Trung Cộng gây ảnh hưởng đến LHQ để thúc đẩy nghị trình chính sách đối ngoại
Một tổ chức cố vấn chính sách của Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo về việc Trung Cộng đang mở rộng tầm ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các cơ quan chuyên môn của tổ chức quốc tế này để thúc đẩy các sáng kiến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
“Trung Cộng hiện diện với tư cách là người đứng đầu hoặc đứng vị trí thứ hai trong hầu hết các tổ chức quốc tế quan trọng,” theo báo cáo hôm 27/05 của tổ chức cố vấn chính sách đối ngoại có trụ sở tại Mumbai là Gateway House: Indian Council on Global Relations. Báo cáo này nêu bật sự thao túng của Bắc Kinh đối với sự phát triển toàn cầu, thiết lập luật lệ quốc tế, các tiêu chuẩn kỹ thuật số và khoa học cũng như chủ nghĩa đa phương.
Nghiên cứu này cho thấy có 4 trong số 15 tổ chức chính của LHQ có lãnh đạo là đại diện của Trung Cộng, bao gồm Tổ chức Lương Nông (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Báo cáo này cho biết, ITU đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự kết nối quốc tế thông qua mạng lưới truyền thông, với 193 quốc gia thành viên và khoảng 900 công ty, trường đại học, và các tổ chức quốc tế và khu vực. Liên minh này đã bảo đảm rằng nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc và các tiêu chuẩn của họ được áp dụng thông qua hoạt động phát triển của họ tại lục địa Phi Châu, Thái Bình Dương, và khu vực Nam và Đông Nam Á.
Cũng theo báo cáo này, UNIDO, vốn trở thành cơ quan chuyên môn của LHQ vào năm 1985, là tổ chức khuyến khích công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển, nhưng hiện đã bị chính quyền Bắc Kinh lợi dụng.
Báo cáo này cho hay, “Trung Cộng đã ngay lập tức kết nối UNIDO với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của họ, thứ mà hiện UNIDO đang công khai ủng hộ.”
Ngoài ra, ICAO, một tổ chức giúp duy trì các tuyến đường hàng không và các tiêu chuẩn an toàn, đã loại Đài Loan ra khỏi các cuộc thảo luận, trong một tình huống tương tự như của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi chịu “ảnh hưởng quá mức” của Bắc Kinh.
Báo cáo trên cho biết các đại diện của Bắc Kinh cũng được bầu chọn làm phó lãnh đạo trong các tổ chức như WHO, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Tổ chức Du lịch Thế giới.
Báo cáo viện dẫn các trường hợp mà Trung Cộng đã lợi dụng vị trí lãnh đạo của mình tại LHQ, cùng với việc hỗ trợ tài chính, để nâng đỡ các đại diện của Trung Cộng trong các tổ chức của LHQ, bao gồm cả cuộc bầu cử năm 2017 của Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người được Bắc Kinh hậu thuẫn. Ông Ghebreyesus là cựu Bộ trưởng Bộ y tế và Ngoại giao của Ethiopia, một trong số các quốc gia Phi Châu nhận khoản đầu tư lớn nhất từ Trung Cộng.
Báo cáo này cho thấy rõ những lời cảnh báo muộn màng và các hạn chế đi lại của WHO trong đại dịch virus Trung Cộng toàn cầu là “hậu quả thảm khốc trên toàn cầu được đơm kết từ sự ảnh hưởng của Trung Cộng.”
Ngoài ra, Ban Kinh tế và Xã hội LHQ (DESA), một ban cố vấn của LHQ là do Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), một luật sư thuộc Bộ ngoại giao Trung Cộng, lãnh đạo.
Báo cáo trên kết luận rằng Trung Cộng đã gia tăng tầm ảnh hưởng thông qua việc tăng đóng góp tài chính. Họ là nhà tài trợ lớn thứ hai cho LHQ, với các khoản đóng góp tự nguyện tăng lên đến 346% kể từ năm 2010.
Báo cáo này khuyến cáo rằng Ấn Độ cần phải thay đổi từ một quốc gia “tuân thủ luật lệ” một cách phòng thủ như hiện tại, sang một quốc gia chủ động trong việc “tạo ra luật lệ” và cần tự hòa nhập vào các cơ quan đa phương của LHQ.
Tổ chức cố vấn này khuyến nghị Ấn Độ gia tăng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ quan của LHQ, bên cạnh những đóng góp từ các tổ chức thiện nguyện đang ngày càng phát triển của Ấn Độ.