26.04.2016

Đừng thờ ơ với chính trị

Đừng thờ ơ với chính trị
Kính Hòa (RFA)

Giám Đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde (phải) chụp hình với các bạn trẻ Hà Nội ăn trưa trên đường phố hôm 16/3/2016.  AFP photo

Thất bại và thành công của một phong trào
Phong trào tự ứng cử kết thúc, đại đa số các ứng cử viên độc lập đã bị loại.
Ông Trần Đăng Tuấn, một ứng cử viên độc lập có uy tín và nhiều hy vọng nhất, , người từng giữ chức vụ cao trong Đài truyền hình Việt nam, một người hoạt động rất mạnh mẽ cho trẻ em nghèo, cũng bị loại.
Một quan chức của Mặt trận tổ quốc, bà Lê Thị Kim Oanh, giải thích trường hợp bị loại của ông Tuấn bằng một câu rất hình tượng đó là So bó đũa, chọn cột cờ.

Blogger Đồng Phụng Việt giải thích câu nói của bà Oanh một cách trào phúng như sau:
Giải thích theo kiểu bà Oanh thì ông Tuấn bị loại vì ông không được Đảng, cũng như Nhà nước của Đảng giới thiệu – nôm na, ông Tuấn không phải “cột cờ”.
Thứ “cột cờ” mà Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chọn theo chỉ đạo không giống loại “cột cờ” mà đa số người Việt mong mỏi và muốn có.
Với Đảng và Nhà nước của Đảng, “cột cờ” chỉ có thể phất phới cờ đỏ búa liềm, bảo vệ tham vọng “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” của mình.
Theo tiêu chí đó, những thứ cột khác, dẫu có cao, vững song nếu chỉ treo ý thức trách nhiệm đối với xứ sở, với dân tộc, khuyến khích – phát triển lòng nhân ái, nghĩa đồng bào chỉ là… “đũa”.
Dầu thất bại, nhưng đa số các blogger quan tâm đến phong trào tự ứng cử đều cho rằng phong trào này tạo được một diễn biến rất tích cực. Tác giả Siêu Hình viết về các ứng cử viên độc lập trên trang Dân luận:
Nếu như họ có thể trở thành đại biểu quốc hội thì đó là niềm vui lớn nhưng nếu không thành công thì hiệu ứng xã hội từ những công việc của họ để lại cũng rất lớn, thật sự là họ cũng đã chứng tỏ với xã hội rằng đã có những người tự giác, đã băn khoăn với thời cuộc, dám đứng lên để thực hiện những dự án phục vụ xã hội, đất nước thông qua lĩnh vực chính trị mà lại là của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của một thiết chế quyền lực duy nhất mà ở đó có sự tập trung quyền lực cao độ, từng có quá khứ rất chuyên chính.
Blogger, nhà báo Trương Duy Nhất viết rằng Phải biết nhìn ra được những tín hiệu tích cực này, chứ đừng xem đơn thuần trong nghĩa thua cuộc.
Trong những tín hiệu tích cực ấy, blogger Kami cho rằng mục đích chủ yếu của những người tự ra ứng cử đã đạt được:
Phong trào tự ứng cử đã đạt được mục đích của nó, đó là vạch trần sự mất dân chủ trong các cuộc bầu cử tại Việt Nam. Đồng thời khẳng định cho thấy quốc hội Việt Nam chỉ là một công cụ của đảng CS Việt Nam, nhằm hợp thức hóa các nghị quyết của đảng hòng che mắt quốc tế và dân chúng trong nước.
Việc chính quyền tỏ ra cởi mở hơn đối với những người ứng cử đại biểu quốc hội lần này, là một bước tiến lớn đáng ghi nhận. Sự thất bại của hầu hết những người tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa 14 nói chung và những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử không nên coi đó là sự thất bại. Mà coi đó là việc tập dượt trong sinh hoạt chính trị để rút ra các bài học.
Sự cởi mở của chính quyền mà Kami đề cập, theo một số người thì do áp lực của không gian mạng điện tử mà trong đó giới blogger đóng góp một phần không nhỏ. Blogger, nhà báo Đoan Trang hy vọng rằng áp lực đó, sự cởi mở đó sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới. Cô nói với đài Á Châu Tự Do:
Lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy hàng chục người đồng loạt ra tranh cử qua internet và mạng xã hội, có những hoạt động gần gũi hơn, bình dị hơn và đưa chính trị đến gần với dân chúng hơn.
Nếu nhân đà này họ đi tiếp, tiếp tục kêu gọi, vận động đấu tranh để thay đổi cơ chế bầu cử, nâng tầm họ lên, nâng tầm những người tự ứng cử lên, khuyến khích sự tham gia của dân chúng vào chính trị, tức là họ mạnh hơn đủ để gây sức ép lên chính quyền thì lúc đó mới có thể nói là hứa hẹn dân chủ, còn nếu không thì vẫn thế. Tuy nhiên tôi có một niềm tin không biết có ảo tưởng quá không, thì 5 năm nữa, bầu cử tiếp theo sẽ khác nhiều lắm. 5 năm nữa là bầu cử khóa 15.
Khi hỏi rằng sau thất bại lần này, năm năm sắp tới Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sẽ tiếp tục ra tranh cử hay không, ông nói rằng điều đó không phải là điều quan trọng:
Tôi nhắc lại là việc này là một việc nhỏ, trong một loạt những việc đã làm, đang làm và tiếp tục cần làm. Năm năm tới sẽ có nhiều người trẻ ra ứng cử hơn, cái việc của tôi không quan trọng.
Biến động nhân gian
Thanh niên chen nhau tranh giành quả phết tại lễ hội cướp phết ở tỉnh Phú Thọ hôm 20/2/2016. AFP photo

Nếu phong trào tự ứng cử kết thúc và được đa số các blogger xem là một chuyển động tích cực của xã hội, thì trong tuần qua lại vẫn có những sự kiện làm đau lòng người Việt Nam. Xin chọn ra đây hai việc tiêu biểu.
Lễ hội đền Hùng trở thành một cảnh tượng kinh hoàng khi hàng ngàn người chen lấn chà đạp nhau trước con mắt bất lực của hàng trăm nhân viên cảnh sát.
Và thứ hai là câu chuyện người bán hàng rong bị cảnh sát quật ngã chấn thương sọ não.
Về câu chuyện thứ nhất, có blogger theo dõi câu chuyện ấy mà nhớ lại chuyện ở một xứ Bắc Phi xa xôi, cũng chính từ câu chuyện người bán hàng rong bị đàn áp mà đã dẫn đến sự sụp đổ của cả một chế độ. Blogger Người Buôn Gió thấy trong câu chuyện này một hình ảnh của luật rừng:
Phải nhìn theo luật ngầm, luật rừng mới rõ vấn đề cốt lõi ở vụ việc này. Nhìn nhận theo góc độ pháp luật trên văn bản hay nhìn theo tình cảm con người để nhận định vụ việc này chỉ là thầy bói mù xem voi. Bởi đất nước này, trong những chuyện thế này, người ta không ứng xử bằng luật pháp văn bản, không ứng xử với nhau bằng tình cảm con người.
Blogger Song Chi viết tiếp rằng thật là bi thảm khi mà trong xã hội Việt nam từ những người thực thi pháp luật cho đến người dân đen thấp cổ bé họng đều sẳn sàng dùng luật rừng để đối xử với nhau.
Đối với câu chuyện thứ hai, blogger Viết từ Sài Gòn lại cho rằng chuyện dẫm đạp ở Đền Hùng là theo một kiểu rất đặc biệt của hệ thống chính trị Việt Nam, mà blogger này gọi là kiểu Bầy đàn:
Cái tâm lý bầy đàn này nhen nhóm, hình thành và phát triển kể từ khi trẻ em bắt đầu tham gia Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh cho đến lúc tham gia Thanh Niên Đoàn để rồi cố gắng, nỗ lực học điều lệ đảng và để được nhắm đối tượng đảng, được kết nạp đảng. Vô hình trung, đảng trở thành bầy đàn ưu tú, bầy đàn mạnh nhất giữa những bầy đàn bị xô ra khỏi chuồng có nhiều thức ăn và (ngoại trừ những thành phần trí thức, hiểu biết và có phản biện xã hội, có tư duy độc lập, dân chủ) những thành phần không được vào đảng, không được kết nạp vào bầy đàn ưu tú, bầy đàn mạnh nhất thì sẽ tìm cách tồn tại giữa một rừng bất an vì không có chỗ chống lưng.
Hai câu chuyện đáng buồn đó được blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh gọi là những biến động nhân gian của xã hội Việt Nam đương đại. Ông vạch ra sự giống nhau giữa nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay và nhà cầm quyền thời thực dân là hướng cho dân chúng chú ý vào những trò chơi vô bổ mà quên đi những bất công của xã hội mình đang sống, những đe dọa an nguy của chính dân tộc mình. Ông viết tiếp:
Những cuộc biến động nhân gian vui cười không ngớt ấy như đang dẫn dắt khiến người Việt vô tâm hơn, tham lam hơn, ích kỷ hơn, và người Việt không còn biết thương người Việt. Những cuộc biến động nhân gian trình tự đó, một ngày nào đó rồi sẽ dẫn đến một đổi thay khôn lường.
Đừng thờ ơ với chính trị
Một trong những thay đổi khôn lường mà Tuấn Khanh lo lắng, được Nguyễn Quốc Toàn nêu lên, đó là chuyện những người Việt Nam thành đạt bỏ nước ra đi.
Nguyễn Quốc Toàn là một du học sinh, sau nhiều năm ở nước ngoài, ngay những ngày đầu tiên trở lại quê hương ông sửng sốt nhận ra một cuộc di cư mới, không giống như những thuyền nhân cách đây vài chục năm:
Sự khác biệt lớn nhất của cuộc di cư lần này so với những cuộc di cư khác là cuộc di cư lần này không hề vì ý thức hệ. Cuộc di cư lần này được những người tinh hoa nhất, thành đạt nhất dẫn đầu, và được chuẩn bị vô cùng bài bản và công khai. Họ ra đi mang theo số lượng tiền bạc, trí tuệ khổng lồ. Một cuộc chảy máu chất xám và tiền lớn hơn tất cả những cuộc di cư trước cộng lại.
Ông viết tiếp rằng cũng có thể là ông sẽ ra đi với lý do là không muốn để cho con cái của mình phải chịu đựng những điều dối trá đang diễn ra.
Nói một cách công bằng thì những người cộng sản đang nắm quyền ở Việt Nam cũng nhận ra được những biến động nhân gian mà nhạc sĩ Tuấn Khanh nêu ra, trong đó họ cũng lo ngại sự lạm dụng quyền lực trong bộ máy của chính họ, của chính những đồng chí của họ. Một trong những người cộng sản hay đăng đàn phát biểu trong vài năm qua là đương kim Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. Những câu nói của ông thường gây sửng sốt cho các công dân mạng Việt Nam vì tính chất trào lộng rất đặc biệt của chúng.
Gần đây nhất ông nói rằng phải nhốt quyền lực vào cơ chế.
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh trả lời ông rằng ở Việt Nam chỉ có một cơ chế, đó là cơ chế đảng lãnh đạo tuyệt đối, và đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Blogger Song Chi tiếp lời về cơ chế này, về tác hại của nó cho nền công lý:
Ở Việt Nam, dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản, luật pháp đã trở thành trò đùa. Khi cương lĩnh của đảng cộng sản đứng trên cả hiến pháp còn quyền hành của đảng thì bao trùm từ các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp cho tới truyền thông, khi tự do dân chủ cho đến quyền con người đều bị bóp nghẹt, chà đạp, thì làm sao công lý có thể được bảo đảm?
Như một lời tổng kết những tương quan của biến động nhân gian trong xã hội với quyền lực, chuyện mà ông Nguyễn Phú Trọng có mong muốn kiểm soát, blogger Lang Anh đặt câu hỏi và trả lời:
Sự lạm dụng quyền lực đã ăn vào máu của lực lượng hành pháp. Họ hoàn toàn hiền lành trước những tên cướp chuyên nghiệp hoành hành đến mức gây ám ảnh ở mọi con phố Sài Gòn, họ cũng bó tay (vô tình hay cố ý) với những kẻ buôn lậu hoành hành công khai khắp các cung đường, họ cũng bất lực trước dòng công nhân và thương nhân Trung Quốc tràn ngập khắp Việt Nam một cách trái phép, làm mọi thứ, mua lậu mọi thứ và thu thập thông tin về mọi thứ, thậm chí cả việc mua đất xây nhà sát sân bay quân sự. Nhưng họ rất dũng mãnh và thiện chiến khi đối phó với những người dân Việt nghèo chỉ biết cặm cụi kiếm sống hàng ngày. Đâu là căn nguyên???
Không khó để trả lời. Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay là một hệ thống lỗi. Nó không do người dân bầu ra, mà tồn tại dựa trên sự sắp xếp và thống trị của Đảng Cộng Sản. Đảng cho các công bộc của nó quyền lực, đương nhiên những thành phần trong hệ thống ấy sẽ không đặt mục đích phụng sự nhân dân mà chỉ phụng sự Đảng. Để đàn áp người dân, Đảng trao cho các thành phần của nó quyền lực độc tài. Quyền lực không được kiểm soát khiến bộ máy tha hoá rất nhanh. Nạn tham nhũng giờ đây không chỉ bào mòn quốc lực và tiêu biến mọi cơ hội phát triển quốc gia, sự lạm quyền giờ đây đã tiến thêm một bước cao quá mọi giới hạn chịu đựng: Những kẻ đại diện quyền lực nhà nước giờ trực tiếp biến thành tội phạm. Không có gì ngạc nhiên khi sự oan khuất của người dân tăng nhanh theo cấp số mũ theo thời gian.
Những ứng cử viên độc lập trong kỳ bầu cử quốc hội lần này mong muốn sửa đổi hệ thống chính trị ấy. Năm nay họ đã thất bại, nhưng họ vẫn hy vọng rằng họ sẽ thành công, nói như Luật sư Lê Công Định rằng đó là dòng nước mát để có thể dập tắt được lửa. Và họ đã làm theo điều mà blogger Lang Anh kêu gọi là hãy đừng thờ ơ với chính trị, vì chính sự thờ ơ ấy đã làm cho hàng mấy thế hệ người Việt Nam tiếp nối nhau chịu nhiều đớn đau.