của Trung tướng Hoàng-Xuân-Lãm.
- "Đại tá để tôi thông báo cho ông Phi Đoàn Trưởng".
- "Ông Phi Đoàn Trưởng và Trưởng Phòng Hành Quân đang họp ở đây với tôi".
A! Có lẽ đây là trường hợp hoàn toàn nghịch lý với An phi mà nếu để cho Ông Phi Đoàn Trưởng hay Trưởng Phòng Hành Quân nói thì thế nào cũng bị phản đối thành ra để cho tên làng nhàng cóc cắn, vô quyền vô hạn lại to mồm như tôi nói thì lời nói có vẻ vô tội vạ hơn nên trực tiếp Ông Đại tá muốn tôi tự nguyện làm cái loa.
- "Để tôi thông báo với anh em".
Tôi ghi vào sổ trực trọn vẹn lời nói của Đại-tá Nguyễn-Đức-Khánh rồi sau đó thông báo cho các anh em. Thật là một chuyện vô tiền khoáng hậu và hy hữu trong lịch sử của Không Quân chứ đừng nói đến lịch sử của Phi Đoàn 213. Tất cả nhân viên phi hành đều túa ra ngoài phi đạo. Chưa bao giờ có cảnh phi hành đoàn dành nhau bay, túc trực tại phi cơ hối thúc và phụ với kỹ thuật sửa tàu trong mưa. Dù tàu bị rung ngang (lateral vibration), tầu quá giờ kiểm kỳ cũng lấy, miễn không nguy hiểm. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ mười bốn phi cơ chuyên chở thường và hai trực thăng võ trang lần lượt cất cánh. Bình thường trực thăng chuyên chở thực sự khả dụng hàng ngày là từ tám đến mười chiếc, chưa bao giờ đạt được trên con số này. Mưa vẫn nặng hạt, trần mây vẫn khoảng 200 bộ và tầm nhìn xa vẫn không thay đổi, từ nửa dặm đến một dặm. Chúng tôi chia vùng cho nhau để tránh tai nạn, phi cơ có thể đụng nhau. Trời xấu như thế mà lại không bật đèn lên được vì tầm nhìn xa quá ngắn, khoảng cách giữa nước và mây quá gần, sự phản chiếu của ánh đèn dễ làm cho phi công bị quáng (vertigo).
Người Không Quân không thù dai nhưng lại nhớ rất dai. Tôi nhớ đến một cuộc phỏng vấn của tờ báo Quân đội Hoa-Kỳ, "Stars & Stripes", phỏng vấn Trung tướng Hoàng-Xuân-Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I; trong cuộc phỏng vấn này khi được hỏi là "Không-Quân Việt-Nam đã có UH-IH rồi thì tại sao Trung tướng vẫn xử dụng Phi Hành Đoàn và Phi Cơ của Quân-Đội Hoa-Kỳ?". Trung tướng Hoàng-Xuân-Lãm đã khẳng định chắc nịch với phóng viên tờ "Stars & Stripes" là "Tôi hoàn toàn không tin tưởng vào khả năng và sự hiểu biết của Phi-Công Việt-Nam cũng như ngành Bảo-Trì của Không-Quân Việt-Nam". Sự kiện này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong Quân-Đội Việt-Nam cũng như trong quần chúng và báo giới cũng lên tiếng ồn ào một thời gian dài.
Tôi và Thiếu úy Phúc, hoa tiêu phó, trách nhiệm vùng "Nông Sơn", "Trà Kiệu". Với điều kiện thời tiết này tốc độ bị giới hạn trong khoảng 60 đến 70 dặm một giờ. Mưa cũng đã ngớt và tầm nhìn xa đã khá hơn. Chúng tôi đến từng nóc nhà một để đón dân. Chúng tôi đón tất cả mọi người. Hoàn cảnh này còn gì nữa mà phân biệt địch với ta. Bất cứ người nào lên nóc nhà là chúng tôi đón. Điều nguy hiểm duy nhất không phải là sợ bị Việt Cộng bắn mà sợ những tấm tôn đã được bão tố làm cho long đinh bốc lên theo gió lốc của cách quạt. Đợt đầu tiên chúng tôi đón thì dân còn ngồi trên nóc nhà, khi chúng tôi trở lại thì mọi người đều đã phải đứng vì nước dâng lên quá nóc nhà. Có một ông nông dân được anh cơ phi kéo lên trên tàu, tay còn khư khư ôm theo con heo nhỏ trong lòng. Lên đến phi cơ, ông nông dân tuột tay, con heo phóng xuống nước, ông nông dân liền phóng theo. Nước chảy siết, ông nông dân trôi đi khá xa; chúng tôi đã phải đón đường nhúng cả phi cơ xuống nước để đón cả ông nông dân lẫn con heo lên. Lần này thì tên cơ phi vất vả thật, nhờ có gắn loại dây an toàn dài mà Mỹ gọi là Monkey Harness, nên hắn nhảy ùm xuống nước mới vớt được cả ông nông dân lẫn con heo lên tàu đưa về sân bay Hội An. Đúng là khổ vì con lợn lòng. Điều oái oăm nữa là khi chúng tôi bay ngang qua một cây mít thì bị bắn... hụt. Dĩ nhiên là chúng tôi đã gọi trực thăng võ trang "Tiến Lùi", Trần Lê Tiến, đến dùng đại liên sáu nòng đưa tiễn mấy tên này về bên kia. Hoàn cảnh này khi bắn xong thì tụi hắn chạy đi đâu? Thế mà cũng bắn! Đúng là tối dạ.
Khoảng không gian sinh hoạt của chúng tôi đã bắt đầu bị thu hẹp lại vì sự góp mặt của "First Marine" và "Black Cat". Chúng tôi vào tần số của nhau để phòng tránh tai nạn. Sau đợt thứ hai thì tôi phải trở lại Đà Nẵng để thay cơ phi. Tên cơ phi đã quá mỏi mệt gần như muốn ngất xỉu vì phải kéo người lên phi cơ; nhưng hắn lại không muốn về. Mắt đỏ ngầu, người ướt như chuột lột mà vẫn gân cổ lên nói cà lăm đứt quãng là “Tôi không sao”. Ngày hôm đó phi hành đoàn nào cũng đã bay gần tám (8) tiếng không nghỉ. Phi cơ nổ máy đổ xăng, ghé qua phi đoàn đổi cơ phi, hay xạ thủ bốn lần; đồng thời nhận khẩu phần mỗi người một ổ bánh mì thịt với lon nước, nước do cố vấn phi đoàn tặng, và tiếp tục phi vụ. Đến khi trời sụp tối và không còn thấy rõ được nữa, chúng tôi mới rời vùng, chấm dứt phi vụ.
Trên đường về, khi gần đến Đại Lộc tôi nhìn thấy một đám Quân nhân TQLC Hoa Kỳ đứng ở trên mui xe vẫy gọi, họ bị kẹt giữa đường vì xe bị nước ngập hoàn toàn. Chúng tôi đã bay vòng trở lại ghé càng cho họ leo lên rồi đưa họ trả về cho đơn vị trên đồi 52.
Về đến bãi đậu chúng tôi đã nhận được một phần thưởng thật to lớn, to hơn cả những lời ban khen của Quân Đoàn I, lời khen tặng của "Black Cat" và lời mời thăm viếng của "First Marine" đến với chúng tôi ngày hôm sau, đấy là nụ cười rạng rỡ của các Chuyên viên Kỹ thuật kèm theo ngón tay cái giơ lên. Nước mưa của thiên tai bão lụt đã rửa mặt cho chúng tôi thật sạch sẽ.
Tất cả phi cơ và phi hành đoàn đều trở về an toàn; Chỉ có mấy tên cơ phi và xạ thủ là vất vả chưa từng có trong đời vì phải kéo người lên phi cơ và đồng thời canh phòng để thông báo cho phi công khỏi chặt cây lúc đón dân.
Vào phi đoàn để ghi sổ bay; bỗng nhiên không hẹn mà gặp, chúng tôi đều nói đến cuộc phỏng vấn Trung tướng Hoàng-Xuân-Lãm trên tờ "Stars & Stripes", rồi nhìn nhau cười ha hả.
Đột nhiên có giọng ca vịt đực không biết của tên nào cất lên hát bài "Không Quân Hành Khúc" từ trong phòng nghỉ vang ra; thế là cả đám chúng tôi đều hát theo. Bài hát chẳng có mấy ai thuộc hết nhưng câu "Không Quân ra đi cánh bay rợp trời" là rõ ràng và to nhất. Ký sổ bay xong, chúng tôi rời phi đoàn trả lại sự yên tĩnh cho mấy tên trực phi đoàn.
Ngoài trời trần mây vẫn thấp, mưa vẫn to nhỏ hạt ngắn hạt dài đều đặn rơi trên đường. Tuy nhiên, trong mây mưa vẫn còn lồng lộng giọng cười sảng khoái và ngạo nghễ của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.
KQ Trần Văn Ngọc
PĐ-213. PĐ-241
__________________
(1) Sơn Trà (Đà Nẵng) là ngọn núi trên có thiết lập đài Kiểm Báo Panama, Núi này có rất nhiều khỉ nên còn được người Mỹ gọi là “Núi Khỉ”, Monkey Mountain. Dưới chân núi có bãi biển Tiên Sa, có Bộ Chỉ Huy của Hải Quân Vùng I, có Ban Công Tác Đặc Biệt của Biệt Hải, Hải Quân Việt Nam.
(1) Sơn Trà (Đà Nẵng) là ngọn núi trên có thiết lập đài Kiểm Báo Panama, Núi này có rất nhiều khỉ nên còn được người Mỹ gọi là “Núi Khỉ”, Monkey Mountain. Dưới chân núi có bãi biển Tiên Sa, có Bộ Chỉ Huy của Hải Quân Vùng I, có Ban Công Tác Đặc Biệt của Biệt Hải, Hải Quân Việt Nam.
(Hồn Việt UK)