Bức
tường Bá Linh và tôi
Hoàng Kim Việt
Cách đây đã tròn 20 năm tại Pháp, thứ năm 9 tháng mười một 1989 - tôi vừa về
đến nhà sau buổi làm việc, vừa sửa soạn bữa ăn tối - bật truyền hình lên xem
tin tức thế giới thì hình ảnh phóng sự đặc biệt về Đức Quốc đập vào mắt, thật
không ngờ: Bức tường Bá Linh bị phá sập bởi người Đức.
Người lính gác biên phòng đông đức 19 tuổi, Conrad
Schumann nhảy qua rào kẽm gai tại khu vực kiểm soát của Pháp trong khi bức tường
Bá Linh đang được xây dựng vào ngày 15 tháng tám 1961 để tìm tự do tại tây Bá
Linh. Một biểu tượng mạnh mẽ trong thời kỳ chiến tranh lạnh gìữa khối tự do và
cộng sản.
Lần đầu tiên tôi được biết đến bức tường Bá Linh tại
Đức Quốc qua hình ảnh một người lính biên phòng Đông Đức vượt qua hàng rào kẽm
gai để trốn thoát về phía Tây Đức tìm tự do. Tấm hình được chụp phóng lớn và
đăng trên tờ tạp chí của Bộ Ngoại Giao Cộng Hoà Liên Bang Đức mà cha tôi nhận được
do tòa Đại Sứ CHLB Đức gởi từ Sài Gòn.
Cuộc nổi dậy ở Đông Đức vào tháng sáu 1953 khởi đầu
vào ngày 16 tại Bá Linh chống lại chế độ cộng sản Đông Đức sắt máu rập khuôn chế
độ Stalin, biến động đã lan ra trên 500 thành phố và làng mạc ở Đông Đức trong
suốt 2 ngày. Chế độ cộng sản Đông Đức phải huy động lực lượng quân đội và xe
tăng T-34 để đàn áp cuộc nổi dậy.
Lúc đó tôi chỉ là thằng bé con ham chơi và ham ăn,
ngày ngày cắp sách đến trường La San Bình Lợi ở Qui Nhơn học sơ cấp vào năm
1961. Tấm hình gây ấn tượng mạnh đối với tôi vì người lính với chiếc mũ sắt kỳ
lạ và khẩu súng tiểu liên khác lạ so với những y phục và vũ khí của những người
lính VNCH tại miền nam Việt Nam, tôi hỏi cha tôi về nguyên do của tấm hình nầy
và được ông giải thích rằng nước Đức bị chia đôi như ở Việt Nam, phía đông sống
dưới chế độ cộng sản và phía tây sống dưới chế độ tự do – tương tự như miền bắc
và miền nam Việt Nam. Lúc đó, chữ tự do đối với tôi rất mơ hồ và khó hiểu.
Được khởi công xây dựng vào ngày 15 tháng sáu 1961
cho đến ngày 13 tháng tám 1961 ngăn đôi thành phố Bá Linh và vùng phụ cận - với
chiều dài tổng cộng 156 kilometers. Đúng ngày 13 tháng tám, Đông Bá Linh hoàn
toàn đóng lại các lối đi ngoại trừ các điểm liên lạc như Checkpoint Charlie thuộc
Hoa Kỳ kiểm soát. Hình chụp lại trong bảo tàng về bức tường Bá Linh. Một tấm biển
dán tờ báo với lời tuyên bố giả dối của chủ tịch nước Đông Đức
Walter Ulbricht trước cuộc phỏng vấn báo chí thế giới, ông tuyên bố: “Niedman
hat die Absicht, eine Mauer zu errichten!” (Không một ai có ý muốn dựng
lên bức tường!).
Tôi thường ngóng bác phát thư hàng ngày đi qua nhà để
chờ xem tiếp những hình ảnh từ tạp chí của CHLB Đức. Hình ảnh kế tiếp là một tấm
hình chụp cánh tay một người thợ hồ đang trét vữa ciment để xây một bức tường
ngăn chia thành phố Bá Linh và trong tạp chí đầy những hình ảnh việc xây dựng bức
tường ngăn đôi nước Đức. Đối với tôi lúc đó vẫn còn là chuyện khó hiểu về việc
ngăn cách một quốc gia bởi một bức tường.
Ngày 22 tháng mười 1961 xẩy ra một sự tranh cải giửa
lính gác biên phòng Đông Đức và một nhà ngoại giao hoa kỳ về việc kiểm tra giấy
thông hành đi qua phía Đông Đức tại trạm kiểm soát Checkpoint Charlie thuộc khu
vực Hoa Kỳ trấn đóng.
Quân biên phòng Đông Đức và Liên Xô đem khoảng 10 xe
tăng T-54 đến án ngữ phía đối diện Checkpoint Charlie vào ngày 27 tháng mười
1961, quân cảnh Hoa Kỳ được tăng phái xe tăng M-47 Patton với số lượng tương đương
đến đối đầu với đoàn xe tăng cộng sản cách nhau khoảng 100 mét, tình hình đấu dịu
vào ngày hôm sau, 28 tháng mười 1961.
Miền nam VN thời buổi ấy vẫn chưa có chiến tranh lan
rộng, chỉ có những hình ảnh do báo chí tại miền nam đăng lên như việc phá hoại
cầu cống, đốt nhà hoặc ám sát chặt đầu những viên chức phục vụ chế độ do những
người được gọi là Việt Cộng. Tôi được cha mẹ gởi về nhà ông ngoại ở Sài
Gòn trong dịp hè vào năm 1962, tôi được các cô chú đưa đi thăm viếng thủ đô của
miền nam và những kỷ niệm còn sót lại trong trí nhớ là những phim trình chiếu
trong các rạp, những tô phở, tô hủ tiếu… cho đến những cây kem mát lạnh, ly nước
mía, chén chè đậu hũ nước gừng ngọt ngào và được các cô chú chở đi chơi trên những
chiếc xe đạp, xe Vélo-Solex.
Hình bìa tạp chí TIME xuất bản ngày 31 tháng tám
1962.
Một hình vẽ bàn tay xước máu trên rào kẽm gai của bức
tường Bá Linh được in trên tờ tạp chí TIME đập vào mắt ở trên bàn làm việc của
cha tôi. Lật ra chỉ để xem hình vì tôi không đọc được tiếng anh – trong đó tường
thuật lại việc một người Đức từ phía đông Bá Linh vượt qua bức tường để đào
thoát qua phía Tây Đức và bị lính biên phòng đông đức bắn chết. Lại đặt câu hỏi
vì sao họ bị bắn chết và vì sao họ phải liều mạng trốn thoát ra từ Đông Đức? Được
cha tôi trả lời rằng những người dân phía Đông Đức cũng tương tự như người việt
ở phía bắc dưới chế độ cộng sản, và họ đào thoát khỏi nước CHDC Đức để qua CHLB
Đức tỵ nạn cũng như người bắc việt đã di cư vào miền nam VN hồi năm 1954 để được
tự do sinh sống và mưu cầu hạnh phúc.
Trước khi bức tường được xây dựng, kể từ năm 1949 đến
1961, có tổng cộng khoảng 3 triệu rưỡi người Đông Đức trốn thoát tìm tự do ở
Tây Đức.
Kể từ khi bức tường được xây, từ 1961 đến 1989, hơn ¼
thế kỷ, chỉ còn khoảng 5.000 vượt thoát qua tường, qua các hầm đào dưới đất hoặc
vượt sông.
Người ta ước lượng có khoảng gần 200 người tử nạn
trên đường tìm tự do.
Qua đến năm 1965 khi chiến tranh tại miền Nam VN lan
rộng, quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam và phần đất phía nam được đặt tên
là tiền đồn của chế độ tự do chống cộng sản, tôi vẫn cắp sách đến trường trung
cấp tại Sài Gòn vì gia đình đã dọn về sinh sống ở thành phố nầy do chiến tranh
leo thang và các vùng quê đã mất an ninh. Bức tường Bá Linh đã dần phai trong
trí nhớ.
Khi Hiệp Định Paris được ký kết vào năm 1973 và quân
đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, những tưởng là hoà bình trở về và mọi người có thể
sinh sống an bình. Nhưng tiếng súng vẫn tiếp tục nổ trên phần đất nầy cho đến
khi Sài Gòn được giải phóng vào năm 1975. Lần nầy hy vọng thật sự quê hương đã
ngưng tiếng súng, những gia đình bị ly tán trong thời chiến tranh sẽ được đoàn
tụ và mọi người sẽ được hưởng cuộc sống thanh bình.
Sơ đồ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của LB Sô Viết,
Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp ở thành phố Bá Linh.
Nhưng mọi sự đã xãy ra không giống như mong đợi, sau
ngày giải phóng miền nam 1975, mới thấy rõ sự thiếu thốn của miền bắc, hàng loạt
hàng tiêu dùng được người bắc vào nam mua sắm, các gia đình cán bộ vận động được
chuyễn vào nam làm việc… câu hỏi tôi đặt ra với những anh bộ đội ở Sài Gòn - Liệu
rằng trong tương lai, đời sống dân miền bắc sẽ được nâng cao như miền nam hay
ngược lại? Tôi không thu nhận được câu trả lời chính xác.
Ngày 17 tháng tám 1962, một thanh niên đông đức 18
tuổi, Peter Fechter bị lính biên phòng Đông Đức bắn chết khi anh ta cố vượt qua
bức tường Bá Linh. Fechter là người đầu tiên bị bắn chết khi bức tường được dựng
lên.
Fechter nằm hấp hối cạnh bức tường 45 phút trước khi
chết khi được mang đến bệnh viện dưới những ống kính thu hình của các nhà báo
quốc tế, xác được lính biên phòng Đông Đức mang đi.Người cuối cùng bị bắn khi vượt
tường có tên là Chris Gueffroy.
Miền nam VN sau đó phải trải qua những chiến dịch
bài trừ văn hoá đồi trụy, những sách báo tài liệu tiếng anh và tiếng pháp mà
tôi thu góp khi theo học tại đại học Văn Khoa Sài Gòn đã bị các thanh niên đến
khám xét nhà mang đi - tiếp đến là các chiến dịch đánh tư sản mại bản, đổi tiền,
kinh tế mới... làm gia đình suy sụp, mẹ tôi là tiểu thương đã phải bỏ nghề sau
những vụ đổi tiền, vào chế độ hộ khẩu và phiếu lương thực. Từ những chén cơm thời
trước giải phóng, khi sung túc thì cơm gạo trắng không thì cơm gạo lức hoặc cơm
tấm, gia đình đã trải qua những bữa khoai sắn mốc miu, gạo mục, bobo và bột mì
- một món mà người miền nam chưa quen sử dụng để nấu ăn, cũng trở thành bánh
bông lan mặn hoặc giả làm bánh canh. Đối với tôi, sự việc quan trọng hơn hết xảy
đến là khi trở lại trường Văn Khoa, tôi bị từ chối không được theo học vì gia
đình liên quan với chế độ cũ.
Lính biên phòng Đông Đức đứng gác trướng cổng
Brandenburg tại Bá Linh trong khi tường đang được xây.
Lính biên phòng Đông Đức đang tuần hành bên bức tường,
hình chụp vào năm 1966.
Một phụ nữ đang liên lạc với bà mẹ của bà ta ở bên
kia bức tường.
Một người đứng trên đài quan sát phía Tây Đức đang vẫy
khăn ra dấu với người thân ở Đông Bá Linh.
Một phụ nữ tò mò quan sát qua khe hở của bức tường.
Tôi được đi thăm Hà Nội vào năm 1980 sau khi xin được
giấy phép đi đường cấp bởi công ty hợp doanh mà tôi xin được một chỡ làm lao động
phổ thông, đi một lần cho biết sau 5 năm sống dưới chế độ cộng sản, tôi đáp xe
hoả Thống Nhất để đến Hà Nội, với tính hiếu kỳ, tôi quan sát những người dân
buôn bán ở các vỉa hè khốn khổ bị công an truy đuổi, nhìn những công nhân cầu đường
ì ạch đào mương đặt cống với những bàn tay trần lăn những ống cống bê-tông đúc
sẵn... và trở về khu phố Tràng Tiền với những cửa hàng bách hoá, cửa hàng dành
cho cán bộ trung cấp và cao cấp, cửa hàng dành riêng cho người nước ngoài, v.v.
Câu nói trên môi của những anh cán bộ ở miền nam – “Sẽ không còn cảnh người bốc
lột người, mọi người sống bình đẳng, làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu” -
tự dưng bỗng tan biến trong tư tưởng, như lớp vôi vừa mới quét tan biến sau cơn
mưa để lộ những lở loét trần truồng. Tôi trở lại Sài Gòn và quyết định vượt
biên.
Một người vượt thoát bức tường thành công đang nhanh
chân chạy về chổ nấp an toàn vào ngày 6 tháng mười 1961.
Hình chụp chú em của tôi trong chuyến viếng thăm
Berlin vào năm 1981.
Được định cư tại Pháp Quốc, tôi có cơ hội thăm viếng
nước láng giềng của Pháp về hướng đông - nước Cộng Hoà Liên Bang Đức (BDR) mà
thủ đô tạm ở Bonn. Bức tường Bá Linh bổng trở lại trong trí nhớ thời trẻ thơ.
Qua các hình ảnh phóng sự của báo chí truyền hình pháp – làm tôi nhớ lại lúc
còn ở Sài Gòn sau ngày giải phóng chen chúc để được xem phim của nước Cộng Hoà
Dân Chủ Đức (DDR) là những phim mang ít tính tuyên truyền nhồi sọ và được xem
những thanh niên thiếu nữ với những y phục thời trang thời đại hơn những phim
khác của khối cộng sản Đông Âu – thì lúc nầy, trên trời âu, tôi nhận ra cuộc sống
nghèo nàn khốn khổ của những người Đông Đức và hiểu rõ hơn lý do vì sao tôi bỏ
nước ra đi và vì sao những người Đông Đức dám bỏ mạng để đánh đổi sự tự do ở thế
giới bên ngoài bức tường của họ.
Một bích chương của CHDC Đức kỷ niệm 20 năm bảo vệ bức
tường.
Bên kia bức tường về phía Tây Đức, một biếm họa được
vẽ trên tường với 2 vi lãnh tụ Sô Viết và Đông Đức hôn nhau thắm thiết trong một
chiếc xe Trabant – Made in GDR - niềm kiêu hãnh của công nghệ cơ khí chế tạo xe
của Đông Đức.
Tôi làm việc ở một xí nghiệp chung với những người
đông âu trốn chạy cộng sản - Tiệp, Rumania, Bulgaria, Ba Lan... Khi chuyện trò
về kinh nghiệm sống với chế độ cộng sản, mọi người đều nhận ra rất nhiều điểm tương
đồng của cộng sản, ở châu âu và châu á. Trong số những người nầy, tôi được anh
bạn người Ba Lan, Woicej nói về hoạt động của công đoàn độc lập Solidarnosc và
những biến động tại Ba Lan, năm 1989, Lech Walesa đã gạt quyền lực đảng cộng sản
ra một bên khi nắm lấy đa số ở hạ viện và thượng viện Ba Lan qua cuộc bầu cử tự
do.
Lech Walesa đang thuyết minh trước thành viên công
đoàn độc lập Solidarnosc ở Gdank, Ba Lan.
Một tấm biển cổ động cho công đoàn độc lập Solidarnosc
trên xe khách trong cuộc vận động bầu cử bán công khai ở Ba Lan. Đây là bước khởi
đầu sự sập đổ của khối công sản Đông Âu.
Những cuộc biểu tình tại Đông Đức khởi đầu bằng những
cuộc biểu tình vào ngày thứ hai mỗi tuần ở thành phố Leipzig, từ vài ngàn người
lên đến gần 1 triệu người vào mùa thu 1989 đã lan rộng ra cả nước.
Người dân Đông Đức biểu tình rộng lớn ở Bá Linh, yêu
cầu chính quyền cộng sản Đức tôn trọng quyền tự do đi lại và những quyền cơ bản
tối thiểu.
Sau phát súng đại bác Solidarnosc tại Ba Lan, đến lượt
Đông Đức với những cuộc biểu tình ôn hoà tại thành phố Leipzig được tổ chức vào
mỗi thứ hai. Từ hơn 100 người vào ngày 4 tháng chín 1989 tại nhà thờ Nikolai
Leipzig, con số đã đến gần 1 triệu người vào ngày 4 tháng mười một 1989. Lực lượng
cảnh sát, mật vụ Stasi thúc thủ trước số lượng người biểu tình quá đông đảo.
Đây là ngòi nổ dẫn đưa đến việc bức tường Bá Linh sập đổ vào ngày 9 tháng mười
một 1989 sau hơn 28 năm ngăn cách đông tây và cũng là một biểu tượng cho sự chấm
dứt cuộc chiến tranh lạnh giửa thế giới tự do và cộng sản ở châu Âu, như những
con dominoes lần lượt ngã xuống, tiếp theo là dân Rumania lật đổ chế độ Nicolas
Ceaucescu và tiếp theo là toàn khối cộng sản Đông Âu để dẫn đưa đến cái chết của
Liên Bang Sô Viết hai năm sau đó.
Một mảng tường được gở ra gần cổng Brandenburg, 2
ngày sau khi người dân đông đức được tự do đi qua Tây Đức vào tối thứ năm 9
tháng mười một 1989.
Tất cả mọi người hân hoan phía đông và tây gặp nhau
tại bức tường đã chia cách họ hơn 28 năm.
Mọi người hân hoan bên tấm biểu ngữ «Deutschland
einig Vaterland» - (Nước Đức thống nhất tổ quốc).
Tối hôm đó các đài truyền hình ở Pháp đã chiếu cảnh
tượng người đông đức ở Bá Linh vượt trạm kiểm soát và đập vỡ bức tường trên quảng
trường Brandenburg, tôi sững sờ nhìn lên màn hình, không thể tin được mới cách
đó không lâu Đông Đức tổ chức rầm rộ cuộc duyệt binh kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng
Hoà Dân Chủ Đức.
Người dân Đông Đức đổ dồn về trạm kiểm soát với bức
tường đập vỡ mở rộng lối đi của họ qua Tây Đức.
Những người dân Đông Đức băng qua cột mốc biên giới
DDR cũ trên những chiếc xe Trabant, niềm hãnh diện của công nghệ xe ô-tô Đông Đức.
Một trong những chiếc xe đầu tiên đi qua trạm kiểm
soát Đông Đức.
Tất nhiên khi nước Đức thống nhất một cách không ngờ,
sẽ xãy ra những sự cố và những khó khăn cần phải giải quyết – kinh tế cộng sản ở
Đông Đức khác biệt với nền kinh tế thị trường ở Tây Đức - một khi trước kia, người
dân đông đức nối đuôi dài trước cửa hàng mậu dịch để được phép mua vài quả cam
nhập từ Cuba, không mua thì không có ăn ráng chịu… thì bây giờ họ được quyền chọn
những quả cam vàng óng nhập từ Tây Ban Nha, Ma Rốc… thương hiệu nào ngon thì họ
chọn mua, từ đó họ hiểu ra luật cạnh tranh. Những món hàng tiêu dùng sản xuất ở
Đông Đức không thể nào cạnh tranh với hàng hoá sản xuất tại Tây Đức gây ra hậu
quả hơn 5.000 nhà máy sản xuất trên 8.000 nhà máy phải buộc đóng cửa vì không cạnh
tranh lại với sản phẩm tiêu thụ “Made in West Germany” dẫn đưa đến hàng triệu
người thất nghiệp. Tây Đức đã phải gánh chịu sự suy sụp về kinh tế của Đông Đức
và phải mất hơn 10 năm sau mới tạm quân bình công ăn việc làm cho toàn nước Đức.
Một chiếc xe Trabant đi qua Checkpoint Charlie trong
khu vực kiểm soát của Hoa Kỳ.
Không lâu sau đó, người ta có thể thấy những chiếc
xe Trabant bị vất bỏ - những chiếc xe mà người dân Đông Đức mơ ước trước kia,
lao động chắt bóp, đặt mua xe phải chờ đến 10 năm sau mới được giao hàng – nay
chấm dứt số phận hẩm hiu trước sức thu hút của những thương hiệu Volkswagen,
Audi, BMW, Mercedes-Benz…
Cái giá mà dân đông đức đã trả để dành lấy tự do
không ít tổn thất, tuy nhiên so với Việt Nam thống nhất sau hơn 20 năm cách
chia đã phải trả thật đắt bằng máu và nước mắt với hơn 3 triệu người chết, đất
nước bị tàn phá bởi bom đạn và lòng người phân cách bởi những chiến tuyến vô
hình, tôi ngậm ngùi tưởng nhớ lại thời chiến tranh ở Việt Nam – thì xem ra người
đức vẫn hạnh phúc hơn người việt, họ tìm lại được một nước Đức thống nhất thật
sự về mặt địa lý và cả con người.
Dọc theo tường còn vết tích những người tử nạn trên
đường tìm tự do trong thời chiến tranh lạnh.
Dấu tích bức tường ngày nay chỉ còn những vệt đắp vá
nơi chôn móng tường cũ, nhưng vẫn còn được khắc ghi để nhớ đến bức tường đã
phân chia dân thành phố bá Linh suốt 28 năm qua.
Một tranh tường ghi lại những biến động trong thời kỳ
chiến tranh lạnh và vài phiên bản của những biếm hoạ trên các mãnh tường đã được
tháo gỡ đi.
Một tượng của Conrad Schumann được treo lên như biểu
tượng của khao khát yêu chuộng tự do được dựng lên trong kỷ niệm lần thứ 20 bức
tường Bá Linh sập đổ.
Viết ngày 9 tháng mười một 2009. FB.