Nợ công Việt Nam chạm đỉnh 65% GDP: Chính phủ phải làm gì?
Nợ công của Việt Nam chiếm 61% GDP, tính
đến cuối năm 2015 Photo: RFA
Bộ Tài Chính hồi hạ tuần tháng 9 thông
báo nợ công của Việt Nam chiếm 61% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tính đến cuối
năm 2015 và dự báo đỉnh nợ công sẽ xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm
2017-2018.
Gánh nặng nợ công
Theo số liệu về quyết toán ngân sách nhà nước tính đến
cuối năm 2015, Ủy ban thường vụ quốc hội hồi trung tuần tháng 5 công bố nợ công
của Việt Nam vào khoảng 363 tỷ đô la Mỹ (USD), chiếm đến 61% GDP, trong đó dư nợ
Chính phủ đã chạm trần 50% GDP.
Căn cứ theo số liệu vừa nêu, Bộ Tài Chính trong
tháng 9 thông báo Chính phủ Việt Nam mắc nợ trị giá gần 94,3 tỷ USD; bao gồm
39,6 tỷ vay của nước ngoài và phần còn lại là vay trong nước. Bộ Tài Chính còn
cho biết nợ Chính phủ bảo lãnh gần 21 tỷ USD, trong đó vay của nước ngoài hơn
11,3 tỷ. Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là một trong những
áp lực đối với nợ công và trách nhiệm trả nợ của Chính phủ đè nặng lên ngân
sách eo hẹp của Việt Nam, trong xu hướng nợ công được dự báo sẽ đạt đỉnh xấp xỉ
ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018.
Vấn đề được Chính phủ cũng như giới chuyên môn quan
tâm là nợ công của Việt Nam được tái cơ cấu như thế nào để luôn ở ngưỡng an
toàn cũng như Việt Nam cần làm gì để có khả năng trả nợ trong bối cảnh thiếu
nguồn vốn cho phát triển kinh tế giai đoạn đến năm 2035?
Truyền thông trong nước dẫn lời của Chuyên gia cao cấp
Cao Viết Sinh rằng theo nhận định của
ông thì áp lực nợ công và trả nợ của Việt Nam hiện tại
không nằm ở các khỏan vay nước ngoài dài hạn với lãi suất thấp, mà nằm ở các khoản
vay ngắn hạn ở trong nước. Theo tính toán của giới chuyên gia, Chính phủ
hàng năm phải chi trả khoảng 14% tổng số nợ Chính phủ vay và nợ Chính phủ bảo
lãnh.
Một số các chuyên gia mà Đài RFA tiếp xúc cho rằng
Việt Nam đang loay hoay trong mối tương quan giữa vay vốn để phát triển và vì sử
dụng các nguồn vốn vay không đạt hiệu quả nên dẫn đến trở thành một trong những
quốc gia có tỉ lệ nợ công tăng nhanh nhất, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới-World
Bank; mà nếu không tiếp tục vay thì làm sao phục vụ cho phát triển và trả nợ.
Trong vòng suốt 20 năm, tính từ 2005 đến 2015, Việt
Nam nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA dưới ba hình thức chủ yếu gồm nguồn vốn
viện trợ không hoàn lại, chiếm khoản 10-12%; nguồn vốn vay ưu đãi, chiếm đến
80% và vốn hỗn hợp chiếm 8-10%. Theo thống kê, từ năm 1993 đến năm 2014, tổng
giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam lên đến con số gần 90 tỷ USD. Tuy nhiên,
Chính phủ Việt Nam thừa nhận vẫn còn nhiều dự án sử dụng các nguồn vốn ODA chưa
hiệu quả, điển hình như 4 dự án đường sắt đô thị tại thủ đô Hà Nội và thành phố
Hồ Chí Minh chậm trễ nghiêm trọng hay dự án Đại lộ Đông-Tây là một trong những
đại án tham nhũng gây rúng động trong dư luận.
Thời gian sắp tới, Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự trù Việt
Nam cần phải huy động khoảng 39,5 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đáp ứng
nhu cầu đầu tư phát triển đến năm 2020. Trong khi đó, thời
điểm cuối năm 2017, Việt Nam không còn được vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới-World
Bank nữa. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có thể cũng sẽ ngừng cung cấp các
khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam. Các quốc gia Châu Âu, bao gồm Anh, Phần Lan
và Na Uy cũng thông báo sẽ dừng cấp vốn hay cắt giảm dần vốn ODA cho Việt Nam đến
năm 2020.
Trả nợ bằng cách nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Giám đốc
quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, chiều ngày
20/09/2017 tại Hà Nội. Courtesy: Chinhphu.vn
Trước tình hình bế tắc về nguồn vốn để đầu tư và
phát triển cũng như nợ công của Việt Nam ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng
việc đi vay với lãi suất thị trường để chi tiêu thì không phải là giải pháp tốt
cho Việt Nam. Các chuyên gia đề nghị một trong những
biện pháp cần thiết quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải ưu tiên giảm chi ngân
sách, để có thêm tiền chi cho đầu tư thì khi đó áp lực đi vay và trả nợ sẽ vơi
bớt phần nào. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một cựu chuyên viên thuộc Cục Thống kê Liên
Hiệp Quốc nhận định đây là một thách thức lớn đối Hà Nội:
“Số liệu trong nước thì họ cố giấu nên
không thể biết rõ ràng được. Nhưng theo cách tính của tôi thì Việt Nam chi tiêu cho vấn đề an ninh quốc gia chiếm đến 21%
ngân sách. Mức chi tiêu như thế là cực kỳ lớn và chi nhiều nhất 12% cho công
an, hơn cả quân đội nữa. Với mức chi như vậy và còn tiếp tục tăng cao
thì có cách gì mà giải quyết được?”
Liên quan thông tin đại diện của Ngân hàng Thế giới-World
Bank, tại một hội thảo quốc tế được tổ chức ở Hà Nội vào hôm 26 tháng 9 vừa
qua, cam kết giúp Việt Nam đẩy mạnh tiến độ giải quyết nợ xấu, các khỏan vay
không hoạt động trong hệ thống ngân hàng để đảm bảo việc phân phối vốn hiệu quả
cho phát triển kinh tế; trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng liệu World Bank hay
các tổ chức tài chính quốc tế sẽ can thiệp trực tiếp để giải quyết hay không,
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho biết những tổ chức này chỉ đưa ra các giải pháp cho
Việt Nam nên làm, nhưng Việt Nam nghe theo hay không là lựa chọn của họ. Cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc trưng dẫn
trường hợp Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) một khi can thiệp trực tếp thì sẽ kèm
theo rất nhiều điều kiện đối với quốc gia mà tổ chức này giúp đỡ:
“IMF từ xưa giờ có chương trình giải quyết
giúp đỡ là khi có một quốc gia nào mất khả năng trả nợ nước ngoài. Việt Nam
chưa phải nằm trong tình trạng đó. Nếu như mất khả năng trả nợ nước ngoài thì
IMF có thể cho vay tiền để trả nợ kèm theo các điều kiện như đòi hỏi phải cắt
ngân sách nhà nước, đòi hỏi phải cắt chi tiêu, đòi hỏi phải tăng thuế…Nghĩa là
đòi hỏi rất nhiều thứ và còn đưa ra chương trình hàng năm phải xém xét sổ sách
v.v. Từ sau năm 1975 đến giờ, Việt Nam chưa bao giờ bị rơi vào tình trạng này.”
Từ trong nước, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng lên tiếng
Việt Nam cần phải nhanh chóng cải cách thể chế như Chính phủ Hà Nội từng tuyên
bố, mà ông gọi là “cải cách chính thể”. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên Chính phủ Việt Nam cần tiến hành bốn bước
quan trọng:
“Thứ nhất là phải
minh bạch. Làm gì thì làm nhưng phải minh bạch, đặc biệt là vấn đề tài
chính ngân sách. Thứ hai là không được làm nhái những
sản phẩm của nước ngoài, có nghĩa là phải tôn trọng quyền sở hữu của người
ta. Thứ ba nữa là phải tạo ra cạnh tranh bình đẳng giữa
khối doanh nghiệp tư nhân với khối doanh nghiệp nhà nước, không ưu tiên
doanh nghiệp nhà nước mà đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước quá kém
hiệu quả. Thứ tư là phải chống tham nhũng. Cho
đến giờ việc chống tham nhũng quá chậm lụt.”
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn đề nghị Chính phủ Việt
Nam bắt buộc phải cải cách chính trị như bỏ cơ chế sở hữu toàn dân về đất đai,
ban hành các luật định về tự do lập hội, tự do truyền thông cũng như tích cực
hơn trong việc cải thiện tình hình nhân quyền ở trong nước. Ông Phạm Chí
Dũng nhấn mạnh chỉ khi nào Việt Nam đạt được sự thay đổi như thế thì mới đáp ứng
đủ tiêu chí của kinh tế thị trường được quốc tế công nhận.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn
Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, cho rằng Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc trong hạ tuần tháng 9 đề nghị World Bank tìm các nguồn tại trợ với những
khỏan vay không hoàn lại giúp cho giai đoạn phát triển quốc gia đến năm 2035
trong bối cảnh nợ công chạm đỉnh ở ngưỡng 65% GDP là điều hợp lý. Tuy nhiên, một
số chuyên gia đánh giá trong bối cảnh hiện nay của Việt
Nam và tình hình khó khăn chung của các quốc gia trên thế giới thì Chính phủ Hà
Nội sẽ khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay không hoàn lại, như quan điểm của
Tiến sĩ Vũ Quang Việt rằng“Không ai cho không Việt Nam bây giờ nữa. Trừ trường
hợp Trung cộng may ra cho không”. Và không chỉ giới chuyên gia mà cả
dân chúng tại Việt Nam đều tin rằng người bạn láng giềng “4 tốt-16 chữ vàng”
cũng sẽ kèm theo những yêu sách một khi Trung cộng thực hiện nghĩa cử cao đẹp
tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
Hòa
Ái (RFA)
2017-09-29
2017-09-29