Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng
(ngày 04.08.2017)
(ngày 04.08.2017)
ASEAN sẽ dịu giọng với Trung cộng về Biển Đông
Hội
nghị các ngoại trưởng ASEAN năm 2017 được tổ chức ở Manila, Phi Luật Tân. Phi
Luật Tân với vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay đã giúp Trung cộng kiểm soát sự bất
hòa.
Hội nghị của các bộ trưởng Đông Nam Á trong tuần này
sẽ tránh bàn tới vấn đề Trung cộng vũ trang và xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển
Đông, chuẩn bị ủng hộ một khuôn khổ cho một bộ quy tắc ứng xử không có tính ràng
buộc và cũng không có tính cưỡng hành.
Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gạt bỏ
những đề cập tới các hoạt động gây tranh cãi của Trung cộng trong bản dự thảo
tuyên bố chung mà hãng tin Reuters đã xem qua.
Ngoài ra, một bản kế hoạch cho việc thiết lập một bộ
quy tắc ứng xử hàng hải ASEAN-Trung cộng được tiết lộ không kêu gọi mang tính
ràng buộc pháp lý hoặc chấp hành Công ước về Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS),
Reuters cho biết.
Hãng tin này nói rằng hai bản dự thảo nêu bật tầm ảnh
hưởng đang mở rộng của Trung cộng trong khu vực vào lúc có nhiều bất định về việc
liệu chính quyền mới của Mỹ có tìm cách kiểm soát sự quyết đoán của Bắc Kinh
trong vùng biển tranh chấp hay không.
Chương về Biển Đông trong bản dự thảo tuyên bố chung
mới nhất, một văn bản được các bên thương lượng mà có thể thay đổi, là phiên bản
được giảm nhẹ so với phiên bản công bố ở Lào vào năm ngoái, Reuters nói.
ASEAN đã bày tỏ "mối lo ngại nghiêm trọng"
trong văn bản này, và "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa
và tự chế trong tất cả các hoạt động, bao gồm cải tạo bồi đắp đất."
Nhưng văn bản mới nhất lại kêu
gọi tránh "những hành động đơn phương ở những đảo tranh chấp."
Phi Luật Tân với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017 đã
giúp Trung cộng kiểm soát sự bất hòa.
Từng là nước chỉ trích hành vi của Trung cộng mạnh mẽ
nhất trong khối ASEAN, Phi Luật Tân dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã gác
tranh chấp sang một bên để đổi lấy các cam kết viện trợ của Trung cộng trị giá
24 tỉ đôla.
Quan hệ giữa ASEAN với Mỹ, dưới thời Tổng thống
Donald Trump, vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trong khi vẫn còn nghi vấn về cam kết
của Washington đối với an ninh hàng hải và thương mại ở Châu Á, làm suy giảm khả
năng thương lượng của khối này với Bắc Kinh.
VOA
Tập đoàn dầu khí Phi Luật Tân nóng lòng tái tục thăm dò Biển Đông
Tuyên
bố chủ quyền của các nước ở Biển Đông
Tập đoàn dầu khí PXP Energy ở Phi ngày 3/8 bày tỏ sự
háo hức nối lại hoạt động thăm dò tại Biển Đông và cho biết bất kỳ sự phát triển
liên doanh nào cũng sẽ có sự góp mặt của một công ty Trung cộng.
Chủ tịch Manuel Pangilinan nói với các phóng viên rằng
ông trông chờ thảo luận các kế hoạch nối lại dự án Bãi Cỏ Rong đã bị đình trệ của
PXP trong vùng biển tranh chấp với chính phủ Phi Luật Tân.
"Chúng ta
nên bắt đầu làm điều đó bởi vì tất cả các tuyên bố mà cả Trung cộng và Phi Luật
Tân đưa ra đều đang đi theo hướng tích cực," ông nói.
Phi Luật Tân đình chỉ thăm dò tại Bãi Cỏ Rong, được
biết đến với cái tên địa phương là Bãi Recto, vào cuối năm 2014 khi nước này
theo đuổi vụ kiện trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng.
Năm ngoái, Tòa án Trọng tài thường trực tại The
Hague đã vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền của Trung cộng đối với phần lớn Biển
Đông, dù Trung cộng từ chối công nhận phán quyết này.
Quyết định này làm rõ các quyền chủ quyền của Phi Luật
Tân trong việc tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, bao gồm cả Bãi Cỏ
Rong, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
PXP trước đó đã đàm phán với Tập đoàn Dầu Khí Hải
dương Trung cộng về việc thăm dò và phát triển chung Bãi Cỏ Rong trong thời
chính quyền của người tiền nhiệm của Tổng thống Rodrigo Duterte, Benigno
Aquino. Nhưng việc Manila mưu tìm trọng tài phân xử vụ kiện đã làm gián đoạn
đàm phán.
Cả hai nước hiện đều để ngỏ ý tưởng liên doanh về
năng lượng trong vùng biển đang tranh chấp. Ngoại trưởng Trung cộng bày tỏ sự ủng
hộ trong chuyến thăm tuần trước tới Phi Luật Tân, và nói thêm rằng hành động
đơn phương có thể gây ra vấn đề cho cả hai bên.
VOA
Bắc Kinh bành trướng xuống ASEAN với Con Đường Tơ Lụa qua Lào
Hành
lang kinh tế từ Côn Minh (Trung cộng) đến Singapore được dự kiến hoàn thành năm
2025. Ảnh chụp màn hình báo Le Figaro ngày 02/08/2017.RFI / Tiếng Việt
Năm 2013, chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đưa ra dự
án về con đường tơ lụa mới, mà gần đây được đặt tên là dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường »(Belt
and Road Initiative). Trong loạt bài viết « Mùa hè Figaro »,
đặc phái viên Sébastien Falletti của nhật báo thiên hữu giúp người đọc tìm hiểu
năm chặng chính của dự án này, trong đó chặng thứ hai nói về « Hành
lang kinh tế từ Côn Minh đến Singapore » với mục tiêu hoàn thiện vào
khoảng năm 2025.
Có mặt tại Boten (Lào), đặc phái viên của Le Figaro
miêu tả công trường hoạt động « 24/24 giờ », đang khoan đoạn đường
hầm dài 9 km và sâu 40 mét trong lòng « Núi Hữu Nghị ».
Boten
là thị trấn vùng biên, nằm giữa Côn Minh (Trung cộng) và Vientiane (Lào), và trở
thành « vùng đặc quyền kinh tế » được Lào cho Trung cộng thuê
trong vòng 99 năm. Ở đây, 90% dân cư là người Hoa, ngôn ngữ chính là tiếng Hoa,
luật lệ và giờ giấc được áp dụng theo Bắc Kinh, điện thoại di động bắt sóng của
China Unicom và giao dịch có thanh toán được bằng Alipay, hệ thống trả tiền
thông qua điện thoại di động của Alibaba.
Bà Đoạn Ôn Bình (Duan Wenping), giám đốc marketing của
tập đoàn xây dựng Trung cộng Haifeng Group thực hiện đoạn đường hầm, cho biết « người Lào được đưa hết ra khỏi khu vực. Họ quá chậm và
không có tay nghề. Từ nay đến ba năm nữa sẽ có khoảng 30.000 người Hoa sinh sống
tại đây và trong tương lai là 100.000 người ».
Thị trấn Boten sắp sửa « đổi đời
» vì Bắc Kinh đang có ý định biến thành một thành phố rộng 34 km2 và
là trạm tiền tiêu mới cho « nền văn minh Trung Hoa ». Theo
bà Đoạn Ôn Bình, « nhờ những tuyến đường tơ lụa mới, Boten sẽ trở thành
một trọng điểm giao thông, là nơi trung chuyển của các tuyến đường sắt và của một
tuyến đường cao tốc nối liền với Bangkok ».
Để thực hiện dự án, 7 quả đồi sẽ bị san ủi để mở rộng
diện tích thêm 10.000 ha. Khu đô thị mới sẽ có một trung tâm thương mại, nhiều
cửa hàng miễn thuế, một trường dạy tiếng Hoa, khoảng 10.000 phòng khách sạn để thu
hút du khách Trung cộng muốn tìm không khí trong lành, ba ngôi đền theo phong
cách Lào sẽ được xây dựng để thêm phần dân dã và một trường đua ngựa 500 ha, được
cho là « lớn nhất châu Á ».
Dự án được Nhà nước Trung cộng ủng hộ, cho phép mượn
được những khoản vay khổng lồ của Ngân hàng Xây Dựng Trung cộng (China
Construction Bank). Bà Đoạn Ôn Bình cho biết « Việc thương lượng với
chính phủ Lào rất dễ dàng. Chỉ cần rót ít tiền lót tay là được ».
Các
nước láng giềng tăng cường đề phòng Trung cộng
Với đoạn đường hầm chiến lược xuyên « Núi Hữu
Nghị », song song với trục đường cao tốc, tuyến đường sắt sẽ rút ngắn thời
gian đi lại, giữa Côn Minh và thủ đô Vientiane của Lào, xuống còn 10 giờ. Sau
đó, tuyến đường sắt được nối tiếp bằng trục Vientiane-Bangkok vừa được Bắc Kinh
ký nhiều thỏa thuận trị giá 5,2 tỉ đô la với chính quyền quân sự Thái Lan (song
song với một dự án đường bộ từ bắc Thái Lan đến Bangkok). Mạng lưới này sẽ được
nối vào tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore mà Malaysia vừa khởi
công xây dựng.
ASEAN là khu vực quan trọng về kinh tế, cũng như về
địa chiến lược. Bà Đoạn Ôn Bình giải thích : « Đường cao tốc tới Bankok
sẽ nối với cảng Moulmein ở Miến Điện, một quốc gia quan trọng với Trung cộng.
Trong trường hợp chiến tranh, nguồn tiếp tế đến từ châu Âu hay Trung Đông sẽ
không còn bị phụ thuộc vào mỗi eo biển Malacca, do Singapore kiểm soát ».
Với điều kiện Miến Điện tham gia cuộc chơi, Trung cộng
mới chấm dứt được « thế nước đôi của Malacca » mà cựu chủ tịch
Trung cộng Hồ Cẩm Đào từng nhắc đến, nhằm ám chỉ đến việc 80% lượng dầu nhập khẩu
của Trung cộng từ Trung Đông phải đi qua khu vực này, trong khi Singapore là một
đồng minh của Mỹ.
Trung cộng đang tràn xuống Đông Nam Á, nhưng vấp phải
sự lo ngại ngày càng lớn của các nước trong vùng trước một « cuộc xâm
lược » mới. Chỉ có Lào là mắt xích yếu trong vùng, giữa một bên là Việt
Nam chống Trung cộng và bên kia là Miến Điện ngày càng hoài nghi. Lào trở thành trung gian giúp Bắc Kinh vươn xuống miền nam.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan thuộc đại
học Baptiste Hồng Kông đánh giá « đảng Pathet
Lào là một băng đảng mafia và Lào đã thành một vệ tinh của Trung cộng ».
Trung cộng là nước có lợi nhất trong dự án Con
Đường Tơ Lụa Đông Nam Á. Bắc Kinh sẽ hưởng 70% lợi nhuận từ tuyến đường sắt và
có thể xây dựng những dự án bất động sản sinh lời dọc bên đường. Các doanh nghiệp
Trung cộng chỉ sử dụng lao động người Hoa. Còn người Lào sẽ chỉ hưởng «
đầu thừa đuôi thẹo », như làm dọn phòng trong khách sạn.
Thế nhưng, sự phát triển quy mô lớn này lại che giấu
những điểm yếu khổng lồ bên trong. Theo bà Đoàn, « dự án một con đường,
một vành đai là điều không thể tránh được, vì nếu không, tình trạng sản xuất dư
thừa của ngành công nghiệp Trung cộng sẽ bùng nổ ». Bắc Kinh xuất khẩu mô
hình tăng trưởng dựa trên cơ sở hạ tầng và nguồn tín dụng dễ dãi với nguy cơ
hình thành những thành phố ma mới và khối nợ cao như núi bên ngoài lãnh thổ Trung
cộng.
Thu
Hằng (RFI)
Chuẩn bị cho COC, các bộ trưởng Đông Nam Á tránh đề cập đến tranh
chấp Biển Đông
Ngoại trưởng Ngoại giao Trung cộng,
Vương Nghị và Thư ký Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân, Alan Peter Cayetano (bên phải)
tham dự một cuộc họp báo chung tại Manila vào ngày 25 tháng 7 năm 2017. AFP
Cuộc gặp của các bộ trưởng Đông Nam Á trong tuần
này được xác định tránh đề cập những mối quan ngại về vấn đề vũ trang và việc Trung
cộng xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, nhằm chuẩn bị cho Bộ Quy tắc ứng
xử trên Biển Đông (gọi tắt là COC), cho dù bộ quy tắc ứng xử này không có giá
trị pháp lý, chỉ là mẫu mực chung, đề nghị các quốc gia liên quan nên thực hiện.
Hãng thông tấn Reuters
cho biết họ đã xem qua một bản tuyên bố chung của Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó không đề cập đến các hoạt động gây
tranh cãi của Trung cộng.
Ngoài ra, cũng theo Reuters, nội dung của một bản kế hoạch thiết
lập bộ quy tắc ứng xử biển hàng hải ASEAN - Trung cộng đã bị rò rỉ ra
ngoài, cho thấy không đòi hỏi phải ràng buộc về mặt
pháp lý, hoặc phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Hai bản dự thảo này đã nêu bật vai trò lớn mạnh của Trung
cộng trong khu vực vào thời điểm chưa có sự chắc chắn rằng chính phủ mới của
Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào sự bành trướng của Bắc Kinh trong vùng biển đang tranh
chấp.
Tin từ Reuters cho biết các nước ASEAN đã từng
nghiêm túc bày tỏ mối quan tâm trong văn bản này, và "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong
tất cả các hoạt động, bao gồm cả việc cải tạo đất."
Tuy nhiên, trong nội dung văn bản mới nhất chỉ đề cập
kêu gọi tránh "hành động đơn phương trong các hoạt động tranh chấp”.
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc
và có hiệu lực pháp lý là mục tiêu các nước ASEAN có liên quan, gồm Brunei, Mã
Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam mong đợi kể từ năm 2002, nhằm bảo đảm tự do hàng
hải và đường biển.
Việt Nam yêu cầu phạm vi địa lý áp dụng bộ quy tắc ứng
xử này phải bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, nhưng Bắc Kinh cho rằng quần đảo này
không còn là nơi tranh chấp chủ quyền nữa, kể từ khi bị Trung cộng dùng vũ lực
chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 01/1974.
RFI
Biển Đông: Khung COC sẽ không nhắc đến phán quyết quốc tế La Haye
Biển ĐôngẢnh :
Wikipedia
Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 50 đã mở ra từ
hôm nay 02/08/2017 tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân, với cuộc họp của các quan
chức để chuẩn bị cho loạt hội nghị cấp ngoại trưởng sắp tới, trong nội bộ
ASEAN, cũng như với các đối tác. Đáng chú ý là Hội Nghị Ngoại Trưởng của Diễn
Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ARF, và của khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS, tập hợp các
nước ASEAN và các đối tác, từ Trung cộng, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Mỹ, Nga, Ấn
Độ… Theo nước chủ nhà, có ngoại trưởng của 27 quốc gia tham gia các hội nghị tại
Manila.
Nổi bật nhân hội nghị ngoại trưởng thường niên của
khối Đông Nam Á lần này vẫn là hồ sơ Biển Đông, với việc thông qua dự thảo
khung của Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (tên tắt tiếng Anh là COC), mà Khối
Đông Nam Á sẽ ký với Trung cộng.
Bản dự thảo về thỏa hiệp khung COC đã được Trung cộng
và ASEAN đúc kết hồi tháng 5 vừa qua tại Quý Châu (Gui Zhou). Theo thủ tục, dự
thảo này sẽ được chính thức thông qua tại Hội Nghị Ngoại Trưởng của toàn khối
ASEAN ngày 05/08, rồi tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN-Trung cộng sau đó một
hôm.
Cho đến nay, nội dung dự thảo khung COC hoàn toàn được
giữ kín, tuy nhiên vào hôm qua, phát ngôn viên Robespierre Bolivar bộ Ngoại
Giao Philipines tiết lộ rằng phán quyết vào năm ngoái 2016 của Tòa Trọng Tài La
Haye phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung cộng tại Biển Đông có thể
sẽ không được nhắc đến trong thỏa thuận khung về Bộ Quy Tắc Ứng Xử.
Theo ông, thỏa thuận này chỉ mang nội dung « khái
quát », nhắc đến những « cơ sở nền tảng của luật pháp »
và « phác họa » các nguyên tắc hành xử của các bên tại Biển
Đông mà thôi, do đó rất có thể là sẽ không đề cập đến một điều cụ thể như là
phán quyết về Biển Đông của quốc tế.
Khi bị báo giới chất vấn là cơ sở nền tảng của luật
pháp trong thỏa thuận khung về COC đó có bao hàm phán quyết La Haye hay không,
phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân cho biết : « Điều đó còn tùy.
Đây là một tiến trình thương thảo. Nhưng như đã nói, phán quyết đó đã được gộp
vào trong án lệ quốc tế rồi ».
Theo hãng tin Mỹ AP, một số người đã chỉ trích một
thỏa thuận khung về COC mà chỉ là một bản phác thảo ngắn gọn về các nguyên tắc
đã được thông qua trước đây, và không đề cập đến các quan ngại nẩy sinh do việc
Trung cộng bồi đắp và quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, cũng như
không nói gì về phán quyết quốc tế đã phủ nhận cơ sở pháp lý trong các yêu sách
chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ công du
Đông Nam Á
Bộ Ngoại Giao Mỹ vào hôm qua đã xác nhận là ngoại
trưởng Rex Tillerson sẽ đến Manila tham gia các hội nghi của khối Đông Nam Á
ASEAN và sẽ thảo luận với các đồng nhiệm về ba hồ sơ chính : Phi hạt nhân hóa
bán đảo Triều Tiên, an ninh trên biển và chống khủng bố.
Nhân dịp này, ông Tillerson cũng sẽ ghé thăm hai nước
Đông Nam Á khác là Thái Lan và Malaysia. Đối với bộ Ngoại Giao Mỹ, chuyến công
du Đông Nam Á của ngoại trưởng Tillerson là dấu hiệu tái khẳng định quyết tâm
« mở rộng và tăng cường » lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ
trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Trọng
Nghĩa (RFI)
ASEAN muốn có hiệp ước bất tương xâm với Trung cộng
Đảo
nhân tạo của Trung cộng xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Đông Nam Á sẽ tìm
cách thảo luận càng sớm càng tốt về một hiệp ước bất tương xâm với Trung cộng
nhằm ngăn ngừa những cuộc xung đột tại Biển Đông và chắc chắn sẽ không chỉ
trích những hành động hung hăng của Trung cộng tại vùng biển tranh chấp trong một
hội nghị thượng đỉnh cuối tuần.
Một dự thảo thông cáo chung sơ khởi sắp được Ngoại
trưởng các nước ASEAN công bố mà AP có được ngày 2/8 cho thấy các Bộ trưởng sẽ
yêu cầu các nhà ngoại giao cao cấp ngay tức thì mở các cuộc thảo luận về Bộ Qui
tắc Ứng xử Biển Đông sau khi chính phủ các nước đã đồng ý về một khung làm việc
với Trung cộng vào tháng 5 năm nay.
Cuộc tranh chấp dai dẳng tại Biển Đông cùng với những
vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên, và sự nổi dậy của chủ nghĩa cực đoan
Hồi Giáo trong vùng chắn chắn sẽ nổi bật trong các cuộc thảo luận của Ngoại trưởng
các nước ASEAN và những người đồng nhiệm châu Á và Phương Tây tại Manila bắt đầu
vào ngày 5/8.
Ông Robespierre Bolivar, phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao Phi Luật Tân, mô tả những tiến bộ ban đầu sau nhiều năm nỗ lực của các nước
ASEAN thương thuyết về một bộ qui tắc ứng xử với Trung cộng là “một bước rất
dài.”
Các chỉ trích nói rằng khung làm việc chỉ được sử dụng
như là một phác họa về những nguyên tắc đã được đồng ý trước đây và không đề cập
đến những quan ngại về các đảo nhân tạo của Trung cộng hay phán quyết của Tòa
trọng tài quốc tế hồi năm ngoái rằng đòi hỏi của Trung cộng đòi toàn bộ chủ quyền
trên Biển Đông là vô giá trị. Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của Tòa án
trọng tài căn cứ trên Công ước về Luật Biển 1982.
Bản sao cuối cùng của khung làm việc AP thấy được
cũng không đề cập đến Bộ Qui tắc Ứng xử có hiệu lực cưỡng hành pháp lý hay
không, điều mà hầu hết các nước ASEAN đều muốn nhưng Trung cộng phản đối, cũng
không nhắc tới phạm vi của khu vực tranh chấp áp dụng qui tắc ứng xử, đồng thời
cho thấy Bộ qui tắc sẽ không được dùng như là một công cụ để giải quyết tranh
chấp lãnh thổ.
Trong những cuộc thảo luận, một số nước ASEAN đề nghị
một số nội dung nhưng không được đồng thuận, chẳng hạn như đề nghị của Việt Nam
về một “cơ chế giải quyết tranh chấp” trong trường hợp tranh chấp xảy ra trong
tương lai, theo một phúc trình của ASEAN đính kèm.
Dự thảo thông cáo chung, có thể mở rộng thêm nữa với
ý kiến của các nước thành viên ASEAN khác, cũng không đề cập đến quan ngại về
các đảo nhân tạo của Trung cộng với một hệ thống phòng thủ phi đạn được bố trí
trên đảo. Những quan ngại như vậy đã xuất hiện trong những tuyên bố chung trước
đây của ASEAN.
AP (Voa Tiếng Việt)
Repsol chính thức xác nhận việc ngưng khoan thăm dò dầu khí tại lô
của Việt Nam
Hãng Repsol của Tây Ban
Nha chính thức xác nhận việc ngưng khoan thăm dò dầu khí tại một lô ngoài khơi
Việt Nam ở Biển Đông.
|
Một
người đàn ông đi ngang qua trụ sở công ty dầu lửa Repsol của Tây Ban Nha ở Madrid
vào ngày 16 tháng 12 năm 2014. AFP
|
Hãng tin Reuters loan tin vừa nêu vào ngày 2 tháng 8
dẫn lời viên chức phụ trách tài chính của Repsol, ông Miguel Martinez, xác nhận
Repsol đang làm việc với PetroVietnam và cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội
và bình luận duy nhất mà ông này có thể đưa ra lúc này là hoạt động khoan thăm
dò đã ngưng.
Ông Miguel Martinez còn nhắc đến khoản kinh phí chi ra cho giếng khoan thăm dò tại lô 136/3 cho đến
nay là 27 triệu đô la Mỹ.
Hoạt động khoan thăm dò tại lô này được cho biết bắt
đầu vào giữa tháng sáu theo giấy phép cấp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt
Nam, Repsol của Tây Ban Nha và Công ty Phát triển Mubadala của Các tiểu Vương
Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Lô 136/3 nằm trong đường 9 đoạn mà Trung cộng đơn
phương vạch ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền.
Reuters dẫn nguồn tin thông thạo trong lĩnh vực dầu
khí cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội cho ngưng hoạt động khoan thăm dò và
quyết định được Hà Nội đưa ra sau chuyến thăm của một phái đoàn Việt Nam sang Trung
cộng về. Việt Nam không muốn gây hấn với Trung cộng chỉ vì chuyện khoan thăm dò
như thế.
Trong tuần này, Tạp chí Foreign Policy cho biết Trung
cộng đã đe dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nếu như không cho ngừng khoan
thăm dò tại lô 136/3. Theo Tạp chí này thì quyết định cho ngưng được đưa ra sau
những cuộc họp căng thẳng của Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam.
Phía chính quyền Việt Nam chưa xác nhận tin cho
ngưng khoan thăm dò dầu khí tại lô 136/03; nhưng trong tuần người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Việt Nam khi trả lời báo giới lên tiếng bảo vệ các hoạt động liên
quan dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo
qui định của luật pháp quốc tế.
Dữ liệu của Reuters cho thấy tàu khoan Deepsea Metro
I vào ngày chủ nhật 30 tháng 7 vẫn còn ở vị trí kể từ khi bắt đầu hoạt động vào
giữa tháng sáu.
Giám đốc Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải, thuộc
Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ độ Washington DC , Hoa Kỳ,
ông Greg Poling, cho rằng việc ngưng khoan thăm dò không có nghĩa là hợp đồng bị
hủy. Theo ông Greg Poling thì Hà Nội có thể bật đèn xanh cho Repsol khoan một
giếng gần đó; tuy vậy việc hoãn lại hẳn nhiên gây tốn kém.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, David Shear, cho rằng
ông tin vì tranh chấp với Trung cộng mà Việt Nam mất hai khu khoan thăm dò dầu
khí.
(RFA)
Ấn Độ sẽ cử hàng chục chiến hạm đến Biển Đông hỗ trợ Việt Nam bảo vệ
giàn khoan
Chỉ huy Hải quân của Ấn Độ,
Đô đốc Sunil Lanba tuyên bố Ấn Độ có sẵn kế hoạch đưa một hạm đội tàu chiến hỗn
hợp đến khu vực Biển Đông nếu xảy ra chiến tranh toàn diện với Trung cộng.
Hạm
đội hàng không mẫu hạm Ấn Độ.
Ngày 30/7, thời báo Ấn Độ “Dainik Jagran” đã có bài
phỏng vấn với chỉ huy Hải quân của nước này. Khi được hỏi “Trước tình hình ngày
một căng thẳng đang diễn ra giữa Trung cộng và Ấn Độ, lực lượng Hải quân có những
kế hoạch tác chiến như thế nào nếu xảy ra một cuộc chiến toàn diện với Trung cộng?
”, Đô đốc Sunil Lanba đã có những chia sẻ thẳng thắn về việc bảo vệ hải phận Ấn
Độ cũng như các lợi ích của Ấn Độ tại nước ngoài.
Đô
Đốc Sunil Lanba, chỉ huy Hải quân của Ấn Độ.
Đô đốc Sunil Lanba cho biết, ngoài tăng cường lực lượng
vũ trang, siết chặt an ninh để giữ an toàn cho các đường biên giới trên biển. Ấn
Độ cũng chuẩn bị những phương án để đáp trả, phong tỏa đường biển, ngăn chặn đường
tiếp nhiên liệu của Trung cộng khi đi qua vùng biển Ấn Độ Dương. Hơn hết là
phía Hải quân Ấn Độ sẽ tích cực hỗ trợ nhiều mặt cho các đồng minh, đặc biệt để
bảo vệ các giàn khoan của Ấn Độ tại Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung cộng đang
có căng thẳng về chủ quyền.
Hẳn ai cũng biết, Việt Nam và Ấn Độ là đối tác cùng
khai thác dầu khí tại Biển Đông. Mặc cho Trung cộng phản đối hoạt động khai
thác dầu khí của Ấn Độ ở khu vực ngoài khơi của Việt Nam, lấy lý do phi pháp là
khu vực hai lô trên “thuộc chủ quyền của Trung cộng”. Công ty dầu khí nhà nước Ấn
Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) vẫn tiếp tục hợp tác thăm dò sau khi Việt Nam khẳng định
chủ quyền không tranh cãi của mình.
Một
giàn khoan khai thác dầu ngoài khơi của công ty dầu khí Ấn Độ ONGC.
Đô đốc Sunil Lanba cũng cho biết Hải quân Ấn Độ cũng
đã có sẵn kế hoạch đưa một hạm đội tàu chiến hỗn hợp bao gồm hàng không mẫu hạm,
khu trục hạm, tàu ngầm hạt nhân và lực lượng thủy quân lục chiến Ấn Độ đến khu
vực Biển Đông nếu xảy ra chiến tranh toàn diện với Trung cộng.
Đối đầu biên giới Trung –
Ấn bắt đầu vào trung tuần tháng 6/2017. Theo báo chí Ấn Độ, quân đội Trung cộng
đã vượt qua biên giới Trung – Ấn, tiến vào bang Sikkim ở khu vực đông bắc để
xây dựng đường sá.
Để ngăn chặn quân đội Trung
cộng, lực lượng biên phòng Ấn Độ đã kiên quyết ứng phó với phía Trung cộng. Sau
đó, hai bên không ngừng tăng quân ở khu vực biên giới, tình hình căng thẳng
liên tục leo thang.
Hiện nay, Ấn Độ sở hữu
khoảng 120 – 130 đầu đạn hạt nhân và đã phát triển được tên lửa đạn đạo tầm xa
Agni-5 có thể vươn tới toàn bộ Trung cộng. Cùng với những diễn biến xấu đi của
quan hệ Trung – Ấn, những vũ khí hạt nhân này của Ấn Độ cũng có tác dụng răn đe
rất lớn.
(Dainik
Jagran)