10.08.2016

HOA KỲ PHÁN ĐOÁN SAI hay TRUNG CỘNG DIỄN GIẢI LỆCH

HOA KỲ PHÁN ĐOÁN SAI
hay
TRUNG CỘNG DIỄN GIẢI LỆCH
                                                 
 Đại Dương

Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (Permanent Court of Arbitration, PCA) đã bác bỏ các quan điểm về chủ quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Nam Trung Hoa mà Bắc Kinh yêu sách và tìm mọi biện pháp xác lập.

Mặc dù thua kiện, nhưng, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tận dụng các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, tuyên truyền bất chấp luật pháp quốc tế nhằm làm giảm nhẹ tác hại từ Phán quyết của Toà PCA. Đồng thời, chứng minh tinh thần dân tộc Đại Hán không chịu thua trong bất cứ hoàn cảnh nào.


Xue Li thuộc Viện Khoa học Xã hội của Trung cộng, và Tiến sĩ Xu Yanzhuo tốt nghiệp Đại học Durham ở Anh Quốc đã viết bài dài hơn 5,000 chữ trên Tờ Diplomat trong chiến dịch tuyên truyền quốc tế.

Đầu tiên, họ đưa Tổng thống Barack Obama lên tận 9 tầng mây “nhà lãnh đạo hoà bình, thực hiện quyền lực ngoại giao thông minh, thúc đẩy thế giới không có vũ khí nguyên tử, rút quân khỏi Iraq, nhanh chóng giảm quân tại A Phú Hãn, tái tham chiến ở Libya và Syria, ký thoả ước hạt nhân với Iran, tái lập bang giao với Cuba”.

Thực tế, Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ đã chuẩn bị sử dụng bom nguyên tử nếu NATO can thiệp vào Bán đảo Crimea, Bắc Triều nay doạ mai nạt sẽ thiêu rụi Hán Thành và tấn công Nhật Bản, Hoa Kỳ bằng bom nguyên tử. Nội chiến Iraq bùng nổ do sự rút quân vội vả, thiếu cân nhắc nên bây giờ Mỹ phải trở lại bằng Không-kích và 5,000 lính bộ chiến. Obama phải để lại 10,000 ở A Phú Hãn sau khi rời Toà Bạch Ốc. Libya tiếp tục loạn lạc. Nội chiến Syria trở thành cuộc chiến uỷ nhiệm mà Nga và Iran đang trên cơ làm bùng nổ làn sóng tị nạn ồ ạt khiến Liên Âu điên đầu. Hành động khủng bố lan tràn khắp toàn cầu. Iran vừa nhận tiền vừa tiếp tục phát triển kỹ thuật nguyên tử.

Do đó, dân Mỹ đã xếp Obama đứng chót trong danh sách các vị tổng thống Hoa Kỳ sau Đệ nhị Thế chiến.

Tuy giả vờ khen mà họ vẫn chê “Obama phán đoán sai trong chính sách Biển Đông:
(1) Trung cộng không tìm cách kiểm soát toàn bộ vùng biển và trục xuất Hoa Kỳ khỏi khu vực.
(2) Mỹ ảo tưởng có thể bắt Trung cộng làm rõ yêu sách trên Biển Nam Trung Hoa và từ bỏ Đường 9 Đoạn do một loạt nắm đấm”.

Hai học giả đe doạ “Cách tiếp cận này chẳng những làm nhục Trung cộng mà còn buộc Bắc Kinh phản công”.

Họ cáo buộc “Mỹ lấy mối đe doạ từ Bình Nhưỡng để tăng cường hợp tác an ninh Hàn-Mỹ-Nhật và hợp tác an ninh với đồng minh Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, và các đối tác Việt Nam, Mã Lai Á, Indonesia, Brunei”.

Thực tế, Bắc Kinh sử dụng Bình Nhưỡng như con rối để khuấy động Biển Đông Trung Hoa, đe doạ lãnh thổ và quyền lợi trên Biển Nam Trung Hoa buộc các quốc gia duyên hải Đông Nam Á phải cộng tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán chính đáng của mỗi dân tộc.

Hai học giả Trung cộng này cáo buộc “Hoa Kỳ đang ngăn cản Trung cộng trỗi dậy, tiến hành hoạt động quân sự trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế, EEZ, của các quốc gia khác, lèo lái vấn đề Nam Hải trong sự kiện Scarborough của Phi Luật Tân năm 2012, và giàn khoan HD-981vào EEZ của Việt Nam năm 2014, quyết liệt chống Trung cộng xây đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa”.

Thực tế, Phán quyết của Toà PCA đứng trên nền tảng pháp lý chứ không phải chiến lược hoặc chính trị trên Biển Đông do Bắc Kinh đã diễn dịch và áp dụng sai Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS).

Họ viện dẫn Công ước về Biển Khơi (Convention on the High Seas năm 1958, CHS) để bảo vệ quan điểm của Trung cộng nên dẫn tới lập luận sai: (1) UNCLOS 1982 đã điều chỉnh CHS. (2) UNCLOS bổ túc “EEZ không quá 200 hải lý trong khi Bắc Kinh yêu sách hơn 1,000 hải lý. Điều 58 quy định quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia, kể cả hoạt động phối hợp chiến hạm, hàng không mẫu hạm trong EEZ”. (3) Chỉ có quyền xây dựng đảo nhân tạo trong EEZ.

Họ biện minh “Trung cộng không có quá nhiều tham vọng, hoặc tìm cách kiểm soát toàn bộ Biển Nam Trung Hoa”.

Thực tế, (1) Bản đồ Đường 9 Đoạn được vẽ chiếm 85% Biển Nam Trung Hoa. (2) Bắc Kinh sử dụng lực lượng bán-quân-sự với các tàu chấp pháp (tuần duyên hạm lớn nhất thế giới có trang bị vũ khí), và đội tàu cá đông nhất toàn cầu để kiểm soát vùng nước chưa được pháp lý quốc tế công nhận.

Hai học giả Trung cộng viết “Tây Phương tôn trọng danh dự và phẩm giá trong khi văn hoá Đông Phương nhấn mạnh đến mặt mũi và hài hoà”.

Thực sự, văn hoá Phương Đông có lý và tình tuỳ theo tầm quan trọng của vấn đề. Pháp lý thể hiện rõ ràng các nguyên tắc chung trong mối quan hệ giữa quốc gia và quốc gia, giữa con người và con người. Nếu xảy ra xung đột cần có cơ quan trọng tài xét xử. Nếu chỉ xét về tình thì pháp lý bị bỏ cong vì ông nhà giàu hoặc cường quốc sẽ dễ dàng lấn át, chèn ép người nghèo hoặc nhược tiểu.

Họ lý luận “Mặc dù Biển Nam Trung Hoa chẳng thuộc lợi ích cốt lõi của Trung cộng mà làm nhục một thế lực đang lên không phải một siêu cường khôn ngoan nên làm. Thử tưởng tượng Trung cộng có 1,000 hoả tiễn liên lục địa thì hậu quả có thể đi xa hơn”.

Thực tế, (1) từ văn kiện chính thức lẫn phát biểu của các nhà lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh đều công khai tuyên bố Biển Nam Trung Hoa là quyền lợi cốt lõi của Trung cộng. (2) Có bao giờ trong chiều dài lịch sử mà Trung cộng không làm nhục các quốc gia láng giềng yếu thế hơn? Quân Nhà Minh, Mông Cổ, Nhà Thanh bị tan tác khi xua quân xâm lược nước Việt Nam. Hạm đội hùng hậu của Trung Hoa đại bại trước tàu chiến Nhật Bản tại Cửa sông Áp Lục. Nếu không xảy ra Thế chiến Thứ hai, chưa chắc Trung cộng đã thoát khỏi thế kỷ ô nhục. Nhật Bản cai trị Trung cộng trong Đệ nhị Thế chiến. (3) Liệu Trung cộng dám khai chiến khi chỉ có 250 vũ khí nguyên tử so với 7,500 của Mỹ, và 3,000 phi cơ so với 14,000 của Mỹ?

Hai học giả Trung cộng khuyên Obama dạy dỗ giới nón sắt thận trọng khi phát biểu hầu tránh điều bất lợi.

Họ vừa cho Obama uống nước đường, vừa lăm le cây gậy nhằm kiếm thêm cơ hội sơ hở mà đặt cộng đồng quốc tế trước thực tế phủ phàng.

Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:

How the US Misjudged the South China Sea Part I & II (Diplomat)
United Nations Convention on the Law of the Sea 1982
Convention on the High Sea