18.04.2016

Chiến tranh ngư dân Lê Phan

“Sau tàu đánh cá mở đường, tàu tuần duyên sẽ tiến tới, theo sau là việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các đá, bãi cạn, rạn san hô và sau cùng là quân sự hóa và kiểm soát.”
Chiến tranh ngư dân
Lê Phan

Trong vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, theo nhật báo Washington Post, ngư dân Trung Cộng đang đóng vai một lực lượng tiền phương cho cuộc chinh phục Biển Đông.

Trung Cộng đang sử dụng đoàn tầu đánh cá khổng lồ của họ để dành chủ quyền trên Biển Đông. Việc này không những sẽ gây đụng chạm với các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á, mà còn đưa vào một sự khó tiên đoán nâng cao nguy cơ của những cuộc khủng hoảng hầu như định kỳ.


Mùa này là mùa đánh cá của Biển Đông, và chỉ trong vòng mấy tuần qua, căng thẳng đã bùng lên giữa Nam Dương, Mã Lai và Việt Nam với các ngư dân Trung Cộng, thường được hộ tống và bảo vệ bởi các hình thức tàu tuần duyên từ hải giám, hải cảnh đến kiểm ngư. Những ngư dân này đã đi rất xa ra khỏi vùng bờ biển của Trung Cộng. Và họ chỉ là chương mới nhất trong cuộc chiến tiệm tiến của Bắc Kinh nhằm nới rộng ngư trường và đồng thời dành chủ quyền và sự chế ngự hàng hải trên một trong những hải lộ quan trọng nhất của thế giới.

Chỉ cách đây vài năm thôi, hồi năm 2012, báo chí Việt Nam ồn lên việc Trung Cộng xua 23,000 tàu đánh cá xuống Biển Đông. Bản tin của báo chí Việt Nam nói đến ngư dân của các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông được lệnh tìm xuống Biển Đông. Báo điện tử Báo Mới cho biết là trong tháng 7, cơ quan ngư nghiệp tỉnh Hải Nam đã đưa tàu đến đánh cá ở quần đảo Trường Sa “trong chiến dịch chuyển hướng hoạt động của các tàu đánh cá Trung cộng từ đánh bắt gần bờ đến đánh bắt xa bờ.” Hồi đó sự hiện diện của ngư dân Trung Cộng ở Trường Sa còn là chuyện hiếm có. Chuyện đó ngày nay đã thay đổi hẳn.

Giáo Sư Zhang Hong Zhou, chuyên viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại viện đại học kỹ thuật Nanyang của Singapore giải thích: “Nhà chức trách Trung Quốc coi ngư dân và tàu đánh cá là những khí cụ quan trọng để nới rộng sự hiện diện của Trung Quốc và để giúp khẳng định chủ quyền trên vùng biển tranh chấp. Ngư dân ngày càng trở thành tiền tuyến của các tranh chấp Biển Đông, và các vụ đụng chạm ngư nghiệp có thể tạo nên những căng thẳng lớn hơn về ngoại giao và an ninh giữa Trung Quốc và các quốc gia trong vùng.”

Ở cảng Đàn Môn, một cảng ngư nghiệp ở phía nam của đảo Hải Nam, thuyền trưởng họ Trần đang ngồi trong phòng lái của cái tàu đánh cá của ông hôm tuần rồi, tờ Post kể, nói chuyện về đánh cá biển xa. Một tấm hình chủ tịch Mao Trạch Đông vẫn còn giữ chỗ danh dự ngay sau lưng ông, cùng với một hệ thống định vị và hải hành rất mắc tiền mà chính phủ Bắc Kinh đã cung cấp cho ông miễn phí. Ông Trần bảo là nguồn cá ở Trường Sa dồi dào hơn là những vùng biển gần bờ của Trung Quốc, nhưng ông còn bảo là ông thực hiện một nghĩa vụ với tổ quốc. Ông khẳng định, như chính quyền Bắc Kinh đã chỉ bảo, “Đó là vùng biển của chúng tôi, nhưng nếu chúng tôi không đánh cá ở đó thì làm sao chúng tôi có thể bảo đó là lãnh thổ của chúng tôi được?”

Các chuyên gia nói là cuộc chiến dành ngư trường này, thường bị bỏ quên không được nhắc đến, là một ảnh hưởng tạo bất ổn trong Biển Đông, là một nguồn của những sự khó tiên đoán, dễ thay đổi và đầy nguy cơ.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, cơ quan hải cảnh của Mã Lai thấy 100 tàu đánh cá Trung Cộng, hộ tống bởi các tàu tuần duyên Trung Cộng, trong vùng biển của họ. Những con tàu này ở gần Đảo Luconia, chỉ chưa đầy 100 hải lý cách bờ biển Borneo thuộc Mã Lai nhưng đến 800 hải lý cách điểm cực nam của đảo Hải Nam. Đầu tháng này, Hà Nội bắt một tàu Trung Cộng mà họ nói đang cung cấp dầu và tiếp tế cho các tàu đánh cá Trung Cộng ngay trong vùng biển của Việt Nam ở Vịnh Bắc Việt.

Nhưng vụ bùng nổ lớn nhất là hôm 20 tháng 3, khi các viên chức Nam Dương áp tải một con tàu đang tiến gần đến Quần đảo Natuna. Khi tàu tuần duyên của Nam Dương bắt đầu kéo con tàu đánh cá Trung Cộng vào bờ, một tàu tuần duyên của Trung Cộng can thiệp, đâm vào con tàu đánh cá, đẩy nó trở lại Biển Đông, cho đến khi Nam Dương phải thả sợi dây kéo. Có điều trước đó, Nam Dương đã bắt thuyền trưởng và ngư dân trên tàu mang về đất liền.

Nam Dương lâu nay vẫn đứng bên lề các tranh chấp Biển Đông và cho đến nay Bắc Kinh vẫn tôn trọng và nói là họ công nhận chủ quyền của Nam Dương trên Quần đảo Natuna, gần khu mỏ dầu quan trọng. Nhưng lần này chính phủ Nam Dương đã phản ứng giận dữ, nói là họ cảm thấy cố gắng để duy trì hòa bình trong vùng biển tranh chấp đã bị “phá hoại.” Các viên chức quốc phòng Nam Dương thề sẽ gửi những chiến hạm ra để bảo vệ các tàu tuần dương trong vùng, đang tính đến chuyện cưỡng bách tòng quân ở các hòn đảo hẻo lánh trong quần đảo Natuna, và đã gửi một phi đội F-16 đến Natuna để chống lại “những tên ăn cắp.” Trong khi đó bộ ngoại giao ở Jakarta đã triệu đại sứ của Bắc Kinh đến để gửi công hàm phản đối.

Trung Cộng như chúng ta biết đã vẽ đường lưỡi bò chín đoạn và dành chủ quyền trên toàn thể Biển Đông. Con đường chín đoạn đó có những nơi đi gần bờ biển của Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Việt Nam và nay quần Đảo Natuna. Nhưng trả lời phóng viên trong cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh thản nhiên nói: “Vùng biển xảy ra xung đột là ngư trường truyền thống của Trung Quốc, tàu đánh cá Trung Quốc tiến hành đánh bắt cá bình thường tại vùng biển này. Ngày 19 tháng 3, khi tàu cá liên quan bị tàu vũ trang Nam Dương quấy nhiễu, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đến cứu trợ, nhưng không đi vào lãnh hải Nam Dương. Trung Quốc đã ngay lập tức yêu cầu Nam Dương trả tự do và đảm bảo an toàn nhân thân cho ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ.”

Phải nói thái độ và hành động của Trung Cộng đúng là vừa đánh trống vừa ăn cướp. Một trong những luận cứ của Bắc Kinh về việc các ngư dân Trung Cộng tìm đến những vùng biển xa xôi, như ở Nam Dương, họ đến chỉ cách đảo Natuna có 4 hải lý, tức là bên trong ngay cả hải phận của Nam Dương mà họ công nhận, là vì đó là “ngư trường truyền thống.” Nhưng Trung Cộng cũng đồng thời tạo nên một thực tế ở ngay hiện trường qua việc nới rộng vùng hoạt động của các tàu đánh cá của họ.

Giáo Sư Alan Dupont, giáo sư về an ninh quốc tế của viện đại học New South Wales ở Sydney bên Úc, giải thích chiến lược tiếp theo: Sau tàu đánh cá mở đường, tàu tuần duyên sẽ tiến tới, theo sau là việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các đá, bãi cạn, rạn san hô và sau cùng là quân sự hóa và kiểm soát. Ông Dupont bảo: “Tôi gọi chiến thuật này là ‘đánh cá, bảo vệ, chiếm đóng và kiểm soát.’”

Trung Cộng trong khi đó đổ tội cho là Hoa Kỳ đã quân sự hóa Biển Đông, dẫn chiến lược tái thăng bằng ở Á châu của Tổng Thống Barack Obama, một thu xếp mới để cho phép lực lượng quy ước của Hoa Kỳ sử dụng năm căn cứ của Phi Luật Tân lần đầu tiên từ nhiều thập niên nay, và cuộc tập trận thường niên giữa hai quân đội mang tên là Balikatan (có nghĩa là sát cánh). Nhưng Trung Cộng, theo Giáo Sư Dupont, đang theo đuổi một kế hoạch lâu dài để chế ngự vùng Tây Thái Bình Dương và đẩy Hoa Kỳ ra, tìm cách lợi dụng một chính phủ Obama mà họ tin là đang bị bận tâm bởi những cuộc khủng hoảng toàn cầu khác. Nhưng theo ông, chính sách “cơ hội” của Bắc Kinh đã có hậu quả ngược lại, đoàn kết nhiều quốc gia trong vùng chống lại Trung Cộng.

Hai ông Dupont Zhang, theo tờ Post, thì nói là mọi sự không phải chỉ vì quyền lợi quân sự và chính trị mà còn vì quyền lợi kinh tế. Theo thống kê của Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế, tiêu thụ tính theo đầu người của Trung Cộng về cá đã gia tăng lên gần 80lb vào năm 2010, gần gấp đôi mức trung bình của thế giới, và đang tăng trưởng khoảng 8% một năm. Ngành ngư nghiệp cũng sử dụng 15 triệu người. Mà so với vùng bờ biển phía bắc hay gần bờ thì quả ở Trường Sa cá chưa bị đánh cạn như gần bờ, chưa kể nhưng con hào khổng lồ, san hô và tôm hùm cùng hải sâm để tha hồ vơ vét.

Chính quyền cũng thúc đẩy ngư dân hãy đi xa bờ. Họ cung cấp xăng dầu trợ giá, và nếu chịu đóng tàu lớn đi Trường Sa còn được giá rẻ nữa. Chính quyền đảo Hải Nam trợ cấp lớn cho việc xây dựng những con tàu đánh cá lớn hơn, bọc thép và một hệ thống hải hành mắc tiền được cung cấp hầu như miễn phí cho toàn thể khoảng 50,000 con tàu. Và với nó các ngư dân Trung Cộng sẽ có thể gửi điện cầu cứu đến các tàu tuần duyên với vị trí rõ rệt nếu họ gặp vấn đề.

Tiến Sĩ Rodger Baker của công ty nghiên cứu tình báo chiến lược toàn cầu Stratfor thì nói là “quyền bảo vệ các tàu đánh cá” của Trung Cộng theo họ nghĩ là tương đương với quyền tự do hải hành của Hải Quân Hoa Kỳ, mà theo ông nhằm để khẳng định Biển Đông là “biển nhà” của họ.

Hơn thế, nằm vùng bên trong các tàu đánh cá và thường đứng ra tổ chức các chuyến đi này là một lực lượng mà Trung Cộng gọi là “dân quân biển,” nhưng người dân được huấn luyện sử dụng vũ khí nhẹ mà nhiệm vụ là để bảo vệ cái gọi là chủ quyền biển. Lực lương Dân Quân Biển Đàn Môn là nhóm nổi tiếng nhất. Họ đã từng được Chủ Tịch Tập Cận Bình đến thăm vào tháng 4 năm 2013, ngay sau khi ông nắm quyền. Thành viên của lực lượng này đã đóng vai chủ đạo để khuyến khích ngư dân xuống Trường Sa từ năm 1985. Chính các chuyến đi thường xuyên của họ đến Bãi Scarborough để bắt bào ngư đã khiến xảy ra cuộc đụng độ với Phi Luật Tân vào năm 2012 mà sau cùng đã dẫn đến việc Phi, nghe lời Hoa Kỳ, tin vào lời hứa của Bắc Kinh, rút lui để lại cho Trung Cộng kiểm soát. Chính họ là những tàu đánh cá đâm vào các tàu Việt Nam ở cuộc đụng độ về vụ giàn khoan HD 981.

Giáo Sư Andrew S. Erickson của học viện Hải Quân Hoa Kỳ gọi họ là những “little blue men” của Trung cộng, so sánh họ với “little green men” của ông Putin, những tay vũ trang đã đóng vai trò chính ở Crimea và Ukraine. Tiến Sĩ Baker của Stratfor thì bảo có một nguy cơ lớn cho Trung Cộng trong chính sách này: “Tàu đánh cá đi đến chỗ nào có cá, hào và cua. Khi khích bác họ với những khẳng định chủ quyền và quốc gia chủ nghĩa, các thuyền trưởng tàu đánh cá biết là họ có thể xông tới bất chấp hiểm nguy, bởi họ biết họ sẽ được cứu. Thành ra họ sẽ xông tới. Điều đó có nghĩa là các cuộc khủng hoảng trong vùng biển tranh chấp sẽ không là chuyện thường xảy ra.”

(Người Việt)