15.01.2016

Vì lợi ích chiến lược, Hoa Kỳ lần đầu bán vũ khí cho một nước cộng sản

Vì lợi ích chiến lược, Hoa Kỳ lần đầu bán vũ khí cho một nước cộng sản
Minh Anh (RFI)
Tàu ngầm Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh - DR
Từ trước đến nay, Hoa Kỳ chưa bao bao giờ bán vũ khí cho một nước cộng sản. nhưng việc Trung cộng  gia tăng tham vọng thống lĩnh Biển Đông đã làm cho Hoa Kỳ đang dần thay đổi chính sách này đối với Việt Nam. Một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi trong chính sách cấm vận vũ khí của Washington kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Trên đây là nhận định của phóng viên Patrick Winn, đăng trên tờ GlobalPost, ngày 27/12/2015. RFI xin giới thiệu.
Hải quân nhân dân Việt Nam - một trong những cánh tay của đảng cộng sản - giờ thì được Tòa Bạch Ốc cho phép dọc ngang các vùng biển với vũ khí Hoa Kỳ. Năm 2015, Washington đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận – vốn được áp dụng từ lâu – về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Cho đến nay, vẫn còn một điểm thận trọng chính: Các loại vũ khí này phải được dùng cho phòng thủ « an ninh biển ». Nhưng hiện có một số quan chức đang thúc giục dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận.

Các công ty quốc phòng của Mỹ, với sự ủng hộ của Washington, đã ve vãn chính phủ Việt từ mấy tháng nay. Ngay chính bản thân Washington cũng đang tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam. Vào tháng 11/2015, Hoa Kỳ thông báo mong muốn dành ra 119 triệu đô-la để hiện đại hóa các lực lượng hải quân trên khắp Đông Nam Á năm tài chính 2016, trong đó gần 20 triệu đô-la để thúc đẩy hơn nữa ngành tình báo, giám sát và khả năng trinh sát trên biển của Việt Nam.
Nếu như đối với các binh sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, việc vũ trang cho các lực lượng cộng sản có lẽ sẽ là điều không thể tưởng tượng được. Nhưng nay thì ý tưởng đó không còn gây sốc. Các lực lượng vũ trang của Mỹ và Việt Nam ngày càng xích lại gần hơn bao giờ hết nhờ vào một mục tiêu chung: cản trở sự thống trị của Trung cộng  tại Biển Đông đang có những tranh chấp dữ dội.
Nhưng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam tuy thế mà còn là một điểm nhấn lịch sử. Với vài ngoại lệ, cho đến thời điểm này, Mỹ chưa từng cung cấp vũ khí cho một quốc gia cộng sản nào từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, vào lúc đó, Hoa Kỳ đã trang bị vũ khí cho Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít Đức.
Tham vọng của Trung cộng , cái cớ để Mỹ - Việt xích lại gần
Sự chú ý còn gia tăng gấp bội khi mối hợp tác quân sự Mỹ - Việt đang được thắt chặt hơn tại vùng Biển Đông. Chính tại nơi đây, ngay Vịnh Bắc Bộ, quân đội cộng sản đã bị vu cáo bắn vào một chiến hạm Mỹ năm 1964. Hành động « gây hấn công khai trên biển » đó, theo như cách gọi của Tổng thống Lyndon B. Johnson lúc bấy giờ, đã trở thành một cái cớ để Hoa Kỳ mở màn một cuộc chiến toàn diện khủng khiếp với Bắc Việt Nam.
Nhiều thứ đã thay đổi trong năm thập kỷ qua. Hoa Kỳ và Việt Nam hiện nay cáo buộc một quốc gia khác có hành động gây hấn công khai: Đó là Trung cộng , đang có mưu đồ quân sự hóa nhiều đảo nhỏ và có những yêu sách chủ quyền trên hầu hết diện tích vùng lãnh hải Biển Đông. Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng có đòi hỏi một phần chủ quyền lãnh hải. Nhưng chỉ có Việt Nam có đủ tiềm năng quân sự uy hiếp các tham vọng của Trung cộng .
Thay đổi cũng đến từ giới lãnh đạo Việt Nam. Các cấp lãnh đạo chính trị hàng đầu của quốc gia này hiện vẫn còn công khai tôn sùng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng đất nước từ lâu đã từ bỏ cách mạng, từ bỏ chủ nghĩa cộng sản chống đế quốc. Các lãnh đạo bây giờ ủng hộ một kiểu chủ nghĩa tư bản trong đó, các ngành công nghiệp Nhà nước chiếm vị trí thống trị.
Nhưng vì lá cờ búa liềm vẫn bay phấp phới tại Hà Nội, tốt hơn hết nên hiểu Việt Nam vẫn là một nhà nước độc tài độc đảng. Hiểu theo nghĩa đó, thì Việt Nam không có gì khác biệt so với các chế độ không được bầu lên, như Thái Lan, Turkmenistan, hay Ả Rập Xê Út, mà quân đội Mỹ cũng đang ôm ghì lấy.
Ngoài Việt Nam, chỉ còn có một số ít quốc gia cộng sản tồn tại: Trung cộng , Cuba, Lào, và Bắc Triều Tiên. Tất cả bốn quốc gia này đều bị cấm mua vũ khí của Hoa Kỳ. Trường hợp ngoại lệ quan trọng duy nhất trong lệnh kéo dài cấm vận bán vũ khí cho các nước cộng sản là xảy ra trong những năm 1980.
Vào thời đó, Tổng thống Ronald Reagan đồng ý bán ngư lôi và xe tăng cho chế độ cộng sản Trung cộng , tất cả nằm trong một nỗ lực giúp nước này tránh các mối đe dọa tiềm tàng từ đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Liên Xô. Thế nhưng, số vũ khí đó không bao giờ được chuyển giao cho Trung cộng . Thương vụ cuối cùng đã bị Tòa Bạch Ốc gác lại vào năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
Vũ khí Hoa Kỳ quá đắt đối với Việt Nam
Nhờ vậy mà Việt Nam đang trở thành quốc gia cộng sản đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua nhận được sự ủng hộ của Tòa Bạch Ốc để mua vũ khí của Hoa Kỳ. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng cho việc mua sắm.
Tác giả trích nhận định của ông Ian Storey, một chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho rằng: « Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ thấy Việt Nam mua bất kỳ chương mục lớn nào từ Mỹ ngay lập tức. Đơn giản là vì hầu hết các thiết bị của Hoa Kỳ đều quá đắt đối với Việt Nam ».
Bên cạnh đó, còn có một rào cản khác ngăn cản Hà Nội mua súng của Hoa Kỳ. Các thiết bị của Mỹ không tương thích với các chiến đấu cơ và tàu chiến của nước này có từ thời Xô Viết. Ông Storey lưu ý là « 90% trang thiết bị quân sự của Việt Nam là đến từ Nga ».
Hơn nữa, sự thiếu hiểu biết về vũ khí Hoa Kỳ chưa chắc giúp được Việt Nam chống lại đội hải quân hùng hậu của Trung cộng . Ông Storey nói tiếp :
« Việt Nam có một đội quân tinh nhuệ và ngân sách quốc phòng của họ đang tăng đều. Bắc Kinh có lẽ sẽ phải nghĩ kỹ trước khi lôi kéo Hà Nội vào một cuộc xung đột… nhưng Việt Nam sẽ khó thắng được. Trung cộng  đương nhiên sẽ tìm cách hạ gục họ bằng mọi giá ».
Theo bài viết, những gì Việt Nam cần từ người Mỹ có lẽ là những chiếc phi cơ trinh sát tối tân và rất có thể là những khẩu pháo đã qua sử dụng. Do đó, theo ông Storey, « Dỡ bỏ lệnh cấm vận có thể còn là một động thái mang tính biểu tượng, mà bằng chứng cho thấy là Việt Nam và Hoa Kỳ đang thắt chặt các mối quan hệ chiến lược ».
Điều đó cho thấy là thái độ thù nghịch âm ỉ giữa hai quốc gia này hầu như hoàn toàn nguội lạnh. Tại Hoa Kỳ, từ « cộng sản » vẫn được xem như là một sự sỉ nhục chính trị. Bởi vì quyết định bán vũ khí cho Việt Nam của Tòa Bạch Ốc vẫn chưa bị phe Bảo thủ, đối thủ của Tổng thống Barack Obama, chính trị hóa.
Nhưng có điều chắc chắn là, sự việc đang được Nghị sĩ John McCain giúp đỡ, người từng bị chế độ cộng sản Hà Nội tra tấn trong những năm cuối thập niên 1960. Ông là một trong những người có tiếng nói trọng lượng nhất kêu gọi Hoa Kỳ bán thêm vũ khí cho Việt Nam.