22.07.2016

Hãy ủng hộ các Tù Nhân Lương Tâm ở Việt Nam - Mai Tú Ân

„…các anh đã cho thấy người Nam không thiếu những người con luôn sẵn sàng trả nợ quốc gia và đáp đền cho quê hương. Cũng như còn bao nhiêu con người Việt Nam can đảm khác đang cắn răng chịu những bản án bất công, những năm tháng tù tội vô lý trên khắp các nhà tù trên mảnh đất này…“

Hãy ủng hộ các Tù Nhân Lương Tâm ở Việt Nam
Mai Tú Ân  

Sắp sửa đến phiên tòa phúc thẩm xét xử Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Lê Thị Minh Thúy. Có thể có khả năng những tù nhân lương tâm này sẽ được trả tự do trong một thời gian gần. Bởi xét xử và giam cầm một người nổi tiếng như Ba Sàm, với những lời kết tội không căn cứ, và khó đỡ trước những áp lực quốc tế, như việc chính phủ Mỹ đã nêu đích danh anh Ba Sàm trong chuyến đi thăm Việt Nam vừa rồi của Tổng Thống Mỹ Obama...


Nhưng cũng có thể anh sẽ bị giữ ở án cũ, hoặc gần như cũ. Bởi đây vẫn là một phiên tòa không độc lập của một nền tư pháp bị chi phối. Sẽ lại là một phiên tòa giả dối như mọi khi mà những người bảo thủ, phản động trong chính quyền dựng lên nhằm chống lại một chiến sĩ đấu tranh dân chủ nổi bật nhất.

Chúng ta cầu mong cho anh Ba Sàm và cộng sự được tự do sớm, nhưng chúng ta cũng không tin rằng sẽ có điều tốt đẹp ở những nơi không tốt đẹp. Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đang phải đối diện với một nhà cầm quyền độc tài, thất nhân tâm, và một tòa án không công tâm lẫn không công bằng. Do đó chúng ta phải chấp nhận mọi sự bất công, nếu nó bất nhẫn rơi xuống đầu Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự. Chúng ta phải dành trước cả con tim, khối óc để chấp nhận điều xấu nhất đó có thể xảy ra, cũng như đã chấp nhận số phận đau buồn và tức tưởi của những con người dấn thân đang đấu tranh cho tự do dân chủ nước nhà.

Thương thay! Án tù đầy có thể kéo dài hơn, đường về nhà có thể còn xa hơn, và nỗi nhớ cha mẹ già còn mất, nhớ vợ hiền, con dại cứ đau đáu trong lòng, lại kéo dài hơn trong ngục tối âm u…

Không hề chi!
Chí tang bồng chưa thỏa sức bình sinh,
Gánh gươm đàn không bao giờ gãy gục…
Người chiến binh mau bước lên sông Dịch,
Không một lần quay đầu ngó cố hương…

Cùng với Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài... thì Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đang là những cái tên nổi bật nhất trong phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay, mang tính hiệu triệu cao và sự lôi cuốn giản dị. Bằng sự dấn thân không bờ bến vào thời cuộc, các anh đã trở thành những biểu tượng mạnh mẽ cho công việc chấn hưng dân trí, dân sinh, dân quyền. Các anh đứng ở đâu, trong lao tù đen tối của nhà tù nhỏ, hay trong mớ hỗn độn nhân gian của nhà tù lớn, ở trong hay ở ngoài song sắt thì các anh luôn giúp được gì đó cho vận mệnh đất nước của mình.

Cũng như những con người có phẩm chất cao cả, thì trong các ngục tối cô độc các anh vẫn luôn tỏa sáng. Một nguồn sáng lung linh, một tia lửa nhỏ phát sáng giữa bóng đêm diệu vợi, hoang dã để báo hiệu một ngày mai thu hút những đóa hoa hướng dương. Nén chặt nỗi nhớ vào lòng và nuốt hết vào dạ những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi, các anh đã cho thấy người Nam không thiếu những người con luôn sẵn sàng trả nợ quốc gia và đáp đền cho quê hương. Cũng như còn bao nhiêu con người Việt Nam can đảm khác đang cắn răng chịu những bản án bất công, những năm tháng tù tội vô lý trên khắp các nhà tù trên mảnh đất này. Như Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Văn Đài, Bùi Hằng, Đinh Nguyên Kha, Cấn Thị Thêu... 

Rồi cả những con người can đảm khác đã bị bắt bớ, bị ngồi tù và đã được tự do nhưng giờ đây vẫn không ngừng đấu tranh như Cha Nguyễn Văn Lý, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Quang Lập, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Viết Dũng… và bao nhiêu tù nhân lương tâm khác nữa. Đó là những con người mà số phận đã đưa đẩy họ đến với những thử thách khủng khiếp nhất trên đất nước Việt Nam này.

Các anh không cô độc. Vì còn hàng trăm tù nhân lương tâm khác như các anh cũng đang mòn mỏi ngồi nhìn lá rụng bên thềm để khắc khoải đoán ngày về tự do. Rồi còn hàng ngàn con người khác đã từng là tù nhân lương tâm đang phải vật lộn với khó khăn đời thường cũng như các anh. Họ cũng như các anh, trí thức, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, doanh nhân, công nhân v.v... Họ có thể là nam hay nữ, già hay trẻ, ở các tầng lớp khác nhau nhưng tất thảy đều không chấp nhận mũ ni che tai, không chấp nhận bạo quyền, không chấp nhận giặc phương Bắc xâm lấn biển đảo, họ cũng không chấp nhận hèn hay nhục mà phải can đảm đứng lên dưới ánh sáng mặt trời. Đó là những chiến binh thực thụ với những vũ khí sắc bén như cây bút, bàn phím hay các cuộc xuống đường đấu tranh vì những điều tốt đẹp nhất cho người dân Việt Nam.

Họ đã bước vào cuộc đấu tranh mà thắng lợi cuối cùng không phải cho họ mà cho tất cả chúng ta. Trong gian nan của cuộc đấu tranh ấy, những con người can đảm đó đã và đang phải trả giá cho những hành động cá nhân đầy can đảm nhưng không hề riêng tư của mình. Họ đang phải trả giá trong những nhà tù, địa ngục trần gian với nụ cười khinh khi tỏa sáng.

Nhà cầm quyền dù có bắt bớ bao nhiêu những con người dấn thân đó, mở bao nhiêu phiên tòa bất công, hay đày ải họ bằng bao nhiêu năm tháng tù đầy thì cuối cùng, ngược với mong muốn, chế độ độc tài cũng chỉ vinh danh tên tuổi của những con người can đảm đó trong lòng người dân Việt Nam. Như một tấm huân chương giản dị, hay một vết sẹo xù xì ghi nhận lòng son đã được trao cho những con người đó để chứng thực rằng, họ đã trải qua địa ngục trần gian trong các trại tù CS và chiến thắng vẻ vang. Họ đã vượt qua một thử thách không phải ai cũng làm được, và chứng nhận một giá trị không phải ai cũng có được. Đó là sự dấn thân của lòng can đảm, và với vòng kẽm gai lao lý vẫn còn dính trên người trông lung linh như chuỗi ngọc tỏa sáng, họ thật xứng đáng để cho tất cả chúng ta phải ngưỡng mộ và yêu thương...

Ủng hộ các Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam!

(Mong các bạn hãy share, copy rộng rãi để bắt đầu một giai đoạn ủng hộ, vật chất và tinh thần cho các tù nhân lương tâm. Cám ơn các bạn).


Bài đọc thêm:

Câu chuyện Anh Ba Sàm

Một ngày đầu tháng 5 ở Hà Nội, công an Việt Nam đột ngột ập vào nhà, cũng là công ty, của một blogger nổi tiếng – Nguyễn Hữu Vinh, được biết đến dưới cái tên Anh Ba Sàm. Vinh và trợ lý là cô Nguyễn Thị Minh Thúy – một người mẹ của hai đứa con song sinh 7 tuổi – bị bắt ngay lập tức.

Vụ bắt khẩn cấp rõ ràng nhằm làm Vinh bất ngờ. Tuy nhiên, công an không kiểm soát được trang tin vốn đông người đọc Ba Sàm News, và trang này vẫn tiếp tục hoạt động. Trên thực tế, chỉ 5 ngày sau khi Vinh và Thúy bị bắt, hai cộng sự khác của ông đã ra một tuyên bố đầy thách thức: “Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, nhưng Ba Sàm thì không”. Tuyên bố này hàm ý rằng một phong trào viết blog mạnh mẽ hơn, viết vì sự thay đổi, sẽ tiếp tục nổi lên ở Việt Nam.

Vụ bắt bớ gây một làn sóng phẫn nộ lớn trong giới đấu tranh. Phong trào Con Đường Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì quyền con người ở Việt Nam, cũng ra một tuyên bố vào ngày 7/5, nêu rõ: “Việc tiếp tục tước đoạt quyền tự do ngôn luận của các công dân trong nước như ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy và những nhà hoạt động, blogger khác chứng tỏ chính quyền Việt Nam không có thiện tâm hòa giải với chính người dân mình và cương quyết khước từ mọi đóng góp của người dân vào tiến trình giữ nước và dựng nước chung”.

Chính quyền phản công. Sử dụng hệ thống báo chí do công an và quân đội kiểm soát, chính quyền buộc tội Vinh và Thúy “đăng tải các bài viết có nội dung xấu, thông tin sai lệch, làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội lên mạng Internet”, vi phạm Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Trong một bài viết đặc biệt hằn học, một trang mạng của công an buộc tội Vinh: “Y chuyên viết về các vấn đề chính trị xã hội Việt Nam với phong cách bình luận chống đối, luôn tìm cách làm cho mọi thứ của Việt Nam xấu xa, tồi tệ giống với con người của y”.
 
Anh đã luôn có mặt ở những nơi đó. (Ảnh: No-U Hà Nội)

Người muốn thắp lửa

Nguyễn Hữu Vinh không phải luôn luôn là người được phong trào dân chủ ưa thích. Bản thân vốn là một sĩ quan an ninh, ban đầu ông cũng bị nghi ngờ. Sinh năm 1956 trong một gia đình cán bộ cao cấp, ông có đầy đủ điều kiện để cũng trở thành một quan chức trong hệ thống cấp bậc của nhà nước cộng sản.

Ngay sau khi Vinh bị bắt, các blogger đã tìm lại tiểu sử gia đình ông, để nhắc lại rằng cha của Vinh, cụ Nguyễn Hữu Khiếu, từng làm Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô hai nhiệm kỳ. Vào cái thời mà Liên Xô còn là “ông anh cả” của Việt Nam trong Chiến tranh Lạnh, làm đại sứ là một đặc quyền, và như chính Vinh từng viết trong một hồi ký ngắn vào năm 2012, ông và gia đình hồi đó sống một cuộc sống mà toàn bộ phần còn lại của xã hội chỉ có thể mơ tưởng.


Ngôi nhà nơi ông sinh sống hồi nhỏ bây giờ là nhà của thủ tướng đương nhiệm. “Khi người dân miền Bắc hầu như không biết đến hương vị bơ, sữa, thì mỗi sáng hắn tản bộ vài bước qua số 2 Hoàng Diệu, kế bên dinh thự của Tổng Bí thư Lê Duẩn, để mua những chai sữa tươi còn nóng hổi, những thỏi bơ, pa-tê, ổ bánh mì thơm phức”.


Vinh thậm chí còn được gặp Hồ Chí Minh một lần khi mới lên 5 tuổi – đó được coi là đặc ân đối với người dân miền Bắc Việt Nam hồi ấy.

Quan trọng nhất, nhờ thành phần gia đình, ông được tiếp cận với những cuốn sách mà dân thường hoàn toàn không thể động đến. Một trong số đó, gọi là “tài liệu tham khảo đặc biệt”, gồm những bài viết được Thông Tấn Xã Việt Nam dịch chọn lọc từ báo chí nước ngoài sang tiếng Việt.

“Những năm 1960’, loại này có chữ “Mật-Không phổ biến”, chỉ cấp bộ thứ trưởng trở lên được cung cấp, sau này thêm cấp vụ, cục. Rồi khoảng cuối 1990’ thì bán tự do. Dù thế nào thì những tài liệu này cũng đã giúp hắn “tự diễn biến” kha khá trong bao nhiêu năm “theo đảng”” – Vinh viết. Từ những tài liệu này mà ông biết đến sự tàn bạo của chế độ cộng sản Mao Trạch Đông, mà tiếc thay đó lại là lý tưởng mà chính quyền miền Bắc Việt Nam thời ấy cố vươn tới.

Chiến tranh leo thang, Vinh sơ tán về quê, nơi ông chứng kiến cuộc sống nghèo đói của những người dân ở dưới trong bậc thang xã hội. Nhưng niềm tin của ông vào lý tưởng cộng sản chỉ thật sự đảo lộn khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, và ông có có cơ hội nhìn thấy khoảng cách phân chia sâu sắc giữa “miền Nam tư bản” và “miền Bắc cộng sản”. Ông không mất nhiều thời gian để đi đến kết luận rằng đời sống dưới chế độ tư bản, bất chấp những hạn chế của nó, vẫn thịnh vượng hơn và khác hẳn cái cuộc sống được mô tả trong các tài liệu tuyên truyền của người cộng sản.

“Hắn được “mở mắt” thêm nhiều nữa” – Vinh viết. “Rồi thêm một thứ “diễn biến” khác là hắn đã liều bỏ không biết bao thời gian và tiền túi để lọ mọ học tiếng Anh và vi tính từ lúc mọi người còn coi là thứ xa lạ”.

Để nhóm lên ngọn lửa

“Luôn quyết liệt, đam mê, và can đảm” – Phạm Xuân Cần, bạn học cũ của Vinh ở Học viện An ninh, viết, hòa thêm vào cơn phẫn nộ của cộng đồng blogger sau vụ bắt giữ Vinh. Ông Cần nhớ lại Vinh đã là một sinh viên của Học viện như thế nào, sau đó trở thành một sĩ quan an ninh, rồi làm việc ở Ban Việt kiều. Kinh nghiệm làm việc của Vinh với các trí thức Việt Nam ở nước ngoài – một số trong đó đã lưu vong từ năm 1975 – bổ sung thêm vào những hiểu biết của ông về “miền Nam tư bản”, khiến ông bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ: “
Bao nhiêu con người với những bộ óc tài ba đã bị phung phí”.

Năm 1999, gần như ngay sau khi Việt Nam thông qua Luật Doanh nghiệp, Vinh ra khỏi biên chế Nhà nước và thành lập công ty riêng, VPI, công ty thám tử tư đầu tiên ở Việt Nam. Công việc làm ăn của Vinh tiến triển tốt, và lợi nhuận của nó đủ làm Vinh nghĩ đến chuyện theo đuổi những sự nghiệp khác.

Năm 2005, khi mạng xã hội 360 (mà giờ đây đã sập) của Yahoo! xuất hiện, Vinh cũng tham gia làm blog như bất kỳ thanh thiếu niên Việt Nam nào. Ông tạo ra trang blog Anh Ba Sàm trên nền Yahoo, ban đầu chỉ đăng tải các bài mà ông viết cho báo chí nhà nước, cho đến khi ông nhận ra nhu cầu của những người dân Việt Nam, muốn biết “thế giới nghĩ gì về chúng ta”.

Thế là Vinh bắt đầu dịch các tin bài trên báo chí nước ngoài về Việt Nam sang tiếng Việt, và lượng độc giả tăng dần. Blog Anh Ba Sàm cũng cung cấp cả những tài liệu về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, mà cho đến tận bây giờ vẫn còn là một vấn đề chính trị nhạy cảm.

Mặc dù trang Anh Ba Sàm thu hút được một số lượng độc giả khá lớn (đối với một website chính trị), nhưng Vinh không dừng lại ở đó. Ông đi xa hơn trong sự nghiệp “khai dân trí” với sáng kiến xuất bản một bản tổng hợp những tin tức quan trọng nhất mỗi ngày. Vinh cũng thêm vào đó các comment (lời bình luận) – kết hợp giữa những suy nghĩ sâu sắc của một trí thức với văn phong dí dỏm, sắc sảo. Và các comment đã nhanh chóng trở thành đặc thù của trang Anh Ba Sàm, thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn người đọc tiếng Việt trên khắp thế giới. Đó là một con số khá cao, đặc biệt khi mà lượng phát hành của tờ báo lớn Tuổi Trẻ chỉ đạt trung bình khoảng 200.000 bản.

“Tin tức được cập nhật 24/7. Đúng như kỳ vọng của độc giả, blog dành sự chú ý đặc biệt cho những câu chuyện mà nền báo chí quốc doanh của Việt Nam không được phép đưa tin. Món điểm tin hàng ngày này đã thu hút tới 100.000 độc giả thường xuyên” – David Brown, một nhà cựu ngoại giao người Mỹ thường có các bài viết được dịch đăng trên Anh Ba Sàm, đã viết như thế về trang mạng này vào tháng 3/2013, khi nó chịu một đợt tấn công nặng nề của các hacker “ủng hộ chính quyền”.

“Luôn đúng giờ, tuân thủ đạo đức báo chí, tức là chính xác, trung lập và bảo vệ nguồn tin, tôn trọng bản quyền. Đó là những nguyên tắc mà chúng tôi tuân theo trong suốt những năm qua” – Đinh Ngọc Thu, hiện là biên tập viên chính của trang Anh Ba Sàm, nói. Thu tham gia “điểm tin” cùng Vinh vào năm 2009, và lý do duy nhất khiến cô không bị bắt cùng Vinh và Thúy là vì cô đang sống ở California.

Quan hệ của Vinh với một số người trong bộ máy Nhà nước, xuất phát từ cương vị trước đây của ông trong các cơ quan nhà nước, cũng là những nguồn tin hữu ích. Tuy nhiên, đồng thời, chúng cũng gây nghi ngờ rằng ông là “an ninh trá hình”. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao Nguyễn Hữu Vinh mãi không bị bắt? Làm sao ông có thể “sống sót” qua rất nhiều đợt công an đàn áp blogger?

Bây giờ thì câu trả lời đã rõ ràng: Đó chỉ là vấn đề thời gian.
 
Hà Nội mùa xuân năm 2014. Ảnh: No-U Hà Nội

Công an vào cuộc

Chính quyền Việt Nam, với phần lớn là những gương mặt già nua, có lẽ không để ý nhiều đến sức mạnh của Internet, nhưng bộ máy an ninh của họ thì đã lưu tâm rất nhanh chóng. Bất kỳ người nào viết blog về các vấn đề chính trị sớm muộn cũng thấy có vấn đề với mạng lưới công an dày đặc ở Việt Nam. Vì thế, thật dễ hiểu khi Anh Ba Sàm được công an chú ý rất sớm, coi như một điểm tập kết của các lực lượng “phản động”.

Và dù sao thì đấy cũng là một niềm tin có cơ sở. Trang web đối kháng nào ở Việt Nam, hay nói đúng hơn là bằng tiếng Việt, cũng có lượng độc giả trung thành riêng của nó. Bạn đọc của Ba Sàm, như ông mô tả, có rất nhiều trí thức và đảng viên Đảng Cộng sản. Một tỷ lệ lớn trong số họ có thể vẫn còn trung thành với ý thức hệ cộng sản đã lạc hậu, và cái mà họ cần là “sự thật như nó vốn có” – trung lập và chính xác, không có sự kiểm duyệt của nhà nước.

Độc giả quả thật đã tạo thành một cộng đồng gắn kết, và bản thân độc giả cũng có người đọc của chính họ – có nhiều người vào Anh Ba Sàm chủ yếu để đọc các comment của Vinh và các blogger (“còm sĩ”) khác dưới mỗi bài. Rất nhiều còm sĩ đã trở nên nổi tiếng trong “đại gia đình bạn đọc Anh Ba Sàm”.

Chỉ có một đội ngũ rất ít người vừa lo nội dung vừa lo bảo mật, nên trang mạng thường xuyên bị tấn công. Ông Brown, nhà cựu ngoại giao, viết:

“… ngày 9/3, blog Ba Sàm bị tấn công triệt để. Bài vở, comment của mấy năm trời mất sạch. Tài khoản email của đội ngũ biên tập viên cũng mất. Nhóm Ba Sàm cho đến giờ vẫn chưa lấy lại được quyền kiểm soát trang anhbasam.wordpress.com. Tuy nhiên, đó vẫn còn là một bi kịch có thể xử lý được. Một ít nội dung đã được sao lưu dự phòng trên các máy chủ đặt ở nước ngoài”.

“… Một độc giả ngây thơ có thể kết luận rằng nhóm Anh Ba Sàm là một lũ phản động bất mãn, sống ở Mỹ, mưu lật đổ chính quyền Hà Nội”.

Sự thật là Vinh và cộng sự của ông chẳng nhận khoản trợ giúp tài chính nào từ bất cứ ai. Trên thực tế, khi nền kinh tế sa sút, công ty thám tử tư của Vinh cũng gặp khó khăn và đã gần trên bờ vực phá sản khi Vinh và Thúy bị bắt.

Một bạn đọc từng có đôi lần gặp Vinh kể lại một cuộc trò chuyện của chị với Vinh. Một cách nghi ngờ, bạn đọc đó hỏi: “Tại sao anh làm tất cả những việc này?”.

Ông đáp: “Bởi vì tôi ở vị thế tốt hơn bất cứ ai để làm việc này, cho nên nếu không làm, tôi sẽ cảm thấy có tội”.

Và ông bảo: “Bởi vì tôi đáp ứng đủ ba điều kiện. Thứ nhất, điều kiện kinh tế của tôi đủ tốt. Tôi có VPI, tôi không đến nỗi nghèo đói. Thứ hai, tôi có kiến thức về mạng. Và thứ ba, quan trọng nhất, là tôi hiểu họ – công an. Tôi đã từng ở trong họ, tôi hiểu họ”.

Tuy nhiên, có vẻ như cuối cùng ông đã thua. Người cựu sĩ quan an ninh đã không nghĩ rằng những đồng nghiệp cũ của ông có thể bắt ông, và ông bị bắt vào lúc không ngờ nhất.

Bản án đối với ông được dự đoán là sẽ nặng nề, bởi vì các tòa án của công an luôn xử nghiêm những người bị coi là “phản bội” nguồn gốc cộng sản của họ. Như Cù Huy Hà Vũ, con của một quan chức cộng sản cấp cao khác, cũng đã bị kết án 7 năm tù vào năm 2011.

Nhưng nói một cách lạc quan, chẳng phải đây là lúc để Vinh nghỉ ngơi hay sao? Ông đã làm việc quá nhiều, đấu tranh quá kiên trì trong suốt 7 năm qua, làm kiệt quệ cả bản thân ông lẫn các cộng sự. Và mặc dù ông có rất nhiều độc giả, cuối cùng, về cơ bản đó vẫn là một cuộc chiến đấu trong cô đơn.

Nhưng ông vẫn cứ blog.

California, 4/7/2014