ĐỂ XÁC LẬP CHỦ QUYỀN THỰC TẾ NAM HẢI
Đại-Dương
Biển Đông Á nói chung gồm có Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung
Hoa vốn lặng yên tạo điều kiện phát triển thần kỳ trong khu vực đã bị tham vọng
của Tập đoàn Bắc Kinh khuấy động thành chiến trường nguy hiểm, khó đoán.
Trung cộng muốn thay thế vai trò của Hoa Kỳ tại Tây Thái Bình
Dương, nhưng, chưa đủ sức nên đành phải áp dụng chiến thuật tầm ăn dâu.
Lên cầm quyền vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình nâng cấp “Giấc
Mộng Trung Hoa” thành “Giấc Mộng Thế Giới” nên Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam
Trung Hoa ngày càng thêm sóng gió.
Từ khi lên cầm quyền vào tháng 3-2013 đến tháng 9-2014, Tập Cận
Bình đã tới 4 lục địa, thăm 33 nước nhằm minh định viễn ảnh Trung cộng đóng vai
trò trung tâm thế giới. Họ Tập xác lập “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” với
Hoa Kỳ, xếp Nga vào loại “nước lớn”. Bên dưới gồm có Liên Âu là “đối tác văn
minh”, Trung Đông “nguồn cung ứng năng lượng”, Châu Phi “nơi đầu tư và thị
trường mới”, Nam Mỹ và Úc Đại Lợi “tài nguyên”.
Bắc Kinh coi Nhật Bản, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á
như ngoại quốc, tuy nhiên, có tranh chấp lãnh thổ của Trung cộng nên thuộc về
chính sách đối nội mà cộng đồng quốc tế không thể “can thiệp vào vấn đề nội bộ”.
Bắc Kinh giải quyết một vấn đề qua 3 giai đoạn “tuyên bố ý định,
thiết kế chính sách, thực hiện”.
Biết rõ không thể xác lập chủ quyền trên 2 biển này bằng pháp lý
nên Bắc Kinh tuyên bố mập mờ, thiết kế chính sách song dụng, thực hiện chính
sách quyết liệt.
Giai đoạn I, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên 2 Biển Đông và Nam
Trung Hoa dựa vào “vùng nước lịch sử”. Khái niệm “vịnh lịch sử” được Công ước
Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 xác định bên trong đường căn bản (chớn nước
khi thuỷ triều xuống thấp nhất trong năm). Bắc Kinh đã bẻ cong Luật Biển mặc dù
vẫn ra rã “tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Vịnh lịch sử chỉ nằm bên trong đường căn bản, nhưng, Bắc Kinh nhập
nhằng “vùng nước lịch sử” để thực thi chủ quyền tuyệt đối bên trong Đường 9
Đoạn.
Quốc gia duyên hải có chủ quyền tuyệt đối bên trong “đường căn
bản”, chủ quyền tương đối trong lãnh hải 12 hải lý vì tàu bè nước ngoài có thể
“thông qua vô hại”, quyền chủ quyền về tài nguyên thiên nhiên trong Vùng Đặc
quyền Kinh tế 200 hải lý.
Năm 1958, Chính phủ Bắc Kinh tuyên bố “Bề rộng lãnh hải của nước
Cộng Hoà Nhân Dân Trung cộng là 12 hải lý, áp dụng cho toàn lãnh thổ
… bao gồm cả Đài Loan, quần đảo Bành Hồ (Pescadores), quần đảo Đông Sa
(Pratas), quần đảo Tây Sa (Paracels), quần đảo Trung Sa (Macclesfield Bank), quần
đảo Nam Sa (Spratlys) … Nếu không có phép của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung
cộng, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm phạm”.
Tất cả thực thể trong các quần đảo được đề cập đều không hội đủ
điều kiện “đảo” theo Luật Biển nên Trung cộng không được quyền có lãnh hải 12
hải lý mà chỉ có chưa quá 500 m an ninh.
Từ việc đơn phương xác lập lãnh hải 12 hải cho các quần đảo trên
Biển Đông để năm 2009, Bắc Kinh đệ trình yêu sách Thềm Lục địa lên Uỷ ban Thềm
Lục địa Liên Hiệp Quốc có kèm theo tấm bản đồ Đường 9 Đoạn. Uỷ ban đòi Bắc Kinh
giải thích lý do và phải ghi toạ độ chính xác, nhưng, không được phúc đáp.
Bắc Kinh chỉ cần giới chuyên gia và truyền thông quốc tế loan tin
Đường 9 Đoạn theo phỏng đoán chiếm từ 80 đến 90% Biển Đông cứ như thật.
Giai đoạn II, về thiết lập chính sách được Tập Cận Bình cam kết
trỗi dậy hoà bình, tôn trọng bất đồng, hạn chế đàm phán với điều kiện phải hoàn
toàn cam kết tôn trọng chủ quyền của Trung cộng. Vì thế, vấn đề ở 2 Biển Đông
và Nam Trung Hoa đều bế tắt trên phương diện pháp lý và ngoại giao.
Sau khi nắm quyền, Chủ tịch Tập tuyên bố “chuẩn bị đối phó với
những phức tạp, tăng cường năng lực và tuyệt đối bảo vệ quyền và lợi ích hàng
hải”.
Bạch thư quốc phòng của Trung cộng năm 2015 viết về Nam Hải “các đá
và đảo của Trung cộng bị chiếm cứ bất-hợp-pháp. Một số nước ngoài đang can
thiệp vào nội bộ Biển Nam Trung Hoa. Vài nước khác sử dụng tình báo, trinh thám
để giám sát Trung cộng”.
Bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung cộng ngày 27-04-2015 viết “Trung cộng xây dựng các công trình trên
những đảo và đá ở Nam Sa nhằm chính yếu vào mục tiêu dân sự sẽ có ích cho bảo
đảm an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường sinh thái”.
Thực tế, Trung cộng đang xây dựng những cơ sở quân sự trên 7 đảo nhân
tạo lớn nhỏ trong Quần đảo Trường Sa.
Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, Tập Cận Bình từng chỉ thị cho Hạm đội
Nam Hải “Phải cắm rễ vào Nam Hải, bảo vệ Nam Hải, và lập công ở Nam Hải”.
Trong khi đó, giới quân sự cảnh cáo “Trung cộng muốn kiểm soát Nam
Hải nên không ngại đối đầu với các nước hải quan, kể cả Hoa Kỳ”.
Giai đoạn III có tính quyết định trong cách giải quyết vấn đề của
Bắc Kinh trên Biển Nam Trung Hoa.
Với các tuyên bố và hoạch định chính sách rất mập mờ nhằm làm phân
tán dư luận thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia hữu quan, Bắc Kinh chú
trọng vào cách thực thi.
Tuy cam kết trỗi dậy hoà bình, tôn trọng bất đồng, tuân hành luật
pháp quốc tế, nhưng, Bắc Kinh hành động trái hẵn.
Trong Đường 9 Đoạn, Trung cộng chưa cản trở lưu thông hàng hải
quốc tế, nhưng, ranh giới này đã liếm khoảng 80% Vùng Đặc quyền Kinh tế của
Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á. Hải cảnh và Hải quân Trung cộng đã cương
quyết ngăn cản tàu đánh cá và khai thác dầu khí của các quốc gia Đông Nam Á rất
hiệu quả.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Arthur Waldron của Đại học Pennsylvania
từng nhận định “Kể từ năm 2009, Bắc Kinh liên tục đe doạ Nhật Bản, Đại Hàn, Đài
Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Brunei, Indonesia nhằm
chiếm trọn Biển Đông sau 10 năm vì Hoa Kỳ không thực sự có hành động làm hãm
tốc độ này”.
Bắc Kinh cấp tốc biến đảo Phú Lâm thành đảo đúng nghĩa, các đá Chữ
Thập, Xu Bi, Vành Khăn thành đảo nhân tạo có phi đạo 3,000 m, các công trình
song dụng đủ điều kiện thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không khi cần.
Bắc Kinh mời Hoa Kỳ sử dụng các đảo nhân tạo này trong các hoạt
động cứu nạn mang ý nghĩa “chia sẻ thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ,
condominium” nhằm tiến tới việc được công nhận chủ quyền thực tế. Bộ Ngoại giao
Hoa Kỳ trả lời “không quan tâm”.
Bắc Kinh phản đối khu trục hạm USS Lassen của Hoa Kỳ đi vào bên
trong vùng 12 hải lý của Xu Bi ở Trường Sa mà không ngăn cản.
Cũng thế, khi trục hạm USS Curtis Wilbur do một nữ hạm trưởng chỉ
huy đã hải hành trong vùng 12 hải lý của nhóm đảo Tri Tôn gần Quảng Ngãi thuộc
quần đảo Hoàng Sa vẫn không bị đe doạ.
Chưa có phi cơ hoặc chiến hạm cũng như phương tiện dân sự nào của
các quốc gia Đông Nam Á dám “thông qua vô hại” trong vùng 12 hải lý của các đảo
nhân tạo Trung cộng chứng tỏ các nước nhỏ vẫn sợ sức mạnh của Bắc Kinh.
Đại-Dương