15.04.2015

Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền thắng kiện việc Liên Âu từ chối đặt vấn đề Nhân quyền khi thương thảo với Hà Nội

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 14.4.2015
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đã thắng kiện việc Liên Âu từ chối đặt vấn đề Nhân quyền khi thương thảo với Hà Nội


BRUSSELS-PARIS, ngày 14.4.2015 (UBBVQLNVN) – Ngày 7.8.2014, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights) Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights) đã nộp đơn khiến kiện Thanh tra Liên Âu về việc Uỷ hội Châu Âu từ chối đặt vấn đề Nhân quyền trong các cuộc thương thảo về Mậu dịch và Đầu tư với Việt Nam.


Thành quả đạt được là bản Khuyến cáo của bà Thanh tra Liên Âu vừa được thông qua ngày 26.3.2015 xác nhận rằng : “Uỷ hội Châu Âu đã khước từ tiến hành tác động nhân quyền đặc thù trong quan hệ với Việt Nam, là một sự quản lý tồi”, rồi bà bình luận rằng “Nay Uỷ hội Châu Âu phải tiến hành ngay sự đánh giá này, không được trì hoãn”.

Thanh gia Liên Âu đã đánh giá đúng đắn lời khiếu kiện do hai tổ chức nhân quyền quốc tế là Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, sau sự kiện Uỷ hội Châu Âu khước từ đặt vấn đề Nhân quyền trong các cuộc thương thảo về Mậu dịch và Đầu tư với Việt Nam, và kết luận sự khiếu kiện của hai tổ chức là có cơ sở.

Trong đơn khiếu kiện, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi Liên Âu cần có chính sách Đánh giá Tác động Nhân quyền (HRIA) trước khi ký kết Hiệp ước Mậu dịch tự do với Việt Nam. Nhưng Uỷ hội Châu Âu đã khước từ sự Đánh giá Tác động Nhân quyền, lấy cớ là đã đánh giá một phần trong năm 2009.

Thế nhưng bà Thanh tra Liên Âu hồi đáp rằng sự đánh giá một phần nói trên chỉ bao hàm một số khía cạnh tác động trên các quyền xã hội không thể được xem như sự thay thế đúng nghĩa của sự Đánh giá Tác động Nhân quyền. Đồng thời bà Thanh tra Liên Âu nhận xét rằng sự im lặng của Uỷ hội Châu Âu về việc thiếu vắng cuộc Đánh giá Tác động Nhân quyền cho bộ phận đầu tư và Cơ chế Giải quyết Tranh chấp giữa giới đầu tư và quốc gia đầu tư (ISDS). Bà Thanh tra Liên  Âu đã bác bỏ luận điểm của Uỷ hội Liên Âu cho rằng, tiến trình thương thảo với một quốc gia mà đặt để sự Đánh giá Tác động Nhân quyền sẽ mang tới “những tác dụng phiền toái không cần thiết và không cân xứng”. Nhưng bà Thanh tra Liên Âu thì nhận xét “tôn trọng nhân quyền không thể là một chủ đề được xem xét dưới góc độ thuận tiện”, bà nhận định “như những nguyên đơn từng lưu ý chính đáng, điều quyết định là (…) bảo đảm cho Hiệp ước Mậu dịch tự do với Việt Nam, hiện đang còn thương thảo, không có tác động tiêu cực cho nhân quyền”.

Bản Quyết định của Thanh tra Liên Âu kết luận rằng : “Các thiết chế của Liên Âu phải luôn luôn chiếu cố để cho mọi hành động phù hợp với các quyền cơ bản, và tác động tới các quyền cơ bản”, và Liên Âu “không chỉ bảo đảm các hiệp ước dự trù tuân thủ với những nghĩa vụ nhân quyền hiện hữu, nhưng chẳng làm gì để hạ thấp sự bảo vệ các tiêu chuẩn nhân quyền, mà còn phải hướng nỗ lực hơn nữa cho mục tiêu nhân quyền tại các quốc gia đối tác”. Trong cùng hướng đó, sự Đánh giá Tác động Nhân quyền (HRIA) giúp Uỷ hội Châu Âu có thể lượng giá nếu “Hiệp ước mậu dịch tự do (FTA) tuân thủ những nghĩa vụ nhân quyền hiện hữu theo các tiêu chuẩn, và không có tác động trái ngược cho nhân quyền” để định rõ “những biện pháp thù ứng nhằm bảo đảm cho các tác động trái ngược không xẩy ra”.

Ông Karim Lahidji, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, nhận xét :
“Khuyến cáo này là một tiền lệ quan trọng cho một số vấn đề. Không riêng trường hợp Liên Âu-Việt Nam, nó còn thách thức cho việc thiếu vắng sự Đánh giá Tác động Nhân quyền trong các hiệp ước đầu tư đang thương thảo với Miến Điện, Trung quốc, Jordan, và Hoa Kỳ. Nó nhấn mạnh nhu cầu dẫn tới sự Đánh giá Tác động Nhân quyền thực hữu và chấm dứt lối hành xử chỉ lượng giá trên một vài khía cạnh xã hội. Nó công nhận rằng sự Đánh giá Tác động Nhân quyền phải dẫn đầu cho những biện pháp cụ thể và hiệu quả để bảo đảm Liên Âu tôn trọng nhân quyền, Liên Âu không thể hạ thấp các tiêu chuẩn bảo vệ nhân quyền và bảo đảm rằng các hiệp ước mậu dịch và đầu tư sẽ không ảnh hưởng trái nghịch với nhân quyền. Đồng thời bác bỏ luận điểm rêu rao của Uỷ hội Châu Âu cho rằng điềù khoản nhân quyền [trong các hiệp ước] và đối thoại nhân quyền tự nó là những biện pháp quá đầy đủ”.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, bình luận rằng : “Khuyến cáo của bà Thanh tra Liên Âu là bước tiến quan trọng cho vấn nạn nhân quyền tại Việt Nam. Không lấy quyết định Đánh giá Tác động Nhân quyền thì Hiệp ước Mậu dịch tự do Liên Âu-Việt Nam sẽ cho phép Việt Nam tha hồ gặt hái những lợi thế thương mại của Liên Âu, đồng lúc với việc thẳng tay đàn áp các quyền công dân và thợ thuyền mà chẳng sợ ai trừng phạt mình”.

Các cuộc thương thảo Liên Âu-Việt Nam về Hiệp ước Mậu dịch tự do xẩy ra vào lúc những cuộc đàn áp nổ bùng tại Việt Nam. Trong cuộc đàn áp tự do ngôn luận hung tợn, Việt Nam truy tố và bắt giam ít nhất 65 bloggers và các nhà hoạt động trong năm 2013, và ít nhất 16 người bị bắt hay xử án trong năm 2014. Hàng chục nhà hoạt động trong các xã hội dân sự đã bị đánh đập dã man vì biểu tình ôn hoà hay tổ chức hội luận nhân quyền. Hàng trăm dân oan trong các cuộc cưỡng chiếm đất đai bị đánh trọng thương, một số bị sát hại trong những cuộc chống kháng đông đảo với lực lượng cướp đất.

Bối cảnh – Nhân quyền và Mậu dịch

Đầu tư và mậu dịch quốc tế bao hàm hai tác động tích cực và tiêu cực cho nhân quyền. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy, trong các sự vụ quốc gia, mậu dịch và đầu tư quốc tế có khuynh hướng xem nhẹ việc bảo vệ nhân quyền. Đặc biệt những điều được quan tâm trong các quốc gia phát triển đối với việc tiếp cận y tế, tiếp cận nước uống, quyền thiểu số, quyền có tiêu chuẩn sống, nhà ở, thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục, quyền tham gia, quyền công nhân và quyền lao động, quyền hội họp ôn hoà, v.v…

Trong cuộc thương thảo với những hiệp ước như thế, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam luôn nhất quán đòi hỏi cho nhân quyền được hợp nhất toàn vẹn vào khung mậu dịch và đầu tư. Đặc biệt, sự Đánh giá Tác động Nhân quyền sẽ giúp cho Liên Âu ngăn chận những tác động tiêu cực cho nhân quyền. Lời khuyến cáo này đã được nhiều thiết chế hậu thuẫn kể cả những Phúc trình của các Báo cáo viên đặc biệt LHQ, các bài nghiên cứu và phân tích.

Kể từ Hiệp ước Lisbon, Liên Âu có nghĩa vụ chính đáng để bảo đảm cho các hiệp ước mậu dịch và những thực thi không làm trở ngại cho nhân quyền nước ngoài. Liên Âu đã từ từ sử dụng sự Đánh giá Tác động Nhân quyền, và đã đưa vào các cuộc thương thảo với Armenia, Tunisia và Morocco, nhưng không phải với các quốc gia khác,  và cũng không phải theo hướng bảo đảm mà Liên Âu phải tuân thủ trách vụ của mình.

Trong khi Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam không ngừng kêu gọi cho sự Đánh giá Tác động Nhân quyền được đưa vào trong các cuộc thương thảo cho Hiệp ước Mậu dịch tự do, Uỷ hội Châu Âu đã khước từ. Hai tổ chức nhân quyền quốc tế không còn cách nào khác hơn là nhờ sự can thiệp của bà Thanh tra Liên Âu hòng đưa tới sự thay đổi trong hành xử.

Từ đây tới 30 tháng sáu năm nay, Uỷ hội Liên Âu phải có thái độ và giải thích bằng cách nào Liên Âu thực thi các khuyến cáo của bà Thanh tra Liên Âu.