07.03.2016

Sài Gòn quê tôi vẫn đây!

Sài Gòn quê tôi vẫn đây!

Dâu bể tang thương 
Tôi yêu Sài Gòn vô cùng vì tôi là người Sài Gòn (sinh ra và lớn lên tại đây). Thật khó để biết được ai là người Sài Gòn "gốc" vì người Sài Gòn ít để ý đến chuyện nhỏ nhặt này. Sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, hay đến sinh sống lâu năm ở Sài Gòn đều là người Sài Gòn hết. Người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung thường phóng khoáng, xởi lởi, thật thà và có lòng thương người. Tôi không sinh ra trước năm 1975 để có thể cảm nhận trực tiếp được Sài Gòn khi ấy ra sao. Đến năm 1987, khi tôi được sáu tuổi, đã có chút hiểu biết về cuộc sống xung quanh, Sài Gòn với tôi là một thành phố yên bình và như chia làm hai nửa. Một nửa với những tòa nhà cao tầng, phố xá sầm uất, đường xá nhộn nhịp người qua lại ở quận 01. Một nửa tựa như làng quê với đồng ruộng, ao rau muống, những rặng dừa nước xanh ngắt ở Thanh Đa, Bình Quới để cho đám trẻ chúng tôi tha hồ bày đủ trò nghịch ngợm của tuổi thơ.

Khi lớn hơn chút nữa, tôi bắt đầu phải làm quen với tên gọi khác của Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Dạo ấy đài truyền hình thường phát đi phát lại bài hát"Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" của nhạc sĩ cộng sản Xuân Hồng. Dụng ý của chính quyền cộng sản là muốn xóa nhòa tên gọi Sài Gòn trong tâm tưởng người dân. Thế nhưng chúng đã lầm và thất bại thảm hại. Đẩy được chính quyền VNCH ra khỏi Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung nhưng chúng không bao giờ đẩy được tên gọi Sài Gòn ra khỏi tâm khảm của người dân. Chúng tôi trừ khi bị ép buộc về mặt văn bản hành chính, bằng không mỗi người vẫn dùng tên gọi Sài Gòn sâu lắng và trìu mến. Năm 1998 đánh dấu sự kiện quan trọng: kỉ niệm ba trăm năm Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh khai phá, lập ra vùng đất Sài Gòn-Gia Định. Có lẽ vì nhận thấy tên Hồ Chí Minh quá trơ trẽn, lố bịch và chẳng có liên hệ gì với lịch sử nên đám lãnh đạo cấp cao đành phải muối mặt mà dùng lại tên cũ: kỷ niệm 300 năm Sài Gòn. Một vố chua cay cho bọn chúng!

Sài Gòn nằm trong vòng kìm hãm của cộng sản nhưng người Sài Gòn vẫn giữ nguyên phẩm chất của mình: hiền hòa, hiếu khách và lòng nhân ái cao cả. Những ngày cắp sách đến trường, chúng tôi luôn được dạy dỗ, nhắc nhở đến tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam. Mỗi khi đài báo kêu gọi đóng góp, giúp đỡ đồng bào bị bão lụt, thiên tai là mọi người lại hăng hái quyên tiền, gạo, thuốc men, vật dụng sinh hoạt để hỗ trợ cho những người đang lâm cảnh màn trời, chiếu đất dù là đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung hay miền Bắc. Tinh thần anh em một nhà của người Sài Gòn là như thế, không phô trương rầm rộ, không khoe khoang ồn ào, mà rất chân tình và hào phóng.

Định mệnh sắp đặt, một ngày kia, tôi phải chào từ biệt Sài Gòn để đến một đất nước hoàn toàn xa lạ. Hành trang của tôi khi đó có một ngăn nho nhỏ để lưu giữ lại những kỉ niệm cùng Sài Gòn, nơi tôi đã gắn bó hơn hai mươi năm cuộc đời. Nơi đất khách, quê người, những đêm trường vắng lặng, những buổi chiều cuối tuần một mình trong kí túc xá, tôi lại ngồi ôm đàn guitar và hát nghêu ngao một mình:"Vừa chiều hôm nao anh với tôi đi dạo phố. Hai đứa vòng tay âu yếm như đôi tình nhân. Cười tươi như cô gái thơ ngây vui tình xuân. Chúng mình thân quá thân. Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca biệt li. Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm cà phê. Giọt buồn không tên lén qua tâm tư đê mê. Mình thức đêm thật khuya. Qua ngày đó tôi nghe người nói anh lên đường xa thật rồi. Tôi buồn nhớ, tim đau rạn vỡ ôi thương anh, thương nhất đời..." (1). Đến giây phút ấy, tôi mới thật sự hòa nhập được vào ca khúc, vào tâm tư của người nhạc sĩ. Tôi đã thấu hiểu hơn rất nhiều vẻ đẹp của âm nhạc miền Nam tự do trước năm 1975.

Cuốn theo nhịp sống hối hả, tôi không còn nhiều thời gian để thường xuyên theo dõi những thông tin về Sài Gòn trên báo điện tử nữa. Một phần cũng vì ngao ngán, chán nản trước những tệ nạn ngày càng nở rộ đang tàn phá Sài Gòn quá nhanh chóng. Sài Gòn của tôi không có cảnh cướp đất, phá nhà, đánh đập dân chúng; không có những cảnh ngập úng kinh hoàng, đường phố lênh láng như sông hồ. Sài Gòn của tôi không phải là nơi khói bụi ô nhiễm mù trời, dù có che kín mặt mũi cũng vướng phải đủ thứ bệnh hô hấp. Sài Gòn không phải là nơi đầu độc lẫn nhau bằng thực phẩm đã xử lý qua bao nhiêu loại hóa chất có nguồn gốc từ Tàu. Sài Gòn của tôi không có những tên lãnh đạo sâu dân, mọt nước như Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang. Sài Gòn của tôi là thành phố thanh lịch, văn minh chứ không phải là mảnh đất để cho bọn tội phạm và các loại tệ nạn hoành hoành như chốn không người. Sài Gòn của tôi không có bọn chó săn mật vụ, công an đàn áp những người yêu nước biểu tình chống giặc Tàu xâm lược. Tôi rất buồn và xót xa, thậm chí muốn khóc cho tôi, cho người Sài Gòn và cho thành phố Sài Gòn. Không lẽ Sài Gòn lần này đã thật sự hấp hối rồi sao?

May mắn thay, hoa vẫn nở trên đường quê hương! Sài Gòn lâm trọng bệnh nhưng không dễ gì chịu đầu hàng, chịu chết. Sài Gòn kiên cường chống trả mầm bệnh cộng sản đề chờ ngày phục hồi sức khỏe, lấy lại vóc dáng lộng lẫy năm xưa. Cộng sản muốn dùng tà thuyết, bạo lực, tệ nạn để đánh gục Sài Gòn ư? Không dễ dàng vậy đâu! Sài Gòn đã âm thầm trả lời bọn chúng. Không phải bằng bạo lực hung tàn mà bằng trí tuệ, lòng dũng cảm, tình thương yêu. Đây mới là cái tát đau điếng giúp cho bọn cộng sản ngu si đang ngủ mê tỉnh giấc. Người dân Sài Gòn đã âm thầm làm những việc tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại hết sức cao đẹp để gìn giữ và phục hồi lại giá trị nhân bản vốn có của Sài Gòn. Những nhà hảo tâm có điều kiện tài chính, những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết và sức trẻ, những phụ nữ hiền hậu có tài nấu nướng... Tất cả những con người tốt bụng này đã hợp sức cùng nhau biến Sài Gòn thành đầu tàu cho cả nước về những sáng kiến, tổ chức từ thiện. 

Sài Gòn ngày nay có rất nhiều quán cơm giá rẻ như biếu chỉ 2000 đồng/phần ăn, những thùng bánh mì, trà đá, gạo miễn phí, thậm chí cả sửa xe, cắt tóc miễn phí... (2) nhằm giúp đỡ cho những người sa cơ lỡ vận, những mảnh đời bất hạnh đang bị bỏ thí cho chết dần mòn bởi một chính quyền luôn suốt ngày vỗ ngực tự xưng ta đây do dân, vì dân nhưng "nói như rồng leo, làm như mèo mửa". Người dân Sài Gòn không chỉ đùm bọc, cưu mang lẫn nhau mà còn mở rộng vòng tay chia sẻ tình thân ái, nghĩa đồng bào đến những người dân từ mọi miền đất nước hội tụ về đây tìm kế sinh nhai bởi "đất lành chim đậu". Đúng với bản chất đôn hậu, đơn giản của người Sài Gòn, hãy lắng nghe những con người tốt bụng ấy nói gì về việc làm của mình:

Chỉ là một việc rất nhỏ để giúp đỡ và chia sẻ với bà con, với những người khó khăn thôi (3).

Nhiều cô chú lao công, ve chai, đánh giày... ghé lấy ăn, và nếu thấy ai đó còn ngần ngại thì tụi mình khuyến khích và mời họ. Họ nhận bánh xong cứ gật đầu cám ơn tử tế, thấy thương lắm (3).

Quán cơm từ thiện là chính nhưng vì muốn người dân đến ăn vui vẻ, không mặc cảm và không có cảm giác mắc nợ nên đã chọn cái giá 2000 đồng/phần cơm cho mọi người có tâm lý thoải mái hơn khi đến với quán (4). 

Hẳn là những con người tốt bụng ấy rất vui. Họ vui vì đã làm được điều tốt cho người, cho đời. Họ càng vui hơn khi những người nhận ơn nghĩa đã biết chung tay cùng họ xây dựng lại một nếp sống văn minh thật sự bắt đầu bằng những việc làm, cử chỉ tưởng chừng như giản đơn, nhưng lại là xa xỉ trong một xã hội cộng sản xô bồ, bát nháo. Đó chính là sự tự ý thức xếp hàng, không chen lấn khi chờ mua phiếu ăn; dọn dẹp sạch sẽ mâm bát, chỗ ngồi sau khi ăn xong để nhường chỗ cho người khác đang chờ đợi; hay đơn giản chỉ là nhường lại phần ăn cho những người khốn khó hơn. Tiếng lành đồn xa, những mô hình này nhanh chóng được các tỉnh thành khác trong cả nước đua nhau học tập và phát huy. Chúng đã xuất hiện ở khắp ba miền Bắc Trung Nam, ở thủ đô Hà Nội, ở cổ đô Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, Long An, An Giang... Thậm chí ở Hà Nội, đã có một phụ nữ tốt bụng sẵn sàng dùng gian nhà trống của mình để làm mái ấm đón tết cho những người vô gia cư với cơm thịt và bánh chưng (2).

Ôi tự hào biết bao vì thành phố Sài Gòn thân yêu đã phất cao ngọn cờ truyền thống"lá lành đùm lá rách" làm gương cho cả nước. Tự hào vô cùng vì Sài Gòn đã ươm lại những hạt giống yêu thương đang bắt đầu đâm chồi, nảy lộc cho đời tưởng chừng như đã khô héo, chết yểu vì bị thuốc diệt cỏ mang nhãn hiệu Việt cộng và Tàu cộng. Bọn giặc thù tưởng rằng có thể chôn vùi được những phong tục, đạo lí tốt đẹp của ông cha ta truyền lại từ bao đời. Chúng nghĩ rằng tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa XHCN đã lên ngôi thống trị ư? Cũng như anh hùng Nguyễn Trung Trực đã khẳng khái đối đáp lại quân thù "Chừng nào người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, chừng đó người Nam mới hết đánh Tây". Trừ khi cộng sản diệt hết dân Việt thì ngày đó mới thật sự hủy hoại được văn hóa Việt, mới chiếm được nước Việt. Nếu như không, Sài Gòn sẽ dẫn đầu và cùng cả nước chống lại Tàu cộng và Việt cộng đến cùng để bảo vệ quê hương, xứ sở. Mở đầu bằng hình ảnh cô gái Sài Gòn Trần Ngọc Lan Khuê đã kiêu hãnh khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay trên đất Tàu trong cuộc thi Hoa hậu quốc tế 2015: “Cả ekip không chút đắn đo quyết định ngay việc phải có bản đồ Việt Nam cùng Hoàng Sa- Trường Sa xuất hiện trong đoạn clip. Vì sao phải đắn đo khi đó là quê hương, tổ quốc nhỉ. Cám ơn các em, những người trẻ tài năng. Vì quê hương, chiến đấu trên mọi mặt trận nào” (5).

Phần kết

Xin được kết thúc bài viết bằng câu nói sau: “Mà ở Sài Gòn không sợ đói cháu à!”(6). Đó là lời chia sẻ chân thành của một bà cụ nghèo, một mình nuôi cháu ngoại vì con gái bà mất ngay sau khi sinh nở. Hai bà cháu đã chống chọi với những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống để tồn tại bằng vào tấm lòng nhân hậu của thành phố Sài Gòn, của người Sài Gòn qua những bữa cơm từ thiện miễn phí đầy tình người. Bà ơi! Bà đã nói rất đúng! Ở Sài Gòn không thể nào đói được vì thành phố này không nhẫn tâm cho phép để người dân nào bị đói. Bà tuy già nhưng vẫn rất sáng suốt để nhận ra sự thật này. Bởi vì nếu gọi là thành phố Hồ Chí Minh thì có lẽ giờ này bà và cháu ngoại đã trở thành hai bộ xương khô rồi. Tên bán nước cầu vinh ấy ngoài việc làm nô lệ cho bọn Nga, Tàu thì làm gì có khả năng chăm lo cho cuộc sống người dân. Cái tên của hắn chỉ làm ô uế thành phố một thời từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" này. Đám con cháu của hắn do thấm nhuần tư tưởng, đạo đức cướp, giết nên chỉ giỏi đày đọa, bần cùng hóa người dân.

Thành phố thân yêu của chúng ta đã, đang và sẽ chỉ có một tên gọi duy nhất là Sài Gòn. Cái tên đã gắn liền với lịch sử mở mang bờ cõi của cha ông ta. Đó cũng là cái tên duy nhất đem lại tự do, no ấm, văn minh và hạnh phúc cho người dân. Phải vứt bỏ tên giặc già Hồ Chí Minh! Phải giành lại tên cho thành phố Sài Gòn! Phải dẹp tan quân bán nước Việt cộng và bọn xâm lược Tàu cộng để cứu nguy cho tổ quốc! Lúc ấy, chúng ta sẽ có thể tự hào nói với nhau rằng: "Dù ở Sài Gòn hay bất kì nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này, không một ai có thể bị đói". Đồng bào Việt Nam hãy cùng nhau đoàn kết một lòng để ngày đó mau đến sớm hơn. Sài Gòn ơi! Việt Nam ơi! Từ muôn trùng xa cách, lòng tôi luôn vang vọng những lời thiết tha...


Dâu bể tang thương

_______________________________________

Chú thích:

(1) Ca khúc "Giọt buồn không tên" - Tác giả: Tô Giang