Hải quân Hoa Kỳ dự định tuần tra gần đảo có tranh chấp
tại Biển Đông
Bức
ảnh Hải quân Mỹ thu được vào ngày 1 tháng 2 năm 2016 cho thấy USS Curtis Wilbur
(DDG 54) đang tiến hành một cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật. AFP
PHOTO
Hãng tin Reuters, trích dẫn một nguồn tin từ Washington,
hôm qua, 01/04/2016, cho biết hải quân Hoa Kỳ dự trù mở cuộc tuần tra thứ ba
vào đầu tháng 4 tới gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông, bất chấp những phản
đối của Trung cộng về hai cuộc tuần tra đầu tiên.
Hiện giờ chưa rõ thời điểm của cuộc tuần tra
thứ ba này, cũng như chiếm hạm nào sẽ tuần tra vào khu vực 12 hải lý chung
quanh một đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Dù vậy giới chuyên gia nhận định là chuyến tuần
tra sắp tới sẽ có thể gần đá Vành Khăn ( Mischief Reef ), nơi mà Trung cộng
tiến hành bồi dựng thành đảo vào năm 2014. Trên đó có một trong ba phi đạo mà
Bắc Kinh cho tiến hành xây dựng trên những đảo nhân tạo mà họ bồi đắp nên tại
Trường Sa trong thời gian gần đây.
Hiện nay Hải đoàn Hạm đội Xung Kích USS
Stennis đang hoạt động tại Biển Đông; tuy nhiên nguồn tin của Reuters nói
chuyến tuần tra thứ ba sắp được tiến hành sẽ do một tàu nhỏ hơn thực hiện.
Tin tức về chuyến tuần tra thứ ba của hải
quân Hoa Kỳ được đưa ra chỉ một ngày sau khi tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có
cuộc gặp với chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tại thượng đỉnh an toàn hạt nhân
ở Washington DC.
Trong cuộc gặp gỡ tổng thống Barack Obama Tập
Cận Bình cho biết là không chấp nhận bất kỳ hành động nào mà theo Bắc Kinh là
vi phạm chủ quyền của nước khác. Tập Cận Bình nhấn mạnh là Trung cộng « tôn
trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không » ở Biển Đông, nhưng sẽ
không chấp nhận việc lấy cớ tự do hàng hải « để xâm phạm chủ quyền và
các lợi ích an ninh quốc gia của Trung cộng ».
Cũng hôm qua (3/4/2016), phát ngôn nhân Hồng
Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung cộng nói với hãng thông tấn Reuters là Bắc Kinh
phản đối bất kỳ hành động tuần tra nào như thế.
Theo
tin RFI, RFA
Cuộc thao dượt quân sự Mỹ-Phi bắt đầu với sự tham gia của Nhật, Úc
Trung tướng John Toolan, chỉ huy lực lượng Hải quân Hoa
Kỳ ở Thái Bình Dương nói chuyện với Phó Đô đốc Phi Luật Tân Alexander Lopez sau
lễ khai mạc cuộc thao dượt quân sự chung hàng năm Balikatan 2016 tại Trại
Aguinaldo,
Cuộc
thao dượt quân sự chung hàng năm giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ đang diễn ra với
sự tham gia lần đầu của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản trong tư cách quan sát viên.
Theo tường thuật của thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tại Manila,
cuộc diễn tập này còn có sự tham gia của gần 100 binh sĩ Úc trong một số hoạt
động đặc biệt.
Cuộc
tập trận chung Mỹ-Phi năm nay có sự tham gia lần đầu của các nước đối tác của Phi
Luật Tân trong khu vực, những nước lâu nay vẫn thường bày tỏ lo ngại về các
hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông. Tuy nhiên, các giới chức ở Manila nói
rằng cuộc thao dượt này không nhắm vào bất kỳ nước nào.
Viên
chỉ huy của Phi Luật Tân trong cuộc thao dượt, Phó Đô đốc Alexander Lopez, phát
biểu như sau tại cuộc họp báo sau buỗi lễ khai mạc.
"Nhưng cuộc thao dượt này không có mục đích
đó. Không có mục đích đó. Xin quí vị tin chúng tôi. Mục đích thật sự của chúng
tôi là tăng cường khả năng. Quân đội Phi Luật Tân là quân đội có ít khả năng
nhất trong khu vực và Hoa Kỳ là một người anh lớn đang giúp đỡ cho chúng tôi
rất nhiều."
Ông
Lopez nói thêm rằng Manila hoan nghênh cơ hội được huấn luyện với những kỹ
thuật tiên tiến của Mỹ.
Trung
tướng Thuỷ quân Lục chiến Mỹ John Toolan, người chỉ huy lực lượng Mỹ trong cuộc
thao dượt, nói rằng Washington muốn thấy ổn định trong khu vực, bao gồm việc
ngăn chận một vụ khủng hoảng ở Biển Đông. Ông cho biết biết được những gì xảy
ra ở vùng biển này là một mục tiêu hết sức quan trọng của cuộc thao dượt.
"Chúng tôi không có được một bức tranh rõ
ràng về những gì xảy ra trên biển một cách liên tục 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi
tuần. Cho nên chúng tôi đầu tư vào một số trang thiết bị, một số hệ thống ra
đa… nhưng chúng tôi phải có khả năng đó để bảo đảm là chúng tôi có được một bức
tranh rõ ràng."
Binh sĩ thủy quân lục chiến Phi Luật Tân trong cuộc tập
trận tấn công đổ bộ trên bãi biển với thủy quân lục chiến Mỹ.
Các
giới chức Phi Luật Tân và Hoa Kỳ cho biết họ cũng muốn tăng cường khả năng ứng
phó với thiên tai.
Quân
đội Phi Luật Tân cho biết khoảng 8.500 binh sĩ của Phi Luật Tân và Hoa Kỳ đang
tham gia cuộc thao dượt có tên Balikatan, có nghĩa là “sát cánh với nhau”. Họ
nói rằng từ 80 đến 95 binh sĩ Úc sẽ tham gia các hoạt động diễn tập đặc biệt
lần đầu tiên. Và toán quan sát của Nhật sẽ gồm có 8 viên sĩ quan.
Thiếu
tướng Rodolfo Santiago, Phó chỉ huy trưởng của Phi Luật Tân trong cuộc thao
dượt, nói rằng các binh sĩ trong cuộc thao dượt đặc biệt có sự tham gia của Úc
sẽ tập luyện cách thức bảo vệ một giàn khoan dầu. Tuy không nói rõ trong vùng
biển nào, nhưng ông xác nhận là cuộc tập trận đó không diễn ra tại địa điểm
khai thác khí đốt duy nhất của Phi Luật Tân ở Biển Đông.
Phi
Luật Tân, Brunei, Mã Lai, Đài Loan và Việt Nam có những yêu sách chủ quyền
chồng chéo nhau trong vùng biển có nhiều tài nguyên và là hải lộ quan trọng của
thương mại thế giới. Trung cộng nói rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi”
đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.
Năm
2013, Phi Luật Tân nộp đơn kiện Trung cộng tại toà trọng tài Liên Hiệp Quốc để
thách thức điều mà họ cho là “những yêu sách chủ quyền quá đáng” của Bắc Kinh ở
Biển Đông. Trung cộng bác bỏ đề nghị trọng tài và không tham gia vụ kiện. Phán
quyết về vụ án dự kiến sẽ được loan báo trong vài tháng tới đây.
Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đứng trên
boong tàu khu trục Izumo.
Nhật
Bản không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp với Trung cộng
về chủ quyền một quần đảo không người ở ở Biển Hoa Đông và họ tiếp tục bay vào
không phận mà Trung cộng tự ý tuyên bố là Vùng nhận dạng Phòng không.
Trong
vài tháng qua, Úc đã lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn để ủng hộ vụ kiện trọng tài
và những hoạt động khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông. Các giới chức quốc
phòng Úc cũng cho biết có sự gia tăng của những lời cảnh báo của Trung cộng đối
với các máy bay quân sự của Úc bay qua những hòn đảo nhân tạo.
Ông
Richard Heydarian, một nhà phân tích
địa chính trị của Đại học De LaSalle ở Manila, cho biết sự
can dự nhiều hơn của Nhật Bản và Úc ở Biển Đông là để chuẩn bị cho phán quyết
của toà trọng tài.
Các
nhà phân tích cho rằng phán quyết đó có phần chắc sẽ có lợi cho Phi Luật Tân,
và ông Heydarian nói việc chấp hành quyết định đó sẽ rơi vào tay những nước có
khả năng nhiều nhất để giám sát khu vực có tranh chấp.
"Tín hiệu cho Trung cộng thật là rõ ràng. Đó là phần còn lại của
khu vực, Hoa
Kỳ và các nước đồng minh đang chuẩn bị cho bất kỳ tình huống bất trắc nào. Và Phi Luật Tân, nước có
quan hệ xấu nhất với Trung cộng trong khu vực, cũng đang nhận được sự giúp đỡ
tối đa từ Hoa Kỳ và những nước đồng minh quan trọng như Úc và Nhật Bản."
Các
giới chức cho biết một hệ thống phóng hỏa tiễn dễ di chuyển có thể bắn đi các
loại phi đạn địa đối không và địa đối địa sẽ được thử nghiệm trong cuộc thao
dượt năm nay, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đến dự khán cuộc tập trận khi ông
đến thăm Phi Luật Tân vào tuần sau.
Cuộc
diễn tập này sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng tư.
Simone
Orendain (VOA)
Lần đầu tiên Việt Nam loan báo bắt giữ tàu Trung cộng xâm phạm Vịnh Bắc Bộ
Lực
lượng Biên Phòng Hải Phòng bắt giữ tàu Quỳnh Dương Phổ số hiệu 13056, quốc
tịch Trung cộng, xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Courtesy of
baodatviet.vn
Hải quân biên phòng Hải Phòng hôm 02/04/2016
loan báo trong 17 ngày tuần tra trên biển đã xua đuổi 112 lượt tàu cá của Trung
cộng ra khỏi hải phận của Việt Nam, đồng thời bắt giữ một tàu chở cả trăm ngàn
lít dầu di chuyển trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam tại vịnh bắc Bộ.
Những bài báo được phổ biến trong ngày hôm
nay nhắc lại chiếc tàu dầu của Trung cộng bị bắt giữ hôm 31 tháng Ba vừa rồi,
lúc đang di chuyển ở vùng biển của Việt Nam ở khu vực phía Tây Nam đảo Bạch
Long Vĩ.
Đây
là lần đầu tiên Việt Nam bắt tàu Trung cộng và thông báo công khai - một sự
kiện đặc biệt nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi lâu nay ngư dân Việt hành
nghề trên biển thường xuyên bị tàu Trung cộng tấn công.
Chiếc
tàu trên đây mang số hiệu 13056, có ba thuyền viên đều là người Trung cộng,
xuất phát từ đảo Hải Nam, chở theo trên 100.000 lít dầu DO. Tàu bị phát hiện
vào chiều ngày 31/3 ở cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía tây
nam huyện đảo Bạch Long Vĩ, có nghĩa là xâm nhập sâu vào vùng biển thuộc chủ
quyền của Việt Nam. Tàu này đã bị dẫn giải về bến Bạch Đằng, Hải Phòng để tiếp
tục điều tra.
Tin tức từ báo chí cho biết sau khi bị bắt,
thuyền trưởng Đàm Thủy Dương của chiếc tàu dầu Trung cộng khai là lấy dầu từ
đảo Hải Nam, sau đó xâm nhập vào hải phận Việt Nam để tiếp tế nhiên liệu cho
những chiếc tàu cá Trung cộng đang đánh bắt thủy sản bất hợp pháp trong hải
phận của Việt Nam. Báo chí còn cho biết thêm, lâu nay đối với những tàu đánh cá
Trung cộng xâm phạm chủ quyền, mắc các lỗi như không treo cờ, không nhật ký
đánh bắt, không giấy tờ tùy thân, chứng chỉ hành nghề, không đăng kiểm thì biên
phòng Việt Nam chỉ lập biên bản cảnh cáo và phóng thích ngay trên biển. Riêng
chiếc tàu chở dầu này do mắc quá nhiều lỗi nên phải bắt giữ.
Các
báo Wall Street Journal (Mỹ) và Nikkei Asian Review (Nhật) đã đưa lại tin này,
và nhận xét đây là sự kiện hiếm hoi. Các nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam
cũng tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin Việt Nam bắt tàu Trung cộng xâm nhập.Bộ
chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng từ chối trả lời chúng tôi. Đến nay chưa có
phản ứng chính thức nào, cả từ phía Việt Nam lẫn Trung cộng.
Sức ép dư luận trước mối đe dọa Bắc Kinh
Một tàu hải cảnh Trung cộng gần một tàu của cảnh sát biển
Việt Nam trên Biển Đông ngày 14/05/2014.REUTERS/Nguyen Minh/Files
Dư
luận chú ý đến lời tuyên thệ khi nhậm chức tân chủ tịch nước Trần Đại Quang,
trong đó có việc « bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ».
Tại nghị trường Quốc Hội khóa 13 trong kỳ họp cuối lần này, nhiều đại biểu đã
thẳng thắn nêu ra vấn đề Biển Đông đang căng thẳng trước mối đe dọa từ Trung
cộng.
Đại
biểu Lê Văn Lai đòi hỏi chính phủ phải đánh giá đúng về tình hình Biển Đông để
có quyết sách phù hợp. Ông tỏ ra ngạc nhiên « trong khi người ta xây sân
bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép ngư dân… » thì tất cả các
báo cáo đều cho rằng « đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia ». Đại biểu
Vũ Công Tiến nêu ra « bài học nhãn tiền » là năm 1974 mất Hoàng Sa vì nhiều lý
do, trong đó có việc « tin bạn mất bò ». Riêng đại biểu Trương Trọng
Nghĩa đã làm dậy sóng dư luận trên báo chí và mạng xã hội, khi nhắc nhở cần xác
định bạn, thù ; với câu ví von « Nỏ thần chớ để sa tay giặc, Mất cả đất
liền, cả biển sâu ».
Trước
đó, Cục Hải Sự Trung cộng ngày 25/3 ra thông báo sẽ đưa giàn khoan Hải Dương
Thạch Du 943 ra hoạt động tại vị trí nằm trong khu vực chồng lấn chưa được phân
định giữa Việt Nam và Trung cộng ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Người ta cũng quan
tâm đến chuyến thăm Việt Nam bốn ngày từ 27 đến 31/3 của bộ trưởng Quốc Phòng Trung
cộng Thường Vạn Toàn.
Tin RFI, RFA
Nam Dương yêu cầu Trung cộng
giao nộp một tàu cá
Hai tàu đánh cá nước ngoài
xâm phạm chủ quyền bị hải quân Nam Dương phá hủy.
Ảnh : Reuters/Antara
Foto/Izaac Mulyawan (21.12.2014)
Hôm qua,
01/04/2016, Nam Dương đã yêu cầu Bắc Kinh giao nộp một tàu đánh cá mà Jakarta
cho là đã hoạt động trái phép trên vùng biển của Nam Dương. Jakarta tuyên bố là
các nước lớn không được « ức hiếp » các nước nhỏ.
Một tàu tuần
duyên của Nam Dương đã tìm cách bắt giữ một tàu cá của Trung cộng, mà họ cho là
đã hoạt động trái phép trên vùng biển của Nam Dương. Nhưng khi tuần duyên Nam
Dương kéo tàu này về bờ, thì lực lượng hải cảnh Trung cộng xuất hiện và giải
thoát cho chiếc tàu cá bị bắt. Trước khi tàu cá này được giải thoát, phía Nam
Dương đã bắt giữ được 8 thuyền viên Trung cộng.
Hôm qua, bộ
trưởng Ngư Nghiệp Nam Dương Susi Pudjiastuti đã yêu cầu Bắc Kinh giao nộp tàu
cá nói trên cho Jakarta. Trả lời hãng tin AFP, bà Susi Pudjiastuti cho rằng
những nước lớn « không được quyền bắt nạt các nước nhỏ ».
Đây là diễn
tiến mới nhất trong cuộc đối đầu công khai giữa hai quốc gia, bắt đầu từ cách
đây hai tuần khi tàu hai nước đụng độ nhau ở khu vực gần quần đảo Natuna.
Nam Dương
không có tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng trên Biển Đông, nhưng vẫn phản đối
lằn ranh của vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, vì lằn ranh này chồng
lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương ở phía bắc quần đảo Natuna. Cho
tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định là tàu cá của họ hoạt động tại « ngư trường
truyền thống Trung cộng », nhưng phía Jakarta đã bác bỏ điều này, nói rằng đó
là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trong khuôn
khổ chiến dịch chống nạn đánh cá trái phép, chính quyền Jakarta đã thu giữ 200
tàu cá ngoại quốc và đã cho nổ chìm nhiều tàu trong số này, sau khi đã dời các
thuyền viên đi.