29.12.2020

Trung Quốc buộc tội các nhà hoạt động Hồng Kông vượt biên trái phép-Eva Fu Ngân Hà biên dịch

 Trung Quốc buộc tội các nhà hoạt động Hồng Kông vượt biên trái phép

Các nhà chức trách Trung Quốc đã chính thức công bố các cáo buộc đối với những nhà hoạt động Hồng Kông bị bắt giữ cách đây hơn ba tháng, khi họ được cho là đang tìm cách trốn sang Đài Loan để tị nạn chính trị.

Bốn gia đình và các thành viên của nhóm chiến dịch Save12HKers chuẩn bị thả bóng bay về phía Diêm Điền, Trung Quốc đại lục (phía sau) tại đảo Crooked, Hồng Kông, hôm 21/11/2020. (Ảnh Peter Parks/ AFP/ Getty Images)

Hai người trong số họ bị buộc tội tổ chức vượt biên trái phép trong khi tám người khác bị cáo buộc tham gia hoạt động vượt biên, theo tuyên bố ngày 16/12 từ Tòa án Nhân dân quận Diêm Điền, thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc đại lục, nơi các nhà hoạt động đang bị giam giữ.

Tòa án cho biết họ sẽ xét xử kín để quyết định các trường hợp còn lại đối với hai nhà hoạt động vị thành niên.

Theo luật pháp Trung Quốc, hình phạt tối đa cho tội vượt biên trái phép là một năm tù. Người tổ chức những nỗ lực như vậy có thể phải đối mặt với án tù từ hai đến bảy năm, và trong một số trường hợp “đặc biệt nghiêm trọng” là tù chung thân.

12 nhà hoạt động, tuổi từ 16 đến 33, đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắt hồi tháng 8 khi họ lên thuyền đến hòn đảo Đài Loan.

Trước đó, tất cả đều đã bị bắt ở Hồng Kông vì tham gia phong trào dân chủ diễn ra vào mùa hè năm ngoái, do phản đối việc Bắc Kinh ngày càng xâm phạm quyền tự trị của thành phố. Cục trưởng Cục an ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu cho biết 11 người trong số họ đã bị cấm rời khỏi Hồng Kông do các cáo buộc.

Ít nhất một người trong số họ, Andy Li, đã bị bắt trước đó vì “thông đồng với các lực lượng nước ngoài” theo luật an ninh quốc gia mới mà Trung Cộng áp đặt lên thành phố hồi cuối tháng Sáu. Luật mới trừng phạt các tội được xác định mơ hồ như ly khai và thông đồng [với các lực lượng nước ngoài] với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Trong một bài đăng trên twitter ngày 13/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã gọi 12 nhà hoạt động này là các phần tử ly khai, trong khi Global Times – truyền thông Trung Quốc, luôn mô tả họ là những kẻ bạo loạn. Hồi tháng 10, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 9 người vì hỗ trợ họ bỏ trốn.

Mặc dù tòa án Thâm Quyến không xác định ngày xét xử, cô Hang Tung Chow, một luật sư ủng hộ dân chủ Hồng Kông, nghi ngờ rằng Trung Cộng có thể triệu tập phiên tòa vào kỳ nghỉ lễ để giảm thiểu tác động quốc tế, dựa trên phương thức giải quyết các vụ án chính trị nhạy cảm trong quá khứ, cô nói với Apple Daily.

Gia đình của những người bị giam giữ đã không thể liên lạc với họ, và các luật sư Trung Quốc được thuê cũng không thể gặp được thân chủ của mình. Nhiều luật sư đã mô tả về việc bị cảnh sát Trung Quốc đe dọa rút khỏi vụ án.

“Mặc dù phải chịu rất nhiều áp lực nhưng tôi đã từ chối rút lui, và họ [chính quyền] cũng không chấp nhận các điều khoản mà tôi đã đưa ra. Ngay sau đó, phòng tư pháp đã gửi lời nói rằng họ sẽ trừng phạt tôi và thu hồi giấy phép luật sư của tôi,” một trong các luật sư nói với The Epoch Times hồi tháng 11. Anh nói rằng trung tâm giam giữ Diêm Điền đã nhiều lần từ chối anh và các luật sư khác do gia đình các nhà hoạt động chỉ định được phép tiếp cận. Cảnh sát cũng đã theo dõi anh và gọi điện hỏi về nơi ở của anh.

Cựu nghị sĩ Hồng Kông Eddie Chu, người vẫn duy trì liên lạc với gia đình của 12 nhà hoạt động, cho biết các luật sư do nhà cầm quyền chỉ định mới chỉ liên lạc với thân nhân của những người bị bắt trong vài tuần vừa qua. Ông nói với đài truyền hình công cộng địa phương RTHK trong một chương trình gần đây rằng các luật sư của nhà cầm quyền đã hành động một cách bí ẩn và từ chối tiết lộ tên đầy đủ của họ, đồng thời bày tỏ hy vọng Trung Cộng sẽ cho phép thân nhân của các nhà hoạt động tham dự các phiên tòa.

Việc chính quyền Trung Quốc bắt giữ 12 người Hồng Kông, một số người trong số họ là người mang hộ chiếu nước ngoài, đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Vào ngày 01/12, đánh dấu mốc 100 ngày sau vụ việc, 155 quan chức từ 18 quốc gia đã gửi một bức thư ngỏ tới Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, thúc giục bà bảo đảm “sự tôn trọng và nhân quyền cơ bản” của 12 nhà hoạt động Hồng Kông, bao gồm cả việc cho họ được trở về Hồng Kông, tiếp cận với các loại thuốc men cần thiết, liên hệ với gia đình và đại diện pháp lý.

Với việc ban hành luật an ninh quốc gia, nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị bắt và càng ngày càng nhiều người dân địa phương xin tị nạn ở nơi khác.

Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật cung cấp tình trạng bảo hộ tạm thời cho những người dân Hồng Kông lo sợ bị truy tố nếu họ trở về đặc khu tự trị. Thượng viện đã đề xuất một dự luật tương tự, nhưng vẫn chưa được đưa ra biểu quyết.

Hôm 14/12, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng ủng hộ ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ địa phương Jimmy Lai (Lê Trí Anh), người đã bị bắt với cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia và bị từ chối bảo lãnh.

“Tôi e rằng Hồng Kông đang trở thành một thành phố cộng sản khác do Trung Cộng điều hành, và điều này quá tồi tệ,” ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, gọi vụ bắt giữ là một ví dụ khác về việc Bắc Kinh vi phạm “cam kết 50 năm” – hứa sẽ không can thiệp vào quyền tự trị và các quyền tự do cơ bản của thành phố sau khi nó được chuyển giao từ sự cai trị của Anh Quốc sang sự cai trị Trung Quốc vào năm 1997.

Eva Fu
Ngân Hà biên dịch