21.10.2015

Khi lá đơn không tiếng khóc. canhco

„Lá đơn tuy nhỏ bé nhưng sức mạnh của nó không hề nhỏ. Nó cho thấy sự chịu đựng của dân chúng đã cán mức giới hạn và lá đơn là phát súng bắn vào tường lũy tuyên truyền của chế độ. Lá đơn phá tan cái được gọi là đạo đức Hồ Chí Minh cho những ai còn vương vấn và lấn cấn với sự bịp bợm này.“

Khi lá đơn không tiếng khóc.
canhco

Ngôn ngữ Việt Nam có những cặp từ đi liền nhau bổ túc và tăng thêm ý nghĩa một cách lý thú. Theo các nhà nghiên cứu ngữ pháp thì có loại hai từ ghép với nhau nhằm đưa ra một ý nghĩa được gọi là “từ ghép đẳng lập hợp nghĩa” và một cách khái quát thì từ đứng phía sau thường bổ xung, nhấn mạnh và nhiều lúc thiếu nó thì từ đứng trước trở nên vô hồn, không còn sinh động và ngăn trở sự phát triển của ngôn ngữ.

Những chữ như sung túc, mạnh khỏe, ốm đau, hay oan ức, đau khổ, giận dữ chúng ta nghe hằng ngày và tưởng chúng không có gì đặc biệt. Thật ra chúng tập hợp ý thức của người xưa về nguyên nhân và hậu quả của các cặp từ này. Cơ thể có mạnh thì mới khỏe, ngược lại khi đau thì hẳn nhiên là khổ, giận làm con người ta dữ dằn cũng như oan ức diễn tả tình trạng tâm lý của con người không gì thật và ấn tượng hơn thế.



Oan sai là tiền đề của ức hiếp. Án oan là sự ức hiếp của một thứ pháp luật được kiểm soát bởi quyền lực chứ không phải căn cứ trên hiến định. Oan biểu hiện cho sự bất lực của nạn nhân dưới sức mạnh hay quyền lực của một hay nhiều con người hay cả hệ thống. Oan tạo ra ức và từ đó các hậu quả của ức luôn phản ứng và chống lại bằng nhiều hình thức từ tiêu cực đến tích cực.

Cộng đồng mạng trong hai tuần vừa qua đã tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để nêu lên sự oan ức của một vụ giết người nhằm dấy lên làn sóng chống lại thói quen gần như không thể sửa của hệ thống an ninh, nhà giam và tòa án. Đối với hệ thống này, một vài thây ma không làm cho guồng máy sợ hãi, có chăng một ít cử chỉ làm quà nhằm giảm bớt sức ép từ quần chúng chứ không hề tìm ra và chữa trị thói giết người của kẻ nắm giữ quyền lực thực thi luật pháp.

Bắt đầu tứ cái chết của em Đỗ Đăng Dư trong trại giam vì bị tra tấn, dùng nhục hình đến chết. Vụ án của em ngày một căng thẳng hơn khi công an cố tình che giấu nguyên nhân dẫn đến cái chết oan khuất của em, ngay cả biên bản pháp y cũng bị công an che đậy và đánh tráo.

Em Đỗ Đăng Dư bị bắt vì ăn cắp hai triệu. Em bị giam giữ hơn hai tháng mà không xét xử và bị cấm không được gặp mặt thân nhân khi còn sống. Sau khi em chết và công an bị người dân lên án, nguyền rủa thì tên của kẻ sát nhân, người được biết cũng là tù hình sự, được tiết lộ và đem ra làm vật tế thần. Người dân đặt câu hỏi: điều gì làm cho tên tội phạm này được che chở kỹ lưỡng đến thế, nếu không phải là hắn do công an chỉ định hay khuyến khích để ra tay hạ sát em Đỗ Đăng Dư?

Nỗi oan đè lên thân thể của em Đỗ Đăng Dư, một can phạm nhưng vẫn là một con người, một công dân dưới cái bóng ma mang tên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa đó dù có căm thù tội phạm đến đâu cũng không thể cho phép sai nha dưới trướng quyền tra tấn hay giao phó sự tra tấn cho đầu gấu trại giam nhằm triệt hạ những gì mà bọn quản lý trại giam không thích.

Tiếng kêu oan lần này có khác. Gia đình nạn nhân xem như hệ thống tòa án tại Việt Nam không hiện hữu vì vậy thay vì làm đơn gửi cho tòa đòi công lý, họ đã gửi đơn cho Liên hiệp quốc trình bày sự oan khuất của gia đình. Bà Đỗ Thị Mai mẹ của Dư đã viết đơn gửi Cao ủy Liên Hợp Quốc tố cáo sự việc con bà bị giết và đề nghị Cao Ủy vào cuộc đưa vụ án này ra trước quốc tế.

Đơn của gia đình nạn nhân được những người chung quanh cùng hội ý và giúp đỡ soạn thảo và người ta có thể thấy rằng tờ đơn khác thường này sẽ không theo đúng tiêu chuẩn của một loại giấy tờ có quy tắc, trình tự mà các thể chế quốc tế đưa ra. Tuy nhiên lá đơn chắc chắn sẽ được nhận và chú ý vì nó được viết bởi máu của một con người, thứ mà Liên hiệp quốc hết lòng bảo vệ và xiển dương.

Người ta không lạ lùng gì khi thấy công an đích thân tới gia đình nạn nhân để yêu cầu rút lại lá đơn và hứa sẽ bồi thường cho cái chết của em Dư. Người ta cũng không lạ gì nếu nghe theo lời công an thì chẳng những tiền bồi thường không có mà chính gia đình nạn nhân sẽ bị sách nhiễu và có thể tù tội không chừng. Công an từ lúc nào không ai rõ, được người dân đánh đồng với xã hội đen vì những “nghiệp vụ” mà họ xử dụng luôn mang hình ảnh của “con ruồi” Tân Hiệp Phát phía sau, tức là nếu nhẹ dạ tin vào lời hứa của họ thì khoảng cách từ nhà tới cánh cửa trại giam không xa cho lắm.

Vụ hai công an xã Vạn Thọ đánh chết em Tu Ngọc Thạch, một học sinh lớp 9 ngụ tại xã Vạn Thọ, Vạn Ninh năm ngoái và sau đó VKSND huyện Vạn Ninh đã khởi tố 2 người bà con của em này về tội quấy rối nơi công cộng là tấm gương cho mọi nạn nhân nếu còn tin tưởng vào miệng lưỡi của cán bộ tòa án.

Biện pháp gửi đơn cho Liên hiệp quốc tố cáo hành vi sai trái của chính quyền được xem như gậy ông đập lưng ông vì chính quyền không thể buộc nguyên đơn vào tội quấy rối nơi công cộng, và chừng nào Việt Nam chưa rút tên ra khỏi Liên hiệp quốc thì công dân Việt Nam vẫn còn có cái quyền tối thiểu là đương nhiên được tổ chức này bảo vệ theo đúng hiến chương mà nó ghi ra và Việt Nam ký tên.

Hành động này rõ ràng phù hợp với tình trạng hiện nay bởi lẽ, thứ nhất Việt Nam vừa ký công ước chống tra tấn, lá đơn tố cáo như một biên bản vi phạm được gắn lên khuôn mặt của hành pháp Việt Nam cho thế giới nhìn rõ hơn phía sau chiếc màn tòa án thì nền tư pháp bị khống chế bởi quyền lực độc tài toàn trị như thế nào.

Hai nữa, lá đơn bất thường chắc chắn không được mang ra như một yếu tố ban đầu dẫn tới khởi tố nhà nước Việt Nam vì Liên hiệp quốc không được giao cho thứ quyền lực này, nhưng thông qua nó, mỗi lần Liên hiệp quốc mở hồ sơ vi phạm tra tấn hay nhân quyền của các nước thì Việt Nam hân hạnh đi đầu vì hành vi giết người có bảo kê trong các nhà giam của mình hiện nay.

Lá đơn còn cho thấy nét hài hước của tòa án Việt Nam bởi người dân không còn xem sự hiện diện của chúng là cần thiết nữa. Hơn lúc nào hết, khi người dân công khai xem thường sức mạnh của cán cân công lý thì cũng là lúc chính quyền nên chuẩn bị dùng tòa án như một nhóm tượng để triển lãm hơn là thực thi pháp luật. Tòa án Việt Nam không hề thua sút các nước trong khu vực về độ hoành tráng, nghiêm trang lẫn cực kỳ khắc nghiệt với quần chúng, chúng chỉ thiếu sự trong sạch của quan tòa và lòng tự trọng lẫn can đảm của hội đồng xét xử.

Lá đơn tuy nhỏ bé nhưng sức mạnh của nó không hề nhỏ. Nó cho thấy sự chịu đựng của dân chúng đã cán mức giới hạn và lá đơn là phát súng bắn vào tường lũy tuyên truyền của chế độ. Lá đơn phá tan cái được gọi là đạo đức Hồ Chí Minh cho những ai còn vương vấn và lấn cấn với sự bịp bợm này. Lá đơn minh họa sống động di căn giết người vô tội của hệ thống hành pháp được tòa án che chở và hết lòng bào chữa cho những kẻ sát nhân mang thẻ đảng.

Lá đơn là tiếng nấc của oan ức nhưng không phải tiếng nấc nào cũng rơi vào quên lãng. Bắt đầu từ bây giờ khi người dân ý thức rằng Liên hiệp quốc là một định chế tuy không có quyền lực để chế tài đối với một đất nước nhưng tiếng nói của nó không hề bị xem nhẹ đối với hàng trăm quốc gia thành viên đã làm nên Liên hiệp quốc. của mình.  Một lá đơn mang tên Đỗ Đăng Dư có thể chưa được chú ý nhưng nếu tiếp tục có hằng trăm lá đơn khác tố cáo hành vi đàn áp của chính quyền Việt Nam thì không chóng thì chầy đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tỉnh ngộ trong cái hào quang đầy máu.




Trung Điền trong bài viết „Cái Chết Của Em Đỗ Đăng Dư “  đã nêu ravấn đề then chốt nhất chính là sự coi thường công luận của công an Hà Nội nói riêng và bộ máy công an nói chung, khi có gần 300 người đã chết trong lúc tạm giam, tạm giữ trong thời gian qua.

Điều này cho thấy là sự bạo hành của công an đã và đang đe dọa sinh mệnh của các công dân khi bị bắt giữ vì bất cứ lý do gì.

Việc các luật sư và cộng đồng mạng đứng lên đòi công lý cho em Đỗ Đăng Dư hiện nay chính là bước đầu khơi dậy tinh thần đấu tranh chống lại sự bạo hành của công an - trong trại giam lẫn bên ngoài xã hội.“

Bạch Cúc trong bài viết  „Việt Nam ơi: Mạng người rẻ lắm!“ có nêu ra một số trường hợp điển hình công an hành hung, đánh chết dân chỉ nội từ năm 2010 đến nay.  „Trường hợp em Dư chỉ là một trong số hàng trăm ngàn sự kiện đau thương, về việc công an hành hung, đánh chết người. Nếu không tin, bạn hãy search dòng chữ “Công an đánh dân” trên Google, bạn sẽ thấy bản tin hiện ra mười ba triệu ba trăm ngàn kết quả:



- Ngày 21/1/2010, anh Nguyễn Quốc Bảo bị công an Hà Nội ĐÁNH VỠ SỌ CHẾT

- Ngày 7/5/2010, anh Võ Văn Khánh bị công an Quảng Nam ĐÁNH CHẾT

- Ngày 25/5/2010, em Lê Xuân Dũng và ông Lê Hữu Nam bị công an Thanh Hóa BẮN CHẾT

- Ngày 29/6/2010, ông Vũ Văn Hiền bị công an Thái Nguyên ĐÁNH XUẤT HUYẾT NÃO CHẾT

- Ngày 23/7/2010, anh Nguyễn Văn Khương bị công an Bắc Giang đánh bể đầu

- Ngày 6/8/2010, em Hoàng Thị Trà bị công an Thái Nguyên bắn thủng đùi

- Ngày 16/9/2010, em Đặng Đình Việt bị công an Hà Tĩnh đánh dã man

- Ngày 6/11/2010, anh Lưu Đình Tăng bị công an Thanh Hóa đánh ngất xỉu

- Ngày 28/11/2010, em Dương Đình Hiếu bị công an Thái Nguyên đánh ngất xỉu

- Ngày 17/12/2010, anh Đặng Văn Đen bị công an An Giang ĐÁNH CHẾT

- Ngày 28/12/2010, anh Phạm Quang Sơn bị công an Hà Đông đánh gãy xương sườn

- Ngày 11/1/2011, bà Ngô Thị Thu bị công an Hải Phòng đánh gãy tay

- Ngày 1/3/2011, anh Nguyễn Văn Hướng bị công an Nghệ An đánh bể đầu

- Ngày 28/12/2011, ông Trịnh Xuân Tùng bị công an Hà Nội ĐÁNH GÃY CỔ CHẾT

- Ngày 15/3/2012, anh Ngô Thanh Kiều bị công an Phú Yên ĐÁNH CHẾT

- Ngày 30/8/2012, ông Nguyễn Mậu Thuận bị công an Hà Nội ĐÁNH CHẾT

- Ngày 29/12/2013, em Tu Ngọc Thạch (học sinh lớp 9) bị công an Khánh Hòa ĐÁNH CHẾT

- Ngày 26/10/2013, anh Trần Mạnh Viễn bị công an Hà Nội ĐÁNH CHẾT

- Ngày 20/7/2015, phạm nhân Vũ Nam Ninh bị công an Hà Nội ĐÁNH CHẾT

- Ngày 18/4/2015, Ông Lê Hoài Bảo bị công an Cà Mau BẮN CHẾT

- Ngày 11/9/2015, ông Hồ Hoàn Đắn bị công an Bình Dương BẮN CHẾT

- Ngày 5/8/2015, em Đỗ Đăng Dư bị công an Hà Nội tạm giam và hiện đang trong TÌNH TRẠNG NGUY KỊCH.