„Nhưng tuần trước, tôi
thấy mình thay đổi hẳn suy nghĩ về chuyện xâm mình khi nhìn thấy những hàng chữ
xâm trên cánh tay của một người thanh niên.“
Xâm mình
Bùi
Bảo Trúc
Mấy chi tiết của một bài
học lịch sử học từ hơn nửa thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên trong trí nhớ của
nhiều học sinh tiểu học thời của tôi, đó là từ thời cổ đại, người Việt đã có
tục xâm mình để khi xuống biển đánh cá các loài thủy tộc sợ mà không dám tấn
công. Không chỉ xâm mình mà trên mũi của những chiếc thuyền đánh cá của họ còn
có vẽ những con mắt để loài giao long, thuồng luồng phải tránh xa không dám làm
hại.
Thực ra thì chẳng phải chỉ người Việt Nam, mà luôn cả những dân tộc khác
cũng có tục xâm mình. Người Nhật, người Polynesien, người Hạ Uy Di, người Fiji,
người Samoa, người Maori... cũng biết xâm mình. Ngày nay xâm mình không còn là
cách trang trí thân thể của các dân tộc bán khai, sơ khai nữa, mà luôn cả các
dân tộc văn minh cũng thích xâm mình. Người Mỹ cũng xâm mình và xâm mình rất
đẹp. Nhưng rất nhiều người vẫn còn có những thành kiến không đẹp về xâm mình.
Nhiều người vẫn coi chuyện xâm mình là trò chơi của những thành phần bất hảo,
những băng đảng sống ngoài vòng pháp luật. Một số người khi muốn trở về với xã
hội và đời sống bình thường phải tìm cách xóa đi những hình xâm trên người,
nhất là khi đi tìm việc làm, nhất là những thứ công việc vẫn còn mang nhiều
định kiến không tốt về những hình xâm. Chuyện phá những hình xâm này không dễ
và còn rất tốn tiền. Kỹ thuật laser được sử dụng để làm mờ đi được hình xâm.
Tôi nhận là vẫn chưa thoải mái với những hình xâm, với những người xâm
mình. Nói là tôi không có thiện cảm với họ thì cũng đúng. Nhất là với những phụ
nữ. Đàn ông xâm mình đã dễ sợ rồi, phụ nữ xâm mình thì lại càng dễ sợ hơn. Tôi
viết định kiến hay thành kiến đó là không đúng và nên dẹp bỏ nhưng tôi vẫn chưa
làm được.
Hồi đi trình diện nhập ngũ ở Trung Tâm 3 tôi được thấy rất nhiều hình xâm
và những hàng chữ xâm không tiện nhắc ở đây. Rồi những lần ngồi ở một tiệm nước
cho mấy chú bé đánh giầy thì lại đọc được trên tay của các chú những câu như
“chim non xa tổ,” “xa quê hương nhớ mẹ
hiền”, “ân đền oán trả,” “hận kẻ bạc tình,” “giận đời đen bạc”... Những chú
bé đó đều có những câu chuyện kể về những câu xâm mình đó nghe rất tội nghiệp
nhưng chuyện tôi không thích xâm mình thì vẫn còn nguyên.
Một bức tranh của Norman Rockwell vẽ một anh chàng thủy thủ có cuộc sống
đâu cũng là nhà, mỗi bến một nàng, đang ngồi trong một tiệm tattoo để xâm thêm
một cái tên phụ nữ (mới) cạnh mấy cái tên (cũng phụ nữ) khác vừa được xóa đi
cũng chỉ lại càng làm tôi nghĩ là (nếu khôn ngoan một chút) (thì) không nên xâm
mình chút nào.
Nhưng tuần trước, tôi thấy mình thay đổi hẳn suy nghĩ về chuyện xâm mình
khi nhìn thấy những hàng chữ xâm trên cánh tay của một người thanh niên. Người
này cũng đã từng vào tù ra khám một hai lần. Hệt như Mike Tyson vào tù thì chưa
có cái hình xâm nào trên người nhưng khi ra khỏi tù thì người đàn ông vô địch
quyền Anh hạng nặng này có một hình xâm dễ sợ trên mặt và một hình xâm Mao
Trạch Đông trên ngực. Mike Tyson đã cho xâm những thứ ấy trong khi đang ở tù.
Để nguyên Mike Tyson đã là một người dễ sợ rồi, nay thêm vài ba hình xâm trên
người thì lại càng dễ sợ hơn.
Người thanh niên mà tôi vừa nhắc kể trên tên là Nguyễn Viết Dũng trong khi
ở trong tù đã nhờ xâm một hàng chữ Anh và một hàng chữ Việt trên cánh tay trái.
Hàng trên nguyên văn: Governments should be afraid of their people. Đây là câu của Alan
Moore, một nhà văn người Anh: chính phủ phải sợ người dân. Người dân không
nên sợ chính phủ. Chính phủ là công bộc, người dân là chủ. Đầy tớ thì phải sợ
chủ. Chủ không phải sợ đầy tớ. Như vậy mới là dân chủ. Không có thừ dân chủ nào
mà người dân phải sợ nhà nước. Nhưng ở Việt Nam thì nhà cầm quyền vẫn ngồi lên
đầu lên cổ người dân. Nguyên tắc dân chủ được gói trong hàng chữ xâm trên tay
của Nguyễn Viết Dũng, người thanh niên vừa ra khỏi nhà tù sau hơn một năm bị
giam. Hàng chữ này được xâm trong khi Dũng đang ngồi tù. Đó là một việc làm can
đảm của một thanh niên chủ trương rõ ràng: Nhà nước phải sợ người dân. Dũng đã
không hề tỏ ra khiếp sợ nhà nước. Thích treo cờ Việt Nam Cộng Hòa thì Dũng treo
một lá cờ ngay trên nóc nhà của mình. Thích quân lực Việt Nam Cộng Hòa thì anh
kiếm cái field jacket của lính dù có đính cả phù hiệu của nhảy dù mặc vào xuống
đường đi biểu tình ở Hà Nội. Thích cái phù hiệu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa
thì người thanh niên này kiếm mấy cái t-shirt gắn phù hiệu con ó có nền là cờ
Việt Nam Cộng Hòa cùng mấy người bạn biểu tình ở bờ hồ Hoàn Kiếm.
Những việc làm ấy của Dũng đã
thể hiện đúng ý nghĩa của câu tiếng Anh mà Dũng xâm trên cánh tay trong lúc
đang ở tù.
Và dưới hàng chữ tiếng Anh là
hai chữ SÁT CỘNG rất lớn, lớn hơn hàng chữ tiếng Anh. Hàng chữ lớn và dễ đọc, không thèm che
dấu bất cứ ai. Muốn đọc thì đọc đi.
Mùa nực mặc chemisette ngắn
tay hay chemise dài tay xắn lên một chút là để các anh công an đọc cho dễ.
Ôi sao mà trò xâm mình lại hay
đến là như thế. Thành ngữ “xâm mình” lại càng rõ nghĩa trong trường hợp mấy
dòng xâm trên cánh tay của Dũng: Liều mạng và không sợ bất cứ một thứ gì trên
đời này.
Đúng là ... xâm mình!