08.08.2016

Tập Cận Bình: „ Không động thủ, sau này nói gì cũng vô dụng !”

Tập Cận Bình: „ Không động thủ, sau này nói gì cũng vô dụng !”

Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, ảnh: Reuters.

Tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 4/8 đăng bài: “Tập Cận Bình kiên trì trạng thái hiện diện ở Biển Đông: Không động thủ, sau này nói gì cũng vô dụng dẫn một số thông tin đáng chú ý được cho là từ cuộc họp Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung cộng được tạp chí Minh Kính, Hồng Kông xuất bản cùng ngày tiết lộ.

Bản tin trên China Times viết:

Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói, phải xây dựng Trung cộng thành cường quốc về biển, phải bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển, không thể buông bỏ lợi ích chính đáng, càng không thể hi sinh lợi ích quốc gia cốt lõi.”

Bắc Kinh lâu nay muốn truyền một thông điệp ngoại giao thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn: Quyết không hy sinh (cái gọi là) chủ quyền quốc gia ở Biển Đông. Đó là lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung cộng.

Ngày 3/8, Trung cộng chính thức vận hành trang web về Biển Đông (southchinasea.org), trong đó công bố các  “tư liệu lịch sử”, bản đồ và lập luận về “chủ quyền, quyền lợi biển” của Trung cộng ở Biển Đông. 

Theo tạp chí
Minh Kính, trước đó Tập Cận Bình đã phát biểu trong một cuộc họp nội bộ: “Vấn đề Biển Đông nếu hiện tại chúng ta không ra tay, thì sau này chỉ còn lại đống tư liệu lịch sử, nói gì cũng vô dụng! Chúng ta phải hành động mới có thể duy trì được sự hiện diện và trạng thái tranh chấp. 
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung cộng sau hội nghị đã cho rằng: Nước lớn thực sự thì không sợ có vấn đề, ngược lại có thể tìm kiếm lợi ích từ vấn đề.

                  Bộ trưởng Quốc Phòng TC, Thường Vạn Toàn. Ảnh Internet

Điều này có vẻ phù hợp với diễn biến trên thực tế và phát biểu của các thuộc cấp như Ngô Thắng Lợi – Tư lệnh Hải quân, Tôn Kiến Quốc – Phó Tổng tham mưu trưởng Hồng quân khi Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ sang thăm sau phán quyết trọng tài 12/7.

Hay như mới đây, Thường Vạn Toàn – Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng lại đặc biệt nhấn mạnh cái gọi là mối uy hiếp an ninh quốc gia Trung cộng đến từ trên biển, kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng bằng chiến tranh nhân dân trên biển.

Tập Cận Bình thổi bùng khủng hoảng Biển Đông để thâu tóm quyền lực trong quân đội?

Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung cộng, Tôn Kiến Quốc, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: CT

Đó là nhận định của Nikkei Asian Review ngày 5/8: “Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đã tiếp tục thổi bùng tranh chấp Biển Đông để tiến hành cải tổ quân đội vốn kịch liệt phản đối sự thay đổi.”

Một cựu viên chức của đảng Cộng sản Trung Hoa tiêt lộ, chiến dịch cải tổ quân đội Trung cộng có liên quan chặt chẽ đến lập trường cứng rắn của Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông.

Bằng cuộc cải tổ này, Tập Cận Bình muốn ngăn chặn tình trạng các nhóm lợi ích lũng đoạn quân đội và 7 đại quân khu cát cứ các địa phương. Nikkei Asian Review viết:

Trong vài năm qua Trung cộng đã có những hành vi khiêu khích nguy hiểm ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển với một số nước láng giềng.“

Các hoạt động khiêu khích của Trung cộng trên Biển Đông đã bắt đầu kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Họ Tập đã vấp phải sự kháng cự rất lớn từ các tướng lĩnh quân đội bảo vệ lợi ích của họ.

Do đó đối với Tập Cận Bình, dàn dựng một cuộc khủng hoảng quân sự là cách hiệu quả nhất để thoát khỏi vũng lầy. Khủng hoảng ở Biển Đông đã được Tập Cận Bình xác định là cái cớ lý tưởng để đẩy mạnh cải tổ quân sự, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.

Tập Cận Bình bị sức ép ngược lại từ các tướng?

Khi sang thăm Hoa Kỳ tháng 9 năm 2015, Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Obama. Nhưng sau khi có phán quyết trọng tài hôm 12/7, Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung cộng trong cuộc gặp gỡ Đô đốc John Richardson Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ hôm 18/7 đã tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các công trình trên đảo nhân tạo ở Biển Đông như kế hoạch.

Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung cộng. Ảnh: Aboluowang.com.

Những quan điểm hung hăng, hiếu chiến từ một số tướng tá và một bộ phận truyền thông nhà nước Trung cộng, như tờ Thời báo Hoàn Cầu cho thấy quan điểm “diều hâu” hiếu chiến đang chiếm thế thượng phong trong đội ngũ tham mưu, hoạch định chính sách của Trung Nam Hải.

Điều này đã làm xấu hình ảnh Trung cộng một cách tệ hại trong con mắt dư luận khu vực và quốc tế, nhất là khi tờ Thời báo Hoàn Cầu lại hô hào bắn chìm tàu của Úc ở Biển Đông chỉ vì nước này ủng hộ việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông thể hiện qua phán quyết trọng tài.

Trên trang web chính thức của Trung cộng về Biển Đông, cái cơ bản, đầu tiên và quan trọng nhất thì đã bị lờ đi. Trung cộng không đưa ra những căn cứ pháp lý, cơ sở pháp lý quốc tế xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ vô chủ hoặc đã bị từ bỏ theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ, ngoài một đống tư liệu lịch sử không mang tính chất thuyết phục.

Một bộ phận những kẻ cơ hội chính trị, đục nước béo cò thao túng và làm những việc xằng bậy nhân danh quốc gia, dân tộc. Hoa Lục không thiếu nhân tài, không thiếu những người chính trực, ưu tú, hiểu biết luật pháp quốc tế, nhưng tiếng nói của họ đã không được lắng nghe. Đó là điều rất đáng tiếc đối với dân tộc Trung Hoa.