22.07.2016

Những lắc léo đàng sau vụ án Phi kiện Trung cộng- Lữ Giang

Những lắc léo đàng sau vụ án Phi kiện Trung cộng
Lữ Giang

Trong những ngày qua, người Việt trong và ngoài nước đã reo mừng đón nhận bản án của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) xử vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng về những tranh chấp trên Biển Đông. Đây là một đòn chính trị và tâm lý khá nặng giáng xuống Trung cộng, mặc dầu trên phương diện pháp lý nó chưa gỉải quyết được gì nhiều.

                                             Dân chúng Phi Luật Tân reo mừng


Rất ít người đọc kỹ và hiểu nội dung bản án, đa số đã tin tưởng theo cảm tính. Chiều 14.7.2016, một người tự nhận là luật sư đã lên một đài truyền hình ở Orange County tuyên bố Tòa xác nhận đảo Scarborough thuộc quyền sở hữu của Phi Luật Tân! Nhưng tìm khắp bản án, không hề thấy có lời phán quyết nào như vậy. Trong khi đó, trong một bài khá dài với đầu đề “VN lợi hay hại sau phán quyết PCA?” dăng trên BBC ngày 14.7,2016, cô Nguyễn Ngọc Lan, mặc dầu mới chỉ là nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Đại Học Cambridge ở Anh, lại có một cách nhìn chính xác hơn. Cô cho rằng mặc dù phải đối mặt với một vụ tranh chấp rất phức tạp và cực kỳ nhạy cảm về mặt chính trị, tòa vẫn có thể đưa ra quyết định về các vấn đề pháp lý quan trọng.

Quả thật đây là một vụ án rất phức tạp, vì Trung cộng đã xử dụng những thủ đoạn gian trá về cả pháp lý lẫn chính trị để chận đứng hay loại bỏ mọi nỗ lực phá vỡ các tham vọng của Trung cộng ở Biển Đông. Đây là những khó khăn mà tòa phải vượt qua.

THỦ ĐOẠN PHÁP LÝ CỦA TRUNG CỘNG

Sau khi nghe tòa bản án của Tòa PCA, nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao Tòa PCA không đưa ra phán quyết tuyên bố đảo Scarborough là thuộc quyền sở hữu của Phi Luật Tân? Câu trả lời không có gì khó khăn: Tại vì Trung cộng đã lợi dụng một số điều khoản ưu đãi trong luật pháp quốc tế để ngăn chận thẩm quyền của tòa. Đây là vấn đề được ít người biết đến.

Toà nhấn mạnh rằng “Toà không phán quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không tiến hành phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện.” Tại sao?
Công Ước Vienna về Luật các Hiệp Ước ngày 22.5.1969 cho phép các quốc gia khi ký kết, phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt hoặc gia nhập các hiệp ước quốc tế có thể loại bỏ hoặc sửa đổi hiệu lực pháp lý của một số quy định của hiệp ước trong việc áp dụng các quy định đó cho quốc gia của mình.

Điều khoản loại bỏ hay sửa đổi này được ghi ở phần RESERVATION ở cuối hiệp ước, được dịch ra Hán Việt là “BẢO LƯU” có nghĩa là lưu giữ hay “nhốt lại” để bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình.

Sở dĩ Luật về Hiệp Ước đã đặt ra điều khoản này vì muốn khuyến khích càng nhiều quốc gia gia nhập hiệp ước càng tốt. Trong thực tế có nhiều quốc gia muốn gia nhập một hiệp ước nhưng thấy có một số điều khoản nào đó không thích hợp hay không có lợi cho quốc gia họ nên không gia nhập. Nay cho họ được đưa những điều luật khó xử đó vào khoản Bảo Lưu, họ sẽ đưa vào rồi ký. Nhưng Trung cộng lại dựa vào những điều khoản này để chơi trò xập xí xập ngầu.

Trung cộng rất muốn gia nhập Luật Biển 1982 nhưng lại sợ các quốc gia khác hay các tòa án phân xử về luật biển ngăn chận tham vọng bá quyền của họ trên Đông, nên Trung cộng đã đưa ra hai Bảo Lưu khiến việc kiện cáo Trung cộng gặp khó khăn:

Ngày 7.6.1996, khi phê chuẩn Công Ước về Luật Biền 1982, Trung cộng đã ghi vào điều khoản Bảo Lưu của Trung cộng một điều khoản khẳng định chủ quyền đối với tất cả các quần đảo và đảo liệt kê trong luật ngày 25.2.1992 của Trung cộng.

Ngày ngày 25.8.2006 Trung cộng lại đưa ra một tuyên bố tiếp theo:
Lãnh thổ đất liền của Trung cộng bao gồm đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo liên quan bao gồm cả đảo Điếu Ngư, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo khác thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Trung cộng cũng tuyên bố không chấp nhận bất kỳ các thủ tục quy định tại Mục 2 Phần XV của Công ước đối với tất cả các loại tranh chấp được nêu tại khoản 1 (a) (b) và (c) của Điều 298 của Công ước. Nói cách khác, Trung cộng không chấp nhận các tòa án trọng tài về luật biển xét xử các vụ tranh tụng công khai giữa Trung cộng và các quốc gia khác về những tranh chấp chủ quyền trên biển.

Như vậy làm thể sao Phi Luật Tân có thể kiện Trung cộng được?

PHI LUẬT TÂN PHẢI TRÁNH NÉ NHỮNG GÌ ?

Điều 297, đoạn 1, của Công Ước nói rằng tòa có quyền giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước về việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hay quyền tài phán của quốc gia ven biển. Nhưng Trung cộng tuyên bố không chấp nhận các thủ tục quy định với tất cả các loại tranh chấp được nêu tại khoản 1 (a) (b) và (c) của Điều 298 của Công ước. Đại lược, đó là các tranh chấp sau đây:

(a) Các vụ tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các Điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử.

(b) Các vụ tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, kể cả hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay của Nhà nước được sử dụng cho một dịch vụ không có tính chất thương mại, và các vụ tranh chấp liên quan đến các hành động bắt buộc chấp hành.

(c) Các vụ tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi thi hành các chức năng của mình do Hiến chương Liên hợp quốc giao phó có trách nhiệm giải quyết.

Nhưng vì tuyên bố nói trên của Trung cộng chỉ dựa vào Điều 298 nên chỉ được áp dụng cho một số loại tranh chấp nhất định như đã nói trên, còn đối với các quyết định của Tòa liên quan tới các nội dung khác, Trung cộng vẫn bị ràng buộc. Vì thế Phi Luật Tân đã dựa vào những quy định mà Trung cộng bị ràng buộc để kiện và tòa đã tuyên bố có thẩm quyền xét xử.

                                      Phái đoàn Phi Luật Tân tham dự phiên tòa

ĐƠN KIỆN CỦA PHI VÀ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA

Ngày 22.1.2013 Phi Luật Tân nạp đơn tại Tòa án Trọng tài Thường trực kiện Trung cộng vi phạm Công ước LHQ về Luật biển gây thiệt hại cho Phi. Ngày 22.1.2013, bà Mã Khắc Khanh (Ma Keqing), đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân đã được triệu lên Bộ Ngoại giao tại Manila và được trao một công hàm thông báo cho bà biết là Phi Luật Tân tiến hành khởi kiện Trung cộng. Trong đơn khởi tố, Phi Luật Tân đã đưa ra 15 thỉnh cầu, được thâu tóm vào 3 chủ đề chính sau đây:

1.-  Yêu cầu Tòa tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung cộng ở Biển Đông là bất hợp pháp.

2.- Yêu cầu Tòa làm rõ quy chế pháp lý của một số thực thể ở Biển Đông. 

3.- Yêu cầu Tòa tuyên bố một số hoạt động của Trung cộng trong thời gian qua ở Biển Đông là bất hợp pháp.

Trong 15 thỉnh cầu, không hề có thỉnh cầu nào yêu cầu tòa xác định chủ quyền của Phi Luật Tân về bất cứ đảo hay vùng biển nào đang tranh chấp với Trung cộng.

                                            Tòa Trọng Tài Thường Trực La Hague

Ngày 12.7.2016, Tòa đã đưa ra phán quyết về đơn kiện Trung cộng của Phi Luật Tân như sau:

1.- Về quyền lịch sử và "đường 9 đoạn".

Tòa tuyên bố có Tòa thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của các quyền được hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Tòa đã kết luận rằng không có cơ sở pháp lý cho Trung cộng để đòi quyền lịch sử đối với các nguồn lực trong các vùng biển trong “đường 9 đoạn” vượt quá các quyền do Công ước quy định.

Quan niệm về “vùng nước lịch sử” (historic water), “chủ quyền lịch sử” (historic title) hay “quyền lịch sử” (historic right – danh từ của Trung cộng) trên biển đảo đã thay đổi rất nhiều qua tiến trình phát triển của quốc tế công pháp, nhưng rất tiếc Trung cộng và đa số người Việt vẫn ôm chặt quan niệm Rex nullus” trong  Luật La Mã năm 529, một quan niệm đã quá lỗi thời. Vấn đề này chúng tôi sẽ bàn sau.

2.- Vấn đề quy chế của các cấu trúc trong vùng.

Dựa theo sự quy định của Công Ước về Luật Biển 1982, tòa xác định quy chế pháp lý của các thực thể là đảo, đá hay bãi lúc nổi lúc chìm như sau:

(a) Các đảo trong Biển Đông đều là đảo đá và "đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng”, do đó “không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".

Như vậy khoảng 200 đảo trên Biển Đông đều chỉ là đảo đá, nên chẳng đảo nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, kể cả đảo Ba Bình và đảo Hoàng Sa.

(b)Các đảo bị chìm xuống khi thủy triều lên đều không có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa. Các đảo nhân tạo cũng thế.

Tòa cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất.

3.- Các hoạt động bất hợp pháp của Trung cộng.

Toà cho rằng Trung cộng đã vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Phi Luật Tân, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung cộng đánh bắt ở khu vực này.

Toà xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo của Trung cộng trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa gần đây và nhận thấy rằng Trung cộng đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt.

VẪN CHƯA THẤY LỐI THOÁT

Giáo sư Paul Gewirtz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung cộng của Đại Học Luật Khoa Yale cho rằng phán quyết của Tòa đã đem lại những đóng góp tích cực sau đây:

(1) Phản bác cách diễn giải “đường 9 đoạn” theo kiểu bành trướng của Trung cộng, gây áp lực buộc Trung cộng giải thích yêu sách của mình;

(2) giải quyết phần nào cuộc tranh luận hiện nay về quy chế pháp lý của các thực thể là đảo, đá hay bãi lúc nổi lúc chìm, và

(3) tạo ra các tiêu chuẩn luật cho các cuộc đàm phán về phân định biển. Tuy nhiên, phán quyết chỉ cung cấp một số câu trả lời hạn chế “dựa trên pháp luật” đối với các tranh chấp trên Biển Đông.

Nói chung, Tòa chỉ mới làm sáng tỏ việc áp dụng các quy định của Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 đối với các thực thể trên Biển Đông mà thôi. Tòa không phân xử về quyền sở hữu  của các thực thể đó cũng như ranh giới các vùng biển mà mỗi quốc gia có quyền khai thác.

Nếu Việt Nam bắt chước Phi Luật Tân đi kiện Trung cộng, có thể tìm được một giải pháp nào về pháp lý có phạm vi áp dụng rộng rãi hơn không? Chúng tôi tin rằng không, vì cũng như Phi Luật Tân, Việt Nam cũng sẽ bị vướng mắc vào những “Bảo Lưu” của Trung cộng, nên các tòa án về luật biển cũng sẽ không thể đi xa hơn được.

Ngày 21.7.2016
Lữ Giang