31.08.2015

Tiếng Việt và tiếng Ngoại quốc - Nguyên Hạnh HTD

Tiếng Việt và tiếng Ngoại quốc
Nguyên Hạnh HTD


  Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc. Ngôn ngữ còn thì dân tộc còn. Dù có vì ngoại cảnh, vì sinh kế hay vì lý do gì đi nữa mà ta không thể ở lại trong nước, phải ra ngoại quốc. Điều trước tiên, muốn giữ được văn hóa nước nhà không bị văn hóa nước ngoài chi phối, chúng ta phải cố giữ ngôn ngữ mẹ đẻ lưu truyền từ ông cha cho đến con cháu và mãi mãi về sau!

Lịch sử đã cho chúng ta thấy Chiêm Thành xưa kia là một dân tộc anh hùng, có văn hoá, có phong tục tập quán, có ngôn ngữ riêng; thế mà chỉ sau một thời gian đất nước bị ông cha ta chiếm đóng, dân tộc Chiêm đã bị đồng hoá và không còn có tên trên bản đồ thế giới nữa! Đó là một tấm gương khiến cho chúng ta khi nhìn lại phải giật mình kinh sợ!


Chúng ta, những người dân Việt, hiện sống phân tán khắp năm châu, đang lâm vào tình trạng khó khăn về ngôn ngữ đối với những người lớn tuổi. 
Qua lịch sử Việt Nam, chúng ta không khỏi hãnh diện về tiền nhân của chúng ta. Suốt một ngàn năm bị bắc phương đô hộ, không lúc nào những ngoại nhân này không tìm cách đồng hóa người dân Việt. Từ phong tục, tập quán cho đến chữ viết, họ đều bắt dân ta phải làm theo họ: nào là buộc dân chúng phải học chữ Hán, bím tóc, đưa các lễ nghi Trung hoa vào đời sống người dân Việt. Chúng ta cũng không chối cãi là nhờ đó mà chúng ta có những phong tục tập quán tốt mà hiện tại chúng ta vẫn còn duy trì như lễ Tết Nguyên đán, đám cưới, đám hỏi, ma chay, thờ cúng tổ tiên v.v... Đó cũng là điều tốt đẹp, biết áp dụng một cách khôn ngoan, biến những phong tục tập quán tốt của người thành những phong tục tập quán có tính cách riêng biệt Việt Nam. Trong khi đó ngôn ngữ Việt Nam không hề bị mất mà còn trở nên càng ngày càng phong phú nhờ những từ ngữ Trung hoa được Việt hóa. Rồi nhờ đó, vào đời vua Quang Trung đã xuất hiện chữ Nôm làm thành chữ viết của Việt Nam.

Sau 80 năm đô hộ của Pháp, người Pháp cũng đã dùng đủ mọi cách để đồng hóa người Việt như cách ăn mặc, mở trường dạy chữ Pháp với danh nghĩa là để mở mang dân trí ... nhưng thực ra ở nhà trường không một lớp nào dạy sử Việt Nam cho đám trẻ Việt. Mỗi tuần chỉ có 2 giờ Việt ngữ: một giờ tập đọc, một giờ tập viết. Tuy nhiên với truyền thống sẵn có, người Việt lúc đó tuy vẫn học tiếng Pháp, vẫn làm việc với Pháp song lúc nào cũng nói tiếng Việt. Ngôn ngữ càng ngày càng phong phú thêm nhờ Việt hoá các danh từ thông dụng của Pháp như xà phòng (Savon), nhà ga (gare), đi lãnh măng đa (mandat) v.v...

Như vậy chúng ta thấy qua bao lần bị đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn còn giữ được ngôn ngữ Việt và còn rút tỉa những điểm hay, tốt của người để làm giàu cho văn hóa ta. Dĩ nhiên, cũng có nhiều thói hư tật xấu của nước ngoài du nhập vào nước ta, song không phải ai ai cũng bắt chước.

Chúng ta cũng không quên ơn ông Bá đa Lộc (Alexandre de Rhodes), một tu sĩ Pháp đã La mã hóa tiếng Việt và nhờ đó Việt Nam ta đã có một ngôn ngữ và có lối viết riêng biệt rất dễ học. Điều này đã làm ngạc nhiên không ít khi những người Đức thấy chữ viết của chúng ta, bởi vì họ cứ nghĩ rằng chúng ta viết giống như chữ viết của Trung hoa chẳng hạn.

Trở lại vấn đề người Việt (tỵ nạn hay không tỵ nạn) hiện ở tại nước ngoài thì sao?
Tôi nhận thấy một số phụ huynh đã đặt cho con em một cái tên Đức với lý do là như vậy, lúc đi học con em sẽ có một cái tên dễ gọi, dễ đọc, dễ nhớ. Tôi thì không nghĩ như vậy, bằng cớ là tôi cũng đi làm, bạn bè, con cháu tôi cũng đi làm, các bạn đồng nghiệp Đức vẫn gọi tên chúng tôi khá đúng. Tuy nhiên việc có tên gọi bằng tiếng Đức không là điều quan trọng bằng vấn đề ngôn ngữ.

Chúng ta không thể một sớm một chiều có thể nói giỏi ngay, hiểu được hoặc viết được ngay một ngôn ngữ mà phải hằng ngày học hỏi, luyện tập rất nhiều. Có người lại nghĩ rằng phải nói tiếng Đức với con em tại nhà, sợ lúc vào trường chúng không biết tiếng Đức sẽ khó khăn cho chúng hội nhập vào môi trường mới nên quý vị đã nói chuyện với con em bằng tiếng Đức.
Tôi thì không nghĩ như vậy. Chúng ta có ai tự cho mình nói tiếng Đức 100% như người Đức mà không có accent? Dù cho có giỏi ngoại ngữ bao nhiêu đi nữa, chúng ta ít ra cũng có 20% hay 30% accent tiếng Việt; vậy thì tại sao chúng ta lại tập cho con em chúng ta nói tiếng ngoại quốc với khiếm khuyết đó?
Chúng ta không sợ con em mình không nói được tiếng nước ngoài mà chỉ sợ chúng không nói được tiếng mẹ đẻ mà thôi bởi vì với trẻ con chỉ cần 5, 7 tháng đến trường là chúng nói giỏi thứ ngoại ngữ đó rồi vì con nít đầu óc nó như tờ giấy trắng, hiểu biết mau và hội nhập vào dòng chính cũng mau hơn chúng ta nhiều.

Tôi không dám phủ nhận là có nhiều bậc phụ huynh cũng cố gắng nói chuyện với con em bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, quý vị cũng gặp phải khó khăn không ít. Công việc đa đoan, ngoài giờ làm việc tại hãng xưởng, công sở, còn phải lo công việc nhà cửa nên không có được bao nhiêu thì giờ rảnh rỗi dành cho con em. Biết vậy, song nếu chúng ta có thể để ra ít nửa 30' hay 45' để sống thật với gia đình vào buổi tối. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ có một khoảng thời gian sống thoải mái, thân mật với gia đình, làm dịu đi những lo âu phiền muộn thường gặp trong cuộc sống xô bồ tại các nước văn minh này.

Đây chỉ là ý kiến thô thiển của riêng tôi, chắc nhiều vị phụ huynh còn có nhiều ý kiến dồi dào phong phú hơn. Mong rằng chúng ta cần suy nghĩ để tìm được một giải pháp thích ứng cho những kẻ tha hương nhưng không quên cội nguồn.

Chúng ta người Việt Nam, tuy đất nước không bị ngoại nhân xâm chiếm song cùng chung thân phận tỵ nạn như người dân Tây Tạng. Vì không muốn để mất linh hồn nên đức Đạt Lai Lạt Ma đã liều thoát ra nước ngoài và đã lập một chính phủ lưu vong tại Dharamsala ở Ấn độ. Đời sống của người dân Tây Tạng tại đây rất khó khăn,  nghèo khổ song họ vẫn can đảm chịu đựng mong chờ một ngày nào đó sẽ dành lại được quê hương xứ sở thân yêu của mình.

Chúng ta may mắn hơn, được sống trong những nước tự do đầy nhân bản, được giữ tròn tín ngưỡng của mình, có một đời sống tương đối thoải mái hơn người dân Tây Tạng nhiều.

Tại sao chúng ta không nghĩ:
"Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc; làm sao dân tộc có thể tồn tại nếu linh hồn bị mất đi?"

Tôi nghĩ chúng ta chẳng ai muốn làm thân lưu lạc, làm thân tầm gởi tại xứ người mãi đâu! Một bóng dừa xanh mát, một con trâu đang gặm cỏ trên cánh đồng trong buổi chiều tà cũng đủ làm ta xúc động nhớ về cố quốc! Dù sống cuộc đời lưu vong nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về quê nhà, luôn luôn mang tâm trạng xót xa của kẻ ra đi. Cho dù có giỏi tiếng Đức bao nhiêu đi nữa, khi ngồi nói chuyện với một người Đức vẫn không cảm thấy thoải mái như khi ngồi với một người bạn đồng hương, chúng ta có thể hàn huyên tâm sự với nhau từ giờ này qua giờ khác mà không thấy chán. Giống như khi người ta đi lâu dài trên đường thiên lý, khi bóng chiều đã chập chùng buông xuống trong một không gian dần dần quạnh quẽ, ta cũng cần có những cái mốc để vỗ về bước chân ta trở về./.

 Nguyên Hạnh HTD
01/07/2015