24.08.2017

Công nhận VNCH sẽ có lợi như thế nào? - Nguyễn Nhã

Công nhận VNCH sẽ có lợi như thế nào?

Nguyễn Nhã (Tiến sĩ Sử Học)
Tối 30/4 tại sân khấu của trường Đại học Cộng đồng Laney, Vũ đoàn Danny Nguyễn đã có chương trình tưởng niệm qua vũ nhạc kịch về lịch sử Việt, về hành trình đến Mỹ của người Việt với nhiều đau thương và mất mát. (Hình: Bùi Văn Phú)

Việt Nam Cộng Hòa, và trước đó là Quốc Gia Việt Nam, là một thực thể chính trị mà Hiệp Định Genève 1954 có nhiều nước, trong đó Trung cộng và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký, công nhận chính quyền hợp pháp quản lý lãnh thổ kể cả biển phía Nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước Việt Nam.


Về pháp lý quốc tế cũng như về mặt lịch sử rất hiển nhiên không thể chối cãi. Có thể khi còn đấu tranh chính trị vì lợi ích chính trị thì không công nhận nhau cũng là chuyện thường tình. Song chính trị thì luôn nhất thời và có thể thay đổi, nhất là khi đất nước đã thống nhất và đang có nhu cầu thống nhất lòng người đoàn kết dân tộc để phát triển hùng cường và đấu tranh chống nguy cơ, từ nguy cơ trở thành thuộc quốc hay nguy cơ tụt hậu.

Việc viết bộ sử Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập do GS Phan Huy Lê chủ biên, không dùng từ “ngụy quyền Sài gòn” mà sử dụng “Việt Nam Cộng Hòa” là bước tiến mới của giới sử học Việt Nam. Song tôi nghĩ phải có sự chính thức của chính quyền thống nhất hiện nay vì sẽ có nhiều cái lợi, như sau:

Một là, để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa mà pháp lý quốc tế hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi Trung cộng bắt đầu tranh chấp chủ quyền năm 1909 cho Paracels mà Trung cộng cho là đất vô chủ (res -nullius), thì sự chiếm hữu phải mang tính thật sự, nhà nước, liên tục và hòa bình.

Từ năm 1954 đến 1975 chỉ có chính quyền ở Miền Nam mới có quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục.

Hai là, hiện có hơn 4 triệu Việt Kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng rất quan trọng, công nhận VNCH sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc. Nhân kỷ niệm ngày 30 thánh 4, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố có “một triệu người vui, một triệu người buồn” đã tạo điều kiện hòa hợp hòa giải dân tộc mà tôi cũng đã phát biểu phải là chiến lược chứ không chỉ là sách lược.

Ba là sự đoàn kết dân tộc là điều kiện quan trọng, nhất là chất xám người Việt ở khắp nơi trên thế giới để xây dựng đất nước hùng cường mà hiện có triển vọng trở thành cường quốc biển chứ không chỉ là cường quốc trung bình như có nhà nghiên cứu ở Mỹ vừa phát biểu.

Bốn là, thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện.

Cụ thể như tôi đã phát biểu trong Đại Hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hôi Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, rằng giới sử học ở Miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị. Cụ thể qua 9 năm Tập San Sử Địa mà tôi là chủ nhiệm kiêm chủ bút thấy rất rõ không chịu ảnh hưởng về chính trị, đã có nhiều đóng góp mà tạp chí Xưa & Nay vừa rồi đã cho xuất bản nhiều chuyên đề từ Tập San Sử Địa. Hay về nền giáo dục ở Miền Nam từ tiểu học đến trung học, cao đẳng, đại học mà nay ta đang đổi mới sẽ tiếp tục rất nhiều thành quả, nhất là chương trình giáo dục trung học tổng hợp rất hiện đại mà khi áp dụng ở Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức là kết hợp rất truyền thống dân tộc Việt.

Như tôi đã từng phát biểu rằng bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiện cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển. Tôi rất trân trọng giới chính trị cũng như những người có chính kiến khác nhau song tôi cũng rất mong giới chính trị tôn trọng tôi cùng những ý kiến của tôi.