Nguyễn
Vạn Lý
Đây
chỉ là một tấm ảnh nhỏ, sờn cũ từ nhiều thập kỷ rồi. Nhưng tấm ảnh nhỏ bé ấy kể
lại một câu chuyện ly kỳ và cảm động, và ám ảnh một chiến binh Mỹ tại Việt Nam
trên 30 năm - cái hình ảnh một cô gái nhỏ chưa hề quen biết đã dẫn người cựu
chiến binh Mỹ làm một cuộc hành trình trở lại Việt Nam, để hàn gắn đau thương
quá khứ và tìm sự bình yên cho tâm hồn mình.
Ðối
với Rich Luttrell, người cựu chiến binh Mỹ, thì đi tìm một người con gái trong
ảnh là một việc làm khó khăn nhất trong đời ông. Ông ngồi nhìn rừng già bên
dưới chiếc Boeing 747, thần kinh căng thẳng với những xúc cảm đè nén. Nhưng tất
cả những gì Rich có thể trông thấy là tấm ảnh ấy. Hình ảnh người con gái nhỏ ấy
có gì mạnh mẽ đến nỗi Rich phải trở lại Việt Nam?
Cô
gái nhỏ ấy là ai? Tại sao Rich không thể chịu đựng được nỗi buồn bã của đôi mắt
cô gái trong tấm ảnh? Rich thú nhận, "Mỗi khi tôi nhìn lại tấm ảnh, tôi
dường như bị mê hoặc. Tôi cảm thấy đúng như thế kể từ ngày ấy, trong một cánh
rừng già cách nước Mỹ nửa vòng trái đất." Ðó là cái giây phút mà một
hành động thời chiến đã tạo cho Rich một gánh nặng trong suốt 33 năm.
Năm
1967, Rich Luttrell gia nhập quân đội, khi là một thiếu niên 17 tuổi. Ðây là
một cơ hội cho Rich thoát cảnh nghèo trong một khu gia cư rẻ tiền tại Illinois.
Ông bỗng thấy mình trưởng thành, có được hai đôi giầy ống, một đôi giầy mới, và
những quân phục mới. Trong đời ông, chưa bao giờ ông có nhiều quần áo như thế
trong một lần. Ông nghèo, nhưng có lòng ái quốc. Ông quyết định ra đi và gia
nhập Chiến đoàn dù 101. Giống như nhiều thanh niên khác, Rich được huấn luyện
cho cuộc chiến tại Việt Nam.
Ngày
Rich tới đơn vị, chiếc trực thăng hạ cánh xuống một khu rừng già tại Việt Nam,
và ông trông thấy những người thuộc trung đội ông đứng đó - cũng trạc tuổi ông.
Có những người trông rất ngầu - nhất là mắt họ. Ông hoảng sợ kêu lên, "Lạy
Chúa, con sẽ phải đường đầu với những gì ở đây?"
Rich
đã được huấn luyện như mọi người, để chiến đấu trong điều kiện của địch quân,
nghĩa là phải chiến đấu du kích - đêm đi nằm phục kích, lùng và diệt địch. Lúc
ấy Rich chỉ vừa mới 18 tuổi. Chàng thiếu niên bé bỏng từ khu gia cư rẻ tiền tại
Illinois bỗng thấy mình ở trong một hoàn cảnh mà không một sự huấn luyện nào đủ
sửa soạn cho rừng già Việt Nam. Tại đây trời nóng hoặc mưa, hoặc cả mưa và
nóng. Không có nhà cửa, không giường chiếu, không nghỉ ngơi, và không ngừng sợ
hãi. Rich chỉ là một thiếu niên gầy gò, vai đeo chiếc ba lô to hơn lưng, và
phải học điều luật căn bản đầu tiên: phải tiếp tục tiến bước, tiến bước và tiến
bước mãi.
Có
những lúc Rich phải trèo núi, và muốn chảy nước mắt và kêu lên, "Lạy Chúa, xin dừng lại. Con không thể
đi được nữa. Và chúng tôi vẫn cứ phải tiểp tục như thế, từ sáng sớm tới đêm
tối. Tôi nghĩ tôi sẽ phải làm gì khi đụng trận? Tôi không thể di chuyển được
nữa. Tôi quá mệt. Tôi sẽ làm sao nếu gặp địch quân? Tôi chưa sẵn sàng cho một
trận đánh."
Và
một ngày đặc biệt đã làm thay đổi tất cả. Hôm ấy nóng như thường lệ, giống như
mặc áo choàng đứng trong một phòng bốc hơi nóng vậy. Rich không biết địch quân
chỉ cách ông vài thước trong rừng già.
Rich
kể lại, "Từ khóe mắt tôi
trông thấy một động đậy. Tôi có thể trông thấy một binh sĩ Việt Cộng ngồi tựa
vào khẩu AK 47. Ðây là lần đầu tiên tôi trông thấy một lính Việt Cộng. Suốt đời
tôi tôi chưa bao giờ trông thấy họ."
Rich
mới 18 tuổi, và bỗng nhiên vô cùng sợ hãi, người như đóng băng lại. Ông biết
không thể không làm gì, và ông phải có phản ứng, phải làm một cái gì. Ðấy là
quyết định của Rich. Ông ở trong tầm đạn của địch quân. Cái chết chỉ cách một
nhịp tim đập. Rich quay lại và nhìn thẳng mặt người lính Việt Cộng. Ông kể lại,
"Dường như chúng tôi chăm chú
nhìn nhau một lúc lâu. Và rồi giống như một chuyển động chậm, tôi bóp cò súng
tự động của tôi. Tên địch ngã gục xuống. Ngay sau đó là một trận đụng độ dữ
dằn. Tôi chưa đủ kinh nghiệm để nhào xuống đất. Và có một người nào đó giúp
tôi, đẩy tôi nằm xuống."
Rich
có thể nhận thức rằng người lính Việt Cộng ấy đã có thể giết chết ông trước khi
ông trông thấy hắn. Rich công nhận, "Chắc chắn như vậy. Và cho tới bây giờ
tôi vẫn lấy làm lạ, và tự hỏi tại sao hắn không bắn tôi?"
Nhưng
đó không phải là điều ám ảnh Rich nhiều năm sau đó. Không phải là súng nổ, và
cũng không phải việc giết người. Ngoài chiến trường thì lúc nào cũng có quá
nhiều súng nổ và người chết.
Chàng
thanh niên 18 tuổi Rich Luttrell cuối cùng đã đụng địch quân và thoát chết.
Người lính Việt Cộng ấy đáng lẽ ra đã giết Rich rồi. Nhưng kết quả ngược lại.
Rich toát mồ hôi, chất adrenalin tỏa ra khắp người và cảm thấy như không đứng
vững nữa, vì hành động vừa giết người.
Thiếu
kinh nghiệm, Rich tỏ ra rất xúc động sau vụ giết người lần đầu tiên, và kinh
hoàng thấy các bạn đồng đội đi tìm kỷ vật trên xác địch quân. Có người cúi
xuống rút ví của tên địch vừa mới bị Rich bắn chết. Một mẩu giấy rơi ra; Rich
cúi xuống nhặt lên: đó là một tấm ảnh nhỏ nhô ra một nửa, trông giống khuôn mặt
một cô gái nhỏ có mái tóc dài. Rich rút tấm ảnh ra, chỉ to bằng một con tem. Ðó là
ảnh một người lính và một cô gái nhỏ. Họ là ai? Phải chăng đó là người lính
Việt Cộng đã chết? Có phải người lính là bố cô gái không?
Rich quyết
định giữ tấm ảnh ấy. Ðúng ra, ông ngồi xuống, cúi nhìn người lính chết và nhìn
tấm ảnh, rồi lại nhìn mặt anh ta. Hai người trong tấm ảnh quá trang nghiêm, quá
buồn. Phải chăng họ chụp tấm ảnh này ngay trước khi họ từ giã nhau - trước khi
người lính bỏ con gái ở lại, để ra đi và để bị Rich bắn chết. Rich cảm thấy đau
đớn lắm. Nhưng chỉ trong vài phút, trung đội của Rich phải di chuyển. Rich nhét
tấm ảnh vào ví.
Cái gì đã
khiến Rich phải giữ tấm ảnh? Rich trả lời, "Tôi không biết. Tôi đã suy
nghĩ cả triệu lần rồi. Cái phần đầu tiên tôi trông thấy trong tấm ảnh là cô
gái, và cô ta có một cái gì buồn bã lắm."
Nhưng Rich
không phải là một người lính bất đắc dĩ, không muốn giao chiến chiến với địch
quân. Nếu Rich muốn sống thoát khỏi cuộc chiến, ông phải học cách giết người mà
không hối tiếc, và Rich đã trở thành một chiến binh như thế.
Tại cái nơi
ghê gớm ấy, Rich mau lẹ trở nên cứng cỏi. Cuối cùng Rich là người được giao
nhiệm vụ giải tỏa những đường hầm của địch quân. Ông trở nên thiện nghệ cận
chiến. Rich đã nhìn thấy các bạn đồng đội tử trận. Ông quen giết địch quân, và
cầu nguyện được thoát chết. Một lần trong đêm tối trên một ngọn đồi, đạn pháo
kích nổ quanh mình và nghe thấy bạn đồng đội la hét và bị tan xác, Rich đưa ba
lô lên che đầu và cầu nguyện, "Lạy Chúa, xin cho con đừng trúng đạn."
Rich không nghĩ ông có thể tiếp tục được như thế trong sáu tháng nữa.
Khi Rich chỉ
còn 20 ngày nữa là được trở về Mỹ thì ông gặp nạn. Ðơn vị ông bị phục kích; ông
được giao nhiệm vụ xông ra cứu một đồng đội bị bắn hạ. Trong lúc cứu bạn đồng
đội, Rich bị trúng đạn vào lưng, và chính vết thương này giúp Rich được hồi
hương sớm. Trong lúc ông được đưa lên trực thăng tải thương, Rich cảm thấy có
lỗi, và bị dằn vặt vì những câu hỏi, Ta bỏ đi đâu? Ta sẽ làm gì? Ta bỏ dồng đội
lại hay sao?
Rich hồi
hương với một hộp đầy huân chương, và kết hôn với Carole, một người bạn gái tại
quê nhà. Thập niên 60 nhường chỗ cho thập niên 70; ông không bao giờ nói về
cuộc chiến ấy. Thời đại đã thay đổi. Rich có đời sống riêng - hai người con
gái, một việc làm tốt tại Sở Cựu Chiến Binh Illinois. Ông cố gắng quên cuộc
chiến Việt Nam, và tập trung vào tương lai với Carole.
Carole nói, "Chồng
tôi thực sự không nói về chiến tranh Việt Nam trong nhiều năm. Ðó là một cái gì
chồng tôi muốn giữ rất riêng tư và giấu kín."
Rich có thể
trốn tránh cuộc chiến, nhưng không không thể trốn tránh được cô gái nhỏ mà ông
mang trong ví. Thực sự đã có một ràng buộc đặc biệt giữa Rich và cô gái trong
tấm ảnh. Ðây là một điều lạ lùng. Rich đã chứng kiến và đã quên nhiều kinh
hoàng trong cuộc chiến, nhưng khuôn mặt của cô gái trong tấm ảnh cứ tiếp tục ám
ảnh tâm trí ông. Tấm ảnh nặng không tới một gam mà đè nặng tâm trí ông một cách
khủng khiếp.
Vào mùa Giáng
Sinh, các con gái ông thường hỏi mẹ mua quà gì cho Rich, và quà tặng ông thường
nhận lại là ví da. Hàng ngày người ta thường rút ví ra để trả tiền bằng tiền
mặt hoặc bằng credit card, và mỗi lần như thế, Rich lại có dịp kéo tấm ảnh nhỏ
ra. Ðối với Rich thì đó là một cô gái tội nghiệp, đã không còn bố chỉ vì ông.
Rich biết nếu
ông không giữ tấm ảnh thì ông đã không có những ý nghĩ tội lỗi này. Rich xác
nhận, "Tôi hoàn toàn đồng ý.
Sau nhiều năm tôi thành thực nói là đã có nhiều lần tôi hối tiếc đã giữ tấm ảnh
ấy."
Carole rất
thông cảm và ủng hộ chồng, nhưng bà thấy chồng muốn thoát khỏi ám ảnh ấy thì
phải vất tấm ảnh ấy đi. Một lần bà hỏi chồng, "Tại sao anh không vất bỏ
tấm ảnh? Hãy liệng bỏ nó đi, loại nó khỏi cuộc đời anh, để anh có thể quên và
tiếp tục sống."
Nhưng Rich
không thể liệng bỏ hoặc hủy hoại tấm ảnh được. Ông biết ông phải làm một cách
đặc biệt nào đó, phải làm một cách trong kính trọng và danh dự, bởi vì ông nghĩ
người lính ấy là một người can đảm.
Năm 1989, hơn
hai mươi năm sau khi từ Việt Nam trở về, việc giải quyết tấm ảnh đã rõ ràng và
cấp bách. Rich và Carole nghỉ phép hàng năm. Hai người quyết định đi thăm Bức
Tường Kỷ Niệm Chiến Binh Việt Nam tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Tại đó Rich biết
mình phải làm gì với tấm ảnh nhỏ cũ kỹ này. Rich nghĩ rằng cách tốt nhất là bỏ
tấm ảnh tại Bức Tường.
Ngồi trong
khách sạn, Rich quyết định phải làm cho đúng. Ông ngồi trên giường với một tập
giấy trong tay. Ông suy nghĩ tìm cách nói chuyện với người lính trong tấm ảnh.
Trong vài phút, Rich viết xong một lá thư ngắn, gồm có một vài điều ông vẫn
từng muốn nói. Ông viết:
Thưa ông,
trong suốt 22 năm nay, tôi giữ ảnh ông trong ví. Hôm ấy tôi mới có 18 tuổi, khi
chúng ta trông thấy nhau trên con đường mòn gần Chu Lai, Việt Nam. Xin tha thứ
cho tôi đã giết ông. Ðã nhiều lần trong những năm qua, tôi nhìn ảnh ông và
người con gái tôi đoán là con ông. Mỗi lần tim tôi bừng cháy với nỗi đau tội
lỗi. Xin ông tha thứ cho tôi."
Mỗi khi Rich
đọc lại những hàng chữ trên đây, và ngay cả bây giờ, ông lại cảm thấy một cái
gì. Ngày hôm sau, Rich đặt tấm ảnh và lá thư ngắn ấy tại chân Bức Tường, bên
dưới tên của 58,000 binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam. Rich nói, "Hành động ấy giống như sự đứng nghiêm chào lần cuối cùng. Người lính ấy
chết vì chiến đấu cho niềm tin của ông ta. Và đây là một cách vinh danh và tôn
kính ông ta."
Vào lúc ấy
hai người không còn là kẻ thù nữa. Rich nói, "Ông ta không còn là kẻ thù nữa, mà là một người bạn.
Giống như chào vĩnh biệt một người bạn. Vào lúc đó, giống như tôi vừa chấm dứt
một trận đánh, buông ba lô xuống để nghi ngơi. Cái gánh nặng tôi mang nay không
còn nữa."
Phải, tất cả đã mất rồi, và Rich bây giờ cảm thấy nhẹ nhõm, tự do và thoải mái.
Làm thế nào
Rich biết được sức mạnh thực sự của tấm ảnh nhỏ bé ấy, của cô gái nhỏ có đuôi
tóc, mà bây giờ không còn nhỏ nữa?
Tấm ảnh của
Rich đã mất rồi. Mặc cảm tội lỗi cũng mất luôn. Cái gánh nặng đã được vất bỏ tại
Bức Tường hùng vĩ ấy. Và trở lại Illinois, Rich và Carole bắt đầu cuộc đời mới,
sau khi nghe lời khuyên của vợ loại bỏ tấm ảnh để tránh cái tâm trạng ngã lòng
mỗi khi trông thấy tấm ảnh. Rich vất bỏ tấm ảnh năm 1989.
Hoặc Rich
tưởng đã có thể vất bỏ được. Hàng ngày, hàng trăm người bỏ lại nhiều kỷ vật tại
Bức Tường này. Và mọi vật kỷ niệm, dù tầm thường hay thiêng liêng, đều được
nhân viên của công viên thu thập lại - kể cả tấm ảnh nhỏ và lá thư xin lỗi của
Rich. Tấm ảnh ấy tình cờ nằm trên cùng của một cái hộp, và nằm ngửa lên. Và
cũng tình cờ Duery Felton, một cựu chiến binh Mỹ khác, trông thấy. Durey hiểu
ngay đây là một cái gì khác thường.
Duery là quản
lý phòng sưu tập tại đài Kỷ Niệm Chiến Binh Việt Nam. Ông tự hỏi tấm ảnh này là
gì, và cầm lên xem. Ông đã từng trông thấy đủ thứ tại Bức Tường, nhưng chưa bao
giờ thấy ảnh một binh sĩ địch quân. Ông vui sướng trông thấy bộ quân phục màu
xanh lá cây ấy.
Trong hơn 30
năm Duery chưa bao giờ trông thấy bộ quân phục màu xanh ấy. Một câu hỏi hiện
lên trong tâm trí ông "Người con gái này là ai? Có phải là con gái hay
cháu gái của người linh Việt Cộng này?"
Rồi Duery đọc
lá thư xin lỗi của Rich. Ông nhớ lại khi còn chiến đấu tại Việt Nam, ông đã
từng giúp khiêng xác đồng đội, những bao đựng xác và những ponchos. Ông đọc lá
thư về việc giết người ấy. Thực là khó khăn khi phải làm quyết định ấy, một
duyết định chỉ làm trong vài giây đồng hồ, nhưng người ta sẽ phải ân hận suốt
đời. Durey cảm thấy có một cái gì an ủi, khi được biết có người cũng
trải qua kinh nghiệm ấy, và viết lại lên giấy.
Duery dùng lá
thư xin lỗi và tấm ảnh của Rich trong các cuộc trưng bầy về Bức Tường, dậy cho
thế hệ mới về chiến tranh, và chiến đấu trong chiến tranh có hậu quả gì cho con
người. Tấm ảnh ám ảnh Rich bao nhiêu năm, bây giờ lại mê hoặc một cựu chiến
binh Việt Nam khác.
Cái gì trong
tấm ảnh ấy mạnh mẽ đến nỗi bây giờ đến lượt Duery phải ôm giữ nó và không bỏ đi
được? Có thể tấm ảnh đã vang vọng lên trong tâm thần của Duery, và gây một hậu
quả sâu xa cho ông.
Dĩ nhiên tại
Rochester Illinois, Rich không biết gì về Duery. Rich tiếp tục cuộc đời của
ông. Ông chứng kiến hai con gái trưởng thành và sinh con đẻ cái. Bây giờ ông
cưng chiều hai cô cháu ngoại của ông. Ông tìm cách đưa người con gái trong tấm
ảnh ra khỏi tâm trí ông.
Nhưng người
con gái ấy bây giờ lại ám ảnh Duery Felton. Khi một nhà xuất bản yêu cầu Duery
giúp in ra một ấn bản về Bức Tường, ông biết rằng ông phải đưa tấm ảnh của cô
gái và lá thư xin lỗi vào ấn bản ấy. Duery nói, "Tấm ảnh này ám ảnh tôi
nhiều năm, và tôi không biết cô ta là ai."
Cuốn sách có
tựa là "Của Dâng Hiến Tại Bức Tường" và in tấm ảnh và lá thư
xin lỗi của Rich. Ðây là một cuốn sách đơn giản, trình bày những hình ảnh,
những ám ảnh, những kỷ niệm và lòng kính trọng của những người có liên hệ với
Bức Tường. Một hôm cuốn sách này xuất hiện trên bàn giấy của dân biểu tiểu bang
Ron Stephens. Stephens lật từng trang cuốn sách, và tới một trang đặc biệt có
một tấm ảnh mà ông chưa từng trông thấy, và bỗng nhiên ông bị xúc động mạnh.
Ông chợt nhận thức ông biết người lính ấy, ông biết tấm ảnh ấy.
Làm thế nào
ông Stephens biết được tấm ảnh ấy? Ông ta chưa bao giờ nhìn thấy tấm ảnh, nhưng
ông đã nghe người bạn thân là Rich kể nhiều lần. Stephens nói, "Tôi
thực sự tuột xuống khỏi Bức Tường, và ngồi phiá sau Bức Tường cầm tấm ảnh này
và biết nó là tấm ảnh của Rich. Tôi biết câu chuyện Rich bỏ tấm ảnh tại chân
Bức Tường. Chúng tôi nói về chuyện này nhiều lần rồi."
Năm 1996, bảy
năm sau khi Rich nghĩ có thể chào vĩnh biệt tấm ảnh lần cuối cùng, thì ông
Stephens vội vã lái xe lại ngay văn phòng của Rich. Rich đang họp với một người
nào đó, nhưng Stepehns xen vào và nói, "Tôi cần nói chuyện với anh,"
và đặt cuốn sách lên bàn của Rich, và yêu cầu Rich mở trang 53.
Rich mở trang
53 của cuốn sách, và trước mắt ông là tấm ảnh và lá thư xin lỗi gửi người lính
Việt Cộng ông bỏ lại bên Bức Tường. Rich lập tức xúc động và bật khóc. Vẫn tấm
ảnh người con gái ấy, và đôi mắt buồn bã chăm chú nhìn ông, không chịu quay đi
chỗ khác. Rich có cảm tưởng như người con gái muốn buộc tội ông. Lúc ấy Rich
như ở trong một cơn ác mộng, và muốn hỏi cô gái muốn gì ở ông.
Nỗi ám ảnh cũ
bây giờ trở lại với Rich, mạnh mẽ hơn bao giờ. Rich biết ông phải lấy lại tấm
ảnh. Thế là Rich liên lạc với Durey, người cũng đang bị tấm ảnh ám ảnh. Durey
bay từ Hoa Thịnh Ðốn tới Illinois, và tận tay trao trả Rich tấm ảnh. Thực là
một truyện kỳ lạ. Hai người đàn ông không quen biết nhau, chưa từng gặp nhau,
nay ôm nhau khóc vì một cô gái nhỏ mà cả hai đều không biết.
Rich cầm lấy
tấm ảnh, và tâm hồn ông là một vết thương tái phát. Ông biết ông phải tìm cách
hàn gắn vết thương này. Một buổi tối ông cho vợ biết đây có thể là một sự huyền
bí hoặc là định mệnh. Nhưng dù là gì, ông cảm thấy ông phải trả lại tấm ảnh
này, có nghĩa là ông sẽ đi tìm người con gái trong tấm ảnh và gia đình người
lính Việt Cộng đã bị ông giết.
Nếu như ông
biết người con gái ở đâu thì công việc dễ dàng quá, chỉ việc bỏ tấm ảnh vào
phong bì và gửi tấm ảnh này ra khỏi cuộc đời của ông. Nhưng ông không làm thế
được. Ông không biết tên và địa chỉ người con gái. Ông không có một ý niệm bây
giờ người con gái trông như thế nào.
Carole cố
gắng khuyên nhủ ông đây là một việc không đơn giản và không thể thực hiện được.
Ông không thể đi Việt Nam tìm người con gái được, vì ông không biết tiếng Việt,
không quen một ai tại Việt Nam. Ngay tìm một người tại Hoa Kỳ cũng đã khó khăn
lắm rồi, huống chi tìm một người hoàn toàn xa lạ cách đây hơn 30 năm, già hơn
30 tuổi trong một quốc gia hoàn toàn khác lạ, nhất là quốc gia ấy từng có thái
độ thù nghịch với Hoa Kỳ.
Ðây là những
lý do đúng và hợp lý để loại bỏ ý định của Rich. Bà vợ nhấn mạnh, "Nếu
chồng tôi quyết định thực hiện ý định thì ông ấy cứ việc tự đi mà làm. Tôi
không cản trở chồng tôi. Nhưng tôi nói với chồng tôi việc này không thể làm
được, hãy bỏ cuộc và quên đi, không đáng làm đâu. Tôi thực sự đã chán ngấy chuyện
này rồi."
Carole công
nhận bà đã chán nghe chuyện về tấm ảnh này rồi. Ðây chỉ là một sự ám ảnh.
Carole cũng bị đau đớn như Rich vậy, mặc dù lý do khác nhau. Cái mà Carole ao uớc
là Rich cỏ thể quên được nỗi ám ảnh và tìm được sự bằng an của tâm hồn.
Tấm ảnh của
hai bố con người lính Việt Cộng đã âm thầm làm nhiệm vụ trong nhiều năm. Nhưng
bây giờ nó gây hứng khởi cho một việc làm được coi là không thể thực hiện được.
Rich chỉ muốn được cô gái ấy buông tha, và Rich sẽ cố gắng tìm cô ta, nếu đó là
điều cô gái ấy muốn.
Rich không
biết tên và địa chỉ cô gái, và bây giờ hình dáng cô ta trông thế nào, bao nhiêu
tuổi, và nhất là cô ta còn sống không? Nhưng Rich biết ông phải tìm ra người
con gái. Rich nghĩ nếu ông công khai cho mọi người biết ông đang tìm cô gái thì
có lợi hơn. Vì thế Rich trả lời một cuộc phỏng vấn cho tờ báo St. Louis Post
Dispatch, và câu chuyện được đăng lên trang nhất của tờ Post Dispatch.
Rich cứ tiến
hành dự định. Ông gấp bài báo ấy, nhét vào một phong bì cùng với một lá thư gửi
cho Ðại sứ Hà Nội tại Hoa Thinh Ðốn. Rich giải thích với ông Ðại sứ rằng ông
muốn một sự giúp đỡ để tìm ra người con gái, và gia đình người lính trong tấm
ảnh. Ông dại sứ hứa chuyển tài liệu về Hà Nội và cho biết phải có phép lạ mới
có kết quả.
Giống như tìm
kiếm một cây kim trong đống rơm. Ðây là một quốc gia có 80 triệu dân. Chính
Rich cũng không tin tưởng lắm. Rich thực tình không hy vọng sẽ có kết quả. Từ
đáy lòng ông đã không tin tưởng, nhưng ông biết đây là một việc phải làm. It
nhất ông phải thử cho biết.
Và thế là một
bản sao của tấm ảnh được gửi tới Hà Nội, tại đấy chủ bút một tờ báo nhận thấy
đây là một truyện hấp dẫn. Ông ta cho đăng tấm ảnh với lời kêu gọi “Có ai biết
những người này không?”
Nếu bài báo ở
Hà Nội không đạt mục tiêu ngay thì nó cũng âm thầm tạo ra kết quả. Báo chí có
hai công dụng: công dụng thứ nhất là thông tin, và công dụng thứ hai là trở
thành báo cũ để gói hàng. Chính công dụng thứ hai này đã đưa tới két quả.
Một người ở
Hà Nội gửi một món quà về quê biếu mẹ. Ông ta dùng cái tờ báo đăng tấm ảnh của
Rich để gói món quà, và gửi về cho bà mẹ ở một niềm quê xa. Tuy thế câu chuyện
cũng có thể chấm dứt ở đây - nếu không vì một tình cờ, bài báo đó đã về đúng
chỗ.
Mảnh giấy báo
gói đồ ấy về tới một làng quê xa Hà Nội, tại đó bà mẹ mở gói đồ của con, và
trên tờ giấy báo nhàu nát, hình ảnh người lính Việt Cộng đập vào mắt bà gìa. Bà
ta biết người trong tấm ảnh. Thế là bà ta cầm tờ báo đi tới một thôn xóm nhỏ
bé, và bảo cho chị em một nhà kia biết tấm ảnh là bố của họ.
Thật là một
điều không tưởng, giống như tấm ảnh nhất định không chấp nhận bị từ chối. Trái
với mọi khó khăn tưởng như không qua được, tấm ảnh như một mũi tên trúng đích.
Từ Mỹ quốc
cách xa ba ngàn dặm, Rich sẵn sàng chờ đợi lâu dài hơn nữa. Nhưng chỉ vài tuần
sau, một lá thư của Ðại sứ Hà Nội tới hộp thư của ông. Lá thư đó viết:
"Có một người tên là Nguyễn Văn Huệ
viết thư cho biết ông ta tin rằng tấm ảnh của ông chính là ảnh của thân phụ ông
ta, và người con gái nhỏ ấy là chị ông ta”
Ba mươi năm
sau khi trông thấy tấm ảnh lần đầu, cuối cùng Rich biết người con gái ấy còn
sống. Trong suốt cuộc đời, người con gái ấy ở cùng một chỗ. Như vậy Rich đã tìm
thấy người con gái ấy, tên là Lan, và đã có con cái.
Thực là không
ngờ đối với Rich. Thoạt đầu ông không thể tin kết quả mau lẹ như vậy. Rich rất
xúc động và tự hỏi không biết những người con này có thú ghét ông vì đã giết
cha họ không. Ông bắt đầu lo lắng hai người con có thể hiểu lầm về việc ông
tham chiến tại Việt Nam. Rich rất cởi mở và thành thực. Vì trong thư của người
con có nói tới tội lỗi và lòng hối tiếc của ông. Ông thấy cần phải bày tỏ cho
họ biết có sự khác biệt giữa tội lỗi và hối tiếc. Rich mang trong lòng một mặc
cảm tội lỗi nào đó vì cái hành động giết cha của họ, nhưng ông không hề có một
hối tiếc nào với tư cách của một quân nhân, cũng không hối tiếc đã tham chiến
tại Việt Nam. Và ông nghĩ rằng điều quan trọng là họ phải hiểu như thế.
Rich mong đợi
gì ở hai người con này? Dẫu sao ông cũng đã giết cha họ. Ông không mong đợi gì,
không biết họ thù ghét và tức giận ông hay không. Người con gái mất bố ấy cảm
thấy thế nào? Nàng có coi ông như một con quái vật trong những năm ấy không?
Con gái của ông sẽ nghĩ thế nào về một người đã giết ông?
Rich không có
nhiều thời giờ suy nghĩ về phản ứng của hai người con này vì một lá thư thứ hai
đến với ông. Lần này chính cô gái trong tấm ảnh viết cho ông. Ông vội chạy đi
tìm người thông dịch. Lá thư viết:
“Kính gửi ông Richard, đứa nhỏ mà
ông đã chăm sóc qua tấm ảnh trong hơn 30 năm bây giờ đã trưởng thành rồi. Dứa
nhỏ ấy đã trải qua nhiều đau khổ trong tuổi thơ ấu vì đã mất bố và nhớ thương
bố. Tôi hy vọng ông sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình tôi.”
Niềm vui và
hạnh phúc? Rich vô cùng kinh ngạc. Như vậy cô gái đã tha thứ cho Rich? Nhưng
tin vui vừa nhận được thì tất cả dường như rơi vào tuyệt vọng. Sau một cuộc
điều tra nội bộ, chính phủ Hà Nội kết luận thân phụ của Nguyễn Thị Lan không
thể là người trong tấm ảnh, bởi vì hồ sơ quân đội chứng minh thân phụ cô ta
không tử trận tại nơi Rich nhớ đã bắn chết ông ta.
Rồi ba gia
đình khác cho Rich biết tấm ảnh ấy là của họ. Người trong ảnh là bố họ, chứ
không phải là bố của Nguyễn Thị Lan.
Làm sao Rich
có thể biết chắc tin nào đúng. Người Việt Nam không giữ được hồ sơ thật chính
xác. Có khoảng 3 triệu người Việt chết trong cuộc chiến mà tới nay vẫn còn
300,000 lính Việt Cộng được coi là mất tích.
Nhưng rồi có
một lá thư nữa xác định niềm tin của Rich đã đạt tới kết cục. Ðó là thư của một
đồng đội của người lính trong ảnh, một người quen biết thân phụ của Nguyễn Thị
Lan kể từ khi hai người còn nhỏ, và đã chiến đấu bên nhau. Người ấy đoan chắc
người trong tấm ảnh là cha của Nguyễn Thị Lan.
Bây giờ Rich
rất tin vào kết quả cuối cùng. Khi sự việc đã sáng tỏ, Rich trao đổi nhiều thư
từ với gia đình, và đi đến quyết định trao trả lại tấm ảnh cho gia đình người
chết. Thoạt dầu Rich định gửi trả lại bằng thư, nhưng rồi cuối cùng Rich hiểu.
Chính ông phải bay sang Việt Nam, mang theo tấm ảnh ấy. Ông nghĩ đây là điều
ông cần làm và phải làm.
Nhưng làm thế
nào Rich có thể đương đầu với Việt Nam, với cô gái và gia đình cô ta? Chính
Rich có thể nào nhìn tận mặt kẻ đã giết cha mình trong chiến tranh không? Rich
không biết câu trả lời. Ông nhận rằng có một sự nguy hiểm, không biết gia đình
người tử sĩ sẽ phản ứng thế nào.
Việc gặp gia
đình người lính Việt Cộng không dễ dàng đối với Rich. Nhưng chính tại đây vào
mùa xuân năm 2000, Rich sửa soạn đương đầu với quá khứ. Ông cảm thấy bị cuốn
trôi theo sự việc, như thể ông bị chi phối bởi câu chuyên mà chính ông khởi
đầu. Ðôi khi Rich thấy khó hiểu, nhưng vẫn nghĩ rằng đây là việc chính đáng mà
ông phải làm.
Nhiều năm
trước ông đã thề không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. Ông đã chứng kiến quá
nhiều cảnh bắn giết, quá nhiều kinh hoàng. Tất cả những đau khổ ấy phản chiếu
trong tấm ảnh nhỏ ấy.
Tấm ảnh ấy có
lẽ chụp tại một tiệm ảnh địa phương nào đó, tại dó người lính cùng chụp với
người con gái để làm kỷ niệm cho cha nhớ con và con nhớ cha, khi ông ta ra đi
chiến đấu. Giống như một vật có đời sống, tấm ảnh ấy đi từ một binh sĩ tử trận
trên một con đường mòn, tới một người lính Mỹ, đài kỷ niệm chiến tranh, một
cuốn sách, một chiếc ví, và tới một gói trên đuờng hồi hương.
Rich và
Carole lên máy bay. Không còn đường rút lui nữa. Ðối với Rich, cuộc hành trình
này sẽ đánh dấu sự khởi dầu của một chấm dứt. Sự chấm dứt một nỗi ám ảnh trên
30 năm của một tấm ảnh người lính Việt Cộng và con gái.
Không có gì
ám ảnh hơn là khuôn mặt cô gái, mà Rich biết bây giờ không còn giống như thế
nữa. Nhưng chính Rich cũng đã thay đổi và ngay cả Việt Nam nữa. Ðối với Rich,
Việt Nam vừa xa lạ vừa gần gũi. Trên tất ca, nó là cái gì làm căng thẳng trí
óc. Ngày hôm trước khi gặp nhau, Rich rất căng thẳng. Ông nói, “Tôi thà phải
ra trận còn hơn phải gặp cô gái này.”
Ðó là một
ngày thứ Tư u ám tại Hà Nội. Trời có vẻ sắp mưa trong lúc Rich bước lên một
chiếc xe van để làm một chuyến đi hai giờ rưỡi tới làng của Lan. Chiếc xe chạy
qua một vùng rất xa lạ, qua những chợ dầy những khuôn mặt ngạc nhiên trông thấy
một đám du khách và người Mỹ tóc bạc này.
Càng gần tới
làng, trên xe van Rich càng bồn chồn cựa quậy. Rồi bỗng nhiên, Rich và Carole
tới nơi. Ðây chính là nơi người lính ảm đạm nghiêm trang ấy từng sống và có con
cái. Ðây là nơi người lính ấy không bao giờ trở lại.
Rich hoang
mang, Và sau dó bước qua một bức tường đá, Rich trông thấy người đàn bà. Rich
tin chắc đã trông thấy người đàn bà này rồi. Rich phải mất vài phút để lấy lại
bình tĩnh, rồi tiến lại phía người đàn bà. Và bây giờ hai người đối diện nhau.
Hai người chưa từng thấy nhau bao giờ. Trong vài giây, hai người không biết nó
gì. Họ là hai người thân mật nhưng xa lạ. Ông lập lại câu nói tiếng Việt mà ông
đã học thuộc lòng:
“Hôm nay tôi trả lại tấm ảnh của cô và
cha cô mà tôi đã giữ 33 năm. Xin
tha thứ cho tôi.”
Cuối
cùng tất cả tuôn ra - như một sự giải thoát đau đớn kinh hoàng. Dường như ngay
lúc này người con gái cuối cùng đã có thể chịu được sự đau khổ, khóc gọi người
cha mà cô không thực sự biết rõ.
Cô
ôm lấy Rich và khóc. Cô ôm chặt lấy Rich như thể Rich chính là cha cô, cuối
cùng đã trở về từ cuộc chiến. Người em cô cho biết cả hai chị em dị đoan tin rằng
linh hồn người cha sống qua Rich. Ðối với họ, ngày hôm nay linh hồn cha của họ
đã trở về với họ.
Cả
làng tuôn ra xem tấm ảnh trả lại. Thực ra đó là một đại gia đình, tất cả làng
thương tiếc người tử sĩ. Họ biết điều ấy có ý nghĩa như thế nào đối với Lan, và
tấm ảnh đã gây xúc động cho mọi người.
Người
ta có thể trả lại thế nào một cái gì mạnh mẽ như tấm ảnh ấy? Một lần Rich đã
nghĩ tới một nghi thức trang trọng, nhưng cuối cùng chỉ là một câu nói đơn giản
của Rich, “Nói cho cô ấy biết đây
là tấm ảnh tôi lấy từ ví của cha cô ấy cái ngày tôi bắn chết ông ta, và hôm nay
tôi mang trả lại.”
Người
con gái nhỏ ấy nay đã 40 tuổi, và đây là lần đầu cô ta cầm được hình mình và
hình cha trong tay. Cô ta vùi mặt vào hình ảnh người bố. Ðây là lúc cô ta có
thể nhìn bố gần nhất kể từ khi cô lên 6 tuổi và người bố ra đi. Như thể tất cả
gánh nặng đã hoán chuyển trong khi tấm ảnh nhỏ này truyền tay. Bây giờ chính
Rich là người an ủi Lan.
Ðây
là tấm ảnh duy nhất và đầu tiên của người lính Nguyễn Trọng Ngoạn mà con cái có
được. Lan và người em tên Huệ đặt tấm ảnh lên bàn thờ cha mẹ. Rich cũng tham dự
nghi lễ cầu nguyện trước bàn thờ.
Rich
nói, “Thân phụ của họ là một người
can đảm, và ông chết là một chiến sĩ can trường. Ông ta không bị đau đớn. Tôi
rất tiếc.”
Lan
và Rich ôm nhau khóc. Hiển nhiên bây giờ Lan đã tha thứ cho Rich. Và trong
những giờ sau đó, Rich trở nên gần như một người trong gia đình. Rich có dịp
gặp lại bạn đồng đội của người lính đã chết, và những kẻ thù cũ trao đổi những
kỷ niệm chiến tranh, như thể họ là đồng đội cùng chiến đấu bên nhau, trong cái
góc nhỏ bé này của thế giới, nơi có những mộ bia ghi tên những chiến binh Bắc
Việt không trở về.
Nhưng
có lẽ còn có một cái gì đáng kể hơn nữa. Một cái gì trong Rich, bây giờ đã thay
đổi 33 năm sau khi Rich bóp cò súng trong khu rừng già nóng nực ấy, trong cái
ngày khó hiểu ấy. Bây giờ Rich đã tự tha thứ cho mình.
Rich
bước đi, tự nhủ việc này “quá khó.” Rất khó cho Rich trở lại được đây, và cũng
quá khó cho Rich từ giã nơi đây. Rich và Lan ôm nhau từ biệt. Trở lại xe van,
Rich bật lên khóc.
Ba
mươi ba năm trước đây, Rich tới quốc gia này để tham chiến. Hôm nay ông trở lại
để tìm hoà bình. Ông bỏ lại tấm ảnh và cả một hồn ma nữa. Cái ám ảnh của cô gái
cuối cùng đã mất đi, thay thế bằng hình ảnh một người đàn bà vẫn còn sống sau
cái chết của thân phụ, và cũng đã tha thứ cái người đã giết cha mình.
Tấm
ảnh đem Rich và Lan lại gần nhau và có thể giúp họ liên kết với nhau nữa. Rich
cho biết ông sẽ liên lạc với Lan và gia đình. Ông cũng hy vọng câu chuyện ông
đã đương dầu với quá khứ có thể giúp những cựu chiến binh khác đương đầu được
với hoàn cảnh của họ. Nhiều cựu chiến binh đã trở lại Việt Nam 25 năm sau khi
cuộc chiến chấm dứt.
Ðối
với Rich trở lại Việt Nam với tấm ảnh ấy giống như trở lại dự trận đánh cuối
cùng. Và bây giờ chuyến trở lại Việt Nam đem lại cho Rich nhiều an ủi. Ông bây
giờ đã trút được gánh nặng.
Gần
một năm sau Rich vẫn còn mang trong lòng cái giây phút cuối cùng ấy, giống như
một lá bùa may mắn, cái giây phút thay đổi của đời ông. Ông nói, “Khi tôi
cầm tay và ôm cô ta, tôi cảm thấy như bỏ ba lô xuống và nghỉ ngơi, mọi thứ đều
xong cả rồi.”
Rich
vẫn chưa hiểu được - làm thế nào ông đã giết một người, mà lại chiếm được cảm
tình gia đình của người ông đã giết? Làm thế nào những đau khổ trong những năm
ấy, bỗng nhiên biến mất một cách giản dị như thế.
Trước
khi trở lại Việt Nam, Rich không thể che giấu những mối lo lắng ông cảm thấy về
Việt Nam - những nỗi đau buồn về tấm ảnh tội lỗi - những cảm xúc như thế thật
là rõ ràng tại Việt Nam. Bây giờ những cảm giác ấy đâu? Rich nghĩ rằng ngay khi
ông trông thấy người con gái ấy, các cảm giác ấy biến mất. Chính cô gái là
người giải tỏa những cảm giác tội lỗi của ông.
Hai
bên vẫn trao đổi thư tín, Rich và chị em Lan và Huệ. Huệ, người con trai viết
cho Rich, “Trong thời gian ông
viếng thăm gia đình tôi, mọi người trong làng nhận thấy ông là người rất tốt và
tử tế. Khi ông rời Việt Nam, tôi cảm thấy như cha tôi đã trở về.”
Trong
một thời gian lâu dài, một góc tim của Rich buồn bã lạnh lẽo. Bây giờ trái tim
ấy hân hoan ấm áp trở lại. Ông nói, “Bây giờ chỉ là niềm vui, không còn đau
buồn nữa.”
Hành
động đầy thiện tâm của Rich không những giúp Rich thoát khỏi nỗi ám ảnh khôn
nguôi trong suốt 33 năm, mà còn đem lại an ủi lớn lao cho hai người con của
người lính Việt Cộng đã bị Rich bắn chết, vào một ngày mùa hạ trong khu rừng già
ấy. Những tâm hồn một thời phong ba bão táp, nay đã có thể yên nghỉ.