20.11.2017

Việt Nam đồng ý cho phá sản ngân hàng yếu kém _VOA

Việt Nam đồng ý cho phá sản ngân hàng yếu kém




Quốc hội Việt Nam hôm thứ Hai 20/11 đã thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi theo đó các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thể tiến hành phá sản để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong hệ thống, Reuters dẫn nguồn tin chính phủ cho biết.


Quyền tuyên bố phá sản trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội thông qua khi cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra từ 5 năm trước mà cho đến nay chính quyền Việt Nam vẫn chưa có cách giải quyết.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng gần đây cho biết tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tiềm ẩn nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 9 năm 2017 là ở mức 8,61%. Mức nợ xấu trong tháng 9 năm 2012 là 17,21%.
Theo quy định mới của luật sửa đổi này, có hiệu lực vào ngày 15/1/2018, bước đầu tiên để đối phó với một ngân hàng gặp khó khăn là đặt ngân hàng này dưới sự "kiểm soát đặc biệt" của Ngân hàng Nhà nước.
Theo luật này, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản ngân hàng khi ngân hàng đó đó lâm vào nguy cơ phá sản.
Theo luật sửa đổi này, bất kỳ tuyên bố phá sản nào cũng phải được chính phủ chấp thuận.
Ông Nguyễn Minh Phong, một nhà kinh tế thuộc Học viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội cho Reuters biết, việc cho phép ngân hàng tuyên bố phá sản rất có ích cho ngân hàng nhà nước.
Tuy nhiên, việc phá sản sẽ không được tuyên bố trong thực tế, ông Phong nói, vì chính quyền sẽ chỉ thực hiện bước này như là giải pháp cuối cùng khi các ngân hàng lâm nguy.
Theo truyền thông trong nước, dự thảo luật vừa được thông qua tập trung vào 5 phương án để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm các phương án như phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc và phá sản.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một tổ chức tín dụng để tái cấu trúc hệ thống.

Chính phủ có thể xem xét việc sáp nhập, chuyển ngân hàng cho các nhà đầu tư khác hoặc giải thể trước khi tổ chức tài chính nộp đơn xin phá sản như là phương án cuối cùng.