Việt
Hà (RFA)
Các
nhóm Xã hội dân sự Việt Nam gặp gỡ nghị sĩ Đức và Thụy Điển ngày 30/3/2015, ở
Tòa đại sứ Đức tại Hà Nội
Trong một báo cáo gần đây về tình trạng
kiểm soát truyền thông xã hội và xã hội dân sự tại Việt Nam do Quỹ Quốc gia Hỗ
trợ dân chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ xuất bản, giáo sư Zachary Abuza của trường đại
học về chiến tranh của Hoa Kỳ, chuyên gia về Việt nam, nhận định chính phủ
Việt Nam đã thất bại trong nỗ lực kiềm chế sự phát triển của xã hội dân sự và
truyền thông xã hội. Giáo sư Abuza cũng đề cập đến những xu hướng phát triển sắp
tới của chính trị xã hộ tại Việt Nam với sự tham gia của truyền thông xã hội và
xã hội dân sự. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Zachary Abuza về vấn đề này. Trước hết,
giáo sư Abuza nhận định về thực trạng của truyền thông xã hội và xã hội dân sự ở
Việt nam như sau:
Gs. Zachary Abuza:
Việt nam rất lo lắng về tự do truyền thông mạng và tự
do của xã hội dân sự và họ làm tất cả những gì có thể để hạn chế sự phát triển.
Với các tổ chức xã hội dân sự, nhà nước cũng duy trì sự kiểm soát thông qua Mặt
trận tổ quốc. Cho nên tình hình chung là bị kiềm chế. Phần lớn các tổ chức theo
dõi tự do báo chí, tự do internet hay tổ chức xã hội dân sự đều xếp Việt Nam ở
mức rất thấp trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng theo tôi điều quan trọng là mọi thứ
đang thay đổi ở Việt Nam. Sự thay đổi này diễn ra bởi nhiều lý do…. Nhưng
điều quan trọng nhất là công nghệ, bất chấp những nỗ lực nhằm quyền soát truyền
thông mạng, chính phủ Việt Nam đã không thể làm được điều mình muốn. Sự thâm nhập
internet ở Việt Nam cao thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Nó còn cao hơn cả những
nước có sự dân chủ hơn trong xã hội dân sự, sự thâm nhập internet ở thành thị
còn cao hơn ở nông thôn, và điều này sẽ không thay đổi. Việt Nam có sự tăng trưởng
cao trong điện thoại di động thông minh và các ứng dụng. Chính phủ Việt Nam cố
gắng kiểm duyệt mà không được. Có quá nhiều trang mạng, nhiều trang mạng là
trang ảo ở các trang khác tại nước ngoài mà chính phủ không thể kiểm soát được.
Việt Hà:
Liên quan đến sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam, có những ý kiến cho rằng
các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh và còn cần phải có
sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức này với nhau. Ông có nhận định gì
về điều này?
Gs. Zachary Abuza: Thực trạng cho thấy là chính phủ đã làm rất nhiều để hạn chế
sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Kinh tế Việt Nam đã phát
triển rất nhanh trong suốt 15 thậm chí 10, hay 5 năm qua là điều đáng chú ý và
chính phủ đã cố gắng để kiểm soát sự phát triển của xã hội dân sự không song
song với sự phát triển của kinh tế. Tuy nhiên xã hội dân sự vẫn phát triển …
chúng ta thấy những tổ chức xã hội dân sự độc lập như nhóm về môi trường trong
một chiến dịch trên mạng gần đây mà mọi người thấy ở Hà Nội. Nhóm này phản đối
việc chặt 6,700 cây xanh ở Hà Nội. Điều này là chưa từng thấy. Theo tôi một
trong những lý do mà chính phủ cố gắng hết sức trong tháng 3 và 4 năm nay nhằm
giảm nhiệt những phản đối của công nhân chưa từng có trước đó ở miền Nam là vì
họ sợ rằng nếu họ không làm thì công nhân sẽ tự thành lập công đoàn độc lập. Cuối
cùng vào tháng 5, một điều làm tôi rất chú ý là có một nhóm các tác giả nổi tiếng
đã bỏ hội nhà văn và thành lập tổ chức riêng của họ, và họ phải chịu rất nhiều
sức ép từ chính phủ, một số bị sách nhiễu nếu như không muốn nói là bị cầm giữ
khi họ cố gắng lập hội riêng của mình. Vào lúc này chúng ta thấy là đang có một
sức ép từ công chúng đòi hỏi phải có các tổ chức xã hội dân sự độc lập.
Việt Hà: Với
việc Việt Nam gia nhập TPP và hội nhập quốc tế, có ý kiến cho rằng sức ép quốc
tế sẽ khiến Việt Nam phải cho phép thành lập các tổ chức xã hội dân sự độc lập
như là công đoàn của công nhân, và cho phép tự do hơn với truyền thông xã hội.
Ông nhìn nhận thế nào về tương lai này ở Việt Nam?
Giáo
sư Zachary Abuza của trường đại học về chiến tranh của Hoa Kỳ
Gs. Zachary Abuza: Tôi có một cảm giác lẫn lộn về TPP nhưng tôi phải nói là đối
với Việt Nam và người Việt Nam thì đó sẽ là một điều tốt. Quá trình mà
chính phủ phải tìm cách nói chuyện với các lĩnh vưc khác nhau của xã hội, bao gồm
cả công đoàn ở các tỉnh khác nhau để gây dựng sự ủng hộ là điều quan trọng. Đó
là một trong những quá trình toàn bộ nhất mà tôi từng thấy ở Việt Nam trong một
giai đoạn dài. Cho nên đó là điều tốt. Thực tế là nếu bạn đọc các tài liệu từ hội
nghị trung ương 12 trước đại hội đảng vào năm tới, thì chính phủ đã cam kết sẽ
thực hiện cải cách kinh tế hơn nữa và hội nhập với phương tây. Về thương mại với
Trung Hoa cộng sản, họ không đại diện cho kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Thương mại với Trung Hoa cộng sản rất mất cân bằng, nó dựa vào xuất khẩu nguyên
liệu thô, nhập khẩu các sản phẩm chế tạo mà thường là được đem đổ sang Việt
Nam. Việt Nam có sự thâm hụt thương mại lớn với Trung Hoa. Tuy nhiên thương mại
với phương Tây lại hướng tới tăng thêm giá trị, hiện đại hóa kinh tế và theo
tôi, các nhà lãnh đạo hiểu được điều này và họ phải tiếp tục con đường đổi mới
kinh tế và hòa nhập với phương tây. Điều này sẽ dần mang thay đổi đến Việt Nam.
Việt Hà: Trong
báo cáo của mình ông cũng đề cập đến việc báo chí nhà nước gần đây dường như có
được tự do hơn trong việc đưa một số tin có thể là cấm kỵ trước kia như tranh
chấp với Trung cộng trên biển Đông hay một số vụ tham nhũng nhất định. Ông cũng
nói đến khả năng có báo chí độc lập ở Việt Nam. Ông nhận định thế nào về xu hướng
sắp tới của truyền thông nhà nước?
Gs. Zachary Abuza: Rõ ràng là sẽ có những gia tăng đàn áp trước đại hội đảng sắp
tới. Đó là điều mà chúng ta thấy trước bất cứ đại hội đảng nào. Đó là điều mà
chúng ta trông đợi. Nhưng tôi có thấy những thay đổi trong tình hình báo chí. Một
mặt vào lúc này quốc hội đang thảo luận dự thảo luật báo chí và họ rất lo ngại
về sự phát triển mạnh của báo chí với hơn 1000 tổ chức báo chí, trong khi chính
phủ không thể kiểm soát hết được từng tổ chức, và họ lo là họ sẽ mất kiểm soát.
Vì thế bản thảo đề cập đến việc giảm số lượng báo chí, giảm số lượng phóng
viên, nhập các tổ chức lại với nhau, đảm bảo chỉ một số cơ quan thuộc đảng và
nhà nước được quyền xuất bản. Mặt khác, chúng ta thấy sự bùng nổ của truyền
thông, nghĩa là người dân đói thông tin truyền thông. Chúng ta cũng thấy sự biến
chuyển trên mạng từ các blog sang các diễn đàn, trang mạng với nhiều người viết,
được biên tập một cách chuyên nghiệp. Điều này rất quan trọng vì nhiều người Việt
Nam bây giờ nhận được các thông tin trên mạng qua truyền thông xã hội. Công nghệ
đóng vai trò quan trọng ở đây. Các bạn đã đưa tin về một đài truyền hình ở Hà Nội
bị chính quyền sách nhiễu, 7 người bị bắt. Điều quan trọng là chỉ cần rất ít đầu
tư để có được một đài truyền hình nhanh chóng. Họ có thể phát trên mạng, trên
youtube, những điều này đang thay đổi mặt bằng của truyền thông. Tôi cũng thấy
là ông cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, một tờ báo khá cấp tiến, đã lập một tờ
báo riêng của mình. Tôi hiểu là chính phủ đã cố gắng kiểm soát nó nhưng theo
tôi chính phủ đang tham gia một cuộc chiến mà họ khó thắng.
Việt Hà: Ông
đánh giá thế nào về sức ép của sự phát triển xã hội dân sự và truyền thông xã hội
lên những cải cách về chính trị tại Việt Nam?
Gs. Zachary Abuza: Theo tôi những cải cách đang diễn ra nhưng rất từ từ và điều
này hoàn toàn không có gì sai cả. Tôi không phải là người ủng hộ hoàn toàn thay
đổi mang tính cách mạng. Nhưng theo tôi điều quan trọng là chính phủ Việt Nam
đã xác định thiết lập xã hội theo luật, họ đang cố gắng cải thiện khả năng xây
dựng luật pháp của mình. Mỗi năm quốc hội trở nên chuyên nghiệp hơn, các buổi họp
quốc hội cũng đã gây sức ép lên chính phủ về những cải cách trong một số lĩnh vực
quan trọng. Chúng ta cũng thấy những lãnh đạo cao cấp kêu gọi cải cách ở một số
lĩnh vực và điều này có ảnh hưởng nhất định. Ví dụ một năm trước, Chủ tịch
Trương Tấn Sang kêu gọi chấm dứt việc ép cung và tra tấn của công an, từ đó đến
nay đã có những người tình nghi được thả vì lời khai của họ có được do ép cung,
công an, chánh án cũng phải chịu án tù. Việt Nam còn một quãng đường dài để đi
phía trước nhưng đó là bước mở đầu quan trọng. Tháng trước Chủ tịch Quốc hội
nói về việc xóa bỏ những điều luật về an ninh mù mờ như điều 88 luật hình sự và
rằng chúng ta cần luật rõ ràng. Theo tôi đây là điều rất đáng ngạc nhiên. Tôi
không cho là thay đổi sẽ diễn ra một sớm một chiều nhưng đang có thay đổi. Cũng
có thay đổi trong lãnh đạo. Việt Nam chọn lãnh đạo như thế nào là điều sau cánh
cửa của ban chấp hành trung ương, chúng ta không biết được. Nhưng bạn có thể thấy
sự thay đổi trong cách thức của các nhà lãnh đạo. Họ hiểu truyền thông xã hội
hơn, họ dễ tiếp cận hơn trước. Họ hiểu về sự minh bạch trước công chúng hơn trước.
Tôi không nói là đảng cộng sản Việt Nam sẽ thay đổi ngay nhưng đang có thay đổi
và điều này có ý nghĩa.
Việt Hà: Xin
cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.