Xã hội dân sự và lực cản khó vượt qua
Xã
hội dân sự tại Việt Nam vừa bắt đầu hình thành qua các
nhóm dân oan, trí thức, tù nhân lương tâm hay những nhà bất đồng chính kiến
trong vài năm gần đây. Nhà
nước không công nhận, dân chúng chung quanh ít biết tới với nhiều lý do, nội bộ
tranh cãi gay gắt và nhiều nhóm đang âm thầm tan rã.
Những hình ảnh tiêu cực này đang là câu hỏi nhức nhối cho phong trào mặc dù vẫn
còn nhiều hội nhóm tích cực tiến gần tới đích qua phong cách làm việc vững vàng
và hiệu quả.
Khái niệm xã hội dân sự
Nói tới xã hội dân sự người dân trong các nước dân chủ
nghĩ tới các hội nhóm có cùng khuynh hướng, mục tiêu, và quyền lợi họp lại với
nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hay sở thích, lý tưởng chung. Hình thức
đặc biệt của xã hội dân sự là độc lập với chính phủ, mọi kinh phí phải tự tìm
và chính phủ không hề tham dự vào cách tổ chức hay điều hành một hội nhóm nào
trên danh nghĩa phi lợi nhuận. Quan trọng nhất trong việc thành lập nhóm xã hội
dân sự là sự tự nguyện của tất cả các thành viên.
Tại Việt Nam những hội đoàn xuất hiện từ khi chính
quyền được thành lập nhưng khuôn khổ của nó hoàn toàn khác với cách tổ chức của
xã hội dân sự. Chính phủ cung cấp kinh phí, hướng dẫn và tổ chức cho chính cái
hội ấy hoạt động song song với guồng máy nhà nước vì vậy hội đoàn nào cũng là
chân rết của chính quyền, hoạt động theo định hướng từ trên và danh xưng xã hội
dân sự hoàn toàn không phù hợp.
Luật sư Võ An Đôn, người được tiếng là quên mình để
bảo vệ công lý đã công khai tuyên bố sẽ là ứng cử viên độc lập cho kỳ bầu cử
lần này. Là luật sư có tên trong Đoàn Luật sư tỉnh nhưng Luật sư Đôn cho biết
không thể kêu gọi sự ủng hộ của Đoàn luật sư vì nó không phải là một tổ chức xã
hội dân sự bởi được thành lập do Đảng chỉ định. LS Võ An Đôn chia sẻ:
Hiện nay ở các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương
toàn Việt Nam thì mỗi tỉnh đều có Đoàn luật sư và Hội luật gia. Đoàn luật sư
thì do tổ chức luật sư toàn quốc quản lý. Riêng hội luật gia thì không phải là
luật sư họ là người có bằng cử nhân luật đang làm việc trong các cơ quan nhà
nước thì có quyền gia nhập Hội luật gia này ở các tỉnh. Nhưng Hội luật gia thì
do nhà nước dựng lên chứ không phải là tổ chức xã hội dân sự. Đa số các Đoàn
luật sư cũng như Liên đoàn thì chủ nhiệm là các đảng viên và được nhà nước chấp
nhận cho nên khi lên làm thì họ theo chủ trương của nhà nước.
Lực cản mạnh mẽ từ các tổ chức của nhà nước đã ngăn
không cho xã hội dân sự phát triển tại Việt Nam. Từ chỗ bị cấm cản, đàn áp từng
hội nhóm cũng bằng mọi cách ra đời nhằm bảo vệ cho chính quyền lợi của các nhóm
có hoàn cảnh giống nhau. Nhóm dân oan có lẽ là sự xuất hiện sớm nhất của những
hoàn cảnh và cùng một mục đích: đòi lại đất đai mà nhà nước trưng thu một cách
bất công.
Hầu như cùng lúc, sau dân oan là Phụ nữ nhân quyền,
Cựu tù nhân lương tâm, Nhà báo độc lập, Liên đoàn lao động Việt, Mạng lưới
blogger….tất cả cùng hào hứng góp mặt với xã hội hình thành một cộng đồng các
nhóm xã hội dân sự đối trọng với hội đoàn của chính quyền mặc dù nội lực của
các nhóm xã hội dân sự luôn là điều băn khoăn của tất cả các hội viên.
Chị Cấn Thị Thêu, một khuôn mặt nổi bật trong những
người tranh đấu cho dân oan Dương Nội, địa danh nay đã trở thành biểu tượng cho
người dân oan, chia sẻ tình trạng Hội dân oan khi chị từ nhà tù trở về với đời
sống bên ngoài:
Khi em đi tù về một thời gian sau thì có bác Trần Thị
Hài, bác Trương Thanh Quang từ miền nam ra thành lập Hội dân oan ba miền, nói
chung là có những cái chưa chuẩn bị chu đáo. Mới bắt đầu thành lập nên chưa có
kinh nghiệm và lại bị an ninh đánh phá rất mạnh cho nên từ ngày về tới giờ cái
hội đấy hoạt động không hiệu quả nữa. Chị Quang và chị Hài cũng về miền nam
rồi. Trong kia thì em nghe nói chị Trần Ngọc Anh có trong Phong trào Liên đới
dân oan còn ở Hà Nội nói về phong trào thì chúng em rất mạnh bởi vì hàng tuần
ít nhất chúng em cũng được một lần hoặc hai lần có khi ba lần…hoặc khi có những
vấn đề gì như các anh em dân chủ bị bắt thì dân oan tham gia hỗ trợ. Phong trào
bây giờ rất rầm rộ nhưng để mà người nào phụ trách phong trào đấy thì em chưa
thấy có ai.
Khó khăn đến từ đâu?
Một
trong những lý do khiến xã hội dân sự không thể lớn mạnh đó là sự thiếu vắng tổ
chức hay tổ chức trái với tôn chỉ mà hội viên đặt ra lúc ban đầu. Bà
Lê Hiền Đức, một người nổi tiếng trong việc tranh đấu cho dân oan kể lại sự
chấm dứt của bà với nhóm dân oan như sau:
Người dân tụ tập ca hát trong một cuộc biểu tình phản
đối kế hoạch chặt cây xanh của chính quyền Hà Nội vào ngày 22 tháng 3 năm 2015.
AFP photo
Việc dân oan thì lúc đầu tôi cũng nghĩ rằng hợp tác
với nhau, kề vai sát cánh với nhau thì nó có sức mạnh hơn nhưng thực chất thì
bây giờ không thể làm được chuyện gì cả. Lúc đầu người ta có thể cùng với nhau
giúp những người dân oan đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng và hợp pháp nhưng
dần dần có những người lại ngã theo tổ chức này tổ chức khác có vẻ liên quan
đến chính trị thì tôi không thể tham gia vào những cái chuyện như vậy.
Trong các nhóm xã hội dân sự được thành lập không ít
nhóm có tiêu chí chính trị rất rõ ràng. Vì là chính trị nên thường xuyên có
những trao đổi về các tương quan chính trị hay xã hội. Từ chỗ trao đổi đến
tranh luận và phản biện là việc hẳn nhiên, tuy nhiên văn hóa tranh luận trong
nhiều nhóm đã gây chia rẽ và bất hòa.
Phạm
Thanh Nghiên, một người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền trong
nhiều năm cho biết kinh nghiệm của cô về vấn đề này:
Có những kinh nghiệm mình đã trải qua nhưng không hề
muốn. Đó là khi
mà ta phát biểu quan điểm một cách công khai không giấu giếm trước người khác
thì lập tức chúng ta sẽ bị hiểu lầm, thậm chí bị chụp mũ là mình đang chống họ.
Điều này tôi cho rằng đã hạn chế tính phản biện ở Việt Nam. Nó gây ra chia rẽ
giữa những cá nhân cũng như giữa các hội nhóm dân sự vốn đang manh nha hình
thành và rất non yếu.
Điều này làm cho những người thật sự nặng lòng, có
chiều sâu hoặc thuộc về số ít của các quan điểm và nhất là họ là những người
ngại va chạm thì càng ngày càng e dè trong việc bày tỏ, phát biểu quan điểm của
mình một cách công khai trước công luận. Tôi cho rằng vấn đề này chúng ta cần
phải suy nghĩ.
Nhà báo tự do Ngô
Nhật Đăng có cái nhìn chi tiết hơn, mặc dù kết luận của ông không khác Phạm
Thanh Nghiên bao nhiêu:
Tôi
thấy một điều rõ rệt nhất, cái nguyên nhân lớn nhất là do cái “tôi” quá lớn.
Việc cần làm nhất là chúng ta phải bớt cái tôi đi mà phải vì mục tiêu chung. Nếu
ai cũng nói chúng tôi làm cái việc này vì yêu nước, vì quê hương, vì những điều
tốt đẹp cho nhân dân trong khi những việc rất đơn giản anh có thể ngồi lại với
nhau thì không làm được thì tôi nghĩ rằng những lời nói đó chỉ là sáo rỗng.
Ba năm sống và va chạm với nhiều tổ chức xã hội dân sự
nước ngoài đã khiến cho Nguyễn Anh Tuấn có một số kinh nghiệm quý giá về cách
tổ chức, điều hành, làm việc. Sự chuyển động trong tư thế chuyên nghiệp đã giúp
anh thấy được thành công của các bạn trẻ hay những tổ chức NGO phi chính phủ.
Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ:
Nếu mà nói tới người Việt ở nước ngoài thì có bạn là
du học sinh hoặc là những bạn gốc Việt sinh ra và lớn lên ở ngoại quốc. Tôi
cũng tiếp xúc các bạn ấy khá nhiều và học được từ thái độ làm việc cũng như
tính chuyên nghiệp trong công việc của họ mà họ coi đó là một cái nghề trong
khía cạnh chuyên nghiệp rất được đề cao. Đó là điểm mà tôi thấy.
Cũng hợp lý thôi. Các nước thì có một thời gian dài
phát triển đến hàng trăm năm do đó tính chuyên nghiệp trong công việc của họ đã
được nâng cao rất nhiều. Đó là điểm mình rất cần phải học mới có thể làm cho
phong trào xã hội dân sự trong nước đi lên.
Thật khó biết được mai đây các hội nhóm xã hội dân sự
sẽ được phát triển bằng cách nào, trong khi vừa thiếu thốn kinh phí lẫn kinh
nghiệm, họ như đang bơi trong một chiếc hồ quá rộng mà điểm đến không được ai
xác định.
RFA