30.09.2021

Pfizer: Hiệu quả của vaccine COVID-19 sẽ suy yếu theo thời gian-Jack Phillips Hạo Văn biên dịch

 Pfizer: Hiệu quả của vaccine COVID-19 sẽ suy yếu theo thời gian

Hãng Pfizer mới đây đã tuyên bố rằng dữ liệu từ Israel và Hoa Kỳ cho thấy hiệu quả của vaccine COVID-19 của hãng này giảm xuống theo thời gian, và tuyên bố rằng các liều vaccine bổ sung có hiệu quả trong việc đối phó với các biến thể mới của virus.

Hãng Pfizer tuyên bố trong bài thuyết trình của mình trong tuần lễ từ ngày 13–19/09, đã được đăng trên trang web của FDA, rằng “Dữ liệu thực từ Israel và Hoa Kỳ cho thấy rằng tỷ lệ lây nhiễm đột phá đang tăng nhanh hơn ở những người được chích ngừa sớm hơn trong các chiến dịch chích ngừa so với những người đã được chích ngừa gần đây hơn.”

Và bằng chứng từ các nghiên cứu này chỉ ra rằng “sự giảm hiệu quả thấy được của vaccine chống lại việc nhiễm COVID-19 chủ yếu là do phản ứng miễn dịch của vaccine suy yếu theo thời gian, chứ không phải là kết quả của việc biến thể Delta tránh được sự bảo vệ của vaccine,” theo Pfizer.

Một y tá được phát một liều vaccine Pfizer COVID-19 trước khi chích cho một sinh viên đại học tại phòng chích ngừa Covid-19 di động của Y tế Công cộng Thành phố Long Beach tại khuôn viên Đại học Tiểu bang California Long Beach (CSULB) ở Long Beach, California, hôm 11/08/2021 (Ảnh: Patrick T. Fallon/AFP/Getty Images)

Dựa trên dữ liệu của mình, hãng Pfizer tuyên bố rằng nên chích liều bổ sung cho tất cả những người từ 16 tuổi trở lên, sáu tháng sau khi họ chích liều vaccine mRNA thứ hai.

Đại công ty dược phẩm này, đã hợp tác với BioNTech để phát triển vaccine của họ, dẫn chứng một nghiên cứu từ công ty chăm sóc sức khỏe Kaiser Permanente, cho thấy khả năng bảo vệ khỏi nhiễm COVID-19 đã giảm từ 88% trong tháng đầu tiên sau khi chích liều thứ hai xuống còn 47% sau năm tháng.

Công ty này đang cố gắng đưa ra lý lẽ chứng minh trước thềm cuộc họp quan trọng của FDA được lên lịch vào ngày 17/09; tại đó một hội đồng dự kiến ​​sẽ tranh luận và bỏ phiếu về việc có nên khuyến nghị chích mũi bổ sung, tức liều vaccine thứ ba hay không.

Nhưng trong một nghiên cứu được xuất bản bởi Tạp chí The Lancet vào hôm 13/09, hai chuyên gia đánh giá vaccine cao cấp của FDA – cả hai dự kiến ​​sẽ sớm rời khỏi cơ quan này – cùng hơn một chục nhà nghiên cứu đứng đầu đã lập luận rằng không cần chích vaccine bổ sung cho toàn bộ người dân. Họ lập luận rằng các tác dụng phụ tiềm ẩn từ các liều bổ sung này có thể lớn hơn là lợi ích mang lại, khẳng định rằng hiện tượng như vậy thực sự sẽ làm tăng sự do dự đối với việc chích ngừa.

Nghiên cứu này viết, “Bằng chứng hiện tại dường như không… cho thấy tính cần thiết của mũi chích bổ sung cho toàn bộ người dân, trong đó hiệu quả chống lại bệnh nặng vẫn ở mức cao. Thậm chí dù cho mũi chích bổ sung cuối cùng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng trong trung hạn, nhưng nguồn cung vaccine hiện tại có thể cứu sống nhiều người hơn nếu được sử dụng cho những người chưa được chích ngừa trước đây.”

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ hồi đầu tháng Chín kêu gọi các quốc gia giàu có hơn, bao gồm cả Hoa Kỳ, tạm hoãn chích mũi bổ sung cho đến cuối năm 2021. Ông lập luận tại một cuộc họp báo rằng bởi vì các công ty đang tăng tốc sản xuất các liều vaccine bổ sung; điều đó tước đi cơ hội được chích những mũi vaccine đầu tiên của các quốc gia nghèo hơn.

Ông nói trong một cuộc họp báo hôm 08/09 rằng, “Tôi sẽ không im lặng chừng nào các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vaccine toàn cầu còn cho rằng người nghèo trên thế giới nên hài lòng với phần [vaccine] dư thừa. Bởi vì các nhà sản xuất đã ưu tiên hoặc có nghĩa vụ pháp lý thực hiện các giao dịch song phương với các nước giàu sẵn sàng chi trả nhiều dollar nhất, các nước thu nhập thấp đã bị tước đoạt các công cụ để bảo vệ người dân của họ.”

COVID-19 là căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra.

Jack Phillips
Hạo Văn biên dịch