Người lính miền Bắc nghĩ gì về thương phế binh VNCH?
Ảnh
minh họa chụp một sĩ quan QĐNDVN tại Hà Nội hôm 11/10/2013.
Những mất mát của thân thể không thể thay thế
Sau chiến tranh người thương phế binh VNCH bị phân
biệt đối xử một cách công khai bởi những người chiến thắng, tuy nhiên đối với
gần như hầu hết bộ đội miền Bắc thì cái nhìn của họ đối với người từng cầm súng
phía bên kia chiến tuyến không vô cảm và cục bộ như của chính quyền hiện nay.
Cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt đã 40 năm nhưng nỗi
buồn vẫn đọng lại trên rất nhiều phần thân thể của những người thương phế binh
chế độ cũ. Vết thương trên mình có thể lành nhưng mất mát của thân thể không có
gì thay thế được.
Trong những cuộc chiến giữa hai quốc gia thì thương
phế binh được đất nước của mình chăm sóc kể cả khi thua cuộc nhưng trường hợp
Việt Nam thì khác, cả hai phía cùng một quốc gia nên kẻ thắng cuộc cũng là
người thua mặc dù chỉ một một nửa dân số, trong đó có hàng chục ngàn thương phế
binh của chế độ cũ.
Những người lính này không ai có trách nhiệm tới. Họ
bị chính quyền mới xem như thành phần ngụy quân ngụy quyền, và cuộc sống có khó
khăn cách mấy thì cũng phải tự bươn chải chiến đấu với cuộc sống mới.
Đại tá Phạm Xuân Phương, một cán bộ cao cấp của quân
đội miền Bắc công tác tại Cục Chính trị trong thời gian chiến tranh nhận xét
việc phân biệt, kỳ thị của chính quyền đối với thương phế binh VNCH mà ông gọi
là khắc nghiệt như sau:
“Đứng về phương
diện nhân đạo của cái khái niệm nhân đạo chung của thế giới thì tôi không ủng
hộ cái việc đó đâu. Tôi cho rằng dù sao nữa thì những người thương phế binh mặc
dù là họ bên kia chiến tuyến họ chiến đấu cho mục đích của họ nhưng phải thừa
nhận rằng họ không đáng chịu chế độ khắc nghiệt như thế. Tôi nghĩ nếu những
người thương phế binh của phía bên này nếu mà được hưởng ưu đãi này ưu đãi khác
thì phía thương phế binh của phía VNCH có lẽ cũng nên được ăn ở cư xử một cách
thỏa đáng hơn chứ không nên có sự phân biệt quá đáng như thế.”
Mới đây một bức thư chung của nhiều vị dân biểu, nghị
sĩ Hoa Kỳ gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị xem xét và nhận số sĩ quan thương
phế binh của VNCH sang Mỹ định cư như đã từng có chương trình HO cách đây hơn
30 năm.
Tin vui này lập tức lan rộng và niềm hy vọng cho người
thương binh ở quê nhà thêm vững chắc. Nhiều người tin rằng tuy cuộc vận động
nhắm vào cấp sĩ quan nhưng trong hoàn cảnh của những mất mát chung thì vết
thương của họ hoàn toàn không thể phân biệt giữa người lính và chỉ huy của họ,
vì vậy chương trình khi đi vào thực hiện không ai tin quốc hội Mỹ lại phân biệt
những thương binh đã bỏ một phần thân thể của họ trong cuộc chiến mà Hoa Kỳ là
đồng minh lớn nhất.
Một
thương phế binh VNCH sau buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm
9/4/2015. AFP PHOTO.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc mặc dù không khoác áo bộ đội
nhưng ông theo sát người lính miền Bắc qua công tác phóng viên của tạp chí Văn
nghệ giải phóng khu V luôn luôn trong tuyến đầu và vì vậy ông quan sát được rất
nhiều trận đánh cùng các bi kịch chiến tranh mà cả hai bên chịu đựng. Ông chia
sẻ với tin vui này:
“Chính sách của
chính quyền Việt Nam lâu nay từ sau 75 tới nay rất tệ. Tức là họ phân biệt đối
xử và họ không quan tâm tới cái quyền sống của số anh chị em thương phế binh
của phía VNCH này. Cho đến lúc gần đây do những chuyển biến của cục diện, tình
hình chính trị thế giới và quốc nội thì họ buộc phải có những chuyển hướng và
bây giờ nghe tin chính phủ Mỹ có một chính sách như thế tôi rất mừng rất hoan
nghênh.”
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, cũng là một bộ đội của quân
đội Bắc Việt cho biết:
“Khi nghe thông
tin này tôi rất ủng hộ. Vừa qua tôi có tiếp xúc với anh em thương phế binh VNCH
tại nhà thờ 38 Kỳ Đồng tôi đã gặp rất nhiều anh em và đã phỏng vấn họ. Trong
trường hợp này nếu có chương trình như vậy thì tôi rất ủng hộ vì thực ra họ là
những người lính đã chịu rất nhiều thiệt thòi bởi vì kết cục của cuộc chiến
tranh 55-75 là một kết cục hoàn toàn bất lợi cho anh em binh sĩ VNCH và đặc
biệt là những người thương phế binh. Họ không được chăm sóc từ phía chính
quyền. Họ không được hưởng một điều gì cả.”
Những người xứng đáng được trả công
Chiến tranh đã qua, người thắng trận tuy không phải ai
cũng chia sẻ đồng đều quyền lợi an sinh xã hội nhưng dù sao thì những thương
phế binh VNCH ngày ngày ngồi một mình trong bóng tối vì không di chuyển được
hay đang phải đấu tranh kiếm sống ngoài chợ đời cũng đều chung một ý tưởng bị
bạc đãi vì đã cầm súng chống lại phía bên kia. Đề nghị đưa họ sang định cư ở Mỹ
có lẽ sẽ làm cho nguồn hy vọng bừng cháy trở lại không phải cho chính bản thân
mà là cho con cái của họ, những người xứng đáng được trả công vì đã bỏ một phần
thân thể cho đất nước Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, Dòng Chúa Cứu Thế nằm tại nhà
thờ đường Kỳ Đồng Saigon đã có những hoạt động từ thiện giúp đỡ cho anh em
thương phế binh. Mặc dù sự chia sẻ của xã hội không nhiều nhưng những gói quà
ít ỏi lại chứa rất nhiều tình cảm con người với nhau, khả dĩ vơi bớt những đau
đớn mà họ và gia đình gặp phải hàng ngày. Thế nhưng những tấm lòng ấy cũng bị
săm soi bởi chính quyền vì họ không tin trong những gói quà ấy không chứa đựng
mầm mống bất ổn cho chế độ. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy kể lại:
“Tôi được biết
khi anh em đi nhận quà của chương trình tri ân thương phế binh VNCH thì họ bị
cản trở ở các địa phương cho nên họ rất thiệt thòi và tôi đã tiếp xúc rất nhiều
với họ rồi. Chương trình này diễn ra trong 10 ngày mỗi ngày có thể tặng quà cho
200 tới 300 người thôi trong khi đó thì danh sách rất nhiều người. Tôi đã thấy
những hoàn cảnh mà vợ đưa chồng đi, những người thương phế binh cụt chân cụt
tay…
Khi
mà tôi phát biểu với anh em thương phế binh VNCH thì câu đầu tiên của tôi là
tôi muốn gửi đến tình thương mến của tôi đối với anh em, những người đang thiệt
thòi trong cuộc sống bởi vì kết cục cuộc chiến tranh nó là như vậy cho nên họ
chịu số phận như vậy. Tôi là một người lính trong quân đội Bắc Việt trước tình
cảnh ấy thì tôi cũng phải nói là rất xúc động, xúc động vô cùng.”
Đại tá Phạm Xuân Phương nhận xét về đề nghị cho chương
trình định cư của anh em thương phế binh VNCH:
“Tôi cho rằng
nếu nhà nước không đảm đương nỗi thì để cho họ đi là tốt chứ có gì đâu.”
Tất cả hy vọng vẫn còn phía trước và không người Việt
Nam nào đành lòng nói không với đồng bào mình nhất là khi họ đáng được có đời
sống không chật vật như hôm nay bởi những gì họ đã cống hiến từ chính thân thể
của họ.
Nguồn: Theo RFA Tiếng Việt