“…ngoài sáu đập chắn nước mà Trung Hoa lục địa đã hoàn
tất ở đoạn thượng nguồn Mekong, Lào và Cambodia đang và có ý định xây thêm hàng
loạt đập chắn nước nữa trên con sông này…”
“…Tại Việt Nam, chỉ có giới nghiên cứu trao đổi với
nhau và trong các hội thảo, họ mong giới nghiên cứu ngoại quốc nói thay ở những
diễn đàn bên ngoài Việt Nam.”
Xâm hại Mekong, chuyên gia lên tiếng, Hà Nội im lặng
SÀI GÒN (NV) – Vẫn chỉ có các chuyên gia cảnh báo về những thiệt hại nặng
nề cho đồng bằng sông Cửu Long, nếu Lào và Cambodia tiếp tục thực hiện các dự
án thủy điện. Chế độ Hà Nội vẫn im lặng.
Rừng tràm ngập
nước ở An Giang. Hệ sinh thái đất ngập nước và sự đa dạng sinh học đặc
trưng của đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất dần vì những dự án thủy điện trên
sông Mekong. (Hình: TBKTSG)
Tại hội thảo mới nhất về thủy điện trên sông Mekong,
các chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc tiếp tục cảnh báo, nếu Lào và Cambodia
vẫn tiếp tục thực hiện 12 dự án thủy điện trên sông Mekong thì hệ sinh thái đất
ngập nước và sự đa dạng sinh học, vốn là đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long
sẽ bị hủy diệt, vĩnh viễn không thể phục hồi được.
Đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên
(PanNature) cho biết, ngoài sáu đập chắn nước mà Trung Hoa lục địa đã hoàn tất
ở đoạn thượng nguồn Mekong. Lào và Cambodia đang và có ý định xây thêm hàng
loạt đập chắn nước nữa trên con sông này.
Tuy Ủy hội Sông Mekong (bao gồm Lào, Thái Lan,
Cambodia, Việt Nam) có hiệp định về sông Mekong, thậm chí có cả “Quy trình ra
quyết định về các đập trên dòng chính”, với các bước như: Thông báo, tham vấn,
thỏa thuận trước, song tất cả chỉ giống như trang trí.
Ông Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Viện nghiên cứu Biến đổi
khí hậu của Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh, nếu không hành động, các con đập trên
sông Mekong ở những đoạn chảy trên lãnh thổ Lào và Cambodia sẽ đốn ngã hai cột
trụ về kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp và thủy sản.
Chẳng hạn, Mekong là dòng sông xếp thứ 6/10 về lượng
phù sa trên thế giới. Bốn triệu héc ta đất tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long
hình thành nhờ sự bồi tụ phù sa của sông Mekong. Các hồ chứa nước – đập – nhà
máy thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ khiến lượng phù sa giảm đi từ 80%
đến 90%.
Nhiều chuyên gia quốc tế ước tính, nguồn lợi thủy sản
của đồng bằng sông Cửu Long khoảng 440,000 tấn/năm (tương đương một tỷ Mỹ
kim/năm) sẽ mất khi hệ thống đập chắn nước trên sông Mekong mọc lên.
Cũng theo ông Tuấn, khoảng 20 triệu cư dân đồng bằng
sông Cửu Long, từ nông thôn đến thành thị sẽ bị tổn thương nặng nề và vì không
sống được, hiện tượng di cư sẽ diễn ra trên diện rộng.
Ông Jake Bruner, chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN),
xác nhận, khi Lào tiếp tục xây dựng đập chắn nước của dự án thủy điện Don
Sahong (cách biên giới Lào – Cambodia khoảng hai cây số), nhiều chuyên gia đã
cảnh báo đập chắn nước đó sẽ tác động nghiêm trọng đến nguồn cá di cư. Riêng
với Việt Nam, nguồn cá di cư giảm sẽ đẩy việc xuất khẩu cá da trơn, trị giá
nhiều tỷ Mỹ kim đến chỗ đình đốn. Tuy nhiên không ai thuyết phục được Lào bỏ dự
án Don Sahong.
Bà Ame Trandem, chuyên gia của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, cho rằng, trong
việc ngăn chặn thực hiện các dự án thủy điện trên sông Mekong, khoa học và
chính sách đã thất bại bởi cộng đồng cư dân khu vực Mekong thiếu thông tin, dẫu
cho những dự án đó ảnh hưởng đến 40 triệu người là dân của nhiều quốc gia trong
khu vực.
Bà Premrudee Daorung, chuyên gia của Quỹ Phục hồi sinh thái (TERRA) thì
giới thiệu chuyện hàng trăm người dân Thái, kiên trì biểu tình trước Quốc hội
Thái để yêu cầu ngưng thực hiện dự án xây dựng thủy điện Pat Mun ở Đông Bắc
Thái Lan, cuối cùng chính quyền Thái phải đáp ứng yêu cầu đó như một gợi ý cho
Việt Nam. Bà nói thêm, dân chúng Thái đang kiện dự án thủy điện Xayaburi của
Lào tại Tòa án Thái bởi điện từ dự án này sẽ bán cho Thái.
Bà Daorung khẳng định, nếu dân chúng có đủ thông tin thì họ sẽ phản đối
nhưng các chính quyền thường không muốn những hành động phản đối như vậy.
Rất ít người Việt biết về các dự án thủy điện trên sông Mekong và tác hại
của chúng. Tại Việt Nam, chỉ có giới nghiên cứu trao đổi với nhau và trong các
hội thảo, họ mong giới nghiên cứu ngoại quốc nói thay ở những diễn đàn bên
ngoài Việt Nam. (G.Đ)