ÐÀI BẮC - Nhiều
giới tại Ðài Loan yêu cầu chính quyền Ðài Loan tổ chức điều tra xem Formosa có
trách nhiệm liên đới đến thảm họa cá chết trắng bờ biển bốn tỉnh phía Bắc miền
Trung Việt Nam hay không.
Nhiều người tại Việt Nam tin rằng, thảm họa cá chết
trắng đoạn bờ biển dài khoảng 250 cây số, chảy qua các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, hồi đầu tháng 4 vừa qua là vì tác động của hóa
chất độc hại trong nước do Formosa thải ra biển khi vận hành thử nhà máy sản xuất
thép ở khu công nghiệp Vũng Áng, tại Hà Tĩnh.
Bãi biển Thiên Cầm, cách thành phố Hà Tĩnh 20 cây
số trong mùa du lịch. Không chỉ ngư nghiệp chết mà du lịch cũng chết sau thảm
họa cá chết. (Hình: Lao Ðộng)
|
Formosa là một tập đoàn đa ngành của Ðài Loan. Năm
2008, Formosa đề nghị chính quyền Việt Nam cho phép đầu tư để xây dựng một nhà
máy thép lớn tại khu công nghiệp Vũng Áng thuộc tỉnh Hà Tĩnh (bộ phận phụ trách
dự án này được gọi là Formosa Hà Tĩnh). Cũng kể từ đó, Formosa liên tục nhận được
những ưu ái khác thường về tiền thuê đất, tiền thuế...
Thậm chí theo luật, chính quyền các tỉnh chỉ được
phép cho doanh nghiệp ngoại quốc thuê đất trong 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh
Hà Tĩnh ký hợp đồng cho Formosa sử dụng khu công nghiệp Vũng Áng đến 70 năm,
tuy nhiều người phản đối, ông Nguyễn Tấn Dũng - lúc đó là thủ tướng Việt Nam vẫn
gật đầu.
Vào lúc này - 12 tuần tính từ ngày thảm họa cá chết
bùng phát, chính quyền Việt Nam chỉ mới xác nhận, cá chết là vì trong nước biển
có độc tố. Còn đó là độc tố (hoặc những loại độc tố) nào và từ đâu ra thì chính
quyền Việt Nam lần lữa chưa công bố.
Ngày 16 tháng 6, 2016, ba dân biểu của Quốc Hội Ðài
Loan và đại diện một số tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có Liên Minh Theo
Dõi và Thực Thi Công Ước Về Nhân Quyền, Hiệp Hội Luật Sư Môi Trường, Văn Phòng
Trợ Giúp Công Nhân và Cô Dâu Việt Nam ở Ðài Loan đã tổ chức một cuộc họp báo, đề
nghị chính quyền Ðài Loan phải điều tra xem Formosa có lên quan đến thảm họa cá
chết tại Việt Nam hay không.
Tại cuộc họp báo, một chuyên viên của Ủy Ban Ðầu Tư
thuộc Bộ Kinh Tế Ðài Loan tên là Chow Ching-sway, cho biết, Ðài Loan có quy định
nếu dự án đầu tư ở ngoại quốc gây ô nhiễm cho môi trường thì ủy ban này sẽ
không cấp giấy phép. Tuy nhiên luật lệ hiện hành tại Ðài Loan chưa cho phép điều
tra hoạt động của các doanh nghiệp Ðài Loan tại ngoại quốc gây ô nhiễm cho môi
trường. Muốn điều tra Formosa phải có luật mới và việc xử lý hoạt động gây ô
nhiễm môi trường của các doanh nghiệp Ðài Loan tại ngoại quốc sẽ do quốc gia nhận
đầu tư thực hiện.
Tin mới nhất liên quan đến Formosa Hà Tĩnh là bộ phận
này đã hoãn ngày khai trương hoạt động của lò số 1 (25 tháng 6). Ðại diện
Formosa Hà Tĩnh giải thích với BBC rằng, họ đang chờ một giấy phép liên quan đến
môi trường và khẳng định, Formosa Hà Tĩnh sẽ hoạt động bình thường vì việc xây
dựng đã hoàn tất.
Báo chí Ðài Loan thì cho rằng Formosa Hà Tĩnh hoãn
ngày khai trương hoạt động của lò số 1 vì Formosa Hà Tĩnh bị truy thu thuế. Cuối
tháng trước, báo chí Việt Nam loan báo, Formosa Hà Tĩnh bị Bộ Tài Chính Việt
Nam truy thu 2,000 tỷ đồng tiền thuế, trong đó có hơn 2/3 khoản tiền này (1,554
tỷ đồng) là bị buộc nộp lại vì sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định. Dựa
trên một số nguồn tin từ Việt Nam, Taipei Times bảo rằng, quyết định truy thu
thuế đối với Formosa Hà Tĩnh là vì những lý do chính trị không tiện nêu ra. Thuế
đối với Formosa Hà Tĩnh từng gây thắc mắc vì là một trong những “ưu đãi quá mức”
dành cho tập đoàn này của Ðài Loan.
Hồi đầu tháng 5, ông Tô Văn Trường, một chuyên gia
trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường, từng gửi một thư ngỏ cho ông Trần Hồng
Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam. Thư nhấn mạnh, khi Formosa -
một tập đoàn từng được tặng “Giải Hành Tinh Ðen” do hủy hoại môi trường trên thế
giới, lại được Việt Nam dành cho đủ thứ ưu đãi hết sức bất thường thì tự nhiên
là dân chúng sẽ liên tưởng đến “đa kim ngân, phá luật lệ.” (G.Ð)
Người
Việt