„…Tokyo đang khó xử trên
hồ sơ Biển Đông. Một mặt Nhật Bản mong muốn duy trì quan hệ mật thiết với đồng
minh Mỹ, nhưng mặt khác, nội các của Thủ tướng Abe đánh giá Biển Đông không là
một vấn đề sinh tử đối với Tokyo.“
Nhân tố
khiến Trung cộng ‘phát sốt’ ở Biển Đông
Đối với Mỹ,
Trung cộng còn thường dùng những lời lẽ “nói xa nói gần”, ám chỉ một số nước
“ngoài khu vực”, để tỏ vẻ khó chịu về sự can thiệp của Washington vào vấn đề
Biển Đông. Nhưng đối với Nhật Bản, Bắc Kinh lại không ngại sử dụng những từ ngữ
thẳng thừng, thậm chí cay độc để thể hiện thái độ bất bình trước mỗi tuyên bố,
hành động của Tokyo liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Mỹ – Nhật là hai nước ngoài khu vực
phản ứng mạnh mẽ nhất với các hành động của Trung cộng ở Biển Đông
Gần đây nhất, Trung cộng lại phản ứng gay gắt với
Tokyo, trước việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công khai ý định sẽ nêu vấn đề Trung
cộng xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế sắp tới,
như Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
(APEC) tại Manila, Philippines, hay Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Kuala
Lumpur, Malaysia, bất chấp việc các nước chủ nhà có chủ động đưa vấn đề Biển
Đông vào chương trình nghị sự hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Hồng Lỗi lên giọng cho rằng, “hoạt động xây dựng của Trung Hoa trên một
đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ
quyền của Trung cộng, không nhằm vào, không ảnh hưởng tới bất cứ nước nào,
không có gì phải chê trách”.
Ông Hồng còn lớn tiếng khẳng định: “Nhật Bản không phải nước đương sự trong vấn
đề Nam Hải (tên Trung cộng gọi Biển Đông). Nhật không có quyền nói này nói nọ
trên vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa”.
Vì sao Trung cộng lại dễ “nổi điên” như vậy với Nhật
Bản và liệu nhân tố Tokyo có thể tác động thế nào đến cuộc tranh chấp lãnh thổ
trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á?
Theo giới phân tích, Nhật Bản được coi là nước rất phù
hợp với các tiêu chí để được coi là “đối thủ truyền kiếp” của chủ nghĩa dân tộc
ở Trung cộng. Bởi, nước Mỹ thì vừa quá xa lại vừa quá mạnh, trong khi Việt Nam,
Phi Luật Tân, Ấn Độ và những nước khác hoặc là quá nhỏ, thua kém Bắc Kinh về
kinh tế, hoặc là mấp mé ở trong, hoặc gần vùng trung tâm chịu sự ảnh hưởng
chính trị từ Trung cộng.
Nhật Bản có diện tích không lớn lắm, lại là đồng minh
của Mỹ và là một “kỳ phùng địch thủ” của Bắc Kinh trên mặt trận kinh tế. Hơn
nữa, hiện nay cũng như trong lịch sử, cả hai bên đã và đang có sự tranh chấp
rất quyết liệt liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư (Senkaku).
Mối hận thù dân tộc của Trung cộng với Nhật Bản cũng
chưa bao giờ mờ phai. Quá khứ bị Nhật Bản xâm lược luôn bị Trung cộng coi là
mối “quốc nhục” 100 năm chưa trả hận.
Việc Nhật Bản gần đây từ chỗ “quan sát” đã trở nên
tích cực quan tâm tới hồ sơ Biển Đông, khẳng định lợi ích của Tokyo trong việc
duy trì hòa bình, ổn định ở vùng biến chiến lược về giao thương này, cũng như
tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á cả về kinh tế, chính trị, ngoại
giao, trợ giúp các nước này về nâng cao năng lực hàng hải để đối phó với sự
bành trướng của Trung cộng trên Biển Đông, đương nhiên càng khiến Bắc Kinh “cay
mắt”.
Tuy nhiên, về phía Nhật Bản, liệu sự can dự của Tokyo
vào hồ sơ Biển Đông có thể tới đâu, hay tác động như thế nào đến cục diện tranh
chấp ở vùng biển này?
Đã từng có ý kiến cho rằng Tokyo sẽ can dự mạnh mẽ hơn
vào vấn đề Biển Đông khi bản thân được “tháo bỏ xiềng xích” nhờ sửa đổi Luật
Quốc phòng. Mặt khác, Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương
của Mỹ còn tỏ ý hoan nghênh Nhật Bản mở rộng khu vực tuần tra xuống Biển Đông
để tăng cường vai trò đảm bảo an ninh, tự do hàng hải.
Hồi tháng 6-2015, trả lời phỏng vấn của tờ nhật báo
Asahi Shimbun (Nhật), ông Harris
tuyên bố: “Tôi xem Biển Đông là vùng biển
quốc tế, vùng nước không phải lãnh thổ của bất cứ nước nào và vì vậy Nhật Bản
được hoan nghênh để tiến hành các hoạt động trên biển nếu như Nhật Bản thấy phù
hợp”.
Về phía Tokyo, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ
Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano khi đó cũng khẳng định, hiện tại Tokyo
“không có kế hoạch” giám sát Biển Đông, cho dù Nhật Bản sẽ cân nhắc vấn đề tùy
theo diễn biến tình tình.
Thực tế, thái độ của Nhật Bản trước việc Mỹ điều khu
trục hạm USS Lassen tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh bãi Đá Su Bi – một
trong những thực thể bị Trung cộng chiếm đóng và đảo hóa phi pháp ở Biển Đông
hôm 27-10 đã cho thấy, Tokyo cũng có những tính toán riêng của mình ở Biển
Đông.
Trước sự kiện USS Lassen, ngoài phát biểu của thủ
tướng Shinzo Aben, các giới chức Nhật Bản từ Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakaatani
đến Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đều tỏ thái độ rất thận trọng: Không
ủng hộ mà cũng không chỉ trích chiến dịch tuần tra của của Washington.
Đó là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Tokyo đang khó xử
trên hồ sơ Biển Đông. Một mặt Nhật Bản mong muốn duy trì quan hệ mật thiết với
đồng minh Mỹ, nhưng mặt khác, nội các của Thủ tướng Abe đánh giá Biển Đông
không là một vấn đề sinh tử đối với Tokyo.
Thách thức hàng hải lớn nhất đối với lợi ích an ninh
quốc gia của Nhật Bản là ở biển Hoa Đông, chứ không phải là Biển Đông. Quyền
lợi trực tiếp của Nhật Bản trong vùng Biển Đông chỉ giới hạn ở quyền tự do lưu
thông hàng hải, trong khi biển Hoa Đông mới là nơi Tokyo nên và thực sự là đang
tập trung sự chú ý của mình.
Nếu sự hung hăng, cứng rắn của Trung cộng trong vấn đề
Biển Đông không bị ai thách thức, cản trở, thì Bắc Kinh có thể được đà lấn tới,
gia tăng hoạt động hải quân ở gần khu vực quần đảo Senkaku của Nhật Bản (Trung
cộng gọi là quần đảo Điếu Ngư) và làm tổn hại đến lợi ích an ninh của Tokyo.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản không thể đứng ngoài, cũng
như không thể không lên tiếng quan ngại về vấn đề Biển Đông, nhưng điều đó
không có nghĩa là Tokyo sẽ “nhắm mắt” sốt sắng chạy theo Mỹ để tăng cường sự
hiện diện, thậm chí là can thiệp quân sự ở vùng biển này.
Theo phân tích của Giáo sư về quan hệ quốc tế Yuichi
Hosoya, thuộc Đại học Keio (Nhật Bản), trong trường hợp Mỹ có yêu cầu Nhật Bản
hỗ trợ, thì đó cũng chỉ giới hạn ở các khâu tình báo, giám sát và do thám
(ISR).
Có điều, ngay cả trong công tác đó Nhật Bản cũng không
đủ sức đảm trách. Vì vậy cho nên, theo Giáo sư Hosoya, Tokyo luôn tìm cách hỗ
trợ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nâng cao khả năng phòng thủ, hiện đại
hóa các trang thiết bị quân sự.
Nếu như thực thi quyền tự do hàng hải là một thứ “đặc
sản” của Mỹ thì Nhật Bản là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực xây
dựng năng lực hàng hải.
Chính Thủ tướng Nhật Keizo Obuchi là người đã đề xuất
ý tưởng thành lập Hiệp định Hợp tác khu vực về chống nạn cướp biển và cướp có
vũ trang các tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP), được coi là giải pháp hợp tác khu
vực chống cướp biển thành công nhất từ trước đến nay.
Việc tặng tàu tuần tra cho Phi Luật Tân hay hỗ trợ
nước này đào tạo, huấn luyện lực lượng cảnh sát biển, cũng như việc đạt được
đồng thuận đưa tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đậu ở quân cảng Cam
Ranh của Việt Nam – qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen
Nakatani vào tháng 10 vừa qua… là những bước đi tích cực nằm trong xu hướng này
của Tokyo.
Trong bối cảnh hầu như tất cả các quốc gia ven biển ở
khu vực Đông Nam Á đều có một điểm chung là thiếu trang thiết bị để giám sát,
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế, sự giúp đỡ nhiệt tình của
Nhật Bản trong việc xây dựng năng lực hàng hải, dưới hình thức cung cấp, tài
trợ tàu tuần tra, thiết bị viễn thông, giám sát, song song với hỗ trợ đào tạo,
tập trận quân sự chung, giao lưu, thăm cảng, hay cứu trợ, cứu hộ thiên tai… đã,
đang và sẽ rất được hoan nghênh.
Có thể nói, Tokyo đang đi những bước đi chiến lược phù
hợp với diễn biến tình hình hiện nay ở Biển Đông, để vừa chứng tỏ xứng đáng
được vai trò cường quốc của mình trong các vấn đề khu vực, toàn cầu, vừa thể
hiện tính răn đe đối với các tham vọng lãnh thổ của Trung cộng ở biển Hoa Đông –
nơi mới có ý nghĩa lợi ích sống còn đối với Tokyo.
Nguồn:Năng lượng Mới