VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỘC HẠI
Xuân Sơn Võ
Hôm nay, facebook rộ lên vụ phát biểu của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, về văn hóa của Sài gòn trước 1975. Tôi không chắc là nhạc sĩ Trần Long Ẩn có nói rằng "toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết" hay không, hay ai đó vu vạ cho ông.*
Tôi rất thích bài "Một đời người, một rừng cây" của Trần Long Ẩn. Ở đó có những câu mang tính triết lí cuộc đời, như "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai", hoặc "có một cây là có rừng"... Một lần, nghe radio, có phỏng vấn ông Trần Long Ẩn về bài hát này, ông cho biết lai lịch của câu "sống gần nhau thân mới thẳng", tôi khá ngạc nhiên.
Câu trả lời của ông không được mộng mơ và triết lí như câu hát. Nó chỉ đơn giản là điều ông nhìn thấy, và nghe người ta nói. Tuy nhiên, cái phần mộng mơ mà trước giờ tôi nghĩ, thì với ông, đó lại là những thứ hết sức chính trị, nếu không nói là tuyên truyền sáo rỗng. Tôi cứ nghĩ ông là cộng sản thứ thiệt, chứ không phải dân miền Nam trước 1975.
Tôi không sống ở miền Nam trước năm 1975, tôi không rõ nền văn học nghệ thuật của miền Nam lúc đó ra sao, nhưng tôi biết nhạc Trịnh Công Sơn, qua giọng hát Khánh Ly. Tôi biết là hầu hết người miền Bắc, kể cả bộ đội, công an... ngay sau 30-4-1975, đều rất yêu nhạc Trịnh Công Sơn, và giọng hát của Khánh Ly.
Tôi không biết những bài hát của thời kì trước 1975, như "Hát cho dân tôi nghe", "Dậy mà đi", Tự nguyện"... độc hại đến cỡ nào, nhưng chúng được phổ biến ra cả ngoài Bắc hồi đó. Nếu nói chúng là độc hại, thì cũng có thể đúng. Vì những bài hát như trên đã giúp xóa sổ một chế độ, kèm theo nền văn hóa đã từng làm tôi ngạc nhiên khi bước chân vào miền Nam sau ngày 30/4/1975.
Cái ngạc nhiên đầu tiên của tôi là xin lỗi và cám ơn. Người Sài gòn lúc đó hay cám ơn, hay xin lỗi quá. Văn hóa miền Bắc XHCN mà tôi được tiếp xúc trong 16 năm đầu cuộc đời không chú ý đến việc cám ơn ai, ngoài ơn đảng, ơn chính phủ.
Tôi cũng rất kinh ngạc khi các bạn học cùng tôi không có ý gì sẵn sàng chết cho lãnh tụ của mình, trong khi tôi được dạy "Bác bảo đi là đi, Bác bảo đánh là đánh"... Tôi kinh ngạc khi các bạn coi cha mẹ mình hơn cả lãnh tụ, vì tôi được dạy "Tiếng đầu lòng con gọi Stalin".
Tôi còn kinh ngạc hơn khi các bạn bảo mạng sống của mình là thứ quí giá nhất, người mà mình cần báo hiếu nhất là cha mẹ, ông bà. Bởi vì tôi được dạy rằng, lí tưởng mới là thứ đáng quí nhất, chứ mạng sống thì sá gì. Tôi được dạy "trung với đảng, hiếu với dân", chứ ông bà, cha mẹ là cái đinh gì.
Tôi ngạc nhiên khi các bạn cùng lớp cứ cái gì cũng liệu sức mình mà làm, lúc nào cũng phải đặt mình vào người ta, để hiểu người ta, rồi phải rộng lượng, đừng có cái gì cũng căm thù... Trong khi tôi lại được dạy "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"...
Tôi không biết nền văn học, nghệ thuật nào là độc hại, nhưng tôi biết chắc, văn hóa phải tương đồng với văn học nghệ thuật của nền văn hóa ấy.