Gia Minh (PGĐ Ban Việt ngữ RFA)
Anh Nguyễn Viết Dũng
được trả tự do vào sáng ngày 13.04.2016. Ảnh chụp bên ngoài trại giam số 2, Hà
Nội. Ảnh: FB Trung Nghĩa
Tù nhân chính trị Nguyễn Viết Dũng mãn án và ra khỏi
tù vào ngày 13 tháng Tư và về nhà cha mẹ ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Anh bị bắt khi vừa tham gia cuộc tuần hành chống chặt
cây xanh tại Hà Nội với nhiều người khác vào ngày 12 tháng 4 năm ngoái. Và
trong khi đi tuần hành anh mặc chiếc áo có quốc huy Việt Nam Cộng Hòa cũng như
dòng chữ tiếng Anh trên mặt lưng với nghĩa ‘Chính quyền phải sợ dân, chứ người
dân không cần sợ chính quyền’.
Khi “án tại hồ sơ”
Sau khi về đến nhà vào tối ngày 13 tháng tư, anh
Nguyễn Viết Dũng dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc phỏng vấn. Trước hết anh
thông tin cho biết một số điều liên quan hai phiên xử sơ và phúc thẩm đối với
anh diễn ra tại Hà Nội:
Một điều rất là buồn cười ở chỗ là mình cứ nói mà thư
ký phiên tòa lại không ghi những gì mình nói. Ở phiên sơ thẩm, khi mà tôi đứng
ra đấu tranh là tôi có phản ánh về chế độ ăn uống của anh em như “cơm lẫn đất,
rau lẫn cỏ”, bị cắt xén...thì làm anh em chúng tôi đủ sức khỏe. Rõ ràng mình có
nói nhưng câu đấy trước phiên tòa mà họ không hề “nửa điểm” để ý đến lời nói
của mình. Tôi nhớ hôm xét xử sơ thẩm thì chủ tọa phiên tòa là Trần Thị Thúy
Hồng nói với thư ký phiên tòa rằng hãy ghi vào biên bản tòa án là bị cáo Nguyễn
Viết Dũng không hề nói gì, không hề lên tiếng. Thế là hoàn toàn sai. Họ đã bóp
méo sự thật.
Chuyện đó cũng đã xảy ra trong phiên tòa phúc thẩm. Rõ
ràng mình đứng ra tự bào chữa cho mình như thế là hoàn toàn đúng đắn. Mình bào
chữa theo phương pháp vô tội như thế. Và mình vô tội thật. Thế mà họ lại ghi là
chuyển biến về tư tưởng thì không hiểu là như thế nào.
Thật ra trước đó tôi cũng đã được gặp đại diện bên
kiểm sát, cũng như đại diện của tòa án. Lúc đấy tôi còn nhớ là tôi vẫn còn bị
giam giữ tại trại tạm giam số 1, công an TP Hà Nội (nói cách khác là trại từ
Hỏa Lò). Sau ngày xử sơ thẩm thì họ có đến gặp tôi và họ cũng gần như là đã
“lật bài ngửa”. Họ còn nói rằng anh hãy yên tâm là bên ban nội chính trung ương
sẽ đảm bảo cho các phiên xét xử phúc thẩm sắp tới của anh sẽ diễn ra một cách
công bằng hơn và vô tư hơn dành cho anh.
Tôi nghĩ rằng một khi “án tại hồ sơ” như thế thì phiên
tòa diễn ra như thế nào thì thật ra chỉ là hình thức vì “án tại hồ sơ” mất rồi
chứ không phải án tại phiên tòa.
Chỉ tại chiếc áo?
Gia Minh: Cũng có những ý kiến
khác nhau của những người biết vấn đề thì họ nói rằng là tại sao Nguyễn Viết
Dũng lại mặc những cái áo có logo của một chính thể mà bây giờ không còn ở Việt
Nam nữa?
Nguyễn Viết Dũng: Nói
về chiếc áo mà hôm mặc đi tuần hành thì thật ra mà nói bản thân là một người
sinh trưởng ở miền Trung và sinh năm 1986, như vậy cách năm 1975 đã 11 năm, tức
là tôi sinh sau chiến tranh. Thật ra nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại yêu
thích, hay yêu mến, hay có những tình cảm đặc biệt dành cho bên Việt Nam Cộng
Hòa như thế, Dũng đã trả lời rằng "Vì
bản thân tôi đã tự tìm hiểu về lịch sử và tôi biết rằng dưới chế độ VNCH ít
nhất là đệ nhất CH từ năm 55 đến năm 63 hay đệ nhị CH từ 1/1/1963 đến 30/4/1975
đã xây dựng được một thể chế tự do, một thể chế dân chủ mà bây giờ chúng ta còn
đang đấu tranh cho điều đó. Chúng ta còn đang đấu tranh và đang mơ ước bao giờ
cho đến ngày xưa!"
Tiếc thay là những người trẻ ở miền Bắc, miền Trung
hay thậm chí còn rất nhiều bạn trẻ ở miền Nam cũng đang bị che mờ đi những
chuyện đó. Chế
độ VNCH, một chế độ tự do-dân chủ như thế, một chế độ tôn trọng con người như
thế mà họ lại gán cho những từ như bán nước, ngụy quân-ngụy quyền thì
mình, vốn là người hiểu lịch sử, mình không chịu nổi chuyện đó. Do đó mình muốn
ở một thế hệ sinh sau, mặc dù hứng chịu nhiều búa rìu dư luận nhưng mình vẫn
quyết tâm cùng với nhóm của mình, rất, rất nhiều người trẻ ngộ ra chân lý và
họ cũng muốn chọn đứng dưới màu cờ để thứ nhất là minh oan cho chế độ tốt đẹp
ngày xưa, thứ hai là sự nối tiếp truyền thống tự do và dân chủ của dân tộc mình
nữa khi mà lá cờ vàng ba sọc đỏ đó đã được dùng ít ra từ
năm 1890 dưới thời vua Thành Thái. Ông là vị vua kháng Pháp, yêu nước.
Gia Minh: Nguyễn Viết
Dũng cũng mới ra khỏi nhà tù và cũng còn rất là mệt nhưng đã dành cho quý thính
giả của đài cuộc nói chuyện này. Vậy xin phép hỏi một câu nữa đó là dù trong
nước có những người chưa hiểu việc làm của Nguyễn Viết Dũng và các bạn cùng
nhóm nhưng Nguyễn Viết Dũng có thể chia sẻ là sẽ tiếp tục có những dự định gì
trong tương lai?
Nguyễn Viết Dũng: Tương lai gần
nhất thì có lẽ mình muốn viết một cuốn sách và có tựa là Hồi ký trại tù cộng
sản 2015 chẳng hạn, để cho những người đang đấu tranh và thậm chí kể cả những
người dân Việt Nam trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về tình hình tù cộng sản
năm 2015, 2016 đã như thế nào thì họ có thể hiểu được. Và tôi cũng muốn qua
cuốn sách để tôi truyền lửa đấu tranh đến những bạn bè, những người trong và
ngoài nước. Cụ thể như chuyện chiếc áo thôi, thông điệp qua chiếc áo là người dân
không nên sợ chính phủ của mình mà chính chính phủ phải sợ người dân của họ.
Gia Minh: Một lần nữa, xin thay
mặt quý thính giả của đài Á Châu Tự Do cảm ơn Nguyễn Viết Dũng.
Nguyễn Viết Dũng: Có
một điều Dũng muốn chia sẻ thêm với mọi người nữa đó là hình xăm ở trên tay có
chữ “Sát Cộng”. Mới về đến nhà, chưa kịp nghe gì lắm nhưng cũng có em gái ở Hà
Nội bảo “một số người bảo anh đi cổ súy cho một chế độ bạo động” nhưng Dũng
không hề cổ súy hay cổ vũ cho một phong trào bạo động, cho bạo lực vì nếu dùng
bạo lực để xây nên một chính quyền mới, thể chế mới thì chế độ mới đó cũng chả
có tốt đẹp gì so với chế độ hiện tại cả.
Bản thân Dũng sợ nhiều người hiểu lầm theo cách đó.
Thật ra, trong chữ “Sát Cộng”, Dũng để trắng toàn bộ vì Dũng muốn xăm vào trong
chữ “có chữ” nữa. Thực tế
là Dũng muốn xăm chữ Human Rights, chữ A nữa. Có nghĩa là Dũng đã xăm dòng chữ
nhân quyền, ngụ ý rằng mình sẽ tiêu diệt chế độ CS nhưng không phải là bằng bạo
lực mà mình muốn sử dụng nhân quyền, bằng sức mạnh tự do, bằng tam quyền phân
lập, bằng tự do báo chí. Tiếc thay, trong tù thì cũng không thực hiện được. Đến
giờ thì mình chỉ xăm được chữ Human Rights. Đấy là điều mình muốn chia sẻ thêm.
Gia Minh: Một lần nữa xin cảm ơn Nguyễn
Viết Dũng.