27.10.2019

Báo Việt Nam 'gạch mặt' tàu Trung Quốc -Quốc Phương BBC

Báo Việt Nam 'gạch mặt' tàu Trung Quốc

Một tờ báo thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã sử dụng hình ảnh có 'gạch chéo đỏ' (hay 'gạch mặt') khi minh họa và đưa tin tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc rút khỏi vùng biển đối đầu với Việt Nam trong suốt ba tháng hè thu năm 2019.
Hôm 25/10, tờ báo mạng Thế giới & Việt Nam, cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, chạy tựa đề trên đầu trang này một tin cho hay 'Tàu khảo sát HD8 của Trung Quốc cùng tàu hộ tống đã rời vùng biển Việt Nam" với hình ảnh chiếc tàu "quấy nhiễu" vùng biển mà Việt Nam nói là thuộc chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bị gạch chéo ở chính giữa hình chụp.

Dẫn nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam, báo này cho hay: "Từ ngày 4/7 - 24/10, với tổng số 113 ngày, HD8 đã tiến hành 4 đợt khảo sát trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (4/7-7/8; 1/8-2/9; 7-23/9; 27/9-24/10).
"Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Philippines - Trung Quốc tháng 7/2016 đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc; Trung Quốc không những không công nhận, tuân thủ Phán quyết mà còn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối với vùng biển trong phạm vi "đường lưỡi bò"; hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam của nhóm tàu HD8 là một ví dụ, đồng thời với các hoạt động gây rối khác trong vùng biển Philippines, Malaysia.
"Mặc dù nhóm tàu HD8 đã rời khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng tình hình trên biển sắp tới sẽ còn tiếp tục diễn biến khó lường. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải hết sức tỉnh táo và khôn khéo để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển."

Hai khả năng và ba trường hợp

Hôm 24/10, một nhà nghiên cứu Biển Đông, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt ngay trước Bàn tròn thứ Năm, bình luận về diễn biến Trung Quốc rút tàu này:
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt phân tích lý do Trung Quốc rút tàu Hải Dương Địa chất 8
"Cái này đã được dự đoán từ trước đây một vài ngày. Tất nhiên là nó chưa chắc chắn. Tức là sau khi Giàn khoan của Nhật Hakuryu đã rút về sau khi hoàn thành xong việc," nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói và giải thích thêm.
"Tức là phía Việt Nam cho rằng cái giàn khoan đó của Việt Nam đã hoàn thành công việc đó ở lô 06.01, thì phía Trung Quốc cũng đã giảm bớt nhiệt độ căng thẳng và sau đó hai tàu hải cảnh ở lô 06.01 đã rút và thông tin đến hôm nay chúng ta đã biết, là đã cho thông tin là tàu Hải dương 08 đã rút ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam."
Nhà nghiên cứu Biển Đông này cho rằng có hai khả năng xảy ra sau khi Trung Quốc rút tàu thăm dò địa chất và đội tàu tháp tùng, hộ vệ:
"Cho đến bây giờ chúng ta chưa chắc là vấn đề gì, nhưng có hai khả năng. Khả năng thứ nhất là Trung Quốc sẽ rút hẳn và căng thẳng trên Biển Đông sẽ giảm nhiệt đi. Khả năng thứ hai là Trung Quốc tạm rút, sẽ quay trở lại như Trung Quốc đã làm trong mấy đợt trước.
"Nhưng cá nhân tôi tin rằng, có một số thông tin được biết rằng là khả năng Trung Quốc sẽ rút hẳn nhiều hơn, bởi vì một số mục tiêu của Trung Quốc đã đạt được..."
Khi được hỏi, trong trường hợp Trung Quốc điều tàu Hải Dương địa chất 8 hoặc tàu khác quay trở lại, hay đưa giàn khoan vào khu vực mới rút ra và tiến hành khoan, khoan khai thác, thì Việt Nam có thể phản ứng, ứng phó ra sao, ông Hoàng Việt nói:
"Trong trường hợp Trung Quốc chỉ đặt một cái gì đó vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để đuổi Trung Quốc ra là một điều vô cùng khó khăn, cho nên chính sách của Việt Nam sẽ phải là: thứ nhất không được cho Trung Quốc làm điều đó.
"Và vì vậy Việt Nam cũng sẽ tương tự, thứ nhất là Việt Nam sẽ phải sử dụng lực lượng trên thực địa ngăn không cho Trung Quốc không được đặt một cái gì ở trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ví dụ đặt giàn khoan hoặc là đặt khoan.
"Và thứ hai, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục kêu gọi và có lẽ Việt Nam sẽ làm mạnh hơn, giống như đợt năm 2014, và kêu gọi mạnh mẽ cộng đồng quốc tế cũng như là mời gọi các phóng viên của quốc tế tới để đưa tin.
"Và thứ ba, Việt Nam có thể sử dụng vũ khí mạnh cuối cùng mà Việt Nam chưa sử dụng trong biện pháp hòa bình, đó là khởi kiện Trung Quốc ra tòa. Và tôi nghĩ, nó cũng lặp lại trường hợp của năm 2014, lúc đó Việt Nam đã chuẩn bị tất cả các phương án khởi kiện, lúc đó thì Trung Quốc rút giàn khoan. Cho nên Việt Nam đã ngưng việc khởi kiện Trung Quốc lại."
Tàu Hải Dương Địa Chất 8Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTàu Hải Dương Địa Chất 8 đã 'hoàn thành nhiệm vụ' thăm dò 'khoa học' theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc
'Yêu sách lớn, không chỉ với giàn khoan Nhật'
Bình luận tại Bàn tròn thứ Năm hôm 24/10 về diễn biến rút giàn khoan của Trung Quốc, sau khi nghe ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị và an ninh ở khu vực nói với BBC:
"Trung Quốc rút như thế là tạm thôi. Tính mục tiêu của họ đặt ra, yêu cầu lớn của họ đặt ra cho Việt Nam hồi cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu 2019 là phải dừng lại và rút toàn bộ tất cả những khai thác đang có của tất cả các nước mà không nằm trong khu vực này ra.
"Chứ không phải chỉ là riêng chuyện có giàn khoan của Nhật mà liên doanh giữa Rosneft và PVN thuê vào khoan. Không phải chỉ như thế.
"Nhưng bây giờ giàn khoan đấy đã hoàn thành nhiệm vụ khoan rồi, thì Trung Quốc rút tạm ra như thế thôi, còn yêu cầu lớn nhất của họ không phải là ở chỗ giàn khoan Nhật đó, mà là ở yêu cầu mà tôi vừa nói.
"Cho nên tình hình sắp tới, khả năng lớn xảy ra, một là, bởi vì họ tuyên bố mới đây vài tiếng là họ đã khảo sát xong, thì khả năng lớn hơn nữa là có thể họ kéo giàn khoan vào họ khoan.
"Vấn đề đặt ra là gì? Yêu sách của họ rất lớn, tức là họ yêu sách Việt Nam phải chấm dứt tất cả việc khoan khai thác dầu và khí của tất cả các đối tác không phải là ở trong khu vực này, chứ không phải chỉ riêng chuyện giàn khoan Nhật," nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) và thành viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nêu nhận định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/10 cho hay nước này chính thức tuyên bố rút tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi khu vực mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền và là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Dữ liệu theo dõi cho thấy con tàu đã rời khỏi khu vực và hướng về Trung Quốc vào sáng cùng ngày với ít nhất hai tàu hộ tống.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ này nói: "Theo kế hoạch của Trung Quốc, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã bắt đầu cuộc khảo sát khoa học tại vùng biển do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vào đầu tháng Bảy. Theo như chúng tôi (Trung Quốc) được biết, công việc đã hoàn tất," người phát ngôn này nói.