„..hoạt động của các nhóm lợi ích
trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội thông qua việc cấu kết tinh vi
giữa những chủ đầu tư với các quan chức trong bộ máy Đảng và Nhà nước là
một trong những nguyên
nhân cơ bản làm đất nước khánh kiệt, gia tăng khoảng cách giàu
nghèo, tích tụ bất ổn xã hội, làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn giữa các
tầng/lớp trong xã hội.“
Nhóm
lợi ích ở Việt Nam hiện nay
Hạ Mai
Từ
sau Đại hội XI (2011) của Đảng CSVN, thuật ngữ “lợi ích nhóm” và “nhóm
lợi ích” bắt đầu được sử dụng và cũng từ đó thuật ngữ này được sử dụng khá thường
xuyên. Nếu như ở trên thế giới, đa phần “nhóm lợi ích” được hiểu theo cả hai
nghĩa tích cực và tiêu cực, thì ở Việt Nam, đặc biệt là trong Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 4 (khóa XI) Đảng CSVN “Một số vấn đề cấp bách về
xây dựng Đảng hiện nay”, thuật ngữ này hầu như được
nhận thức theo nghĩa tiêu cực.
Dư luận xã hội chủ yếu tập trung vào các nhóm lợi ích hoạt động ngầm trong
lĩnh vực kinh tế, cấu kết với những “nhân vật” có thẩm quyền ra quyết định hoặc
có khả năng tác động đến chính sách vì lợi ích riêng, làm tổn hại đến lợi ích
của các nhóm khác, lợi ích của số đông và đặc biệt là lợi ích quốc
gia. TS. Lê Đăng Doanh đã nhận diện nhóm lợi ích hiện nay ở Việt Nam như
sau:“Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển, v.v. Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã phường hay ở cấp sở, phòng, thậm chí cá nhân thanh tra, cảnh sát hay ở doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, dự án, v.v.” .
Như vậy, “lợi ích
nhóm” tiêu cực hàm chỉ lợi ích cục bộ của những nhóm người xác định, xung đột,
mâu thuẫn với lợi ích chung của nhân dân, của xã hội và thậm chí với quốc gia,
dân tộc. Đó là thứ lợi ích chỉ phục vụ cho một nhóm người nhất định dựa vào
quyền lực để tạo lập cơ chế, chính sách thuận lợi nhất nhằm mang lại lợi ích từ
việc bòn rút, chia chác của công, tìm mọi cách để thâu tóm lợi ích, đặt
lợi ích của nhóm mình lên trên lợi ích chung. Những nhóm lợi ích này bành
trướng thế lực, thao túng và độc quyền trong một số lĩnh vực, đặc biệt là chính
trị- kinh tế, thương mại hóa quyền lực chính trị. Lưu ý thêm rằng, ở Việt Nam,
rất nhiều quan chức cao cấp trong các bộ ngành quản lý hiện nay đều có nguốn
gốc từ lãnh đạo doanh nghiệp, từ lĩnh vực kinh tế – đây là cơ sở và điều kiện
thuận lợi để các nhóm lợi ích – thân hữu trục lợi từ kết nối kinh tế với chính
trị, kết nối kinh tế với hoạch định chính sách.
Cũng như ở nhiều nước
khác trên thế giới, lợi ích mà các nhóm lợi ích ở Việt Nam theo đuổi không
chỉ là lợi ích vật chất mà bao hàm tất cả những lợi ích con người muốn
có, như danh tiếng, quyền lực, điều kiện thuận lợi, sự thăng tiến, vị trí làm
việc cho bản thân, gia đình, thân hữu… Các nhóm lợi ích
tiêu cực ở Việt Nam thường nhân danh hoặc núp bóng những nghĩa cử cao đẹp, nhân
danh lợi ích tập thể, thậm chí nhân danh lợi ích quốc gia để giành giật, chiếm
đoạt mọi hình thức và loại hình lợi ích khác nhau.
Các nhóm lợi ích ở Việt
Nam được hình thành một cách mạnh mẽ và chủ yếu trong thời kỳ chuyển đổi nền
kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà
nước, định hướng XHCN (hiện giờ gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN). Quá
trình chuẩn bị các nhân tố kinh tế – kỹ thuật, quản lý xã hội và xây dựng những
tiền đề mới về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, môi trường vĩ mô cho việc phát triển
kinh tế hàng hoá – dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường đã tạo ra những cơ
hội, những bước ngoặt phát triển quan trọng, nhưng đồng thời cũng bộc lộ những
“lỗ hổng” trong cơ chế quản lý, trong hệ thống chính sách, pháp luật… Giai đoạn
chuyển đổi này diễn ra nhanh chóng và đầy kịch tính (khủng hoảng, lạm phát,
biến động giá cả – tiền tệ, đầu tư vào Việt Nam, đẩy mạnh xuất nhập khẩu…) trở
thành mảnh đất mầu mỡ cho những nhóm lợi ích bất minh xuất hiện, tồn tại và
củng cố vị trí của mình.
Cần nói thêm
rằng, các nhóm trục lợi đầu tiên chủ yếu liên quan đến buôn bán qua
con đường phi hạn ngạch, kinh tế ngầm hoặc núp bóng tín dụng, gây hậu quả
lớn nhưng chưa trầm trọng. Khi Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh các cải
cách kinh tế nhằm nhanh chóng thúc đẩy hình thành và phát triển đồng bộ các
nhân tố thị trường phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, các nhóm trục
lợi gia tăng nhanh chóng. Việc đầu tư trong nước và nước ngoài, thị
trường hàng hóa xuất nhập khẩu, thị trường lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng
kinh tế – xã hội ngày càng mở rộng quy mô và sự xuất hiện ngày một nhiều các
vùng kinh tế trọng điểm (thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình
Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên,
Hải Phòng, Vĩnh Phúc…), một mặt, tạo động lực phát triển vì lợi ích chung. Bên
cạnh đó, trong điều kiện chức năng, cơ chế quản lý của nhà nước chưa theo kịp
tiến trình vận động.
Đổi mới cũng góp phần cho ra đời hàng loạt nhóm lợi
ích thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, nhiều cấp độ lợi dụng mọi cơ
hội, mọi phương thức (hợp pháp, phi pháp, công khai, bí mật…) để trục lợi ở mọi
quy mô và mọi lĩnh vực. Đặc biệt, các nhóm lợi ích trở nên hết sức nguy hiểm, hoạt
động tinh vi, có tác động và gây hậu quả nghiêm trọng đến bình ổn xã hội, phát
triển kinh tế, quản lý xã hội chính vào thời điểm tái cấu
trúc, chuyển hướng nền kinh tế trong bóng tối nhá nhem của tha hóa quyền
lực nhà nước. Các nhóm trục lợi bám sát những chuyển động có lợi và bất lợi
trong quản lý kinh tế, trong quản lý nhà nước, nhanh chóng đưa ra các kịch bản
liên kết thị trường, liên kết kinh tế với chính trị, thao túng chính trị và
kinh tế để kiếm chác lợi ích ngày càng lớn, ngày càng ngang nhiên.
Theo nhận xét của TS. Lê
Đăng Doanh, nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo
từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công
khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân, với
chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động
càng mạnh; luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi
ích hoạt động càng trắng trợn, liều lĩnh. TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Nhóm
lợi ích ở Việt Nam hoạt động trong một không gian chủ yếu phi chính
thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các
hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau .
Những nhóm lợi ích này
trục lợi với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, biến hóa khôn lường. Điển hình là một
số thủ đoạn thu lợi bất chính cơ bản nhất như sau:
(1) Lợi dụng và lạm
dụng quyền lực (quyền lực kinh tế, quyền lực chính trị);
(2) Lợi dụng bất cập và
yếu kém trong quản lý của Nhà nước;
(3) Mua bán quan chức,
chạy chức, chạy quyền, hối lộ, tha hóa cán bộ lãnh đạo;
(4) Liên kết ngầm, hoạt
động ngầm dưới vỏ bọc hợp pháp…
Đâu đó, người ta đã bàn
về sự xuất hiện của một tầng lớp “tư bản đỏ” và maphia chính trị với
sự cấu kết chặt chẽ để thực hiện những phi vụ làm ăn lớn, rung động cả nền kinh
tế. Trong một bài báo nhan đề “Vietnam’s New Money“, Bill Hayton đã chỉ ra sự liên minh lợi
ích ở Việt Nam thông qua hình tượng “cuộc
hôn nhân giữa chính quyền và lợi ích cá nhân”, khẳng định cuộc hôn nhân đó
“đang làm méo mó nền kinh tế, khiến nền
kinh tế ấy hương tới việc phục vụ lợi ích của số ít hơn là đáp ứng nhu cầu của
số đông” . Theo Bill Hayton, chính liên minh lợi ích ấy đã khiến “các Tổng
công ty Nhà nước lớn nhất thiết lập kênh hỗ trợ vốn để tài trợ cho các dự án vô
trách nhiệm với logic kinh tế tối thiểu” – đó hoàn toàn có thể là một
hình thức câu kết giữa những cơ sở quốc doanh hùng mạnh với những cá nhân có
quyền lực lớn thông qua con em, người thân của mình.
Các nhóm trục lợi ở Việt Nam có nguồn gốc khá đa dạng,
tồn tại trong mọi lĩnh vực, song chủ yếu và nổi cộm nhất là những nhóm lợi ích
gắn với thị trường, với lợi ích công, ra đời từ bất cập cơ chế, bất cập thể chế
và tha hóa chính trị. Những công ty Nhà
nước và công ty “sân sau” của các công ty Nhà nước hoặc cổ phần Nhà nước
thường là “địa bàn” ảnh hưởng, hoạt động phổ biến của nhóm lợi ích “thân hữu”.
Những nhóm lợi ích “thân
hữu” hoạt động trên các lĩnh vực sử dụng tài nguyên hoặc phân bố tài sản
quốc gia. Một hệ thống pháp luật chưa đủ mạnh, vai trò độc quyền của Nhà nước,
kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, sở hữu tập thể, tư duy nhiệm kỳ
trong đầu tư công , trong quy hoạch, trong kế hoạch kinh tế – xã hội, cơ
chế xin – cho… là mảnh đất màu mỡ cho sự hình thành và phát triển các nhóm
“thân hữu”.
Nhóm lợi ích doanh nghiệp Nhà nước đang duy trì những đặc quyền và
thu hút nhiều nguồn lực từ ngân sách Nhà nước. Đây cũng là
nhóm đã lên tiếng mạnh mẽ nhất để giữ “vai
trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước”. Nhóm lợi ích doanh nghiệp cũng chính là cơ
sở kinh tế hỗ trợ cực kỳ đắc lực cho quyền lực chính trị thông qua những cá
nhân cụ thể của bộ máy chính quyền, nhà nước. Không phải ngẫu nhiên mà khi sóng
gió chính trường nổi lên, nhiều nhân vật trong bộ máy quyền lực có thể trụ
vững, thậm chí “lật cánh” ngoạn mục vào “phút thứ 89”.
Việc cho thành lập hàng
loạt tập đoàn kinh tế nhà nước lớn thuộc về những ngành then chốt và nắm giữ
những nguồn lực chủ yếu của đất nước cho thấy vị trí vững vàng và “hợp pháp”
của nhóm lợi ích này. Quả thật, năm 2014, Chính
phủ tăng khoảng 170 ngàn tỷ (trong tình trạng bội chi ngân sách) cho đầu tư và
chắc chắn phần lớn tiền bạc sẽ được rót vào ngân quỹ các doanh nghiệp Nhà nước.
Các vụ đại án tham nhũng đều có bóng dáng của quan chức cấp cao, các nhóm
lợi ích đặc quyền, nhóm thân hữu. Tham nhũng tiền
bạc, đất đai, tham nhũng quyền lực, chính sách là hiện tượng phổ biến, thường
ngày. Những tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước làm ăn lỗ với những con số
“khủng” là kết quả xâu xé của tham nhũng dưới hình thức nhóm lợi ích . Làn sóng
“tái cấu trúc” hệ thống Ngân hàng (Eximbank, Techcombank, Phương Nam, Bản Việt,
Vietinbank, BIDV, Bắc Á…) hoặc để thôn tính, hoặc để trốn nợ xấu cũng được diễn
ra dưới “chiếc đũa thần” đầy quyền năng của các nhóm thân hữu. Tham nhũng – lợi ích nhóm góp phần đẩy Việt Nam trượt
nhanh trên thang bậc xếp hạng tham nhũng: Năm 2013, theo chỉ số tham nhũng,
Việt Nam xếp thứ 116/176 quốc gia được khảo sát; nền kinh tế vĩ mô của
Việt Nam hết sức bất ổn, chứa đựng nguy cơ rủi ro, suy thoái;
tăng trưởng GDP giảm mạnh (năm 2007: 8,46% [6],
năm 2011:5,89% [7]; 2013:
5,4% [8]). Nợ
công của Việt Nam đã ở mức trên 81,885 tỷ USD, bình quân nợ công theo đầu người
là 905,18USD, chiếm 47,7% GDP, tăng 10,9% so với năm 2013 (tính đến ngày
13-6-2014) [9]. Việt
Nam là một trong 20 nước có khả năng vỡ nợ lớn nhất trên thế giới [10], người
dân Việt Nam có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực [11].
Hành vi thao túng của
các nhóm lợi ích đối với bất động sản, tài nguyên, ngân hàng, tài chính… –
những lĩnh vực kinh tế trọng yếu, gây không ít khó khăn, cản trở cho sự tồn
tại, phát triển lành mạnh của đất nước. Những năm gần đây (2006-2015), các chủ đầu tư là trụ cột của nền
kinh tế như Tập đoàn Than – Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực,
Tổng công ty Thép, Tổng công ty Hóa chất [12]… để Trung Quốc trúng thầu tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất…
trong các
dự án kinh tế Việt Nam trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết
tới tài nguyên quốc gia và an ninh năng lượng không khỏi
khiến dư luận quan ngại và đặt câu hỏi về những nhóm lợi ích quan chức cấp
cao đứng sau.
Về thị trường, nhóm trục
lợi có mặt ở mọi loại thị trường (thị trường lao động, thị trường chứng khoán,
thị trường khoa học – công nghệ, thị trường hàng hóa – dịch vụ…), song hoạt
động mạnh mẽ và gây ra những hậu quả lâu dài, khó khắc phục là những nhóm trục
lợi gắn với thị trường bất động sản và tài chính- tiền tệ (hai thị trường quan
trọng nhất của nền kinh tế thị trường).
Quá trình đô thị hóa đã
khiến đất đai có giá trị cực kỳ to lớn, đầu tư nhà đất trở thành hình thức kinh
doanh kiếm lời nhanh nhất. Nắm bắt đặc điểm đó, nhóm lợi ích bất động sản (gồm
giới nhà giàu và nhiều quan chức tham nhũng) không bỏ qua cơ hội hốt bạc. Lập
khu, cụm công nghiệp, cảng, sân bay là biện pháp, bước đi để các nhóm lợi ích
bắt tay với giới quan chức ăn chênh lệch giá đất. Tình trạng này diễn ra khá
thường xuyên, vì tuy có hiệu quả rất thấp về kinh tế – xã hội, nhưng do “muốn
đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ để bằng và
hơn các địa phương khác” [13] nên
các tỉnh thành, địa phương đua nhau quy hoạch, xây dựng, đô thị hóa. Mỗi
năm Việt Nam có gần 200.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích
sử dụng, trong đó có nhiều phần trăm được các nhóm lợi ích “phù phép”dưới bóng
“chuyển đổi mục đích sử dụng”, mua rẻ, bán đắt kiếm lời.
Với tính chất phi thị
trường nhất, kém hiệu quả nhất, thị trường bất động sản đầy rẫy những bất cập,
không đủ điều kiện để hoạt động bình thường như thị trường các nước khác bởi
theo luật pháp, Nhà nước quản lý đất đai và quyền lực Nhà nước thường bị thâu
tóm. Bài toán địa tô chênh lệch [14] là
bài toán thường gặp nhất trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất- nó cũng là ví
dụ tập trung nhất cho việc các nhóm lợi ích đứng đằng sau các cấp hoạch định và
thực hiện chính sách trong các dự án đất đai.
Giá trị to lớn của đất –
“tấc đất tấc vàng” đã khiến chính những thửa đất “bờ xôi ruộng mật” bị “khai
tử” bởi những nhóm lợi ích bất động sản. Dưới ô dù của quyền lực chính
trị, nhóm lợi ích bất động sản đứng sau nhiều vụ thu hồi
đất với danh sách tên đất, tên làng dài theo thời gian: Văn Giang, Dương Nội, Bắc Giang, Mễ Trì, Mỹ
Đức, Bắc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), Vũng Áng, Đắc
Nông, Ninh Thuận… Quy hoạch Hà Nội mở rộng, nhập Hà Tây vào Hà Nội cũng là
một cơ hội để nhóm lợi ích bất động sản trục lợi – thực tiễn diễn ra ở thị
trường đất đai Hà Tây trước và sau khi sáp nhập đã minh chứng một cách thuyết
phục cho nhận định đó. Mất đất, không có việc làm, người nông dân chỉ còn con
đường hoặc làm thuê ngay trên mảnh đất của mình, hoặc tha phương. Những
năm gần đây, mỗi năm có trên 3 vạn người lao động từ nông thôn đến ở Hà Nội,
còn đến thành phố Hồ Chí Minh con số đó là trên 6 vạn. Tháng 8-2013, Bộ
Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam công bố con số di cư tự do từ nông thôn
ra thành thị là vào khoảng 8 triệu người. Các thành phố lớn với các khu công
nghiệp mọc lên nhanh chóng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành
phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… trở thành thành nam châm, lực hút, thành
“miền đất hứa” đẫm nước mắt của nhiều lao động nông dân nhập cư.
Trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng, hệ quả
các hoạt động của nhóm trục lợi để lại là khá nghiêm trọng. Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận: “Có những ngân hàng chỉ do một vài cổ đông hoặc một
nhóm cổ đông chi phối, dư nợ ngân hàng lên tới 70 – 90% phục vụ cho nhóm cổ
đông đó; điều lo ngại là các nhóm cổ đông này gây thất thoát vốn lớn; lợi ích
nhóm thao túng ngân hàng và làm ảnh hưởng xấu đến cả hệ thống…” [15].
Các thương vụ thâu tóm ngân hàng Sacombank,
Eximbank, Bảo Việt… đang làm một số “đại gia” nhẵn túi; đồng thời, làm căng
hầu bao của những ông chủ mới đằng sau thấp thoáng bóng liên minh lợi ích mờ ám
của giới mafia tài chính và những quan chức giấu mặt.
Trong quá trình phát
triển và trục lợi, các nhóm trục lợi có sự liên kết khá bền chặt, có tính “tổ
chức” tương đối cao, câu kết, lôi kéo, vận động, thậm chí là ép buộc cá nhân,
tập thể, bành trướng thế lực, làm méo mó chính sách, làm suy yếu chính quyền,
lũng đoạn nhiều lĩnh vực, có cả những lĩnh vực trọng yếu liên quan đến an ninh
– quốc phòng, an ninh quốc gia.
Vốn ra đời, tồn tại và
hoạt động trên nền tảng lợi ích, nhất là những lợi ích hết sức béo bở và đa
dạng nên cùng với sự phát triển của các nhóm lợi ích tất yếu xuất hiện mâu
thuẫn, xung đột lợi ích một bên là giữa các nhóm lợi ích với nhau và một bên là
giữa nhóm trục lợi với những nhóm bị xâm hại lợi ích (bị thiệt hại lợi ích).
Trong các xung đột lợi ích, nhóm nào yếu thế hơn sẽ bị thiệt hại nhiều hơn và
trong tổng thể, thiệt hại chung thuộc về toàn thể xã hội.
Nếu coi sự phát triển
xã hội như là một tổng thể hữu cơ các quá trình vận động xã hội theo
chiều thăng tiến, thì các nhóm lợi ích – trục lợi là một bộ phận tham gia
vào đời sống xã hội và tác động trực tiếp đến quá trình vận động xã hội, kìm
hãm xu hướng phát triển lành mạnh của nó trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế
do thể chế lỏng lẻo, các chế định giám sát lạc hậu, thiếu tính minh bạch trong
nhiều lĩnh vực, nhất là trong những lĩnh vực trọng yếu. Trên nền tảng ấy, các
nhóm lợi ích tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều với những sắc thái đa dạng
(nhóm thân hữu, nhóm lợi ích cục bộ giữa quan chức với quan chức, quan chức với
doanh nghiệp…) ảnh hưởng trực tiếp tới sự vận hành bình thường của nền kinh tế,
chính trị, xã hội và thậm chí cả văn hóa. Bên cạnh đó, trong một số
trường hợp, có thể đang tồn tại một liên
minh không chính thức giữa các nhóm lợi ích ở Việt Nam với các nhóm lợi ích ở
nước ngoài. Khai thác bôxit ở Tây Nguyên, việc Trung Quốc trúng thầu tới 90% các
công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… trong các dự án
kinh tế trọng điểm, hay như Trung Quốc xuất lậu vào Việt Nam trên 5,2 tỷ USD
hàng hóa qua biên giới và Việt Nam xuất lậu 5,3 tỷ USD sang Trung Quốc [16] …
là những minh chứng điển hình. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam “đã trao quá
nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC [17]”.
Con số này là 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao
thông, khai khoáng, cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới [18].
TS. Lê Đăng Doanh đã đặt câu hỏi: “Tại
sao chúng ta giao quá nhiều dự án cho nhà thầu Trung Quốc như vậy. Có bao nhiêu
lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho ai?”.
Nhìn chung, các nhóm
trục lợi đều có khả năng cộng sinh và ký sinh rất cao, bám chặt vào kẽ hở chính
sách, pháp luật, nắm bắt nhanh chóng những thời cơ và cơ hội thuận lợi, linh
hoạt trong liên kết, chuyển hướng, trắng trợn trong tha hóa bộ máy công quyền…
làm mọi việc trong khả năng, điều kiện có thể để tồn tại, phát triển và trục
lợi.
Lợi dụng những kẽ hở
pháp lý trong quản lý đất đai, tiền tệ, sự thoái hóa, biến chất của tầng lớp có
chức, có quyền, sự ấu trĩ và bảo thủ trong tư duy lãnh đạo, các nhóm trục lợi
thao túng, mua bán chiếm đoạt đất đai, bất động sản, thao túng ngân hàng…, làm
giàu bất chính và càng giàu bao nhiêu, các nhóm lợi ích lại có điều kiện, khả
năng cũng như khao khát thao túng quyền lực chính trị, thao túng chính quyền.
Đối với phát triển xã
hội và quản trị xã hội, các nhóm trục lợi trở thành lực cản lớn trong quá trình
thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại lớn đối
với tài sản của nhà nước, xã hội, tập thể và công dân, xâm phạm quyền và lợi
ích của công dân, tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đảo lộn những chuẩn mực,
giá trị đạo đức xã hội, là nguy cơ trực tiếp đối với sự lành mạnh của nền kinh
tế, đe dọa lợi ích toàn dân, lợi ích quốc gia dân tộc.
Hệ quả cuối cùng là ngày
càng nhiều thêm các nhóm thiệt lợi, các nhóm thất thế, xã hội nghèo đi, bất
công và bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo, phân hóa giai tầng tăng lên
không ngừng; trong lòng xã hội âm ỉ những mâu thuẫn gay gắt – một hiện tượng mà
các nhà nghiên cứu quen gọi là “hiện
tượng thùng thuốc súng”.
Điều nguy hiểm là ở chỗ,
mờ mắt tham, nhằm thỏa mãn lòng tham vô đáy, các nhóm lợi ích này không
thể liên kết lâu dài, giữa chúng luôn diễn ra âm thầm “những trận chiến sau bức
màn nhung” để cuối cùng “xã hội sẽ biến đổi theo những thắng thế của phe nhóm
mạnh nhất” [20].
Nếu mục tiêu của “phe nhóm mạnh nhất” phù hợp với “sự đổi mới và tiến bộ
của quốc gia, thì dân chúng vô cùng may mắn. Ngược lại, vấn nạn của xứ sở sẽ
kéo dài, vì trên thực tế, đại đa số người dân không bao giờ đủ quyền lực và
kiến thức để thay đổi một cơ chế, kể cả những nước dân chủ Tây Phương” [21].
Không còn nghi ngờ gì
nữa, hoạt động của các nhóm lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế, chính
trị, xã hội thông qua việc cấu kết tinh vi giữa những chủ đầu tư với các quan
chức trong bộ máy Đảng và Nhà nước là một trong những nguyên nhân cơ bản làm
đất nước khánh kiệt, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tích tụ bất ổn
xã hội, làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn giữa các tầng/lớp trong xã hội. Hưởng
lợi từ kết quả lao động không chính đáng, với quyền lực cực lớn có thể làm khuynh
đảo hệ thống công quyền (quy hoạch đô thị, giao thông, các dự án xây dựng lớn),
nhóm lợi ích – nhóm thân hữu trở thành nhân tố trực tiếp đẩy nhanh cuộckhủng
hoảng tín nhiệm xã
hội [22] dẫn đến nguy cơ
rạn vỡ xã hội. Nếu không có những thay đổi căn bản, thích hợp, sáng suốt, đột
phá vì lợi ích chung của quốc gia, của nhân dân, của dân tộc, đất nước sẽ
trở thành con tin của
những nhóm lợi ích, xã hội đứng trên bờ vực thẳm của những đổ nát, xung đột.
Đất nước đang thụt lùi tỷ lệ thuận với sự phát triển và lớn mạnh của những
nhóm lợi ích bất chính.
Việt Nam hiện đang đứng
trước những thách thức về đồng thuận xã hội khi các nhóm/tầng lớp trong xã hội
đang có sự khác biệt lớn về vị trí xã hội, mức sống, nghề nghiệp, học vấn… Lợi
ích và cách thức chiếm đoạt lợi ích, bảo vệ lợi ích của nhóm đặc quyền, đặc lợi
đẩy họ đứng đối lập với đa số tập hợp người khác trong xã hội.
Nhóm lợi ích có tính
lịch sử phát triển và chỉ có thể phù hợp với xã hội nếu lợi ích của nó phù hợp
đa phần trong tương quan với các nhóm lợi ích và cá nhân khác. Chính vì thế,
vấn đề quan trọng nhất, song cũng khó khăn, phức tạp nhất của vận hành, quản trị
xã hội là thực hiện phối, kết hợp lợi ích của
các nhóm cụ thể với lợi ích của xã hội như một toàn thể. Kết
quả của thao tác chính
trị đó quy định sự ổn định xã hội, của toàn bộ hệ thống chính trị,
tính hợp pháp, hiệu quả của chính phủ, sự năng động của phong trào xã hội và uy
tín của Đảng cầm quyền. Xã hội tuy bị ràng buộc, chế định, chi phối bởi
điều kiện kinh tế – văn hóa, chuẩn mực pháp luật và đạo đức, song yếu tố chi
phối quyết định nhất, căn bản nhất, trực tiếp nhất là hệ thống chính trị; trong
đó, vấn đề sâu xa, cội rễ nhất là vấn đề quyền lực chính trị/quyền lực nhà
nước.
Quyền lực chính trị
thiếu kiểm soát, hoặc kiểm soát không chặt chẽ là bà đỡ của những nhóm lợi ích
bất minh – điều đó đang diễn ra trong thực tiễn xã hội Việt Nam. Có một hiện
thực là ở Việt Nam hiện nay, cơ chế vận hành xã hội, hệ thống chính sách, pháp
luật chưa hoàn thiện, phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước còn nhiều hạn
chế, thiếu hiệu quả là “cơ hội vàng” để các nhóm lợi ích hoạt động ngầm, thao
túng, thâu tóm những lợi ích của sự phát triển, tạo sự bất công, bất bình đẳng
trong xã hội, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm méo mó quan hệ xã hội, xói
mòn lòng tin của nhân dân, gây bất ổn xã hội, thậm chí đẩy Nhà nước đứng đối
lập với nhân dân.
Để đấu tranh với các
nhóm lợi ích tiêu cực, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, vấn đề chất lượng thể chế chính trị thể
hiện qua khả năng, mức độ kiểm soát quyền lực chính trị/quyền lực nhà nước và chống độc quyền quyền
lực có ý nghĩa sống còn.
Nếu “thể chế chính trị là tổng hợp các phương
pháp và cách thức thực hiện quyền lực nhà nước do tình hình chính trị trong
nước chi phối” [23],
thì “điểm cốt yếu nhất, quyết định nhất đến thể chế chính trị là bản chất, hình
thức, tính chất của quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị” [24];
do đó, để “bản chất, hình thức, tính chất của quyền lực nhà nước” thực sự thuộc
về số đông, đảm bảo lợi ích cho số đông, đảm bảo công bằng xã hội cho tất cả
mọi người, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, chống tập trung quyền lực được
đặt ra từ rất sớm và luôn luôn tồn tại một khi còn tồn tại nhà nước.
Ở nhiều quốc gia,
kể cả các quốc gia có thể chế chính trị tương đối hoàn thiện, việc tiếp tục xây
dựng, hiện đại hóa cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước – tạo lập một cơ chế có
khả năng khuyến khích tối đa ảnh hưởng tích cực của nhóm lợi ích (phân bổ công
bằng lợi ích nhóm), cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm lợi ích
(giảm thiểu phân bổ lợi ích bất công giữa các nhóm, kìm chế tiềm năng, tước
đoạt điều kiện phát triển) vẫn luôn được chú trọng. Bàn về vấn đề này, nhà xã
hội học người Mỹ Frank Scarpatti nêu quan điểm: “Mục tiêu của công bằng xã
hội chỉ có thể thực hiện thông qua một chính sách làm giảm sự tập trung quyền
lực và những nguồn tài nguyên kinh tế trong tay một tầng lớp nhỏ đặc quyền của
xã hội” [25].
Thật vậy, tập trung
quyền lực vượt ngưỡng/vượt chỉ giới gắn liền với tha hóa tinh thần, đạo đức,
bởi đã là con người thì khó tránh khỏi ít nhiều thiên kiến và vị kỷ. Một trong
những yếu điểm của con người là bị chi phối, điều khiển bởi khát vọng quyền
lực. Khi quyền lực tập trung ở những con người khát quyền lực trong môi trường
thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, hoặc cơ chế kiểm soát quyền lực yếu kém sẽ
trở thành thứ “ma túy” mạnh đẩy con người vào ảo giác, ngộ nhận, đánh đồng lợi
ích xã hội với lợi ích cá nhân vị kỷ, bước một bước đến độc tài quyền lực.
Trong đại đa số trường hợp, tập trung quyền lực là cha đẻ của độc tài và gia
đình trị. Philippines là một ví dụ điển hình: 178 gia tộc [26] kiểm
soát 72 tỉnh (94%) của Philippines; trong số 178 gia tộc, 100 gia tộc là giới
tinh hoa cũ (thuộc những tập đoàn chính trị hàng đầu của Philippines từ sau
chiến tranh thế giới thứ hai), 78 gia tộc còn lại là giới tinh hoa mới (sau năm
1986) [27].
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Jose
Almonte nhận xét: “Độc quyền quyền
lực chính trị cản trở dân chủ hóa đời sống chính trị, sinh ra và nuôi dưỡng chế
độ gia đình trị” [28].
Con ông cháu cha
Ở trên thế giới nói
chung, ở Việt Nam nói riêng, xây dựng pháp luật cùng với thực hiện pháp
luật và bảo vệ pháp luật là những hoạt động cơ bản, đặc biệt quan
trọng, thể hiện khả năng nhận thức, khả năng mô hình hóa các quan hệ xã
hội của cơ quan lập pháp, hình thành các qui phạm pháp luật để điều chỉnh xã
hội, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm
việc thực hiện lợi ích của giai tầng, các nhóm xã hội. Hệ thống pháp luật
là “chân đế” của thể chế chính trị, đế có vững, thể chế mới bền; tuy nhiên,
luật pháp và các quy định của bộ máy
hành chính Việt Nam có bốn nhược điểm:
(1) Hết sức cồng kềnh,
rườm rà, đa dạng về thể loại văn bản và khổng lồ về số lượng văn bản quy
phạm pháp luật gây khó khăn trong thực hiện [29];
(2) Tính minh xác, tính
minh định, phạm vi điều chỉnh, tác động nhiều khi chưa thực rõ
ràng [30];
(3) Thường xuyên
thay đổi, tính ổn định không cao;
(4) Xây dựng pháp luật
chưa gắn với quản lý thi hành pháp luật.
Theo điều tra của Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực trạng kém chất lượng của hệ thống
pháp luật hiện hành có thể gói gọn trong “chín không”: Không đầy đủ, không rõ
ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước,
không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực. Như thế, tình trạng pháp quyền
(lập pháp, hành pháp, tư pháp) của hệ thống chính trị Việt Nam vẫn tồn tại
không ít “kẽ hở”, “lỗ hổng”, chưa đóng vai trò thực sự điều chỉnh hành vi, nhận
thức của xã hội, cá nhân và tổ chức, chưa làm tròn vai trò phản tỉnh đối với xã
hội – đó là một chính phủ yếu kém! Về thứ hạng hiệu quả khuôn khổ luật
Pháp, Việt Nam từ hạng 57 năm 2009 xuống 74 năm 2012; tính minh bạch của Chính
phủ giảm từ hạng 58 năm 2007 xuống 91 năm 2012 [31].
Một hệ thống pháp luật
như vậy tạo điều kiện cho bộ máy quyền lực ngày càng phình to trên cả
phương diện bộ máy hành chính lẫn công cụ bạo lực. Không hiếm gặp trường
hợp “tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân
chủ. Quyền lực nhà nước là thống nhất” [32] bị
bóp méo, bẻ cong, bị lợi dụng, dẫn đến dân chủ hình thức, tập trung quyền lực,
độc quyền quyền lực, lũng đoạn chính sách, biến quyền lực được nhân dân và Nhà
nước giao phó thành quyền lực cá nhân, trục lợi cho bản thân, cho nhóm lợi ích
mà họ thuộc về.
Một cách tổng quát, thể
chế chính trị Việt Nam có hàng loạt khiếm khuyết:
Tiếng nói của người dân
chưa được chú ý lắng nghe;
Các cơ quan nhà nước
được “ưu ái” về trách nhiệm giải trình;
Chất lượng chính sách và
năng lực điều hành của cơ quan công quyền thấp, chậm được cải thiện;
Chống tham nhũng hầu như
không có tiến bộ;
Tính công khai minh bạch
thấp;
Hiệu quả của Chính phủ
và chất lượng của các văn bản pháp quy thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ máy công quyền ngày
càng xa dân, quản lý đất nước kém hiệu quả, quyền lực bị thả lỏng không được
giám sát, thiếu công khai, minh bạch. Một khi “chế độ tước đoạt lên nắm
quyền, tức là quyền lực chính trị bị tập trung trong một nhóm nhỏ thì không có
sự thịnh vượng hay quyền tư hữu nào có thể cứu đất nước đó khỏi kết cục suy tàn
vì quyền sở hữu có thể bị thao túng” [33] –
Việt Nam đang ở trong tình trạng này.
Một thể chế chính
trị văn minh và tương đối hoàn bị khi có hệ thống pháp luật hoàn thiện,
tạo thế đối trọng giữa các nhóm lợi ích; “chủ động phát triển cơ chế đề kháng
thông qua các quá trình tự cải tổ, đổi mới liên tục, thường xuyên, lâu dài,
không ngừng trệ” [34];
đồng thời, phân chia quyền lực cho các thành phần khác nhau của bộ máy công
quyền – giám sát và cân bằng quyền lực. Thể chế chính trị được coi là minh
bạch, tiến bộ khi có khả năng hóa giải xung đột nhóm lợi ích, đạt tới cách thức
phân bổ lợi ích thỏa
đáng, làm cho lợi ích phát huy giá trị động lực, kích thích tối đa khả
năng đóng góp, hạn chế tối đa khả năng gây hại của các nhóm lợi ích cho xã hội.
Trên nền tảng ấy, xây dựng cơ chế giám sát hữu hiệu trong bản thân bộ máy nhà
nước là thao tác đầu tiên để kiểm soát quyền lực nhà nước.
Những
lập luận nêu trên cho phép kết luận: Ở Việt Nam hiện nay,
để giảm thiểu và đi đến loại trừ tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích
đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, điều hòa phân tầng xã
hội và phân hóa giàu nghèo theo chiều hướng tạo động lực, thể chế chính trị hiện hành phải
được thay đổi căn
bản hoặc thay thếvới
sự ra đời của một nhà nước lấy sự công bằng là một trong những mục tiêu,
tôn chỉ tối cao trong tổ chức và hoạt động. Nhà nước ấy coi “sự phân quyền với
nghĩa phân công chức năng và kiểm soát quyền lực trở thành phương thức tồn tại”
, của chính mình.
Nhấn mạnh thêm rằng,
nguyên tắc phân chia quyền lực, kiểm tra và giám sát, kiềm chế và đối trọng
giữa các nhánh quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền đảm bảo ngăn chặn
nguy cơ tập trung quyền lực nhà nước trong tay một cá nhân, cơ quan hay một lực
lượng chính trị – xã hội nào đó như là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lạm
quyền, chuyên quyền, dẫn đến những lỗ hổng luật pháp. Bên cạnh đó, nguyên tắc
phân quyền còn có khả năng bảo vệ nhân dân khỏi sự tùy tiện, độc đoán, mang
tính quan liêu, phiền nhiễu của các cơ quan và công chức trong bộ máy nhà nước,
đảm bảo các cơ quan và công chức này luôn luôn chỉ thực hiện tuân theo pháp
luật.
Một thể chế dân chủ có
bộ máy nhà nước xây dựng trên nguyên tắc tam quyền phân lậpmột
cách thực sự đi cùng với xã hội dân sự [36] là những gì người
dân Việt Nam cần và mong đợi lúc này.
H.M.
[1] TS.
Lê Đăng Doanh: “Đổi mới
tư duy và cải cách thể chế những yêu cầu từ thực tiễn”, Từ bất ổn vĩ mô
đến con đường tái cơ cấu, Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và
giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì với
sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP),
tr.277-278.
[5] Năm 2010, Vinashin lỗ 4,5 tỉ USD,
năm 2011, EVN lỗ 3.500 tỷ đồng, năm 2012, các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước
lỗ khoảng 2.253 tỷ đồng… Tính chung hai năm 2011- 2012, tổng số doanh nghiệp
rời khỏi thị trường bằng 20 năm trước đó; trong số gần 500.000 doanh nghiệp
đang hoạt động, tỷ lệ thua lỗ cũng rất cao (Nguồn: Chi phí vốn của doanh nghiệp
Việt cao gấp 10 lần công ty đa quốc gia, Cafef.vn, 24-11-2012).
[6]Tổng cục Thống kê: Kinh tế – xã hội thời kỳ
2006-2010 qua số liệu một số chỉ tiêu thống kê chủ yếu, www.gso.gov.vn.
[9] Nợ công ở ngưỡng nguy hiểm:
Công bố các khoản
nợ để xã hội giám sát, Nhanh.net.vn, 16-6-2014. Khối nợ xấu khổng lồ
“có thể lên đến trên 500.000 tỷ đồng; nợ công quốc gia có thể lên đến 95-106%
GDP – theo tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc” (Nguồn: Phạm Chí Dũng: Liệu sẽ xảy ra khủng hoảng
kinh tế dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Việt Nam? Tạp chí Thời đại mới, số
28/tháng 8-2013).
[12] Trung Quốc trúng thầu 90% công trình
thượng nguồn của Việt Nam,
Vieetnam Economic Forum, 32-7-2010.
[13] TS. Lê Đăng Doanh: “Đổi mới tư duy và cải cách
thể chế những yêu cầu từ thực tiễn”, Tlđd, tr.270.
[14] Ví dụ như thu hồi đất đai của người
dân đền bù cho họ 1 triệu đồng/m2, bán lại cho một
người khác là 3 triệu đồng/m2, sau đó người này
lại bán đi với giá 25 triệu đồng/m2. Đa phần 22
triệu đồng chênh lệch địa tô là rơi vào tay nhóm lợi ích.
[17] Loại hợp đồng nhà thầu thực hiện
toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật đến thi công xây dựng công trình,
hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
[22] “Khủng hoảng tín nhiệm xã hội” có
nghĩa là chính quyền không nhận được sự tín nhiệm của người dân, một bộ phận
quần chúng nhân dân cho rằng chính quyền không thể hiện được ý chí của họ. Một
cuộc khủng hoảng tín nhiệm xã hội sẽ gây ra sự nhiễu loạn về tư tưởng, gây mất
niềm tin của dân chúng , có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị.
[26] Một dòng họ/gia đình/gia tộc được
liệt vào hệ thống gia đình trị (political family) khi có hai thành viên trở lên
(tính đến huyết thống đời thứ ba) chiếm giữ vị trí trong quốc hội hoặc bộ máy
chính quyền bang.
[29] Trong vòng 10 năm
(1988-2008), chỉ tính riêng văn bản pháp luật do các cơ quan Trung ương
ban hành, thì hệ thống pháp luật Việt Nam đã có tới 19.126 văn bản,
trong đó có 208 luật, bộ luật, 192 pháp lệnh, 2.097 nghị định, 267 nghị quyết
và 36 thông tư, 1.213 thông tư liên tịch. Pháp lệnh Thi hành án dân sự
năm 2004 đã cần đến trên 40 văn bản pháp luật khác nhau để hướng dẫn
thi hành. Luật Đất
đai năm 2003 muốn được thực hiện phải dựa trên 126 văn bản. Trong
lĩnh vực môi trường, có đến khoảng 300 văn bản pháp luật khác nhau đang còn
hiệu lực. Trong khi đó, nếu kể cả các văn bản pháp luật do các cấp chính
quyền địa phương ban hành, trung bình mỗi năm lại “mọc” thêm 4.000 văn bản quy
phạm pháp luật mới (Nguồn, Cơ sở liệu pháp luật, www.vbqppl.moj.gov.vn; Hà Phong, Hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật chồng chéo: Khốn khổ với “9 không, Hà Nội mới Online,
31-3-2012).
[30] Chất lượng văn bản quy phạm pháp
luật cũng chưa cao, nhiều quy định pháp luật không rõ ràng, thiếu ổn
định, gây khó khăn cho việc tiếp cận, nhận thức và thực hiện pháp luật. Do đó,
trên thực tế, pháp luật nước ta xảy ra tình trạng luật ra đời phải chờ
nghị định hướng dẫn và nghị định chờ thông tư mới thi hành được…Theo Báo cáo tổng kết của Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư
pháp, năm 2004, các cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm tra trên 21.000
văn bản quy phạm pháp luật từ cấp bộ trở xuống và đã phát hiện trên 3.000 văn
bản trái với quy định của pháp luật.
[31] TS. Lê Đăng Doanh: “Đổi mới tư duy và cải cách
thể chế những yêu cầu từ thực tiễn”, Tlđd, tr.280.
[32] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại
biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 52.
[33] D.Acemoglu và J.Robinson, Why Nations fail, The
Origins of Power, Prosperity, and Poverty, Crown Publishers, New York,
2012.
[36] Nội dung
căn bản của việc kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong là giải quyết mối
quan hệ phân công, phân quyền giữa các cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước;
trong đó, vấn đề phân định, kết hợp các quyền lập pháp, hành pháp và tư
pháp là nội dung cốt lõi. Quyền lập pháp là
quyền đại diện cho nhân dân thể hiện ý chí chung của quốc gia. Những người được
nhân dân trao quyền này là những người do phổ thông đầu phiếu bầu ra hợp thành
cơ quan gọi là Quốc hội. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền
này là đại diện cho nhân dân, bảo đảm cho ý chí chung của nhân dân được thể
hiện trong các đạo luật mà mình là cơ quan duy nhất được nhân dân giao quyền
biểu quyết thông qua luật là quyền lập pháp; đồng thời, là người thay mặt nhân
dân giám sát tối cao mọi hoạt động của Nhà nước, nhất là hoạt động thực hiện
quyền hành pháp. Quyền
hành pháp là quyền tổ chức thực hiện ý chí chung của quốc gia do
Chính phủ đảm trách. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này
là quản lý nhà nước (hay cai trị) mà thực chất là tổ chức thực hiện pháp luật
để bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển xã hội.Quyền tư pháp là
quyền xét xử, được nhân dân giao cho Tòa án và các cơ quan tư pháp, hoạt động độc
lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt và cao nhất trong tổ
chức thực hiện quyền này. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức không được phép can
thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án. Đây thực chất là quyền bảo vệ ý chí
chung của quốc gia bằng việc xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp
luật từ phía công dân và cơ quan nhà nước. Xã hội dân sự cấu thành từ
tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên
cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà
nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế
thương mại của thị trường. Nhìn chung, đó là lãnh vực bên ngoài gia đình, nhà
nước và thị trường, nơi người dân kết hợp hoạt động nhằm thăng tiến các lợi ích
chung. Thành tố quan yếu nhất của xã hội dân sự, do đó, chính là mỗi công dân,
ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với bản thân và xã hội, tự
nguyện tham gia vào các sinh hoạt giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.