13.05.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 13.05.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 13.05.2016) 
Tướng Trung cộng: Mỹ, Trung cộng cần lập cơ chế về Biển Đông
Tướng Phòng Phong Huy - Ủy viên Quân ủy Trung ương Trung cộng.

Tân Hoa Xã hôm 13/5 đưa tin Tướng Phòng Phong Huy, Ủy viên Quân ủy Trung ương Trung cộng, đã hội đàm qua đường truyền video hôm 12/5 với Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Tướng Phòng nói với Tướng Dunford rằng Trung cộng và Mỹ cần quản lý một cách có tính xây dựng đối với những khác biệt về các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.

Phòng Phong Huy nói hai bên cần “hạn chế những hành động có hại cho quan hệ giữa hai nước và hai quân đội”. Ông cũng nói Trung cộng không có lỗi trong các căng thẳng với Mỹ ở Biển Đông.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã trích dẫn Tướng Dunford nói rằng ông kêu gọi kiềm chế ở vùng biển, đồng thời nói Mỹ sẵn sàng làm việc với Trung cộng để thiết lập “một cơ chế hiệu quả về kiểm soát rủi ro nhằm duy trì ổn định ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình”.
Cuộc hội đàm về Biển Đông đã diễn ra vào lúc căng thăng tăng cao giữa Mỹ và Trung cộng, và ngay sau một cuộc đấu khẩu gay gắt về việc một khu trục hạm Mỹ hôm 11/5 tiến hành hành quân tự do hàng hải gần một đảo nhân tạo do Trung cộng kiểm soát.
Hai nước cáo buộc lẫn nhau là quân sự hóa Biển Đông, khi Trung cộng ồ ạt cải tạo các thực thể còn đang trong vòng tranh chấp với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, trong khi Mỹ đã gia tăng các cuộc tuần tiễu và thao dượt.
Biển Đông có các tuyến hàng hải chuyên chở hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ đôla đi qua hàng năm, cũng là nơi có những tranh chấp lãnh thổ gay gắt giữa Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai và Brunei.
Theo Reuters, ABC News. (VOA)

Trung cộng lưu ý : Quan hệ Việt-Mỹ nên có lợi cho hòa bình khu vực


Không ảnh Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, nơi đang xảy ra tranh chấp lãnh hải giữa Trung cộng với các nước trong khu vực.U.S. Navy/Handout via Reuters/File
Trong bối cảnh Washington đang cân nhắc khả năng giải tỏa hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Bắc Kinh hôm nay 13/05/2016 đã có những lời lẽ rất hòa dịu. Trung cộng tuyên bố "vui mừng" trước đà bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt, nhưng bày tỏ thêm "hy vọng" là quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ "có lợi" cho hòa bình khu vực. 
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, trả lời câu hỏi về khả năng Mỹ có thể bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Lục Khảng đã cho biết ngắn gọn :
« Theo quan điểm của chính quyền Trung cộng, chúng tôi vui mừng khi thấy Việt Nam phát triển quan hệ bình thường với quốc gia có liên can… Chúng tôi cũng hy vọng mối quan hệ đó có thể mang lại lợi ích cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực ».
Bắc Kinh đã có lời lưu ý trên đây vào lúc giới quan sát ghi nhận một cuộc tranh luận đang diễn ra tại Hoa Kỳ về việc nên hay không nên giải tỏa hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam nhân dịp tổng thống Mỹ Barack Obama công du Việt Nam vào hạ tuần tháng Năm này.
Việt Nam đã công khai tuyên bố sẽ hoan nghênh việc Hoa Kỳ "tăng tốc" thực hiện việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, cho rằng điều đó sẽ phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.
Hoa Kỳ đã ban hành cấm vận vũ khí đối với Việt Nam từ ba thập niên trước đây, và phải chờ đến năm 2014 thì mới giảm nhẹ lênh cấm này. Trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ mối quan ngại trước đà bành trướng của Trung cộng tại Biển Đông, vấn đề cởi bỏ ràng buộc để Việt Nam có thêm phương tiện tự vệ đã càng lúc càng được đặt ra.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tăng cường đáng kể năng lực quân sự của mình vào lúc Trung cộng đẩy mạnh việc củng cố các tiền đồn của họ trên Biển Đông. Giới phân tích cho rằng nếu được giải tỏa cấm vận vũ khí, tiềm năng răn đe của Việt Nam sẽ được nâng cao nhờ vào các phương tiện mua của Mỹ.
Trọng Nghĩa (RFI)


 Dân Phi Luật TânTố Ngư Dân Tàu Cộng Đổ Hóa Chất Đầu Độc Biển Đông


Chuyện cá chết hàng loạt ở tỉnh Quảng Bình Việt Nam được cho là có "kẻ thứ 3" nhúng tay đầu độc biển không phải là hoàn toàn không có lý với hậu thuẫn qua bản tin hôm Thứ Ba của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) về việc người dân Phi Luật Tân tố cáo Trung cộng đổ hóa chất độc xuống Biển Đông.

Bản tin VOA viết rằng, "Một nhóm thanh niên có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Phi Luật Tân cáo buộc chính phủ Trung cộng đầu độc một khu vực rộng lớn ở Biển Đông để ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân và các nước khác được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên biển, nhằm củng cố quyền kiểm soát khu vực.

"Phong trào Kalayaan Atin Ito (KAI) mô tả mục tiêu của họ là tập hợp "10.000 tình nguyện viên tham gia với chúng tôi trong một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại sự hung hăng và xây dựng đảo nhân tạo, căn cứ quân sự bất hợp pháp của Trung cộng ở các rạn san hô tại Biển Tây Phi Luật Tân"
(Việt Nam gọi là Biển Đông).

"Nhóm KAI cáo buộc rằng họ đã tìm thấy bằng chứng các tàu đánh cá Trung cộng đổ hóa chất xuống biển gần quần đảo Trường Sa để gây hại đến ngành công nghiệp đánh bắt cá ở Palawan, hòn đảo của Phi Luật Tân gần vùng biển tranh chấp.

"Nhóm này cho biết trong một bài đăng trên trang Facebook: "Khi chúng tôi ở đó vào năm ngoái, người dân khẳng định với chúng tôi rằng tàu Trung cộng thường xuyên thả hóa chất để tiêu diệt các loài san hô và sinh vật biển".
"


Vụ kiện Biển Đông : Một tổ chức luật của Đài Loan nhập cuộc

 

Đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát ở Trường Sa. Ảnh chụp từ trên không ngày 23/03/2016.Reuters
Theo Reuters, hôm nay 10/05/2016, một tổ chức luật của Đài Loan, có quan điểm gần với chính quyền Đài Bắc, đã gửi tài liệu đến Tòa Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye. Đây là tòa án đang xử vụ Phi Luật Tân kiện các yêu sách chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông. Nhiều nhà quan sát ghi nhận, quan điểm của tổ chức nói trên có thể ảnh hưởng đến phán quyết của tòa, chỉ ít tuần trước thời hạn ra phán quyết chính thức.
Hồi tháng trước, các thẩm phán đã nhận được hồ sơ của Society International Law, một tổ chức có liên hệ mật thiết với chính quyền Đài Bắc. Theo một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, sau khi nghiên cứu hàng trăm trang tài liệu, các thẩm phán đã yêu cầu Bắc Kinh và Manila gửi thông tin bổ sung, cho dù Đài Loan không phải là quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, hay tham gia ký kết Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Trả lời Reuters, người phát ngôn của tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) cho biết, tổ chức tư nhân đệ nạp hồ sơ nói trên không nhân danh chính phủ Đài Loan, nhưng lập trường của Society International Law không xa với lập trường chính thức của Đài Bắc. Ông Mã Anh Cửu từng đứng đầu tổ chức này.
Trong văn bản gửi đến Tòa Trọng Tài Thường Trực, tổ chức Đài Loan dẫn lại nhiều báo cáo, thông cáo của chính quyền Đài Bắc, theo đó, đảo Ba Bình (Itu Aba hay Thái Bình) do Đài Loan kiểm soát, cần được coi là một hòn đảo có người sinh sống và có đời sống kinh tế độc lập, vì vậy cần phải được hưởng quy chế đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ), theo UNCLOS.
Đây chính là điều mà Phi Luật Tân hoàn toàn bác bỏ, khi cho rằng Ba Bình chỉ là "đá" (rock), chứ không phải là “đảo” (island), theo định nghĩa của UNCLOS.
Cho đến nay, Trung cộng không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong việc xét xử vụ kiện của Philipinnes, nhưng lập trường của Đài Bắc có thể có lợi cho Trung cộng.
Trong một thông báo bằng fax gửi Reuters, bộ Ngoại Giao Trung cộng nhấn mạnh : “Nhân dân hai bên bờ eo biển Đài Loan đều có trách nhiệm phối hợp bảo vệ di sản tổ tiên để lại”.
Hiện tại Tòa Trọng Tài Thường Trực và phía Phi Luật Tân chưa có trả lời chính thức với Reuters về vụ hồ sơ Đài Loan.
Trọng Thành (RFI)



Hoa Kỳ “ra tay không thương tiếc” nếu Trung cộng khai chiến Biển Đông
Theo trang tin tiếng Tàu Worldjournal ngày 11/5, Đô đốc Harry Harris trả lời phỏng vấn tờ Thời báo New York cho hay, lực lượng dưới quyền ông đã chuẩn bị để có thể sẵn sàng “ngày đêm khai chiến”.


Theo Worldjournal, phát biểu này của Đô đốc Harry Harris được chuyên gia cho là đã tiết lộ kế hoạch sử dụng vũ lực tiềm tàng của Quân đội Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Vào tháng trước, Trung tâm nghiên cứu Toàn cầu hóa Canada công bố một báo cáo cho rằng, hiện nay, Mỹ khai triển hành động tự do đi lại thực chất là để bảo đảm cho các chiến hạm Hoa Kỳ có thể tự do ra vào Biển Đông. Đây là một phần trong kế hoạch sẵn sàng chiến đấu với Trung cộng của Ngũ Giác Đài.
Chiến lược tác chiến hợp nhất không-hải quân của Hoa Kỳ cho thấy, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh với Trung cộng, một là Mỹ sẽ tiến hành ném bom quy mô lớn đối với Trung cộng, hai là Mỹ sẽ ngăn chặn tàu thuyền Trung cộng vận chuyển năng lượng và nguyên vật liệu trên Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Theo trang thông tin tiếng Tàu này, Các phát biểu cứng rắn của Đô đốc Harry Harris không chỉ đã chọc giận Bắc Kinh, mà còn khiến cho Washington khó xử.
Khi được hỏi về khả năng khai chiến vì bãi cạn Scarborough, Đô đốc Harry Harris cho hay, để bảo vệ lợi ích của Mỹ, “tôi không thể không sử dụng công cụ mà mình có, đó là công cụ quân sự, là công cụ rất tuyệt vời”.
Tướng Harry Harris cho rằng, ông hoàn toàn không lo ngại giữa Quân đội Trung cộng và quân đội các nước khác ở Biển Đông sẽ xảy ra hiểu lầm. “Tôi cho rằng, họ là quân đội chuyên nghiệp”.
Hiện nay, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Phi Luật Tân. Việc Trung cộng một mực từ chối tham gia, chấp nhận vụ kiện này được nhiều học giả dự báo là, 99% Trung cộng sẽ thua kiện Phi Luật Tân.
Các học giả cho rằng, một khi Trung cộng thua kiện, các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Malã Lai, Brunei, Nam Dương sẽ đi theo Phi Luật Tân, khởi kiện Trung cộng ra tòa, khiến cho Trung cộng phải mệt mỏi ứng phó. Đồng thời, các nước như Mỹ, Nhật Bản đã sẵn sàng cho một cuộc bao vây toàn diện đối với Trung cộng, ngoại giao Trung cộng sẽ rơi vào cục diện bất lợi.
Tàu khu trục USS William P. Lawrence Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: Rappler.com.

Gần đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng cảnh báo, nếu bất cứ bên nào liên quan đến vụ kiện Biển Đông không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho trật tự quốc tế và biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Hiện nay, Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở Phi Luật Tân. Phi đã mở cửa 5 căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ, tạo khả năng cho quân đội Mỹ hành động phản ứng nhanh khi Biển Đông xảy ra xung đột.
Trong các cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ-Phi Luật Tân như Balikatan, hai nước đã tổ chức diễn tập nhiều khoa mục, trong đó có tập đổ bộ đánh chiếm đảo. Ngoài ra, vào tháng 4 vừa qua, Mỹ đã phô trương sức mạnh quân sự răn đe Trung cộng bằng cách điều 6 máy bay tấn công A-10C và 2 máy bay trực thăng Pave Hawk bay trên bầu trời bãi cạn Scarborough, khu vực Trung cộng cưỡng đoạt của Phi Luật Tân từ năm 2012.
Theo Viettimes