Cuộc chiến Việt Nam vẫn chia rẽ người Việt Nam
Xe tăng của bộ đội cộng sản tiến vào
dinh Độc Lập, Sài Gòn, 30/4/1975, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. AFP
Bộ sách lịch sử mới của Viện sử học Việt
Nam thay đổi cách gọi ngụy quân ngụy quyền bằng Việt Nam Cộng Hòa, để chỉ chính
quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Sự kiện này được nhiều người ca ngợi, nhưng cũng bị
khá nhiều ý kiến chỉ trích bên trong Việt Nam.
Những ý kiến khác nhau
Nhà báo Võ Văn Tạo, và nhà văn Thùy Linh đều cho rằng
việc dùng tên Việt Nam Cộng Hòa thay cho ngụy quân ngụy quyền là điều rất tích
cực cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc. Cả hai người đều lớn lên ở miền Bắc trước
năm 1975, nhà báo Võ Văn Tạo, hiện sống ở Nha Trang, từng là bộ đội cộng sản
tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, còn nhà văn Thùy Linh, sống ở Hà Nội, từng
tốt nghiệp trường an ninh của nhà nước Việt Nam.
Bà Thùy Linh
nói rằng việc thay đổi như vậy làm cho những người Việt
từng đối nghịch nhau có thể dễ dàng nói chuyện với nhau hơn.
Ông Võ Văn Tạo
cho biết một nhà báo của báo Quân đội nhân dân, tờ báo nổi tiếng có quan điểm cứng
rắn của đảng cộng sản, cũng nhận được yêu cầu của cấp trên là dùng từ Việt Nam
Cộng Hòa từ đây trở về sau. Tuy nhiên ông Tạo cũng thận trọng cho rằng việc đổi tên này chỉ mới là quan điểm của giới sử học, chứ
chưa có một quan điểm chính thức nào của nhà nước Việt Nam được công bố.
Tuy vậy cũng có những ý kiến chỉ trích rất mạnh việc
dùng danh xưng Việt Nam Cộng Hòa thay cho ngụy quân ngụy quyền. Một người tên
là Lê Ngọc Thống viết trên mạng xã hội rằng nếu như sau năm 1954 có hai chính
quyền tại Việt Nam thì đâu còn gì là giải phóng miền Nam nữa! Trong những bài
viết của mình ông Thống nói rằng ông từng là sĩ quan hải quân của quân đội nhân
dân Việt Nam.
Trong nhóm ý kiến chỉ trích, mạnh mẽ nhất là bài viết
được cho là của ông Trung tướng về hưu Nguyễn Thanh Tuấn. Ông Tuấn yêu cầu phải
thu hồi bộ sách lịch sử mới xuất bản, và những người biên soạn bộ sử mới là vô
trách nhiệm, làm không công cho Mỹ phá hoại đất nước.
Nhà văn Thùy Linh nhận xét về nhóm ý kiến chỉ trích
này:
“Những con người đã trải qua chiến
tranh, gắn cuộc đời họ với chiến tranh, mang tâm thế của người chiến thắng, thì
cái số đó, thậm chí thế hệ trẻ hơn, họ đã bị nhồi sọ, nếu họ không chấp nhận
chuyện đấy thì tôi cũng không có gì ngạc nhiên. Mà cái số đấy rất đông trong xã
hội, điều đó cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi vì bao nhiêu năm nay họ đã được dạy
dỗ với cái nhìn như thế rồi, và thậm chí có khá nhiều người đã đi học nước
ngoài, họ cũng không chấp nhận được là phía bên kia chiến tuyến, hay những người
đã thất bại, lại có thể đứng ngang hàng với họ.”
Bà nói thêm rằng những người bên phía thắng cuộc
trong cuộc chiến tranh Việt Nam lại đang ở một cái thế tự ti về địa vị kinh tế,
xã hội của mình, nên sự phản kháng với những thay đổi cũng là một cách để giúp
họ tự tin hơn.
Chúng tôi hỏi chuyện hai người thuộc thế hệ trẻ sinh
ra và lớn lên sau chiến tranh Việt Nam.
Anh Nguyễn
Quang Bách, tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, hiện sống ở Hà Nội,
cho biết quan điểm của anh:
“Quan điểm cho rằng Việt Nam
Cộng Hòa là một quốc gia độc lập sau hiệp định Geneva thì chắc chắn là xuyên tạc
lịch sử. Còn cái ý kiến đổi tên gọi ngụy quân ngụy
quyền do Mỹ tạo ra và huấn luyện để phá hiệp định Geneva, thì nếu có đổi tên
thì cũng không xóa được lịch sử và bản chất ngụy quyền ngụy quân. Có khi đổi
tên đi thì tai hại hơn vì dân sẽ không tin những nhà sử học khách quan nữa,
đành rằng với chủ trương hòa hợp dân tộc thì không nên bêu rếu, hận thù đối với
ai đã làm việc và đi lính trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa.”
Chị Nguyễn
Như Ngọc, tốt nghiệp ngành kinh tế tài chính, hiện làm việc tại Sài Gòn thì
lại cho rằng việc đổi tên gọi như vậy mang ý nghĩa tốt:
“Với tôi thì
tôi nhìn chuyện đó đỡ khắc khe hơn so với lớp người trước. Nếu dùng từ ngụy
quân ngụy quyền thì nặng, cũng như cái từ Việt cộng vậy, nghe rất nặng. Theo
tôi thì thay đổi như vậy thì theo chiều hướng viết về những người xưa bớt sự
thù hằn hơn.”
Nội chiến hay không nội
chiến
Việc tranh cãi về tính chất của cuộc chiến Việt Nam
vẫn còn đang diễn ra, có ý kiến cho rằng đó là một cuộc nội chiến, còn quan điểm
chính thống của nhà nước Việt Nam hiện nay thì cho rằng đó là cuộc chiến tranh
chống xâm lược.
Vào dịp 30 tháng Tư năm 2013, trong một lần hỏi chuyện
nhà sử học Dương Trung Quốc, đồng thời là đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông cho rằng
khó có thể nói cuộc chiến Việt Nam là nội chiến vì có sự tham gia quá lớn của
quân đội nước ngoài.
Nhà báo Võ Văn Tạo lại có cái nhìn khác:
“Tôi nghĩ rằng ông Dương Trung Quốc lập luận như
vậy thì ông có cái lý của ông ấy, bởi vì cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam bắt đầu
từ những năm 1950, kết thúc ngày 30 tháng Tư năm 1975, pha trộn cả hai dạng. Thứ
nhất có chống ngoại xâm bởi vì có hay không thì người ta cũng phải thừa nhận một
thực tiễn khách quan là vào thời điểm cao nhất của cuộc chiến tranh, năm 1968,
có đến nửa triệu quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam. Thứ hai là cũng trong giai đoạn
đó, tại địa bàn miền Nam Việt Nam, trong quốc gia Việt Nam này, có hai phe đánh
nhau thì cũng có thể gọi nó là một cuộc nội chiến. Nếu chống ngoại xâm thì chỉ
đến tháng Giêng năm 1973, người Mỹ ký hiệp định Paris rồi rút quân, họ làm rất
nghiêm túc, như vậy ít nhất cái giai đoạn từ đó đến 30 tháng Tư năm 75 cũng là
nội chiến.”
Ông Tạo cũng nói thêm rằng sự can thiệp của người Mỹ
tại miền Nam Việt Nam không mang tính chất của một cuộc chiến chiếm đất, làm
thuộc địa như người Pháp trước đây, mà là với mục đích để ngăn chận chủ nghĩa cộng
sản đang bành trướng trên thế giới vào thời gian đó.
Bạn trẻ Nguyễn Như Ngọc cũng nhìn về cuộc chiến
tranh Việt Nam tương tự như ông Võ Văn Tạo:
“Về cuộc chiến đó, tôi nghĩ là đó vẫn là
cuộc chiến tranh chống xâm lược, bởi vì có sự tiếp tay của nước ngoài vào cuộc
chiến tranh đó. Nhưng tôi vẫn thấy nó là cuộc nội chiến vì vẫn có dân Việt Nam
mình (đánh nhau) trong đó.”
Trở lại với bộ sách lịch sử mới ra đời, một số nhà
nghiên cứu biển Đông, trong đó có ông Nguyễn
Nhã nói rằng việc thừa nhận chính quyền Việt Nam Cộng
Hòa sẽ giúp cho việc đấu tranh về chủ quyền biên giới hải đảo của Việt Nam thuận
tiện hơn. Luật sư Lê Công Định
thì cho rằng điều đó không ảnh hưởng gì đến tính kế thừa của hai nhà nước nối
tiếp nhau, nhưng ông cũng cho rằng nếu thực sự những
người cầm quyền hiện nay đổi thái độ về chính thể miền Nam trước năm 1975, điều
đó có lợi cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc.
Anh Nguyễn Quang Bách thì nói rằng:
“Về mặt pháp lý đấu tranh chủ quyền, thì
Việt Nam vẫn dùng tên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chứ không dùng ngụy quân ngụy
quyền. Nhưng mà để giáo dục lịch sử, mà lịch sử do người thắng tạo nên, thì
chúng ta vẫn dùng ngụy quân ngụy quyền cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện hòa hợp
hòa giải dân tộc.”
Nói về việc hòa hợp hòa giải dân tộc nhà văn Thùy Linh cho rằng:
“Còn rất lâu mới
có thể hòa giải và hòa hợp, kể cả những người Việt ở nước ngoài, thì tôi thấy
cái tâm lý chống cộng cực đoan nó cũng kinh khủng như những người cộng sản chống
Việt Nam Cộng Hòa.”
Sau khi bài phỏng vấn Luật sư Lê Công Định về sự tồn
tại của Việt Nam Cộng Hòa như là một thực tế lịch sử, một bạn đọc tại quận Cam
California viết trên trang web của chúng tôi một cách trào lộng, xin được trích
nguyên văn như sau:
Không cần thay đổi. Gọi ngụy
thì đã sao. Tôi đã quen và yêu cái từ "Ngụy" rồi. Bác sĩ"Ngụy"
là những người thầy thuốc giỏi, tận tụy phục vụ bệnh nhân, đầy y đức. không gây
khó khăn kiếm chác tiền bạc bệnh nhân. Thầy giáo" Ngụy là thầy giáo giỏi về
chuyên môn, dày đạo đức. Học sinh ngụy là những học sinh lễ độ với thầy, kính
yêu bè bạn...Nói chung những gì thuộc về "Ngụy" đều tốt. Cứ giữ cái từ
"Ngụy đi. Tôi hãnh diện là người dân Ngụy, là người lính Ngụy phục vụ cho
chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà có kẻ ***** gọi
chúng tôi là ngụy.
Kính
Hòa (RFA)