Quốc tế chỉ trích
Trung cộng đưa hỏa tiễn tới Hoàng Sa
Việc Trung
cộng có tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và tăng cường kiểm soát quân sự trên
toàn bộ Biển Đông thông qua xây dựng các căn cứ quân sự quy mô lớn ở các đảo
nhân tạo đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh không chỉ tại Ấn Độ Dương, Thái
Bình Dương mà còn trên toàn cầu, khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng.
Mới đây nhất, các viên chức và
chuyên gia từ Mỹ, Nhật Bản, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan… đã đồng loạt lên án
Trung cộng về việc đưa dàn hỏa tiễn tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới
chuyên gia cho rằng động thái này cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa
Biển Đông và xem thường các nỗ lực ngoại giao.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh:
AFP)
Các bức ảnh
do công ty vệ tinh ImageSat International chụp ngày 14/2 cho thấy vài bệ phóng
tên lửa và các phương tiện hỗ trợ trên một bãi biển ở đảo Phú Lâm, trong khi bãi
biển này trống không vào ngày 3/2.
Ngoại trưởng
Hoa Kỳ John Kerry
cho hay Washington đặc biệt quan ngại về việc Trung cộng gia tăng quân sự hóa ở
Biển Đông. Ông Kerry nói Mỹ dự kiến sẽ có “cuộc thảo luận rất nghiêm túc” với Trung
cộng về việc Bắc Kinh đưa các các hệ thống tên lửa tới đảo Phú Lâm.
“Mỗi ngày lại có các bằng chứng cho thấy có
sự gia tăng quân sự hóa, ở dạng này hay dạng khác. Đó là một mối lo ngại nghiêm
trọng”, BBC dẫn lời nhà ngoại giao Mỹ.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái
Bình Dương của Mỹ, cho biết trong một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 17/2 rằng việc
Bắc Kinh đưa hỏa tiễn tới Hoàng Sa có thể không bất ngờ, nhưng gây quan ngại và
mâu thuẫn với cam kết của Trung cộng về việc không quân sự hóa Biển Đông,
Reuters đưa tin.
Phản ứng trước
động thái mới của Trung cộng, Thủ tướng Mã Lai Najib Razak nói với tờ Guardian rằng: “Chúng tôi hối thúc tất cả các bên kiềm chế
và tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”.
Lãnh đạo đắc
cử Đài Loan,
bà Thái Anh Văn, kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế dựa trên
nguyên tác giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”.
“Không thể
chấp nhận được”
Chánh văn
phòng nội các Nhật
Bản Yoshihide Suga gọi các hành động của Bắc Kinh là “không thể chấp nhận được”.
“Cộng đồng quốc tế có chung lo ngại rằng Trung
cộng đang cố gắng thay đổi tình hình và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông khi
tiến hành hoạt động cải tạo đất nhanh và quy mô lớn, xây dựng căn cứ trong khu
vực và tận dụng nó cho các mục đích quân sự”, ông Suga phát biểu trong một
cuộc họp báo ngày 17/2.
“Chúng tôi rất lo ngại về các hành động như
vậy và muốn nhấn mạnh lại rằng Nhật Bản không thể chấp nhận chúng”, CNN dẫn
lời viên chức Nhật Bản.
Hành động của
Trung cộng diễn ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi chấm dứt quân sự
hóa Biển Đông tại Hội nghị cấp cao đặc biệt với các nhà lãnh đạo châu Á ở
California hôm 15 và 16/2.
Ông Obama đã
hối thúc “ngừng cải tạo, xây mới và quân sự hóa” các vùng biển của châu Á, ám
chỉ việc Trung cộng tăng tốc xây dựng các đường băng và cảng ở quần đảo Trường
Sa phục vụ mục đích quân sự.
Một viên
chức cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng việc triển khai các tên lửa trùng vào thời
điểm diễn ra thượng đỉnh Mỹ-ASEAN là một “dấu
hiệu nữa cho thấy nỗ lực của Trung cộng nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng”
ở Biển Đông.
Bắc Kinh xem
thường các nỗ lực ngoại giao
Một số nhà
phân tích tin rằng sự hiện diện quân sự gia tăng của Trung cộng ở Biển Đông có
thể dẫn tới một vùng nhận dạng phòng không do Bắc Kinh kiểm soát tại đây.
“Việc dàn dựng hỏa tiễn củng cố quan điểm
rằng Trung cộng muốn tăng cường sự kiểm soát tại các vùng biển quốc tế, trong
đó có khả năng tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không”, Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu Trường an
ninh quốc gia Úc
tại Đại học quốc gia Úc, nói với Reuters.
“Trung cộng đặt hỏa tiễn ở Biển Đông trong
khi cố tình trì hoãn đàm phán với ASEAN về COC, vốn cấm các hành động như vậy.
Đó là một dấu hiệu cho thấy Trung cộng không xem xét đứng đắn biện pháp ngoại
giao như vậy”, ông Medcalf nhấn mạnh.
Tại Phi Luật Tân,
phát ngôn viên tổng thống Edwin Lacierda
nói nước ông ủng hộ các hành động nhằm “không làm gia tăng căng thẳng ở Biển
Đông” nhưng chưa xác minh được thông tin về việc Trung cộng triển khai tên lửa.
Ashley Townshend, một chuyên gia tại Trung tâm quản trị và hợp tác
châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, rằng động thái của Bắc
Kinh rõ ràng là một “sự khiêu khích”.
“Xét ở góc độ chiến lược, Trung cộng đang gia
tăng sự hiện diện ở Biển Đông”, chuyên gia này nói.
Mỹ và các
đồng minh cần hành động
Bà Mira
Rapp-Hooper, một chuyên gia về Biển Đông từ Trung tâm an ninh Mỹ mới tại Mỹ,
nói đây không phải lần đầu tiên Trung cộng đưa các vũ khí như vậy tới Hoàng Sa,
nhưng động thái mới nhất rất nghiêm trọng.
Vấn đề Biển
Đông và các lo ngại về việc Trung cộng mở rộng quân sự đã trở thành một vấn đề
then chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ứng viên
tổng thống đảng Cộng hòa Marco Rubio
nói rằng Hải quân Mỹ nên bổ sung 25 tàu nữa vào con số hiện thời “để chúng ta có sự hiện diện thường trực
trong khu vực nhằm thách thức cả các vùng phòng không mà họ tuyên bố và các
quyền hàng hải mà họ khẳng định là hợp pháp”.
“Chúng ta không thể sống trong một thế giới
nơi chính phủ Trung cộng trái phép tuyên bố rằng họ sở hữu và có thể kiểm soát
dòng chảy thương mại qua tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới”, Guardian
dẫn lời ông Rubio.
Còn theo ông
Richard Javad Heydarian, giáo sư tại
Đại học De La Salle ở Manila, Trung cộng đang bắt đầu gửi đi một tín hiệu rằng
nước này sẽ không cho phép bất kỳ sự hiện quân sự nào của Mỹ gần các thực thể
mà Bắc Kinh chiếm đóng.
“Điều này rất đáng báo động, vì quần đảo
Trường Sa có thể là mục tiêu tiếp theo, đặc biệt là khi đường băng ở đây đã
được hoàn thành, như trên bãi Chữ Thập, và sớm được hoàn thành như trên bãi Xu
Bi và Vành Khăn”, ông Heydarian cho hay.
Theo lời chuyên
gia Phi Luật Tân, Mỹ và các đồng minh không còn nhiều thời gian và rằng một nỗ
lực phối hợp trong khu vực là cần thiết để chống lại Trung cộng, trong đó cần
có sức ép ngoại giao lớn hơn và các cuộc tuần tra chung thường xuyên hơn của Mỹ
và các đồng minh như Úc, Nhật và Ấn Độ.
Trung cộng tuyên bố đã đưa tên lửa ra Hoàng Sa ‘từ
nhiều năm nay’
Sau khi quanh co về chuyện đưa tên
lửa phòng không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung cộng
vừa trắng trợn tuyên bố tên lửa đã có ở Hoàng Sa "hàng bao năm nay".
Bộ Quốc
phòng Trung cộng ngày 17.2 tuyên bố hệ thống phòng không và phòng vệ biển của Trung
cộng đã tồn tại trên đảo Phú Lâm từ bao năm nay.
Tuyên bố
trên được đăng tải trên Hoàn Cầu thời báo của Trung cộng, trong đó cũng
ngang ngược nói rằng Phú Lâm là của Trung cộng và Trung cộng có quyền hợp pháp
triển khai các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sự nguyên vẹn và chủ quyền lãnh thổ
của mình (?). Tuyên bố còn bảo báo chí phương Tây là “thổi phồng cái gọi là mối
đe dọa từ Trung cộng”.
Trước đó,
phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hồng
Lỗi tuyên bố rằng “việc triển khai
thiết bị phòng vệ trong lãnh thổ của chúng tôi là thích đáng và hợp lý”.
“Mô hình Geneva” – giải pháp cho Biển Đông
Khu vực Biển
Đông. (Nguồn: U.S. Central Intelligence Agency)
Một Hội nghị quốc tế theo “mô
hình Geneva” có thể là giải pháp cho vấn đề Biển Đông, trong đó Mỹ, ASEAN…
là những lực lượng đi đầu.
Tiến sĩ Subhash Kapila – thuộc Nhóm phân tích Nam Á (SAAG), một tổ chức phi
lợi nhuận có trụ sở tại Ấn Độ đã nhận định như vậy trong một bài viết trên tờ
Eurasia Review ngày 11/2.
Mối đe dọa trên toàn cầu
Chính sách phiêu lưu quân sự ngang ngược, liều lĩnh của Trung cộng tại Biển
Đông ngày càng hiển hiện, một phần cũng bởi lập trường không rõ ràng của Mỹ,
quốc gia vốn được coi là “nhà bảo đảm an ninh” tại Ấn Độ Dương, Thái Bình
Dương. Mỹ đã không phản ứng mạnh để ghìm chân Trung cộng trước tham vọng của
Bắc Kinh tại khu vực có tranh chấp này.
Mỹ, các đồng minh và đối tác thân cận vẫn nhắc đi nhắc lại nguyên tắc “tự
do hàng hải” thông qua “các lợi ích chung toàn cầu”. Tuy nhiên, hành động này
không nhận được sự coi trọng và công nhận của Trung cộng.
Chưa có tín hiệu lạc quan nào cho giải pháp để giải quyết vấn đề
Biển Đông, nhất là khi năm 2016 là thời gian Mỹ bận rộn với cuộc bầu cử
Tổng thống, và thậm chí phải mất hai năm nữa để ổn định chính quyền mới.
Hiện nay có một số câu hỏi lớn được đặt ra:
Thứ nhất, liệu Mỹ, trong nỗ lực dù muộn màng, có thể
ngăn chặn tham vọng hoặc có thể sẵn sàng một mình đương đầu với Trung cộng
hay không?
Thứ hai, liệu các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản
và Ấn Độ có khả năng thách thức và ngăn cản Trung cộng leo thang xung đột tại
Biển Đông hay không?
Thứ ba, liệu Bắc Kinh có thể bị ngăn cản bởi các tập
hợp lực lượng ba bên giữa Mỹ – Nhật – Ấn hay bốn bên giữa Mỹ – Nhật – Úc – Ấn
hay không?
Câu trả lời
cho cả ba câu hỏi trên đều là không.
Vậy liệu kịch bản tại Biển Đông có thể giống như cách Hitler chiếm cả châu
Âu trước thế chiến thứ Hai sau khi có Thoả ước nhượng bộ tại Munich năm 1938?
Tương tự như vậy, Trung cộng cũng có thể độc chiếm các tuyến hàng hải tại
Biển Đông bởi chính sách nhượng bộ của Mỹ, qua đó gây nguy hại đến an ninh và
hòa bình tại khu vực và thế giới.
Mỹ cần phải đi đầu
Xung đột Biển Đông ảnh hưởng tới toàn bộ cộng đồng quốc tế, vốn có lợi ích
lớn và chính đáng trong việc duy trì nguyên trạng tại Biển Đông. Mỹ và cộng
đồng quốc tế cần lưu ý bài học về sự bùng nổ của thế chiến thứ Hai và đưa ra
phản ứng thích hợp.
Cách giải quyết là cần phải tổ chức một Hội nghị quốc tế theo “mô hình
Geneva” nhằm thúc ép cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông.
Trung cộng có thể sẽ phản đối gay gắt đề xuất này căn cứ theo lập trường
lâu nay của họ và sử dụng quyền phủ quyết nếu Hội nghị quốc tế này được tổ chức
dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Vì vậy, Cộng đồng ASEAN, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, cần thể hiện sự
thống nhất và đưa ra đề nghị về một Hội nghị quốc tế Geneva, coi đây là một
phần của tiến trình giải quyết xung đột tại Biển Đông.
Một Hội nghị Quốc tế Geneva về Biển Đông có thể xem xét nhiều vấn đề, bao
gồm việc phối hợp tuần tra chung của hải quân quốc tế trên Biển Đông và việc
phi quân sự hóa các đảo hay đảo nhân tạo của Trung cộng. Trung cộng phải bị cấm
thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.
Trong trường hợp Trung cộng không tuân thủ các giải pháp giải quyết xung
đột trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế có thể phải sử dụng các văn bản pháp lý
như phán quyết của một bên (‘ex-parte’ decision).
Không dễ đưa Trung cộng ra bất kỳ hội nghị quốc tế nào nhằm tìm giải pháp
cho vấn đề Biển Đông. Đã đến lúc
Mỹ cần đi đầu để giải quyết vấn đề với sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU),
ASEAN và các quốc gia lớn khác như Nhật Bản và Ấn Độ.
Theo Eurasia
Review