Giới nhân quyền nghĩ gì về hội nghị Trump-Kim ở Hà Nội?
Tina Hà Giang
BBCvietnamese.comViệc hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai được tổ chức tại Hà Nội vào hai ngày 27 và 28/2 khiến Việt Nam thu hút nhiều chú ý và phản ứng từ mọi giới.
Đa số cho rằng đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam về nhiều mặt. Tuy nhiên giới quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam có những nhận định riêng.
Hôm 19/2, ba dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal (Dân Chủ), Chris Smith (Cộng Hòa), và Zoe Lofgren (Dân Chủ) cùng gửi một lá thư đến Tổng Thống Donald Trump, kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với chính quyền Việt Nam, khi ông đến Hà Nội dự cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
"Địa điểm được chọn làm nơi tổ chức buổi họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn là một vinh dự cho quốc gia chủ nhà," một vinh dự mà "chính quyền Việt Nam không xứng đáng" vì ''hồ sơ nhân quyền tồi tệ'' của nước này, một đoạn trong thư nói trên viết.
Nhưng có phải ai cũng đồng ý với ba vị dân biểu này?
Liệu việc Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị Trump-Kim liệu có cho thế giới thấy là hồ sơ nhân quyền của một nước (bị cho là tồi tệ) không ngăn cản Việt Nam có được những bước tiến đáng kể trong hoạt động kinh doanh và diễn đàn quốc tế, và điều này khiến cho Việt Nam thấy không cần phải cải thiện nhân quyền không?
BBC phỏng vấn một số người trong giới đấu tranh cho để tìm hiểu nhận định của họ.
Trả lời phỏng vấn hôm 22/2, ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), nói:
"Tôi không nghĩ rằng việc Việt Nam trở thành chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này thì có nghĩa là cộng đồng quốc tế đã bỏ qua các vi phạm nhân quyền diễn ra trong thời gian vừa qua."
"Việc chọn Việt Nam là địa điểm của hội nghị thì cần phải có sự đồng thuận của cả Mỹ và Triều Tiên. Về phía Triều Tiên thì chúng ta biết rằng họ là quốc gia có rất ít đồng minh, đồng minh quan trọng nhất là Trung Quốc thì luôn bị cáo buộc là chống lưng và bao che, lại còn đang có chiến tranh thương mại với Mỹ, thế nên chắc chắn là hội nghị không thể diễn ra ở Trung Quốc được. Trong khi đó quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn không ngừng tiến triển trong các năm vừa qua. Và Việt Nam vốn là quốc gia đồng minh truyền thống của Triều Tiên. Thế nên, rõ ràng Việt Nam là nơi lý tưởng để tổ chức hội nghị này."
Ông Sơn vạch ra:
''Có thể nhiều người lầm tưởng rằng chỉ trừng phạt, chỉ trích, cấm vận thì mới được coi là các động thái phản đối vi phạm nhân quyền. Trên thực tế, bảo vệ nhân quyền có thể được thực thi qua rất nhiều cách, và thường thì các chính phủ vẫn chọn cách mềm dẻo trước tiên, khi tiếp cận các chính phủ nước khác trong vấn đề nhân quyền. Việc Việt Nam được bầu vào hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 2013 là một ví dụ, cộng đồng quốc tế muốn Việt Nam tham gia tích cực hơn vào các định chế nhân quyền quốc tế, để giúp chính phủ Việt Nam hiểu hơn và giảm thiếu ác cảm đối với nhân quyền."
''Việc chỉ trích, trừng phạt hay cấm vận thì có thể mang lại sự thỏa mãn tức thì, thế nhưng nó cũng có tác dụng ngược là đẩy chính quyền bị trừng phạt vào thế thù ghét và hiểu sai về nhân quyền. Trong khi việc khuyến khích và tiếp cận mềm dẻo lại mất nhiều thời gian hơn và phải rất kiên nhẫn cùng với thiện chí thì mới đạt được kết quả. '
Cùng ngày, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của Human Rights Watch bình luận:
"Việt Nam khá sắc sảo trong việc ngoại giao, và họ sẽ sử dụng bất kỳ lợi thế nào có thể để theo đuổi chính sách tránh bị chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của mình. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vi phạm nhân quyền chính vì họ tập trung cao độ vào việc làm câm lặng mọi thách thức đối với quyền lực của họ bằng cách đảm bảo rằng phần lớn người dân Việt Nam tiếp tục sợ hãi việc chỉ trích công khai chính phủ."
"Trong khi có nhiều nhà hoạt động can đảm đã từ chối không để bị đe dọa, thì thực tế là chính phủ Việt Nam sẽ chỉ thay đổi nếu họ nhận được áp lực liên tục là phải tôn trọng quyền con người. Thật khó để mong đợi bất cứ điều gì tích cực từ ông Trump, người không quan tâm đến nhân quyền, nhưng Liên minh châu Âu và các quốc gia ủng hộ nhân quyền có cùng chí hướng khác cần phải đứng lên bảo vệ nhân quyền của Việt Nam."
"Tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sẽ giúp Hà Nội tạm thời trông sáng lên trên sân khấu toàn cầu nhưng chúng ta phải tập trung hơn vào việc yêu cầu các loại cải cách sẽ đảm bảo Việt Nam công nhận và tôn trọng nhân quyền trong dài hạn."
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà đấu tranh tại Việt Nam, hôm 24/2, nói với BBC ông không nghĩ việc Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai, tự nó, là điều khiến cho giới nhân quyền phải e ngại:
" Mỹ và Bắc Hàn không có quá nhiều lựa chọn ngoài Việt Nam để gặp mặt, xét các yếu tố hậu cần đi lại và những hậu ý chính trị mang tính biểu tượng. Chẳng ai giàu trí tưởng tượng tới mức nghĩ rằng thành tích nhân quyền là một trong những yếu tố cân nhắc để lựa chọn địa điểm cho những buổi gặp mặt như thế này, vậy nên bảo rằng vì thế mà đáng lo cho giới bảo vệ nhân quyền thì tôi e là hơi lo xa quá."
"Nói vậy không có nghĩa là không có gì đáng quan ngại về tình hình nhân quyền Việt Nam mà trái lại, dù có hay không có hội nghị thượng đỉnh này thì chúng ta đều thấy là tình hình nhân quyền mấy năm qua đang xấu đi với nhiều người bị bắt bớ hơn, tiến trình cải cách pháp luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế cũng đang bị trì hoãn lại. Tuy nhiên nói rằng nhân quyền thời nay không còn quan trọng nữa thì cũng không phải bởi lẽ ngay cả những chính quyền vi phạm nghiêm trọng nhân quyền nhất vẫn không dám phủ nhận nhân quyền, mà chỉ diễn giải nó theo một cách khác."