„…chính quyền hoàn toàn không minh bạch.“
Dân cần minh bạch
Nguyễn
Hưng Quốc
Người dân tọa kháng
trước UBND TP Hà Nội.
Trong các cuộc biểu tình liên quan đến môi trường trong mấy tuần vừa qua,
có nhiều biểu ngữ, nhưng biểu ngữ tôi cho là gọn và hay nhất là câu “Cá cần biển sạch, dân cần minh bạch”.
Hay vì nó thể hiện đúng bản chất vấn đề khiến nhiều người nhức nhối nhất hiện
nay: việc cá chết hàng loạt, thoạt đầu, từ bốn tỉnh miền Trung, Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, sau, có vẻ lan rộng tới tận Đà Nẵng và
rồi, tới Thanh Hoá ở phía Bắc và Ninh Thuận ở phía Nam. Ở đâu cũng có cá chết.
Cá chết ngoài biển. Cá chết trong hồ nuôi. Việc cá chết như vậy khiến người dân
không dám ăn cá và các loại hải sản khác. Dân không dám ăn, ngành ngư nghiệp
cũng như ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến vấn đề sức
khoẻ của người dân. Cẩn thận mấy cũng không được.
Nhiều người, vì tham, lấy cá chết để làm mắm: mắm bị nhiễm độc. Làm muối,
phải lấy nước biển, khi nước biển bị nhiễm độc, muối cũng bị nhiễm độc theo.
Tránh ăn cá, nhưng làm sao tránh được nước mắm và muối? Mà nước mắm và muối thì
được chở đi bán khắp nơi. Hậu quả là không ở đâu thực sự an toàn cả. Bởi vậy,
không có gì đáng ngạc nhiên khi dân chúng khắp nơi quan tâm và hết sức lo lắng.
Đó là vấn đề của cả nước chứ không phải chỉ của những người dân ở miền Trung.
Gắn
liền với việc cá chết hàng loạt là vấn đề tính minh bạch của chính quyền. Vụ cá chết bắt đầu từ
đầu tháng 4, đến nay, đã một tháng rưỡi trôi qua, chính quyền, từ địa phương
đến trung ương, sau vài phát biểu ú ớ và qua quít, đều im lặng. Mọi người đều
biết rõ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do nước biển bị ô nhiễm. Tuy
nhiên, ai làm ô nhiễm và mức độ ô nhiễm như thế nào thì không ai công bố cả.
Khi nguyên nhân không được tra cứu, người ta cũng không đưa ra được bất cứ một
phương án nào để giải quyết vấn đề.
Chính quyền không những im lặng, họ còn ra lệnh cho báo chí im lặng theo:
Chuyện cá chết trắng bờ ở nhiều tỉnh trở thành một đề tài cấm kỵ trên các
phương tiện truyền thông đại chúng chính thống. Mới đây, báo Thế giới
Tiếp thị ở Sài Gòn vì đăng hai bài về hiện tượng cá chết liền bị Cục
Báo chí phạt 140 triệu đồng và đình bản trong ba tháng. Lấy lý do là không muốn
làm dân chúng hoang mang lo sợ, người ta hoàn toàn né tránh việc đề cập đến
thảm hoạ cá chết. Nhưng đó không phải là giải pháp: ở đâu dân chúng cũng bàn
tán xôn xao. Cứ vào facebook thì thấy: những hình ảnh và những tin tức liên
quan đến cá chết nhan nhản.
Tất cả những sự kiện trên đều cho thấy một điều: chính quyền hoàn toàn không minh bạch.
Sự
thiếu minh bạch ấy là một sự vi phạm đối với quyền làm người. Làm người, ai cũng có
nhu cầu muốn biết. Nhu cầu ấy càng chính đáng và tha thiết khi vấn đề mà người
ta muốn biết liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ.
Sự
thiếu minh bạch ấy cũng là một sự vi phạm đối với một trong những cái quyền căn
bản nhất của công dân. Ở phương Tây, người ta quan niệm rất rõ: Tất cả mọi viên chức nhà nước,
ngay cả những người lãnh đạo cao nhất, đều được trả lương từ tiền thuế của dân
chúng, do đó, họ có bổn phận phải cung cấp thông tin cho dân chúng về mọi hoạt
động của họ, đặc biệt những hoạt động liên quan đến cuộc sống của mọi người. Mà
ở Việt Nam hiện nay, không có vấn đề nào quan trọng cho bằng việc môi trường bị
huỷ hoại đến độ tôm cá cũng không thể sống nổi: Nó ảnh hưởng không phải chỉ đối
với thế hệ hiện nay mà còn đến nhiều thế hệ mai sau.
Việc
thiếu minh bạch ấy cũng cho thấy chính quyền Việt Nam hiện nay hoàn toàn không
dân chủ. Dân chủ có nhiều biểu hiện, nhưng một trong những biểu hiện quan trọng
nhất là tính minh bạch. Việt Nam hay nói “chính quyền của dân, do dân và vì
dân”, nhưng không có một chính quyền nào thực sự “của dân” nếu thiếu sự minh
bạch. Để có thể tham gia vào chính sự, hay đơn giản hơn, để có thể bỏ phiếu
đúng, hay đơn giản hơn nữa, để có thể giám sát chính quyền, một trong các quyền
căn bản của người dân, người ta cần phải biết chính quyền đang làm gì. Tính
minh bạch (transparency) là điều kiện đầu tiên của tính khả kiểm
(accountability). Cả tính minh bạch và tính khả kiểm là những tiền đề của dân
chủ.
Việc
thiếu minh bạch ấy tất yếu dẫn đến hệ quả là dân chúng không thể tin vào chính
quyền. Một số nhà lãnh đạo rủ nhau ra biển tắm và rủ nhau ăn cá biển để dân
chúng an tâm: Dân chúng vẫn không an tâm. Chính quyền cấp giấy chứng nhận hải
sản sạch cho những lô cá được đánh bắt từ khơi xa để dân chúng tin cậy: Dân
chúng vẫn không tin cậy. Cho đến nay, mọi người, nhất là những người ở miền
Trung, vẫn không dám ăn cá. Người ta đưa ra một yêu sách chính đáng: cho biết
mức độ ô nhiễm thực sự của nước biển.
Mà không phải bây giờ. Chính quyền Việt Nam lâu nay vẫn được xây dựng trên sự
mờ ám, ở đó, mọi vấn đề có thể gây khó khăn cho họ đều bị xem là “bí mật quốc
gia”. Các phương tiện truyền thông đại chúng luôn luôn bị kiểm duyệt một cách
nghiêm ngặt và các giới chức trong chính quyền thì lại không có thói quen tổ
chức họp báo để trả lời những thắc mắc của dân chúng. Khi lên tiếng, người ta
chỉ nói những điều dối trá. Báo chí nhan nhản những điều dối trá. Nghe mãi
những lời dối trá ấy, người dân không còn tin vào chính quyền nữa. Câu “đừng nghe những gì Cộng
sản nói” càng ngày càng phổ biến. Như một khẩu hiệu.
Một chế độ không được dân chúng tin cậy
không sớm thì muộn chắc chắn sẽ bị sụp đổ.
(bài
đăng trên trang VOA tiếng Việt)