Nước Mỹ ơi, xin hãy giúp đỡ nhân dân tôi
Nguyễn
Thị Anh *
Trần
Quốc Việt dịch
Tôi là y tá
chuyên nghiệp, sinh ra và được đào tạo tại Việt Nam, cho nên tôi cố gắng sống
theo qui ước đạo đức nghề nghiệp của mình. Vì vậy tôi cất lên tiếng kêu đau khổ
cho nhân dân tôi.
Với tất cả những
người dân Miền Nam Việt Nam đang chạy nạn đến hàng triệu người: đồng bào thật
sự chạy đi đâu? Số phận của đồng bào đang ở trong tay của những kẻ rất quyền
thế mà đang quyết định đồng bào sẽ sống ở đâu vào khi nào và như thế nào, nếu
đồng bào may ra còn sống.
Đồng bào đã không bao
giờ được ai hỏi muốn sống như thế nào. Tiếng nói của đồng bào chẳng được ai
nghe ở bất kỳ nơi đâu- dù ở miền bắc, ở miền nam, hay trên thế giới.
Những kẻ rất quyền
thế ấy đã quyết định đất nước của đồng bào phải bị chia cắt thành hai, lòng
người phải đau khổ và gia đình phải chia lìa, vì thế họ ký hiệp định Geneva.
Rồi đồng bào bỏ chạy.
Họ quyết định con của đồng bào phải đánh nhau, vì thế con
của đồng bào đi và chết.
Họ quyết định cho đồng bào lấy lại hơi một chút, vì
thế họ ký hiệp định Paris. Rồi một trong những kẻ rất quyền thế ấy quyết định
đồng bào không đáng được họ ủng hộ, vì thế họ trút bỏ trách nhiệm.
Phía bên kia quyết
định đất đai của đồng bào trù phú, đồng bào thuộc về họ, vì thế họ đến để giành
lấy đồng bào. Bây giờ đồng bào lại bỏ chạy. Đến đâu? Để được gì? Được tự do,
được giải thoát, được bảo vệ, được chết?
Tất nhiên đồng bào
không muốn những kẻ độc tài cai trị mình: đồng bào cũng không muốn bị giết chết
mà không có lý do. Tàn nhẫn thay đồng bào cũng không được phép có giấc mơ hoang
tưởng nhất là mình và gia đình mình được bình an vô sự.
Chạy hay ở lại đối
với đồng bào đều bế tắc. Bây giờ trước mặt đồng bào là đại dương. Đồng bào
không còn chỗ để chạy tiếp. Bây giờ đồng bào cũng không có đến cả một bát cháo
nhỏ dằn bụng để khỏi đói cồn cào, cũng không có những giọt sữa cho trẻ thơ.
Đâu đấy trong thế
giới rất giàu mạnh này, họ nói thiếu thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến não của con nhỏ
của đồng bào, chúng sẽ trở nên khờ dại, chúng sẽ lớn lên thành những người lớn
bị rối loạn cảm xúc. Làm sao đồng bào biết điều ấy? Đồng bào bây giờ chỉ biết
rằng đồng bào đang chờ, và đồng bào nhìn thấy con mình ngày một gầy hơn, và
ngày nào đấy chúng chết. Đời là như thế đấy. Số phận là thế đấy. Không có thực
phẩm, hay không có đủ. Không nơi lánh nạn. Thậm chí chẳng có gì đáp ứng nhu cầu
căn bản của đồng bào.
Đồng bào đang chờ
những kẻ rất quyền thế từ bên ngoài đến giúp. Đồng bào không bao giờ nghi ngờ:
Họ sẽ đến giúp. Cuộc chiến này biết đâu vẫn chưa kết thúc. Đồng bào đang chờ.
Đồng bào nhìn ra biển, đồng bào nhìn lên trời. Sự cứu giúp sẽ đến từ đấy. Họ
không bao giờ làm cho đồng bào thất vọng. Ít ra bầu trời đủ lớn cho tất cả mọi
người; đồng bào có thể nhìn trời mà không bị những kẻ cầm quyền ở bất kỳ bên
nào trừng phạt.
Với những kẻ rất
quyền thế trên thế giới: Quý vị cho đến nay đã làm được gì? Tại sao quý vị
không làm nhanh lên? Qúy vị đã lo được cho vài trăm trẻ mồ côi được chọn lọc kỹ
càng. Còn tất cả những người khác thì sao?
Có lẽ bây giờ đành
trông chờ vào những cá nhân, rất nhiều những cá nhân như bạn sẵn sàng giúp đỡ.
Bạn có thể gọi Washington hay hỏi tổ chức từ thiện địa phương của bạn cách thức
giúp đỡ. Nhưng có lẽ bạn sẽ không giúp- điện thoại bận và bạn không thể chờ.
Quốc Hội nói sẽ cho
tiền, nhưng trong lúc ấy những người tỵ nạn đang chạy trốn, đang run rẩy. Trong
nước này, hàng triệu công dân thường sẵn sàng cho, hoặc để xoa dịu lương tâm xã
hội của mình hay vì những lý do thuần túy nhân đạo. Nhưng cho đến nay người ta
mới chỉ có những nỗ lực thưa thớt nhằm cố gắng tổ chức giúp đỡ hàng triệu người
tỵ nạn.
Vì thế bây giờ tôi
kêu gọi những cá nhân người Mỹ. Hãy bỏ qua bao lo ngại và chính trị; đã quá đủ
về “Chúng tôi không biết tiền chúng tôi đi đâu” hay “Chúng tôi không muốn cho
tiền chính phủ Thiệu.” Hiện nay không còn chính phủ Thiệu. Bây giờ chỉ hãy nghĩ
đến những người tỵ nạn, trẻ em, trẻ mồ côi.
Tôi lúc nào cũng nghĩ
về họ. Cách đây nhiều năm anh tôi bị cộng sản sát hại khi anh tôi hoạt động với
lực lượng “kháng chiến”.
Bản thân tôi làm việc
với chính quyền Sài Gòn trong 16 năm, dành nhiều năm trong thời gian ấy đấu
tranh cho những thay đổi về giáo dục y tá và về sự phân phối tốt hơn công việc
y tá. Nỗ lực của tôi thất bại, cho nên tôi xin chiếu khán xuất cảnh. Sau hai
năm tôi được cấp chiếu khán, nhưng tôi không được phép dùng tiền của tôi cho
việc học của mình.
Vì thế, bạn thấy, tôi
xuất thân từ nhân dân; khác biệt duy nhất là tôi có phương tiện để mưu cầu tự
do cho mình, còn những người khác không có. Do vậy tôi hôm nay có thể khẩn cầu
điều này: Nước Mỹ ơi, xin hãy giúp đỡ nhân dân tôi.
Họ
chẳng còn biết trông cậy vào ai khác. Họ tin cậy vào bạn là người tin vào những
quyền tự do thiết yếu của nhân loại và tin vào sự gìn giữ sinh mạng của con
người.
Nguyễn Thị Anh là sinh viên cao học
về giáo dục ở đại học UCLA.
Nguồn: Dịch từ báo Los Angeles Times số ra ngày 22/4/1975. Tựa đề tiếng Anh
‘Please, America, Help My People’.