10 thực tế về cuộc chiến Nga–Ukraine
- Cam đoan với kẻ thù những gì mình sẽ không làm bảo đảm khiến cho kẻ thù sẽ làm y như vậy và thậm chí còn hơn thế nữa. Tính không thể lường trước và đôi khi là sự im lặng bí ẩn làm tăng cường khả năng răn đe. Tuy nhiên lời trấn an có thể lường trước của Tổng thống Joe (TT) Biden với TT Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ kiềm chế lại không đồng nghĩa với việc ông Putin cũng làm như vậy.
- Vùng cấm bay không có tác dụng trong trường hợp đối đầu ngang hàng giữa các cường quốc. Một phân tích ‘được–mất’ cho thấy chính sách vùng cấm bay không đáng để mạo hiểm bắn hạ phi cơ của một cường quốc hạt nhân. Vùng cấm bay thường không có tác dụng gì nhiều để ngăn chặn các phi cơ bên ngoài các vùng như vậy phóng hỏa tiễn vào các vùng đó. Việc cung cấp các khẩu đội phòng không tầm xa, tầm cao tới Ukraine để giảm ưu thế trên không của Nga là một cách làm tốt hơn nhiều so với việc giành lại thế ngang bằng trên không.
- Âu Châu, các thành viên NATO, và đặc biệt là Đức, trên thực tế đã thừa nhận rằng việc họ đóng cửa các nhà máy hạt nhân, mỏ than, mỏ dầu và khí đốt trong nhiều thập niên qua đã khiến Âu Châu phải phụ thuộc vào Nga. Họ hứa hẹn sẽ tái vũ trang và thực hiện những đóng góp đã cam kết của mình. Bằng hành động của mình, họ thừa nhận rằng những người chỉ trích họ, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã đúng, và họ đã sai một cách tai hại khi trao quyền cho ông Putin.
- Trung Quốc hiện đang thân Nga. Bắc Kinh muốn có tài nguyên thiên nhiên giá thấp của Nga. Nga sẽ trả cho việc tiếp cận tài chính, thương mại, và thị trường Trung Quốc với giá đắt hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu Nga thua trong cuộc chiến Ukraine, bị vỡ nợ, và trở thành một quốc gia bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ, thì Trung Quốc có thể sẽ cắt bỏ không thương tiếc gánh nặng của xác con hải âu Nga cuốn quanh cổ (theo một câu chuyện cổ, một thủy thủ bắn hạ con chim hải âu thân thiện bị buộc phải đeo xác của nó quanh cổ như một hình phạt) – vì lo sợ những trừng phạt mới về tài chính, văn hóa, và thương mại của phương Tây.
- Người Mỹ cuối cùng cũng hiểu được cuộc trốn chạy nhục nhã khỏi Afghanistan đã mang tính phá hoại như thế nào. Thảm họa đó đã báo hiệu cho Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, và Iran rằng phương Tây đã không còn khả năng răn đe nữa.
Không có gì ngạc nhiên khi Nga phóng hỏa tiễn vào một căn cứ của Ukraine gần biên giới Ba Lan–NATO. Trong tháng 01/2022, Bắc Hàn đã phóng nhiều hỏa tiễn hơn bất kỳ một tháng nào khác trong lịch sử nước này. Iran phóng hỏa tiễn vào Kurdistan. Hàng ngày, Trung Quốc thông báo rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi hợp nhất Đài Loan. Hàng chục tỷ USD vũ khí tinh vi mà phương Tây gửi đến Ukraine vẫn còn ít hơn nhiều so với những gì quân đội Hoa Kỳ giao cho tổ chức khủng bố Taliban.
- Chiến tranh Ukraine không phải là nguyên nhân gây ra lạm phát và giá xăng cao kỷ lục. Cả lạm phát và giá xăng đều đã tăng đột biến hồi đầu tháng Hai.
Nguyên nhân là do chính phủ TT Biden mở rộng nguồn cung ứng tiền một cách cực đoan kéo dài cả năm trong khi nhu cầu tiêu dùng bị kìm hãm sau COVID. Chính phủ tiếp tục chính sách lãi suất zero một cách ngu ngốc. Các khoản trợ cấp COVID hào phóng dành cho người thất nghiệp đã không khuyến khích người dân quay trở lại làm việc; đồng thời chính phủ còn cắt giảm sản lượng dầu khí và đường ống dẫn khí đốt của Hoa Kỳ.
Trước cuộc xâm lược của ông Putin, TT Biden đã công khai đổ lỗi cho các tập đoàn, các công ty dầu mỏ tham lam, cho COVID, và cựu TT Donald Trump về tình trạng lạm phát mà ông ấy đã tạo ra trong năm 2021. Ông Biden tuyên bố rằng tình trạng giá cao một cách không thể phủ nhận được chỉ là tạm thời hoặc chủ yếu là do nỗi ám ảnh của giới tinh hoa.
- Ông Putin đã không xâm lược trong nhiệm kỳ của cựu TT Trump, nhưng ông ấy lại tỏ ra hung hăng hơn dưới thời các tổng thống Mỹ khác với các cuộc tấn công trước đây vào Georgia, Ukraine, và Crimea. Nga đã không có động tĩnh gì khi giá dầu thấp, khi nguồn cung cấp nhiên liệu ở phương Tây dồi dào, và khi Hoa Kỳ tự tin. Khi Hoa Kỳ không sa lầy vào các cuộc can thiệp quân sự không bắt buộc, cũng như khi không bị dẫn dắt bởi một tổng thống mà ai cũng lường trước được là sẽ dễ dàng thuận theo các hành động gây hấn của Nga, thì Nga đã kiềm chế.
Ông Putin nhận thấy NATO và Hoa Kỳ đã tăng chi tiêu quốc phòng. Ông ta lo sợ giá dầu thế giới thấp và sản lượng dầu khí kỷ lục của Hoa Kỳ. Ông Putin cảnh giác sau các cuộc tấn công không thể lường trước của Hoa Kỳ chống lại những kẻ thù như ISIS, Abu al-Baghdadi, và Tướng Qasem Soleimani của Iran.
- Việc gửi vũ khí đến Ukraine không phải là “sự leo thang”. Người Nga đã cung cấp hăng hái hơn nhiều cho Bắc Hàn và Bắc Việt trong các cuộc chiến tranh của họ chống lại Hoa Kỳ mà không để chiến tranh lan rộng ra toàn thế giới. Pakistan, Syria và Iran đã được gửi những vũ khí sát thương – trong đó rất nhiều là do Nga, Bắc Hàn, và Trung Quốc cung cấp – để sát hại hàng ngàn người Mỹ trong các cuộc chiến Afghanistan và Iraq.
- Ông Putin có thể không bao giờ sáp nhập được hoàn toàn Ukraine chừng nào nước này còn có thể dễ dàng được bốn nước NATO tiếp tế qua biên giới của họ. Hoa Kỳ đã bế tắc trong Chiến tranh Nam Hàn, đã thua trong Chiến tranh Việt Nam, bị sa lầy ở Iraq, và chạy trốn khỏi Afghanistan một phần vì kẻ thù của Hoa Kỳ dễ dàng được những người bạn ở biên giới gần đó tiếp tế với giả định rằng Hoa Kỳ không thể tấn công những kẻ xúi giục, tiếp tay như vậy.
- Không phải là “phi Hoa Kỳ” (trái với các giá trị Mỹ) khi chỉ ra rằng sự xoa dịu trước đây của Mỹ dưới thời chính phủ của các tổng thống Obama và Biden không giải thích được lý do vì sao ông Putin muốn đánh chiếm Ukraine, mà cho thấy lý do tại sao ông Putin cảm thấy ông ấy có thể. Không phải là “hành động phản bội” khi nói Ukraine và Hoa Kỳ trước kia nên tránh xa các vấn đề đối nội và chính trị của nhau – nhưng điều đó vẫn không bào chữa cho sự hung hăng dã man của ông Putin. Không hề sai trái khi thừa nhận rằng trong nhiều thế kỷ Nga đã dựa vào các quốc gia vùng đệm giữa nước này và Âu Châu – đã thua khi các thành viên bị lệ thuộc trong Khối Hiệp ước Warsaw đã gia nhập NATO sau thất bại của Nga trong Chiến Tranh Lạnh. Nhưng thực tế đó cũng không biện minh cho cuộc tấn công dã man của ông Putin.
Chúng ta không nên hâm lại quá khứ mà hãy học hỏi từ đó – và từ đó bảo đảm ông Putin bị đánh bại ngay bây giờ và sẽ bị ngăn chặn trong tương lai.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Victor Davis Hanson là một nhà bình luận có tư tưởng bảo tồn truyền thống, người nghiên cứu văn hóa cổ đại, và nhà sử học quân sự. Ông là giáo sư danh dự về văn hóa cổ đại tại Đại học Tiểu bang California, thành viên cao cấp về lịch sử quân sự và cổ đại tại Đại học Stanford, thành viên của Cao đẳng Hillsdale, và là thành viên ưu tú của Center for American Greatness.