Doanh nghiệp làm được 10 đồng, nhà nước 'ăn' hết 4 đồng
VIỆT NAM - Trong “Doing Bussiness 2016” do Ngân Hàng Thế Giới (WB) thực hiện và công bố thì các doanh nghiệp tại Việt Nam phải đóng cho nhà nước đến 40% lợi nhuận.
Hải quan Việt
Nam kiểm tra hàng nhập cảng. Ngành này luôn than thiếu người nhưng vẫn muốn quản
lý đến từng con ốc bị hư, phải bỏ. (Hình: Thời Báo Tài Chính)
Nói cách khác, cứ họ làm ra được mười đồng thì nhà nước “ăn” hết bốn đồng. Đáng chú ý là nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, 40% vừa kể mới chỉ là thuế, ngoài thuế, các doanh nghiệp tại Việt Nam còn phải nộp thêm nhiều loại phí cả chính thức lẫn phi chính thức nữa.
Các chuyên gia
kinh tế nhận định, bởi những khoản thu càng ngày càng tăng, vượt quá khả năng
chịu đựng của doanh giới, nên giới này không còn khả năng đầu tư, mở rộng hoạt
động sản xuất - kinh doanh, chăm sóc cho nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh
liên tục suy giảm rồi kiệt sức.
Đó chính là một
trong những nguyên nhân khiến năm năm vừa qua, năm nào tại Việt Nam, số lượng
doanh nghiệp Việt Nam khai phá sản, xin giải thể, ngưng hoạt động cũng ở mức từ
hàng chục ngàn đến vài chục ngàn.
Đáng nói là dẫu
Việt Nam đã dẫn đầu Châu Á về tỷ trọng thuế/lợi nhuận nhưng trong vài năm nay,
nhiều sắc thuế tại Việt Nam đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là bảo hiểm xã
hội.
Doing Bussiness
2016 (Kết quả khảo sát về môi trường kinh doanh toàn cầu) cho thấy, tuy chính
quyền Việt Nam liên tục thề thốt, hứa hẹn cải thiện môi trường kinh doanh song
môi trường kinh doanh tại Việt Nam không những không có chuyển biến nào tích cực
mà càng ngày càng tồi tệ.
Năm ngoái, chính
phủ Việt Nam từng ban hành một nghị quyết (Nghị Quyết 19), xác định “cải thiện
môi trường kinh doanh” là “trọng tâm” vì thứ hạng về “môi trường kinh doanh” của
Việt Nam trong Doing Business quá tệ.
Nếu so sánh với
các quốc gia khác trong ASEAN về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, Việt Nam
thua xa Mã Lai vì Mã Lai đứng hạng 18 và Thái Lan vì Thái Lan đứng hạng 26. Thứ
hạng của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Cambodia, Lào và Miến Điện!
Một trong những giải pháp mà Nghị Quyết 19 đề ra là
mỗi quý, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố phải báo cáo về tiến trình “cải
thiện môi trường kinh doanh.” Thế nhưng đến cuối năm ngoái, báo cáo Việt Nam
cho biết, chỉ có 4/22 bộ, ngành và 3/63 tỉnh, thành gửi báo cáo về việc thực hiện
yêu cầu “cải thiện môi trường kinh doanh” của thủ tướng Việt Nam.
Lúc đó, đề cập đến chuyện nhiều bộ, ngành và tỉnh,
thành phố không thèm gửi báo cáo về “cải thiện môi trường kinh doanh” theo yêu
cầu của thủ tướng Việt Nam, ông Trần Hữu Huỳnh, một luật sư của Phòng Thương Mại-Công
Nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu không làm rõ tại sao thì môi trường kinh doanh có
thể sẽ xấu hơn. Ông Huỳnh còn nêu thắc mắc rằng, tại sao trước thực trạng như
thế, Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam lại không làm gì cả.
Trên thực tế, đến nay,
Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam vẫn chưa làm gì hết.
Cũng lúc đó, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện
Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế, than rằng, sau khi có Luật Doanh Nghiệp và Nghị Quyết
19, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam đã đề nghị loại bỏ 3,300 điều kiện kinh doanh kể
từ 1 tháng 7 nhưng ngay sau đó, các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố
lại ban hành vô số thông tư, văn bản với hàng loạt điều kiện kinh doanh mới.
Ông Cung bảo ông có cảm giác, hệ thống công quyền và doanh giới đang ở hai chiến
tuyến.
Đối chiếu các Doing Business thường niên, thứ hạng của Việt Nam từ 72/189
hồi 2013 tụt xuống 78/189 trong năm 2014, rồi tiếp tục
tụt xuống 93/189
vào năm 2015 và năm nay thì đứng hạng 90/189.