NGƯỜI MỸ
Nguyễn
Thơ Sinh
Hồi mới qua Mỹ chân ướt chân ráo thấy người bản xứ vội
kêu họ là Mỹ. Sống chừng vài năm sau, tuy không thấy họ lạ nữa nhưng theo thói
quen vẫn kêu họ là Mỹ. Rồi sống ở Mỹ lâu hơn nữa, hai chục năm có, ba chục năm
có, một số cảm thấy mình Mỹ hơn một chút. Song tự đáy lòng vẫn có người mãi mãi
chẳng bao giờ thấy mình là Mỹ được.
Thực ra là người Mỹ hay không điều này chẳng liên
quan gì đến bao tử của không ít di dân Mỹ. Thực ra trong sâu thẳm tâm tư, họ là
ai, người Mỹ hay không phải người Mỹ, họ biết rõ. Xứ sở này là cái nôi văn minh
tự do, mảnh đất trù phú cơ hội thăng tiến và phấn đấu. Xứ Mỹ mở rộng vòng tay
chào đón tất cả những ai cần cù chịu khó. Vâng. Mỹ. Hầu như bất cứ ai có điều
kiện đều muốn đến đây lập nghiệp vì nó là nơi có nền dân chủ phát triển kiện
toàn bậc nhất hành tinh.
Sống ở Mỹ lâu, vận tốc Mỹ hóa nơi mỗi người diễn ra
khác nhau. Sống lâu không hẳn một cá nhân sẽ tự động trở thành “Mỹ hơn” người đến
sau. Thông thường đó là sự trải nghiệm và nhập cuộc. Trong đó vốn liếng tiếng
Anh phần nhiều là nhịp cầu khá nhanh cho quá trình hội nhập.
Đến Mỹ sống, đặc biệt sau khi nhập quốc tịch, liệu
điều đó có cho phép một di dân quyền tự hào nói với mọi người mình là người Mỹ?
Nếu vậy, những danh xưng dành cho di dân nhập tịch như: Người Mỹ gốc Mễ, Mỹ gốc
Lào, Mỹ gốc Thái, Mỹ gốc Đức, gốc Pháp, gốc Nicaragua, gốc Việt, gốc Cuba… khẳng
định họ là người Mỹ sao? Nói thì nói vậy, liệu có mấy người sau khi nhập tịch
đã nghĩ mình trở thành người Mỹ!
Những đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ nhưng da chúng
không trắng, song cũng không đen nhẻm, mà màu da của chúng nhuộm nâu cái nắng đặc
trưng của vùng Nam Mỹ, hay bọn trẻ có nước da màu vàng đậm nét phù sa Đông
phương; không biết chúng có nghĩ mình là người Mỹ hay không? Ban đầu có thể lắm.
Thời mẫu giáo. Hồn nhiên đơn sơ, chúng đâu biết gì nhiều. Nhưng lớn lên, tiếng
Anh tuy sõi, phát âm chuẩn, nhưng càng lớn, không biết chúng có còn nghĩ mình
thực sự là người Mỹ.
Rồi cha mẹ chúng nữa, họ chan chứa hy vọng tương lai
các con ngời sáng. Vì chúng là Mỹ mà. Chúng nó ăn hăm-bơ-gơ ở trường nhiều hơn
là ăn cơm ở nhà. Chúng hợp với khẩu vị của mác-ca-rô-ni béo ngậy. Chúng thích
pi-xà. Chúng thích chích-cần nú-gợt hơn gà rán mà bố mẹ chúng khoái khẩu bởi lớp
da chiên vàng, giòn rụm, được gặm xương nữa. Vậy, thử hỏi làm sao cha mẹ chúng
không nghĩ tương lai các con sinh ra bên này sẽ khác hẳn, tiếng Anh nói như
gió, trong khi ngó tới ngó lui thức ăn Việt tụi nó chỉ thích có phở với chả
giò! Còn thịt kho. Cá kho. Chúng thấy lạ. Có đứa bịt mũi. Có đứa nhăn mặt. Cuối
cùng người lớn đành kho cá, kho thịt ăn riêng; nấu thêm cho tụi nhỏ nồi
pa-ghé-ti! Không biết mấy vị phụ huynh này có nghĩ các con “Mỹ hơn” họ, thậm
chí Mỹ chính hiệu. Tụi nó sinh ra ở đây mà…
Ngó sang trái,
ngó sang phải… Ôn lại chuyện xưa một chút, người Mỹ da đen một thời đâu được
coi là con người, nói gì tới chuyện là người Mỹ. Họ là nô lệ. Bán ngoài chợ như
bò. Quyền làm người không có. Giới chủ nô mua họ lựa như lựa trâu nái, lựa ngựa
giống. Cò kè bớt một thêm hai. Phải khỏe. Trẻ. Đẹp người. Cân đối. Nhanh nhẹn.
Như vậy mới được giá. Còn già nua, ốm yếu. Khó coi. Vụng về, hậu đậu, dị tật…
giá sẽ giảm hẳn xuống. Còn tệ hơn nữa thì cho không, kiểu đi chợ mua nhiều được
bà hàng rau tặng thêm cho trái ớt, cọng hành. Trải qua nhiều năm dài, cùng với
nhiều tu chính án và những phiên tòa mới lần lượt thay đổi số phận họ. Đến giờ,
không biết họ có thấy mình là Mỹ, như cách người Mỹ trắng nghĩ về địa vị “người
Mỹ đàn anh” của họ?
Vậy, điều gì khiến một người
sống ở Mỹ trở thành người Mỹ? Cha truyền con nối ư? Sinh ra ở đây từ nhiều đời? Ông cha họ đến đây những ngày đầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
lập quốc. Sau đó ông cha họ cày cấy. Làm ăn. Lấn chiếm đất đai rồi xua đuổi người
da đỏ bản xứ đi. Sau đó nhiều đợt di dân mới vượt đại dương từ Châu Âu đến. Rồi
dân Nam Mỹ, cả dân Mễ nữa tràn vào. Rồi Châu Á. Rồi Châu Phi. Trung Đông. Đủ cả.
Nhưng có lẽ chỉ có người da trắng, mang những cái họ
thuần Âu như Smith, Reagan, Bush, McCain, White, Cook, Johnson, Williams,
Jones, Davis… mới có đủ tư cách ưỡn ngực mình là người Mỹ.
Thực ra khái niệm
người Mỹ lâu nay chẳng ai chú ý đến nhiều. Một dạo chỉ có made-in-USA mới được
coi là niềm tự hào của dân Mỹ. Những hàng hóa nồi đồng cối đá, rất bền, quăng
lên quật xuống cỡ nào cũng không hư mới thực sự có ý nghĩa. Còn khái niệm người Mỹ hình như đâu cần nói ra mới hiểu. Ai là
ai, tự thân người đó biết. Sống ở Mỹ phải có trách nhiệm với xứ Mỹ. Đi làm.
Đóng thuế. Còn chuyện mình là người Mỹ loại nào xem ra thiên hạ rất bằng
lòng với cách gọi: Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ vàng, Mỹ nâu…
Đùng một cái, với
khẩu hiệu rất ấn tượng, Tổng thống Trump mùa phiếu 2016 kêu gọi dân Mỹ ủng hộ
ông Make America Great Again. Ông hứa sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở
lại. Thuần túy ngữ nghĩa là thế, nhưng không ít cảm thấy nhột. Họ hiểu khác đi.
Họ nghĩ ông sẽ vực lại những giá trị oai hùng một thời của người Mỹ. Lôi thôi
cũng từ đây mà ra. Họ ngờ vực: Liệu mình có phải là người Mỹ trong mắt Tổng thống
Trump hay không?
Điểm lại, di dân
đến Mỹ lập nghiệp từ khắp nơi trên hành tinh. Nhóm thì tha theo rau muống, cà
pháo. Nhóm thì tha theo mắm bò hóc. Nhóm thì đem theo cà ri. Có nhóm đem theo
kim chi. Cứ thế. Sushi. Xúc xích. Tamale. Xôi xoài. Tom yum… Ôi thôi đủ cả. Tôn
giáo thì: Phật giáo có. Do Thái giáo có. Ấn Độ giáo. Hồi giáo. Đạo Ông Bà… Cứ
thế, nước Mỹ một thời được coi là một nồi súp thập cẩm, thứ gì cũng có. Nhưng gần
đây thiên hạ cảm thấy Mỹ không còn là nồi súp thập cẩm hòa đồng. Thay vào đó,
chỉ những ai cảm thấy gần gũi ham-bơ-gơ hơn mới cảm thấy an toàn.
Không chỉ đem
theo ngôn ngữ, di dân đem theo tập tục văn hóa nhiều ngàn năm truyền lại. Còn
màu da và nét mặt của họ vĩnh viễn mãi mãi không thể đổi thay được. Họ có thể
nhuộm tóc, cắt mắt, bơm môi, tẩy da… nhưng gốc gác giống nòi làm sao có thể
thay đổi được. Quần áo cũng thế, chúng chỉ giúp người mặc bề ngoài “Mỹ hơn” một
tí. Còn những ai tiếng Anh phát âm nặng, từ vựng lõm bõm, văn phạm lỏng bỏng,
mãi mãi chẳng thể nào là người Mỹ được.
Vậy, phải làm gì
để lột bỏ dần gốc gác của một di dân. Mà… Tại sao không thể tự hào như bài
hát Guantanamera nhiều di dân gốc Hispanic ở Miami, Florida chẳng
hổ thẹn về nguồn gốc Cuba của mình. Hay trót đến Mỹ phải sống theo lối Mỹ, nếu
như không muốn bị cách ly, bị tẩy chay, bị gạt khỏi dòng chảy chính thống xã hội
Mỹ. Còn chuyện làm sao để thay đổi gốc gác giống nòi, mỗi người có một cách
riêng, chẳng ai giống ai, không thể bắt chước 100% được.
Nhà to có bảo đảm chắc chắn mình là người Mỹ? Xe to,
xe đẹp liệu có giúp mình trở thành Mỹ hơn không? Bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư… có giúp
bạn gần với đẳng cấp người Mỹ hơn? Câu lạc bộ nọ, thành viên kia? Tiếng Anh lưu
loát? Hoạt động lăn xả. Hội đoàn này, đảng phái kia. Chỉ giao lưu qua lại với Mỹ?
Bỏ hẳn mắm tôm. Từ giã tiết canh. Tìm mọi cách để lột xác? Mục tiêu: Coi có “Mỹ
hơn” chút nào không?
Còn những di dân từng khoác áo lính, chiến
đấu bảo vệ lý tưởng tự do, liệu họ có thấy mình Mỹ hoàn toàn? Trải
nghiệm thẳm sâu nợ nước. Màu cờ và lời bản Quốc ca với dân Mỹ luôn đầy ý nghĩa,
nhưng với những người lính, ý nghĩa ấy càng cao quý hơn, chạm vào trái tim họ,
thiêng liêng lắm cảm giác mình là một người lính Mỹ!
Nhưng ngoài đời bình thường, thay bộ quân phục ra,
không ít cảm thấy mình không thể là người Mỹ? Sự khác biệt giữa một anh lính Mỹ
và một người Mỹ rất rõ nét. Lính Mỹ có vẻ thiên về công việc, được trả lương,
có quyền lợi. Còn người Mỹ – Nó là một khẳng định khác hẳn. Nó là nhân vị. Là
điều gì đó nghiễm nhiên thừa hưởng, không nhầm lẫn được.
Còn bạn… đã có quốc tịch Mỹ, sống ở đây hai mươi, ba
mươi năm; nhưng có khi nào bạn cảm thấy mình thực sự 100% là một người Mỹ hay
không?
Nguyễn Thơ Sinh