13.03.2016

Xã hội VN đã ‘chạm ngưỡng báo động'

Xã hội VN đã ‘chạm ngưỡng báo động'
Quốc Phương (BBC Việt ngữ)
Xã hội Việt Nam thời điểm 2016 đã ở vào tình trạng khủng hoảng ‘chạm ngưỡng báo động’, trên mọi phương diện dù rằng nền kinh tế có vẻ như đang được phục hồi, theo một nhà quan sát chính trị xã hội Việt Nam từ Pháp. 
Image caption  TS. Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng xã hội Việt Nam đang ở tình trạng khủng hoảng báo động về mọi mặt vào thời điểm 2016.
Đảng cộng sản Việt Nam liệu có đủ năng lực để tiến hành cải cách hay không còn phụ thuộc vào việc Đảng có thể vượt qua được trở ngại lớn trong chính cơ chế và lề lối tư duy của mình, đó là quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 12/3/2016. Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc trao đổi được thực hiện qua bút đàm sau đây:


BBC: Gần đây, một số ứng viên độc lập ở Việt Nam đồng loạt bước ra tự ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có TS. Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự có tiếng, trong lúc đó Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản khóa mới và Quốc hội Việt Nam sắp mãn nhiệm đã đang bàn bạc về sắp xếp nhân sự lãnh đạo nhà nước cho cuộc bầu cử, bà nói gì về các chuyển động này?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Trong giới bất đồng chính kiến và giới hoạt động cho dân chủ hóa ở Việt Nam, tôi là một trong số rất ít người nhìn thấy một vài khía cạnh tích cực trong việc lựa chọn nhân sự cao cấp ở Đại hội XII vừa rồi. Đa số dường như rơi vào tình trạng bi quan và mất hết niềm tin, vì nhìn nhận sự thất bại của Thủ tướng như là dấu chấm hết của hy vọng cải cách. Tôi biết, tôi bị mọi người cho là « lạc quan tếu » khi nhìn nhận ngược lại rằng, chính là cùng với Tổng bí thư mà chúng ta có hy vọng cải cách.
Tuy nhiên, một cách khách quan, và dưới con mắt lạnh lùng của một người làm phân tích và làm nghiên cứu, tôi phải nói rằng, cách thức bổ nhiệm nhân sự lần này mất dân chủ hơn rất nhiều lần, so với trước đây. Lấy một ví dụ : Hà Nội và Tp. Sài Gòn hoàn toàn không có quyền lựa chọn lãnh đạo của mình. Chức Bí thư của hai thành phố này bị áp thẳng từ trên xuống. Đảng hoàn toàn không thể dùng từ « bầu cử » (dù chỉ là mị dân, dù chỉ là hình thức, như vốn xưa nay), trong những trường hợp này chỉ có thể nói là đảng áp đặt lãnh đạo lên người dân của hai thành phố này. Ví dụ này điển hình cho việc người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền chọn lãnh đạo của mình. Thế nhưng, lãnh đạo các cấp, kể từ người lãnh đạo cao nhất, đều tự nhận là hệ thống hiện đang rất « dân chủ », bầu cử lần này rất « dân chủ ». Nếu làm việc theo cách thức như vậy mà vẫn tự cảm thấy mình dân chủ, thì hoặc là tự lừa dối mình và lừa dối nhân dân, hoặc là không hiểu một chút gì về khái niệm dân chủ.

Image copyright   Kham Getty Images   Image caption  Tác giả cho rằng từ 2-5 năm tới khó có gì gọi là 'ẩn số' khi bình luận về chính trị Việt Nam và quyền lực của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Vậy thì hãy để cho các ứng viên tự do như ông Nguyễn Quang A tiến hành phép thử của họ. Phép thử này sẽ giúp cho tất cả các bên (đảng, ứng viên tự do, nhân dân) nhận rõ nhiều điều. Theo tôi, đây là một việc hết sức cần thiết trong thời điểm này.
Không có ẩn số

BBC: Đảng Cộng sản Việt Nam được cho là đang trong một giai đoạn chuyển giao, chưa rõ khi nào ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bàn giao chức Tổng Bí thư mà ông mới tái đắc cử cho người kế nhiệm, dường như chính trị Việt Nam từ ít nhất 2-5 năm tới còn nhiều ẩn số?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Từ 2 đến 5 năm tới, khó có cái gì gọi là ẩn số. Quyền lực chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại vẫn rất vững chắc. Đảng đang có tất cả các phương tiện để củng cố quyền lực của mình.
Đa số người dân đã quen chịu đựng và bị buộc phải đặt vào tình trạng phi chính trị, họ không quan tâm đến các hoạt động chính trị, và cũng chưa hiểu được ý nghĩa của chính trị đối với cuộc sống của mình, nhu cầu vật chất vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu, kể cả ở giới lao động trí óc. Sự tiến triển của xã hội dân sự hiện đang rất chậm chạp. Các tổ chức chính trị và các đảng phái chính trị ngoài đảng cộng sản chưa hình thành được ở Việt Nam.
Vì vậy, những người muốn Việt Nam được dân chủ hóa sẽ phải làm việc rất nhiều, rất nhiều, nếu họ muốn sau 5 năm nữa có những thay đổi mang tính chất ẩn số.
Nếu chúng ta không nỗ lực đủ thì tình trạng sẽ còn kéo dài chưa biết bao lâu. Václav Havel (BBC: nhà văn, kịch tác gia, cố tổng thống CH Czech) từng nói rằng hệ thống toàn trị làm tha hóa con người, và đến lượt mình con người tha hóa sẽ củng cố hệ thống đó.
Đông Âu cộng sản đã thoát khỏi hệ thống tha hóa ấy từ hơn hai mươi năm nay, và trong chừng đó thời gian chúng ta đã tiếp tục trượt dốc tha hóa. Liệu chúng ta còn đủ khả năng chống lại sự tha hóa đó hay không, hay sẽ tiếp tục củng cố nó, cốt chỉ để tồn tại qua ngày?
Hãy nhìn Bắc triều tiên, vốn cùng một dân tộc với Nam Triều tiên, để thấy rằng một hệ thống chính trị tha hóa có thể dẫn con người tới đâu.

Image caption   Năm 1975, Václav Havel, nhà văn, kịch tác gia của Tiệp Khắc, từng cho rằng quốc gia cộng sản này khi đó đang rơi sâu vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử.
Sự chuyển giao quyền lực từ một tổng bí thư này sang một tổng bí thư khác không làm thay đổi hệ thống chính trị, không làm giảm thiểu khả năng tha hóa và làm tha hóa của hệ thống quyền lực, chừng nào quyền lực chính trị vẫn còn không được kiểm soát bằng một cơ chế thực sự dân chủ: cơ chế tam quyền phân lập.
Chạm ngưỡng báo động

BBC: Từ một người làm nghiên cứu, lý luận về văn học, nay quan sát và phân tích chính trị Việt Nam từ hải ngoại, bà có nhận xét gì về xã hội và chính trị Việt Nam giai đoạn hiện nay?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Năm 1975, Václav Havel, trong một bức thư gửi Gustav Husák, Tổng bí thư đảng cộng sản Tiệp Khắc lúc đó, có nói về xã hội Tiệp Khắc như sau:
"Tôi dám khẳng định rằng – bất chấp mọi thực tế hấp dẫn bên ngoài – bên trong, xã hội của chúng ta […] đang rơi vào một cuộc khủng hoảng ngày càng sâu hơn, một cuộc khủng hoảng mà về mặt nào đó còn nguy hiểm hơn mọi cuộc khủng hoảng chúng ta từng biết trong lịch sử cận đại," (theo bản dịch của Phạm Nguyên Trường).
Nếu xã hội cộng sản Tiệp Khắc ở thời điểm năm 1975 được đặc trưng bởi tính chất của một cuộc khủng hoảng mà Havel xem là nguy hiểm nhất, thì xã hội Việt Nam thời điểm 2016, theo tôi, đã ở vào tình trạng khủng hoảng chạm ngưỡng báo động, trên mọi phương diện.
Dù rằng nền kinh tế có vẻ như đang được phục hồi, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn (được tích tụ trong suốt nhiều thập kỷ quản lý bằng tham nhũng) thì chưa biết sẽ bùng nổ cụ thể vào thời điểm nào và dưới hình thức nào, nếu vẫn tiếp tục phương thức quản lý hiện tại và không có các biện pháp hữu hiệu để xử lý hậu quả của các đường lối và chính sách vẫn duy trì cho đến tận lúc này.
Trên những phương diện khác (văn hóa, giáo dục, y tế, luật pháp, đạo đức xã hội…) cuộc khủng hoảng cũng đang ở ngưỡng báo động, chỉ có điều là người dân và chính phủ Việt Nam có dám đối diện với sự thật về cuộc khủng hoảng này hay không mà thôi.

Image caption  Đang có một phong trào tự ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam, mà TSKH Nguyễn Quang A là một trường hợp.

Và có bao nhiêu người tự xem là thuộc tầng lớp trí thức dám nhìn nhận rằng mình đang sống trong khủng hoảng, và đang tạo ra nó, bằng chính lối sống và lối làm việc hàng ngày của mình?
Cải cách chính trị?

BBC: Bà từng đặt câu hỏi trong một series bài blog trên truyền thông quốc tế rằng liệu Việt Nam có thể thực hiện cải cách chính trị. Câu hỏi đó chỉ đặt ra riêng cho Đảng Cộng sản đang cầm quyền, hay còn cho toàn xã hội, hoặc cho những chủ thể chính trị, xã hội nào khác?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Câu hỏi đó dĩ nhiên được đặt ra cho Đảng cộng sản Việt Nam và cho tất cả mọi người, hay như ông nói, cho toàn bộ xã hội.
Đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện đang ở thời điểm phải tự biện minh cho tính chính danh của mình. Sự yếu kém trong việc quản lý và xây dựng đất nước, sự thất bại trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải, giờ đây đã không còn có thể giấu giếm được nữa.
Vì thế mà nhu cầu tự biện minh cho tính chính danh của độc quyền lãnh đạo xuất hiện một cách thường trực trong diễn văn của các đảng viên lãnh đạo (dưới nhiều hình thức khác nhau: tự kể công lao của đảng, tự ca ngợi đảng, bắt nhân dân phải nhớ ơn đảng…).
Nhu cầu tự biện minh này chứng tỏ rằng những người lãnh đạo hiểu rằng độc quyền lãnh đạo không phải là điều đương nhiên đối với đảng cộng sản, kể cả khi họ dùng điều 4 của Hiến pháp để áp đặt độc quyền này lên toàn xã hội. Họ biết như tất cả mọi người rằng đảng viên không phải sinh ra là để làm lãnh đạo. Họ cũng hiểu rằng, đảng muốn mạnh, muốn có chính danh và được thừa nhận thì không thể tiếp tục suy thoái như hiện nay.
Nói cách khác, họ biết rằng cần phải cải cách. Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam có đủ năng lực để tiến hành cải cách hay không, đối với Đảng, đó là một câu hỏi lớn và là một câu hỏi khó. Bởi vì, không ai khác, không cái gì khác, mà chính cơ chế và lề lối tư duy sẽ ngăn cản Đảng cải cách.
Tuy nhiên, khi toàn xã hội có nhu cầu cải cách, và bộc lộ nhu cầu này thành những áp lực đủ mạnh, lúc đó đảng buộc phải cải cách. Bởi vì, nếu như đảng có thể chống lại một vài người bất đồng chính kiến hoạt động đơn độc, bằng cách đàn áp họ và biến họ thành phản động (làm vậy thật quá dễ, và có thể nói là hèn, đối với cả một bộ máy quyền lực!), thì đảng không thể chống lại cả xã hội. Bởi vì một khi cả xã hội, hoặc phần lớn mọi người trong xã hội đều phản ứng, thì lúc đó, phản động sẽ trở thành tiến bộ.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, Pháp.