Lưỡi
bò đã bị cắt. Nguồn: internet
“Đây là cú đấm trực tiếp vào tuyên
xưng có cơ sở nhất của Trung cộng tại biển Đông”
– Thời Ân Hoàng, giáo sư quan hệ quốc
tế tại Đại học Nhân Dân (Bắc Kinh) – thốt lên với sự chua chát khi nói về phán
quyết của Tòa trọng tài (The Hague) về việc lần đầu tiên một tòa án quốc tế được
thiết lập và đưa ra một phán quyết tiền lệ có giá trị pháp lý trong việc phủ nhận
sự tồn tại cái gọi là “đường lưỡi bò”.
Trong thực tế, luận điểm “đường lưỡi bò” hoàn toàn
không có giá trị pháp lý quốc tế. Lori
F. Damrosch, giáo sư Công pháp quốc tế thuộc Đại học Columbia, đã chỉ ra rằng
những đảo nhỏ mà Trung cộng đưa ra như là một phần của
biên giới thực chất chỉ là “những cụm đá nhỏ lốm đốm”, và chúng không đủ lớn để
có hải phận riêng.
Một trong những chuyên gia luật hàng hải hàng đầu
châu Âu, giáo sư Erik Franckx thuộc
Vrie Universiteit Brussel (Bỉ), kết luận (trong một cuộc hội thảo biển Đông tại
Sài Gòn cách đây vài năm) rằng, tấm bản đồ “đường lưỡi
bò” hoàn toàn “thiếu cơ sở thuyết phục” và do đó nó sẽ “gây ra nhiều phiền toái nếu tiếp tục được xem như là một phần trong
chính sách của Trung cộng lẫn của Đài Loan”.
Sử gia tên tuổi Stein
Tønnesson (giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Oslo từ 2001-2009) thậm chí nhận
định: “Trung cộng lâu nay luôn đề cập đến
việc các nước láng giềng nên “gạt bỏ những bất đồng và cùng hợp tác khai thác
nguồn tài nguyên” nhưng điều thật sự cần gạt bỏ chính
là cái bản đồ hình chữ U của Tưởng Giới Thạch; và những tranh cãi chủ
quyền quanh quần đảo Trường Sa có lẽ cũng cần nên gạt quách đi”.
Thực tế lịch sử cho thấy cương giới Trung cộng từ
xưa đến nay đều chưa bao giờ được chính sử của họ ghi nhận có đường biên vượt
quá Hải Nam. “Lý lịch” “đường lưỡi bò” là một sản phẩm ngụy tạo dựa trên những
luận điểm mơ hồ. Ngay cả người Tàu cộng chắc chắn cũng không biết rằng “đường
lưỡi bò” đã được “ông cha mình” vẽ như thế nào, bằng kỹ thuật đo đạc ra sao,
căn cứ vào cái gì và ai chịu trách nhiệm đo đạc ghi chép…
Việc một phán quyết pháp lý quốc tế bác bỏ “đường lưỡi
bò” không có nghĩa những ụ bê tông, sân bay hoặc dàn radar mà Trung cộng tăng tốc
xây dựng trên các đảo tranh chấp sẽ được dỡ bỏ và cục diện căng thẳng trên biển
Đông sẽ thay đổi theo hướng tích cực và có lợi đối với các nước có tranh chấp với
Trung cộng. Tuy nhiên, phán quyết hôm nay sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong các cuộc
thương lượng tương lai, trên cơ sở các nước tranh chấp có quyết tâm thương lượng
hay không, hay lại tiếp tục ngậm đắng nuốt cay nhìn Trung cộng tác oai tác
quái.
Cách đây một tuần, trên tờ New Mandala, tác giả Ben Kerkvliet (giáo sư Đại học Quốc gia
Úc), đã trích lại nguồn chính thức từ Việt Nam, cho biết, từ năm 2006 đến tháng 3-2010, đã có 7.045 ngư dân trên 1.186
tàu đánh cá Việt Nam bị tấn công, chủ yếu bởi Trung cộng. Từ tháng
11-2015 đến đầu tháng 4-2016, Trung cộng đã tấn công 1/3 tàu đánh cá thuộc một
ngôi làng ở Thừa Thiên-Huế. Trong suốt 2015, Trung cộng tấn công 20% tàu đánh
cá Lý Sơn (nđd).
Bài báo của giáo sư Ben Kerkvliet đã không cập nhập
kịp vụ tàu cá QNg 90479 TS của ngư dân Võ Văn Lựu (Quảng Ngãi) bị Trung cộng
tông chìm vào ngày 9-7-2016, chỉ 12 ngày sau khi Dương Khiết Trì có mặt tại Hà
Nội với tuyên bố chung về việc “nghiêm túc thực hiện” các thỏa thuận trong đó
có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển
Việt Nam-Trung cộng”!
Natalie
Klein, giáo sư luật quốc tế thuộc Macquarie Law School
(Úc), nhận xét rằng phán quyết hôm nay là “chiến thắng mang tính quyết định” đối với
người Phi Luật Tân. Giá như nhận xét đó dành cho Việt Nam như một kết quả
từ sự quyết đoán của Việt Nam.
Nói về phán quyết của Tòa trọng tài, người phát ngôn
Bộ ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ “hoan nghênh”. Giá như không chỉ “hoan
nghênh”, điều cần tuyên bố hơn là Việt Nam sẽ hành động cụ thể tiếp theo như thế
nào, chẳng hạn bằng một đơn kiện tương tự Phi Luật Tân. Giá như không chỉ “hoan
nghênh”, điều cần tuyên bố hơn là Việt Nam sẽ hành động cụ thể ra sao để, trước
hết, bảo vệ ngư dân mình và đồng bào mình.
–
Bản đồ cho thấy EEZ (khu đặc quyền kinh tế) của Trung cộng trong thực tế, so với
vùng biển tự khoanh trong “đường lưỡi bò” của họ
Ảnh chụp màn hình một số trang nhất online chiều
nay, cho thấy mức độ quan tâm thế giới của sự kiện.
Fb
Mạnh Kim
Nhận định của phía Việt Nam về phán quyết Tòa Trọng Tài
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhanh chóng hoan nghênh
phán quyết của Tòa trọng tài. Cuối ngày 12/7, báo chí Việt Nam đưa tin ông Lê Hải
Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã phát biểu: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng
ngày 12/7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết”.
Ông Bình nói Việt Nam “một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán về vụ kiện, ủng hộ mạnh mẽ
việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các
tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo
quy định của luật pháp quốc tế”.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
cũng cho biết Việt Nam “tiếp tục khẳng định
chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với
nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS cũng như
tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa
lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Sau khi phán quyết được đưa ra, Luật sư Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm
về Biển Đông, hiện đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét rằng “Phi Luật Tân đã thắng
toàn diện” khi tòa đã đứng về nước này trong những vấn đề cơ bản và
quan trọng nhất. Ông Việt cho rằng phán quyết cũng có
lợi cho Việt Nam. Ông nói với VOA:
“Rõ ràng là nếu
tòa bác bỏ cái đường 9 đoạn này thì Việt Nam cũng có lợi. Thứ hai là về tuyên bố
về quy chế pháp lý cho một số cấu trúc địa lý này thì rõ ràng nếu nó hạn chế được
không có vùng đặc quyền kinh tế đối với các cấu trúc này thì rõ ràng là Việt
Nam cũng có lợi. Và thêm nữa là cái việc các hành vi của Trung cộng xâm phạm,
ngăn trở các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên vùng đặc quyền kinh tế là
vi phạm cái nghĩa vụ của Công ước, quyền chủ quyền được quy định trong Công ước,
[…] thì điều rõ ràng là cũng tạo một thế mạnh cho Việt Nam hơn. […] Đến bây giờ
có một phán quyết khẳng định thêm của tòa thì rõ ràng là chúng ta sẽ có cơ sở
pháp lý mạnh hơn”.
Theo
tin VOA