09.10.2017

Cán bộ Bộ KH&CN bị bắt vì trộm cắp tại Nhật và 2 gói mì tôm của nhân viên Tòa Đại Sứ

Cán bộ Bộ KH&CN bị bắt vì trộm cắp tại Nhật và 2 gói mì tôm của nhân viên Tòa Đại Sứ

Mẫn Nhi 

Cán bộ Bộ KH&CN bị bắt vì trộm cắp tại Nhật: chuyện nhỏ về hộ chiếu “maze in Vietnam”

Tấm hộ chiếu màu xanh lá đầy dịu mắt, tấm hộ chiếu mà trên cùng ghi rõ dòng chữ Việt và anh, với cùng nghĩa: Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Socialist Republic of Vietnam).
 

Tấm hộ chiếu này bị nhiều người chối bỏ, nhiều người ghét bỏ, và nhiều người cảnh giác với nó. Nói đúng, là tấm hộ chiếu trở thành một “tội đồ” mà bất cứ ai mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đều có một cảm giác gờn gợn.

Trong thời gian qua, có ba câu chuyện liên quan đến hộ chiếu Việt Nam.

Đầu tiên là một vị Phó phòng thuộc Cục An toàn và bức xạ hạt nhân (Bộ KH&CN) khi qua Nhật công tác đã tiện tay “cầm nhầm” ít đồ trong siêu thị về, nhưng xui xẻo, anh cán bộ bị phát hiện và được cảnh sát Nhật mời đi làm việc.

Đây là trường mới nhất liên quan đến vấn đề người Việt tại Nhật Bản. Theo một số liệu được phía Nhật công bố vào tháng 5/2017, thì chỉ tính riêng năm 2014 – người Việt ăn cắp 2.488 vụ, trung bình 8 vụ/ ngày. Về án hình sự, người Việt đứng đầu ở cả cướp giật và ăn cắp, với tổng số bị bắt giữ là 1.745 người/ tổng số 6.716 người nước ngoài bị bắt.

Một trang có tên XKLĐ Nhật Bản  trước thực trạng này đã lên tiếng bằng bài viết: Người Việt trộm cắp tại Nhật đã phá nát giấc mơ của thế hệ đi sau.

Câu chuyện thứ hai, là liên quan đến một chia sẻ của bạn Phạm Thị Thu Hiền (người có thẻ xanh tại Canada, nhưng chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam) trên Nhóm Tôi và sứ quán. Bạn này sau khi đi du lịch sang Cuba, thì đã bị mất toàn bộ giấy tờ tùy thân và tiền bạc tại thủ đô Havana. Dù thừa nhận đây là lỗi mang tính chủ quan, và không trách được Tòa Đại sứ (TĐS) Việt Nam tại Cuba, nhưng câu chuyện vẫn mang lại sự hoang mang và mất niềm tin vào sự hỗ trợ công dân của cơ quan này. Cụ thể, TĐS không có bất kỳ một khoản kinh phí nào để hỗ trợ về thức ăn hay chỗ ở trong quá trình “chờ đủ điều kiện để trở về Canada”. Mọi sự giúp đỡ về nơi ở hay thức ăn đều nhờ vào sự giúp đỡ của một bạn du học sinh tại Cuba, một người Cuba lao công tại TĐS,… Về sự giúp đỡ của cá nhân trong TĐS thì có một anh A cho 3 đô-la CUBA và anh B cho 2 gói… mì gói.

Câu chuyện này nhận được phản hồi của nhiều người về sự vô tâm của TĐS Việt Nam. Facebooker Loan Nguyen cho hay: Để cho nhưng người dân Cuba phải ra tay giúp đỡ em, đưa em về nhà họ ở... các cá nhân tại TĐS VN có thấy nhục không nhỉ? Họ có xấu hổ khi nhìn mặt cô lao công người Cuba ở đấy hàng ngày và cả cô nhân viên giúp em mua sim điện thoại nữa?

Trong khi đó, Facebooker Hai Ha đặt vấn đề về cái gọi là “Quỹ bảo hộ công dân” mà ông Vũ Lê Hà – trưởng phòng lãnh sự nước ngoài, thuộc Cục Bộ Ngoại giao từng đề cập (2010): Cái Quỹ bảo hộ công dân này lập ra để làm gì nhỉ? Đại sứ máu lửa bên UAE tự nhận là cán bộ LS tự bỏ tiền ra giúp công dân bị nạn để lập công. Cán bộ LS bên Cuba thì lại bảo không giúp được gì một cháu gái sa cơ lỡ vận không còn một xu lẫn giấy tờ tuỳ thân. Họ không biết hay họ lạnh lùng?

Quỹ Bảo hộ Công dân quy định:  "Mọi công dân Việt Nam ở nước ngoài, không phân biệt cán bộ Nhà nước hay nhân dân, khi ở nước ngoài nếu gặp hoạn nạn, rủi ro cần được giúp đỡ, nếu trực tiếp đến CQĐD, đều được CQĐD hướng dẫn, giúp đỡ theo Quy chế quản lý tài chính của Quỹ BHCD. Người ở trong nước, nếu nhận được tin tức có thân nhân ở nước ngoài gặp hoạn nạn, rủi ro cần được giúp đỡ và bản thân người bị nạn không tự đi lại được, nếu có thông báo cho Cục Lãnh sự và có yêu cầu được giúp đỡ, Cục Lãnh sự đều chỉ đạo cho CQĐD cử người đến tận nơi tìm hiểu vụ việc và cung cấp những giúp đỡ cần thiết nhằm giúp người bị nạn nhanh chóng vượt qua khó khăn và hồi hương một cách nhanh nhất."

Câu chuyện "hỗ trợ" của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Cuba, gián tiếp phá nát niềm tin được bảo hộ của người Việt ở nước ngoài. Đến mức không ít người thông qua đó đã dè bỉu, thậm chí cạnh khóe hành động của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Mỹ liên quan đến vụ xả súng Las Vegas, trong đó có một nạn nhân gốc Việt (Michelle Võ), khi cơ quan này đã nhanh chóng liên hệ với các cơ quan chức năng Mỹ đề nghị cung cấp thông tin nạn nhân là công dân Việt Nam để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân khẩn cấp. Hành động vốn dĩ là tốt này đã không cứu vãn nổi chuỗi hành dân vì thủ tục và lộ phí, sau chuỗi "hỗ trợ công dân" bị tai nạn nước ngoài bằng mì tôm và vài đồng USD, khiến nó nhanh chóng bị dán nhãn là "làm trò, làm màu" là chính.

Có người lại đặt câu tự vấn: hay là người có quốc tịch hoặc thậm chí là gốc Việt (đã từ bỏ quốc tịch) nhưng ở Mỹ đế quốc nên có "giá" hơn những nước khác?

Suy cho cùng, câu chuyện người Việt bị TĐS nước mình bỏ mặc tại nước ngoài không mới, người ta cho đó là sự quan liêu, kẻ khác lại cho đó là “chế độ trong nước thế nào thì chế độ bên ngoài thế ấy”. Vậy chung quy là tập sống thích nghi. Nhưng có những người không thích nghi, bức xúc trên sự cay đắng về cái gọi là TĐS Việt Nam, đã tập hợp lại và phản ảnh đầy đủ những hạch sách, quan liêu, vô trách nhiệm của cơ quan này trên nhóm “Tôi và sứ quán”. Cách làm này là “đặng chẳng đừng”, buồn nhiều hơn vui, nhưng họ vẫn buộc phải làm.

nếu ai cầm hộ chiếu Việt Nam đi trong nước, sẽ chẳng có vấn đề gì cả, nhưng khi ra nước ngoài, nó là cả một câu chuyện lớn liên quan đến lòng tự tôn hay tủi nhục về vị thế của một đất nước. Liệu có ai đủ tự hào về tấm hộ chiếu đó khi đi nhiều nước, mà ngay cả ở vùng trũng Đông Nam Á cũng phải “cảnh giác” khi nhìn thấy nó.

Ăn cắp, "mại dâm" vật chất lẫn tinh thần là quốc tính, Hộ chiếu Việt Nam vì thế trở thành biểu tượng quốc nhục lúc nào không hay.

Trước đó, vào năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố Chỉ số Hộ chiếu (Passport Index) - một thước đo về mức độ “quyền lực” của hộ chiếu các quốc gia trên thế giới. Hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 75, đồng hạng với hộ chiếu Campuchia – một đất nước mà không ít người dân hay cán bộ Việt Nam từng coi khinh là “kém cỏi, mọi”.

Mẫn Nhi (VNTB)  

Thông tin cảnh báo bằng tiếng Việt và tiếng Nhật ở Nhật Bản về nạn ăn cắp của người Việt