Mặc Lâm (RFA)
Một tấm áp phích tuyên truyền bầu cử tại trung tâm
thành phố Hà Nội hôm 21/4/2016.
AFP photo
Tại hội thảo Liên hiệp Các tổ chức khoa học kỹ thuật
VN liên quan Luật về hội được tổ chức vào tuần qua đã đưa ra những con số đáng
kinh ngạc về ngân sách dành cho các hội đoàn dân sự mà theo cách gọi của nhà
nước là quần chúng công. Trong
tổng số 52.565 hội đoàn hoạt động trên phạm vi cả nước có gần 9.000 hội được
bao cấp và con số biên chế chính thức lên đến 7.445 người. Ngân
sách tiêu tốn vào các hội này cao hơn ngân sách dành cho Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và Bộ giáo dục Đào tạo.
Đảng viên điều hành
Những con số này có thể gây sốc cho người dân khi họ
biết rằng những hội đoàn này được đảng Cộng sản thành lập từ những ngày kháng
chiến chống Pháp, với mục tiêu giải phóng dân tộc. Thế nhưng hơn 70 năm sau con
số ấy liên tục tăng lên trong thời bình và không có dấu hiệu nào giảm đi để
tiết kiệm cho túi tiền ngày càng hẹp lại của ngân sách nhà nước.
Trong
9 ngàn hội được nhà nước nuôi ấy tuy khác nhau danh xưng, số người tham gia
nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ: Hầu hết đều được đảng viên điều hành và có
kinh phí hoạt động thông qua ngân sách trung ương hay địa phương cho từng hội.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính
sách thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổng ngân sách nhà nước
mỗi năm ước chi cho các hội, đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng,
trong khi đó ngân sách dành cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ
khoảng 11.000 tỉ, cũng như ngân sách dành cho Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y
tế chỉ vỏn vẹn hơn 8 ngàn tỉ.
Tuy nhiên con số này nếu được cộng thêm với tài sản
gồm văn phòng, đất đai, vật tư, cùng những chi tiết khác được nhà nước cung cấp
thì số
tiền lên đến từ 45 cho tới 68 ngàn tỉ, để cho dễ hiểu số tiền này chiếm từ 1%
đến 1,7% GDP.
Những hội đoàn tổ chức quen thuộc như Mặt trận Tổ
quốc, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu Chiến
binh được bao cấp nhiều nhất và ngân sách rót cho chúng hằng năm chưa bao giờ
giảm mà trái lại ngày càng phồng to ra cho kịp với mức trượt giá.
Thành đoàn Hà Nội, và Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh là
hai đơn vị nhận được nguồn ngân sách lớn nhất nhưng thành quả của nó cho xã hội
là một câu hỏi không lời giải đáp. Những hoạt động của những đơn vị này là
tuyên truyền cho Đảng và vì vậy càng không thể lấy ngân sách chi vào những hoạt
động thường xuyên đầy tốn kém mà lại không có kết quả thiết thực nào.
Tuy
nhận ngân sách hoạt động từ chính phủ cho các sinh hoạt đã khai báo nhưng không
ít hội đoàn lại dùng tiền ngân sách để đầu tư hay kinh doanh vào các việc không
dính dáng gì tới sinh hoạt thuần túy của chúng.
Chẳng hạn như Công đoàn, nơi chăm lo đời sống công
nhân lại lấy tiền ngân sách đầu tư vào khách sạn, nhà nghỉ. Theo nghiên cứu cho
thấy có 89 khách sạn và nhà khách trên toàn quốc, nằm ở các vị trí đắc địa về
mặt du lịch hay nghỉ dưỡng. Giá trị tài sản của hệ thống nhà nghỉ này ước tính
là trên 43 nghìn tỷ đồng.
Những hoạt động trái với quy định như vậy đã và đang
làm kiệt quệ nguồn ngân sách trong khi nợ công leo thang và sắp tiến đến mức
báo động. Nợ công tăng do phần lớn ngân sách được cấp cho các loại hội đoàn
loại này.
TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện chính sách pháp
luật và phát triển cho biết nhận xét của ông về nợ công trong khi ngân sách bỏ
vào hội đoàn quá lớn như hiện nay:
Đúng là con số này là con số rất lớn trong bối cảnh nợ
công cao như vậy, chi ngân sách của chính phủ rất là eo hẹp mà bây giờ còn phải
chi một khoản lớn như vậy thì cần phải rà soát lại theo các chức năng nhiệm vụ
của các hội đoàn một cách sâu sát hơn nữa và giảm bớt đi. Câu chuyện này rõ
ràng là cần phải xử lý tuy nhiên chúng ta cũng cần phải thấy rằng ngoài việc
kinh phí chi cho các tổ chức xã hội hoạt động thì chúng ta cũng biết còn nhiều
lãng phí khác nữa mà những lãng phí đó cần phải cắt bỏ.
Ví dụ như xây các tượng đài, làm những công trình lớn.
. . . những cái đó theo tôi cần phải khẩn trương cắt bỏ ngay còn các kinh phí
chi cho các tổ chức xã hội hoạt động thì tôi nghĩ rằng cần phải rà soát lại sao
cho nó hợp lý hơn nữa và phù hợp với tình hình đang khó khăn về tài chính hiện
nay trong ngân sách nhà nước.
Tiêu tốn ngân sách nhà nước
Nói về thành quả của các hội đoàn đang hoạt động hiện
nay không ai chứng minh được tác động thực sự của nó đối với ngành nghề hay
nhóm cộng đồng mà nó phục vụ. Có không biết bao nhiêu là tổ chức hữu danh vô
thực, sinh ra để đục khoét nhà nước mà chưa hề bị thanh tra, giám sát vì nhà
nước cho rằng sự xuất hiện của chúng là đề tiếp tay quản lý xã hội chứ không phải
làm cho xã hội thêm nặng gánh.
Theo báo Lao động đăng vào ngày 17 tháng 1 năm 2013
nhà nước đang có 80 ngàn tuyên truyền viên hoạt động trên khắp nước và dĩ nhiên
muốn cho số người này hoạt động hiệu quả thì chí ít nhà nước phải chi ra những
số tiền cho họ có kinh phí hoạt động. Với 80 ngàn con người ấy số tiền chi ra
tối thiểu là bao nhiêu chắc không khó đề mà suy đoán.
TS
Nguyễn Quang A một chuyên gia tài chính hoạt động độc lập tranh đấu
cho tiến trình thành lập xã hội dân sự nhận xét về hội đoàn do nhà nước bao cấp
như sau:
Tất
cả các hội đoàn đều là cánh tay nối dài của đảng cộng sản.
Trong báo cáo chưa có con số tiền ngân sách chi cho đảng cộng sản là bao nhiêu
và nếu tất cả được cộng lại thì đúng là một con số khổng lồ. Nó chứng tỏ quyết
tâm của Đảng
Cộng sản dùng tiền đóng thuế của dân để củng cố bộ máy của mình cũng như các bộ
máy của các cơ quan nối dài của nó để tạo thành một tổ chức bao trùm hết xã hội
này.
Thực sự đấy
là một bộ máy áp bức đối với nhân dân Việt Nam đối
với dân tộc Việt Nam tôi nghĩ đấy là một sụ lãng phí tiền bạc kinh khủng. Tất
nhiên đối với Đảng Cộng sản Việt Nam thì đó là củng cố quyền lực nên họ nghĩ
rằng họ làm như thế thì rất đúng.
Theo TS Hoàng Ngọc Giao thì giải pháp nhằm hãm lại sự
phát triển vô tội vạ này chính là sự minh bạch, ông nói:
Vấn đề ở đây đặt ra là sự minh bạch, cơ chế phân bổ
nguồn lực này đối với các tổ chức xã hội hiện nay đang là một dấu hỏi. Thứ hai
là hiệu quả của việc sử dụng kinh phí này, với một lượng kinh phí như vậy thì
nó đạt được hiệu quả như thế nào về định tính cũng như định lượng thì đây cũng
là câu chuyện chưa được minh bạch.
Theo tôi đây là những vấn đề cần phải làm rõ. Cần phải
bạch hóa các quy định về phân bổ ngân sách cho các tổ chức xã hội cũng như làm
rõ cơ chế kiểm tra, giám sát các kinh phí này một cách có hiệu quả, đấy là vấn
đề cần giải quyết.
Sự bùng nổ hội đoàn, đoàn thể trên cả nước đang được
các chuyên gia làm chính sách phân tích và sẽ có kết luận vào một ngày gần đây
và người dân hy vọng rằng nhà nước sẽ có thẩm định đúng đắn hơn trước khi chi
ngân sách vào những nơi chỉ cốt trình diễn trong khi đất nước thực sự rất cần
những tổ chức xã hội dân sự hoạt động hiệu quả và độc lập.